Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 2)

Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 2)

Tháng Mười Hai 22, 2011

QĐND – Sau này, qua sách báo của Pháp ta được biết: Phái đoàn Pa-ri sang Đà Lạt với một “chỉ thị rất nghiêm ngặt” (đề ngày 14 tháng 4 năm 1946) của ngoại trưởng Gioóc-giơ Bi-đôn (Georges Bidault), nói rằng: Không những phải làm sao cho hội nghị trù bị thất bại mà điều quan trọng là còn phải lái dư luận tin rằng, nguyên nhân đàm phán sơ bộ tan vỡ là “do phía cộng sản gây nên”. Cụ thể là phải khước từ ngừng bắn ở miền Nam; không được bàn về bất kỳ vấn đề gì thuộc phía Nam vĩ tuyến 16; phải tách Tây Nguyên ra thành “xứ Tây Kỳ tự trị”; phải đòi quân đội Việt Minh đặt dưới quyền Bộ chỉ huy Liên bang Đông Dương v.v.. Trong khi đó thì Phái đoàn Việt Nam nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đấu tranh để cụ thể hóa mấy nội dung chủ yếu của Hiệp định Sơ bộ:

– Quốc gia tự do (Etat libre): Phải nói rõ nội dung và mức độ tự do, nhất là về lãnh thổ, phải thống nhất hoàn chỉnh.

– Liên bang (Fédération indochinoise): Liên bang Đông Dương chỉ thể hiện về mặt kinh tế, nhất định không chấp nhận Chính phủ Liên bang.

– Liên hiệp Pháp (Union francaise): Nhận tự do liên hiệp với Pháp nhưng quyền hạn và nhiệm vụ của Việt Nam phải định rõ: Việt Nam phải được quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề của Liên hiệp có liên quan đến Việt Nam; ta phải có ngoại giao tối thiểu (với Anh, Mỹ, Nga, Hoa) và các nước láng giềng; Pháp phải giới thiệu Việt Nam vào Liên hợp quốc; về tài chính, ta phải có ngân hàng, tiền tệ riêng; về kinh tế, chủ quyền kinh tế của Việt Nam phải thuộc Nhà nước Việt Nam; về quân sự, ta không chấp nhận tổ chức quân sự liên bang, phải định rõ quân số, địa điểm và thời gian đóng quân của Pháp trên đất nước ta…

Phố Tràng Tiền (Hà Nội), trước ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Ảnh tư liệu.

Thật không có gì là khó hiểu vì sao ngay từ buổi họp đầu tiên, lập trường hai bên đã xung khắc như nước với lửa. Ta sớm thấy lập trường của Pháp gói gọn trong ba điểm chính: 1) Việt Nam không chỉ gồm ba “Kỳ” mà thành phần của nó (nhiều “Kỳ” hay ít) là do trưng cầu dân ý quyết định; 2) Cuộc trưng cầu dân ý (do Pháp tổ chức) chỉ diễn ra ở Nam vĩ tuyến 16; Chính phủ Việt Nam không được tham dự vào các vấn đề chính trị của phần lãnh thổ phía Nam trước khi có kết quả trưng cầu dân ý; 3) Hội nghị trù bị sẽ không bàn đến nội trị các xứ Nam Kỳ và “Tây Kỳ”. Trong khi đó, bên ngoài hội nghị, phía Pháp có những hành động hết sức ngang ngược khiến cho hội nghị càng thêm căng thẳng. Ví dụ: Đòi trục xuất ông Tạ Quang Bửu ra khỏi Đà Lạt, ngang nhiên bắt ông Phạm Ngọc Thạch đưa về Sài Gòn, đòi ta phải “xin phép” mới được dùng điện đài (của ta) để liên lạc với Hà Nội v.v..

23 ngày (19-4 đến 11-5-1946) căng thẳng nặng nề trôi đi, hội nghị kết thúc mà không đạt kết quả gì tích cực. Tuy nhiên, theo chỉ thị của Cụ Hồ, phái đoàn ta không chủ trương “cắt cầu”. Tại Đà Lạt, trả lời phóng viên nước ngoài, ông Giáp nói rằng, hội nghị chỉ phản ánh một sự bất đồng hữu nghị. Phía Pháp không có lý do gì để khước từ cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp như đã quy định trong Hiệp định Sơ bộ.

Một ngày sau khi hội nghị Đà Lạt kết thúc, tờ Lăng-tăng-tơ (L’Entente) của Pháp xuất bản ở Hà Nội viết: “Thực chất thất bại của hội nghị trù bị là kết quả điều hành của Phó trưởng đoàn Việt Nam Võ Nguyên Giáp – một bộ trưởng cộng sản”. Tờ báo đã phản ánh đúng chỉ thị của Pa-ri: Đàm phán để phá hoại đàm phán rồi đổ thừa cho phía những người đối thoại.

Gần hai tháng sau, hầu như những gì đã diễn ra ở Đà Lạt lại được tái diễn ở Phông-ten-nơ-blô. Ngoài phần lớn các thành viên đã từng có mặt trong hội nghị trù bị, người ta thấy có thêm đô đốc Bác-giô (Barjot), người mà báo chí Pháp gọi là “đại diện riêng và giấu mặt” của Đờ-gôn đến để “giám sát” hội nghị. Lần này, Gioóc-giơ Bi-đôn (là thủ tướng kiêm ngoại trưởng của Chính phủ mới được thành lập ngày 19-6-1946) cũng có chỉ thị rõ ràng hơn, cụ thể hơn về phương châm “đàm phán để phá hoại đàm phán”. Chỉ thị viết: “Vì lý do chống nguy cơ cộng sản, phải làm sao đạt được sự bảo đảm không để nước Việt Nam trở thành một con cờ mới trên bàn cờ Xô-viết, một vệ tinh mới của Mạc-tư-khoa”.

Sau khi nghe phổ biến chỉ thị của Bi-đôn (Bidault) và biết mưu đồ của giới cầm quyền Pháp quyết làm cho hội nghị thất bại, một thành viên của phái đoàn Pháp là giáo sư Pôn Ri-vê (Paul Rivet) đã tuyên bố tẩy chay không tham gia phái đoàn. Trong thư đề ngày 5-7-1946 gửi bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Ma-ri-uýt Mu-tê (Marius Moutet), giáo sư viết: “Tôi cự tuyệt không tham gia các cuộc thảo luận ở Phông-ten-nơ-blô vì tôi không muốn biến mình thành một kẻ bị lừa gạt, một kẻ đồng lõa…”.

Ý đồ của giới chính quyền Bi-đôn đủ lý giải vì sao sau hơn hai tháng (từ ngày 6-7 đến 8-9-1946), hội nghị chính thức Phông-ten-nơ-blô cũng chịu chung số phận như hội nghị trù bị Đà Lạt.

Điều cần nói thêm là trải qua gần ba tháng có mặt ở thủ đô Pa-ri, với danh nghĩa khách mời của Chính phủ Pháp, không trực tiếp tham dự cuộc thương thuyết nhưng Cụ Hồ đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ bình đẳng và hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Pháp, đề cao vị thế của Việt Nam, tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới.

Suốt 86 ngày ở Pa-ri, Cụ Hồ tiếp xúc với các ký giả Pháp hoặc nước ngoài gần 60 lần – một kỷ lục hiếm thấy trong hoạt động báo chí của một nguyên thủ quốc gia trên đất khách. Cuộc họp báo đầu tiên thu hút hàng trăm ký giả Pháp và nước ngoài. Chủ đề được Cụ luôn khẳng định là nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh, nguyện vọng nóng bỏng của người Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đó chính là nền tảng đường lối đối ngoại hợp tác thật thà và thân thiện trong hòa bình và hữu nghị với Chính phủ và nhân dân nước Pháp mới.

Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) – nơi Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Ngày 2 tháng 7, Thủ tướng Pháp chính thức tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo sứ giả Hăng-ri A-rô thì hôm đó, trong bài diễn văn của mình, Gioóc-giơ Bi-đôn “nói toàn những lời vô vị, trống rỗng và bóng gió”, trong khi đó thì vị khách châu Á chủ động đi thẳng vào vấn đề nhằm ngăn chặn ý đồ thôn tính và chia cắt của phía Pháp. Cụ nói: “Trước khi chính thức chào mừng Chính phủ Pháp, tôi đã có dịp thăm xứ Ba-xcơ (Basque). Sự tiếp xúc của tôi với xứ đó đã cho tôi nhiều bài học. Tuy họ giữ màu sắc riêng, ngôn ngữ và phong tục riêng, như­­ng dân Ba-xcơ vẫn là dân Pháp. N­­ước Pháp tuy có nhiều vùng miền khác nhau, như­ng vẫn là một n­ư­ớc thống nhất và không thể chia sẻ… Chúng ta đều đ­ư­ợc kích thích bởi một tinh thần: Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dư­­ơng một nguyên tắc đạo đức: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Ngoài giới báo chí, các chính khách và tướng lĩnh Pháp là đối tượng mà Cụ Hồ tiếp xúc nhiều lần. Cụ đã nói với họ những lời rất chân thành về nguyện vọng giữ cho mối quan hệ Việt-Pháp “không có tiếng súng”. Có người vì thiện chí mà sốt sắng và công khai ủng hộ nguyện vọng độc lập của nhân dân Việt Nam nhưng cũng có những người đến lúc đó vẫn chưa thay đổi nếp suy nghĩ thực dân thâm căn cố đế. Đó là các cựu toàn quyền Đông Dương A-lét-xăng-đơ-rơ và An-be Xa-rô, những người đã từng ra lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc mấy thập kỷ trước. Giờ đây, ngay những ngày Cụ Hồ có mặt ở Pa-ri, trên tờ Rạng Đông (Aurore-số ra ngày 6-8-1946), Va-re-nơ còn viết những câu nặng mùi thực dân, với khẩu khí “rất xưa” của một quan toàn quyền Đông Dương. Cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh – Va-re-nơ được giới báo chí coi là một cuộc đối thoại khá đặc biệt giữa hai chính khách chênh nhau 20 tuổi. Với phong cách rất riêng, Cụ Hồ đã chủ động tạo nên không khí hòa giải để nói với người đối thoại về thiện chí đàm phán và nguyện vọng độc lập của Việt Nam trong mối quan hệ hữu nghị với nước Pháp mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều thời gian trực tiếp nói chuyện với các thành viên trong phái đoàn đàm phán của Pháp. Mỗi lần tiếp xúc với họ là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng.

Giới kinh doanh cũng là những người sớm đến tiếp kiến Cụ Hồ để tìm hiểu lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với quyền lợi kinh tế của Pháp ở Đông Dương. Với các vị khách này, Cụ Hồ thường nói lên điều mong mỏi hội nghị Phông-ten-nơ-blô đạt kết quả tích cực để khai thông mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Cụ không giấu diếm mà nói Việt Nam rất cần những người thầy, những kỹ sư, những chuyên gia về kinh tế. Người Việt Nam “sẵn sàng làm học trò” về mặt này.

Một tuần sau khi Hội nghị Phông-ten-nơ-blô khai mạc, cuộc họp báo ngày 12 tháng 7 được các ký giả coi là rất quan trọng và bổ ích. Cụ Hồ đã nói đầy đủ về lập trường thương thuyết của Việt Nam đang được đặt trên bàn thương thuyết: 1) Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không có nghĩa là tuyệt giao với Pháp mà ở trong Khối Liên hiệp Pháp; 2) Việt Nam không chịu có Chính phủ Liên bang; 3) Nam Bộ là một bộ phận của Việt Nam. Không ai, không lực lượng nào có thể chia cắt; 4) Việt Nam sẽ bảo vệ tài sản của người Pháp, nhưng phía Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những tài sản có quan hệ tới quốc phòng; 5) Nếu dùng đến cố vấn thì Việt Nam sẽ ưu tiên dùng người Pháp; 6) Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.

Một tháng sau, trong bối cảnh cuộc đàm phán đang giậm chân tại chỗ, trong cuộc họp báo ngày 13 tháng 8, trả lời ông Rông-sắc (Báo Pháp Phrăng-ti-rơ (Franc-tireur), Cụ Hồ nói:

– “Tôi sang đây để hòa giải. Tôi không muốn về Hà Nội với hai bàn tay trắng mà với những kết quả cụ thể, một sự khẳng định tương lai hợp tác mà chúng tôi mong đợi… Tinh thần thiện chí của Việt Nam khi ký hiệp ­ước còn giá trị hơn mọi văn bản và lời nói, vì chúng tôi kiên quyết bảo đảm những lợi ích tinh thần, văn hóa và vật chất của Pháp và ngược lại, Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi. Tôi xin nhắc lại: Một từ “độc lập” là đủ để đư­a lại một sự tín nhiệm đang cần được khẳng định…

Được hỏi về vấn đề Nam Bộ mà phía Pháp vẫn chủ trương tách khỏi Việt Nam, Cụ Hồ nói: “Về mặt dân tộc và lịch sử, Nam Bộ là đất của Việt Nam, đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Như­­ các vùng Bretagne và Basque là những bộ phận không thể tách rời của nư­­ớc Pháp… Xin nhớ rằng, trước khi đảo Coóc-xơ (Corse) thuộc về nước Pháp thì Nam Bộ đã là của Việt Nam rồi…”.

Trải qua nhiều phen đứt nối, cuộc đàm phán đã đứng tr­­ước nguy cơ tan vỡ. Nhờ sự vận động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 9, hai phái đoàn tiếp tục các cuộc “họp hẹp” như­­ng cũng chỉ trải qua ba buổi, cuộc gặp gỡ ngày 7 tháng 9 đ­ư­ợc coi là cuộc họp cuối cùng. Tr­­ước tình thế khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, khả năng nổ ra xung đột quy mô toàn cục ngày càng tăng, để dành thời gian cần thiết cho công cuộc chuẩn bị kháng chiến, đêm 14 rạng 15 tháng 9, Cụ Hồ ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ư­­ớc.

Báo chí trong nước đánh giá: Đây là bước nhân nhượng cuối cùng, nhân nhượng thêm nữa sẽ vi phạm quyền lợi tối trọng của dân tộc.

Ta càng nhân nhượng – địch càng lấn tới. Tức nước vỡ bờ

Mặc dù hai bên Việt-Pháp đã lần lượt ký Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước, nhưng những phần tử “gô-lít” vẫn chủ trương dùng vũ lực, vẫn tìm mọi thủ đoạn để lấn tới.

Ngày 1 tháng 6, khi phái đoàn ta vừa lên đường sang Pháp thì tại Sài Gòn, Đô dốc Đác-giăng-li-ơ chính thức cho ra đời cái gọi là “Chính phủ lâm thời cộng hòa Nam Kỳ”. Ngày 8-6, đến Cai-rô (Ai Cập) và nhận đư­­ợc tin này, Cụ Hồ nói với tư­­ớng Ra-un Xa-lăng (tháp tùng chuyến đi) rằng: “Tôi vừa quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái chính phủ Nam Kỳ”! Phía Pháp cố tình kéo dài cuộc hành trình bằng máy bay của phái đoàn ta từ Hà Nội sang Bi-a-rit-dơ, một thị trấn ở Tây Nam nước Pháp. Báo chí Pháp hồi đó đã hài hước gọi chuyến đi 11 ngày này là “chặng đường bí ẩn”.

Ngay từ những ngày đầu Cụ Hồ đặt chân lên đất Pháp, những người Pháp ở Đông Dương đã liên tiếp đặt Chính phủ ta trước hàng loạt “việc đã rồi”. Họ tập hợp một số tay sai ở Đông Bắc chuẩn bị lập “xứ Nùng tự trị”, mở cuộc hành quân đánh chiếm một số địa bàn trọng yếu ở Tây Nguyên (ngày 21-6) để chuẩn bị lập “xứ Tây Kỳ tự trị”, triệu tập bọn tay sai ba nước họp “hội nghị Liên bang Đông Dương” ở Đà Lạt… Ngay tại Hà Nội, cùng với việc cho quân chiếm đóng trái phép Phủ toàn quyền cũ (ngày 23-6), họ tập hợp một số tên phản động trong các đảng Việt quốc – Việt cách (thân Tưởng trước đây, nay đã thay thầy đổi chủ) chuẩn bị làm đảo chính hòng lật đổ chính quyền cách mạng.

———

* Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 1)

(còn nữa)

Trần Trọng Trung

qdnd.vn