Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Hành trình tới dinh Độc Lập (Bài 4)

Hành trình tới dinh Độc Lập (Bài 4)

Tháng Tư 20, 2011

Trả món nợ tinh thần

Các số báo trước chúng tôi đã trích giới thiệu cuốn hồi ký “Hành trình đến dinh Độc Lập” của tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt – người chiến sĩ lái chiếc xe tăng 380 tiến sát theo sau 2 chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 lịch sử. Sau hơn 30 năm, người chiến sĩ ấy, giờ đã ở tuổi 60, mới có điều kiện viết lại rành rọt từng chi tiết chặng hành trình dài 3 năm của một đại đội xe tăng kể từ khi rời miền Bắc cho đến lúc cắm lá cờ cách mạng lên nóc dinh Độc Lập, để “trả một món nợ tinh thần” như lời anh nói.

  • Lời xin lỗi chưa kịp nói

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt và tấm ảnh chụp chiếc xe tăng 380 khi đang tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng. Ảnh: HẢI HÒA

Anh tâm sự: “Từ trước đến nay, khi nói đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Sài Gòn, tôi chỉ thường thấy nhắc đến sự kiện 2 chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập và nói đoạn cuối của cuộc chiến thắng 30-4: Trung úy, đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm lên nóc dinh Độc Lập.

Nhưng với tôi, để đến được cái đích đó, cần phải kể lại cả một quá trình kéo dài suốt 3 năm trời, từ khi cả Đại đội 4 xe tăng rời hậu phương miền Bắc cho đến khi tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Đó là lý do tôi ngồi viết cuốn hồi ký này”.

Hồi ký dày 265 trang A4, viết xong trong 2 tháng. “Bây giờ về hưu (sau giải phóng anh công tác tại Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp), tôi mới có thời gian để ngồi viết lại cả một chặng đường. Bởi vì đã nung nấu rất lâu rồi, tất cả có sẵn trong đầu, giờ chỉ ngồi là viết được”- anh nói vậy.

Anh bùi ngùi kể tiếp: “Để đi đến cái đích chiến thắng vào trưa 30-4, đại đội nhỏ bé của chúng tôi đã phải hy sinh 8 chiến sĩ. Khi đi, có 8 xe tăng. Đến ngày độc lập, chỉ còn lại 5 chiếc”. Trước đây, anh đã từng viết một bài hồi ký nho nhỏ lấy tựa “Lời xin lỗi không bao giờ kịp nói”. Trong đó, anh kể lại những cảnh tượng và suy nghĩ về những đồng đội hy sinh dọc chặng hành trình nhưng những dòng viết ngắn ngủi ấy vẫn chưa đủ.

Bây giờ, anh nghĩ là cần phải viết nhiều hơn về họ, về cả một đại đội anh hùng, về những điều mà nhiều người có thể còn chưa biết.

Những tình cờ làm nên lịch sử

Có một kỷ niệm, đúng hơn như là một sự tình cờ, cho đến bây giờ anh Nguyệt vẫn còn nhớ mãi. “Hồi đó đánh nhau, chúng tôi đâu có biết gì về đường sá ở Sài Gòn. Tất cả chỉ nhờ vào một tấm bản đồ bé bằng nửa bao thuốc lá. Đó là khi tập kết ở Đồng Nai, Hội Sinh viên Đại học Vạn Hạnh đã tặng quà cho bộ đội. Trong đó, có một cuốn lịch sổ tay nhỏ bé. Trong cuốn lịch lại tình cờ có một tấm bản đồ du lịch của Sài Gòn. Và cứ thế chúng tôi tiến vào phía dinh Độc Lập theo tấm bản đồ nhỏ đó”.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Đại đội 4 xe tăng ghi công trong việc húc đổ cổng dinh Độc Lập cũng là một sự tình cờ. Dẫn đường vào dinh Độc Lập là Tiểu đoàn 1 xe tăng, gồm Đại đội 1, 3 và 4. Nhưng do hôm đánh căn cứ Nước Trong, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đánh 3 trận không qua được, cháy mất mấy xe tăng liền, chỉ còn lại 3 xe nên đại đội 4 của anh Nguyệt do trung úy Bùi Quang Thận làm đại đội trưởng, Trung úy Vũ Đăng Toàn làm chỉ huy, được giao lên đánh Nước Trong và họ đã giành thắng lợi. Bởi vậy, khi đánh vào dinh Độc Lập, Đại đội 4 chỉ được lệnh đánh dự bị để bảo toàn.

Do đó, khi đánh xa lộ Sài Gòn, đi đầu không phải là Đại đội 4 mà là Đại đội 3. Nhưng khi đến cầu Sài Gòn, đại đội 3 bị bắn cháy 3 xe, tiểu đoàn trưởng hy sinh. Trong khi các đại đội kia mất chỉ huy, xuất phát chậm thì Đại đội 4 vọt lên, trở thành dẫn đầu cả lữ đoàn xe tăng tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Đi trước là xe đại đội trưởng Bùi Quang Thận và xe chỉ huy Vũ Đăng Toàn. “Xe của tôi 380 đi ngay sau và có thiệt thòi là khi đánh chiếm Nước Trong thì bị thương. 1 viên đạn pháo trúng ngay tháp pháo. Pháo 2 hy sinh. Khi vào Sài Gòn, pháo của xe tôi vẫn có thể quay và bắn được nhưng khẩu đại liên song song với pháo đã bị hỏng, khẩu 12 ly 7 bị bay mất. Người trên xe chỉ còn lại tôi và một pháo thủ. Do xe như vậy nên buộc phải đi phía sau cách 2 xe trước 300m”.

Chiều tối, cả Đại đội 4 lấy rượu Napoleon và Dehill cùng với ít mực trong kho kéo ra bờ cảng gió lộng, hơn 20 người cùng ngồi uống. Vừa uống vừa bắn pháo sáng. Bắn suốt đêm để ăn mừng ngày chiến thắng. “Đó là trận pháo hoa đầu tiên ở Sài Gòn”- anh Nguyệt nói.

Cuốn hồi ký được chia thành 5 phần. Phần 1 kể về cuộc hành quân từ Vĩnh Yên đến Quảng Bình. Phần 2 kể lại cuộc hành trình từ Quảng Bình chạy vòng sang Lào để đánh úp về A Lưới (Huế).

Cả đại đội hành quân độc lập. Một nỗi đau đã xảy ra vào đúng ngày 3-3-1972, khi từ Lào về Việt Nam thì cả đại đội hứng trọn 1 trận B52 của giặc Mỹ, 1 xe bị lật nhào, bốc cháy với 4 chiến sĩ hy sinh. Phần 3 bắt đầu chặng hành trình dọc đường 12 để làm nhiệm vụ vu hồi.

Do mũi tiên công của bộ binh bị tắc lại ở Thành Cổ Quảng Trị nên mũi vu hồi của Đại đội 4 phải nằm chờ suốt mùa mưa ở đường 12 vô cùng gian khổ, bi thương. Trong mùa mưa này, một người đã chết vì kéo pháo, một người chết vì vướng mìn, một người chết vì sốt rét.

Phần 4 là những kỷ niệm sau ký Hiệp định Paris và phần 5 là 42 ngày cuối cùng của mùa xuân năm 1975, từ 19-3 đến 30-4.

Văn Phúc – Đức Hải

SGGP Online