Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Cuộc tháo chạy tai họa (kỳ 2)

Cuộc tháo chạy tai họa (kỳ 2)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 2: Quyết định “Vẽ lại bản đồ chính trị Việt Nam

Quyết định tháo lui của Thiệu có lẽ  bắt nguồn từ việc ông ta lo ngại sức mạnh của Bắc Việt. Lầu Năm góc tin rằng, hiện đã có 16 sư đoàn  Bắc Việt Nam ở miền Nam. Hình như, ông Thiệu cũng cho rằng việc tái chiếm các vị trí chiến lược ở phía bắc và Tây Nguyên là bất khả thi sau chiến thắng của Việt Cộng ở Buôn Ma Thuột. Cuộc tấn công vào Buôn Ma Thuột đã buộc quân đội Việt Nam Cộng hòa trải mỏng từ Kon Tum qua Plei-cu tới Buôn Ma Thuột, dọc theo đường 14. Trong một động thái tuyệt vọng, Tổng thống Thiệu đã lệnh cho hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 23 ở Plei-cu tới ứng cứu  Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, hai trung đoàn này lại bị quân đội Việt Cộng đánh bật ra xa Buôn Ma Thuột. Sau ba ngày giao tranh, một lượng lớn quân đội Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt hoặc đầu hàng, số còn lại chạy thoát thân về phía biển.

Bị quân giải phóng tấn công, binh lính ngụy ở Plei-cu kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh tư liệu.

Sư đoàn 23 của Việt Nam Cộng hòa bị thiệt hại nặng khiến tình hình phòng thủ của Plei-cu rơi vào bế tắc. Cùng lúc, chính quyền Sài Gòn lại được tin thất bại thảm hại ở Kon Tum. 4 sư đoàn của Bắc Việt hiện đã có mặt ở Tây Nguyên. Thiệu đã bí mật gặp tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật vào ngày 14-3. Tổng thống Thiệu đã ra quyết định rút lui chiến lược. Bốn lữ đoàn biệt động phòng ngự ở Kon Tum được lệnh rút theo hướng đông nam tới tỉnh Phú Yên. Vài ngày sau,  lực lượng ở Plei-cu cũng bỏ chạy.

Tướng Phú rời Bộ tư lệnh Vùng 2 chiến thuật từ phía nam Plei-cu xuống Nha Trang. Tại Kon Tum, 68 phi cơ đã không thể bay do thiếu phụ tùng thay thế hoặc đã bị phá hủy để tránh rơi vào tay đối phương. Do bộ binh Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển theo hướng nam, nên Không quân Việt Nam cộng hòa đã đánh sập các cây cầu sau khi các toán quân rút chạy băng qua.

Trong lúc rút khỏi Tây Nguyên, Thiệu đã ra một quyết định quan trọng khác trong việc vẽ lại bản đồ chính trị Việt Nam. Ông ta bay ra Đà Nẵng để trao đổi với tướng Ngô Quang Trưởng, người được Sài Gòn coi là tư lệnh giỏi nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, và tiến hành kế hoạch đã vạch ra mấy tháng trước: Lùi tuyến phòng ngự từ Quảng Trị vào Đà Nẵng. Tướng Ngô Quang Trưởng đã mất những binh sĩ thiện chiến nhất khi Tổng thống Thiệu ra lệnh cho 4.000 lính dù trở về Bộ tư lệnh của lực lượng này ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.  Thiệu cho rằng, việc tăng cường phòng thủ ở Sài Gòn là rất cần thiết, phòng khi Cộng sản tập trung lực lượng tấn công Sài Gòn. Việc chuyển quân này đã khiến Huế bị sốc. Không nhận được chỉ thị từ chính quyền Sài Gòn song thị trưởng Huế vẫn ra lệnh di tản.

Chiến lược của Sài Gòn đã rõ ràng: Rút lui khỏi Tây Nguyên để bảo đảm quân số phòng thủ miền Nam Việt Nam. Một nhà phân tích của Lầu Năm góc nói rằng, từ giờ sẽ phải “vẽ một bản đồ rút ngắn của miền Nam Việt Nam”. Nó sẽ bao gồm cả phần lớn Vùng 3 và Vùng 4 chiến thuật, 11 tỉnh xung quanh Sài Gòn, 15 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một vài điểm phòng ngự lẻ tẻ dọc bờ biển phía bắc Đà Nẵng.

Bản đồ này giống với một bản mà tướng Mỹ nghỉ hưu Giêm Ga-vin (James Gavin) vẽ năm 1966. Ông này cho rằng, lực lượng Mỹ nên rút về đóng ở các  khu vực dễ phòng ngự dọc theo bờ biển miền Nam Việt Nam, như Nha Trang, Cam Ranh, Quy Nhơn và Đà Nẵng. Những thành phố đông dân này có tiềm lực về mặt kinh tế và quân sự. Đây cũng là những nơi có các cơ sở quan trọng như cảng biển và sân bay. Mặc dù lúc đó hầu hết các chuyên gia quân sự Mỹ bác bỏ kế hoạch của Ga-vin, song hiện nay nhiều người trong số họ lại đánh giá cao chiến lược rút lui của Thiệu.

Ga-vin (sau khi về hưu làm Chủ tịch tập đoàn Arthur D. Little) lại cho rằng kế hoạch rút quân của Thiệu không giống nhiều với kế hoạch trước kia của ông ta, vốn được thiết kế như bước tháo lui chiến thuật đầu tiên để Mỹ rút chân khỏi bãi lầy Việt Nam. Ga-vin tỏ ra khá bi quan về cơ hội thành công của chiến lược mà Thiệu đang triển khai. “Tình hình rõ ràng đang  nằm ngoài  khả năng kiểm soát của Thiệu. Tôi thấy cơ hội để Sài Gòn tự cứu mình rất mờ mịt”, Ga-vin nói.

(còn nữa)
qdnd.vn

* Cuộc tháo chạy tai họa (kỳ 1)

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam