Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trên những tuyến đường ra mặt trận

Trên những tuyến đường ra mặt trận

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại:

Một ngày cuối tháng 3, giữa lúc quân và dân cả nước đang tưng bừng với hàng loạt các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong ngôi nhà nhỏ ở phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng tôi gặp nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Hiền, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 202 – thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An.

Nhắc lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nữ Anh hùng Hồ Thị Hiền hồi tưởng: Vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 79 của Bác Hồ (19-5-1969), đơn vị của chị được lệnh lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình… Ở chiến trường, Đại đội 202 của chị được giao nhiệm vụ gùi hàng. Trên vai mỗi chiến sĩ TNXP ít nhất là 40kg hàng, một ngày hành quân không dưới 35km. Trên các cung đường lúc bấy giờ, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, nên đại đội phải tổ chức vận chuyển hàng hoá, vũ khí, đạn dược vào ban đêm. Đại đội trưởng Hồ Thị Hiền đã có sáng kiến dán giấy trắng vào lưng người đi trước để người đi sau nhìn rõ, bám theo nhau, giữ vững đội hình. Ngày 16-7-1969, trên đường từ Hướng Hoá đi Quảng Trị chuyển hàng, khi trở về, đại đội của chị bị máy bay địch bắn phá ác liệt, 4 chiến sĩ TNXP đã hy sinh… Nén đau thương, toàn đơn vị phát động thi đua, suốt 100 ngày trong chiến dịch, Đại đội 202 đã gùi được 879.600kg hàng vào mặt trận an toàn, góp phần bảo đảm một khối lượng vật chất, vũ khí trang bị khổng lồ dự trữ phục vụ hoạt động tác chiến của Quân Giải phóng sau này.

Ảnh minh họa/tư liệu internet.

Đầu năm 1971, Đại đội 202 của chị vinh dự được tham gia phục vụ Chiến dịch Đường 9  – Nam Lào. Lần này ngoài nhiệm vụ làm đường, lấp hố bom, đại đội còn được giao nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Đường vào trận địa hiểm trở, phải trèo đèo, lội suối, bom đạn địch đánh phá rất ác liệt, có khi lại phải vượt qua bãi mìn. Chị Hiền chỉ huy một tổ cảm tử gồm 8 đồng chí (Hiền, Thịnh, Mận, Tân, Mai, Quý, Hoàng, Khầm) với chiếc đèn pin và tấm bản đồ lần theo đường dây điện thoại để gỡ mìn, mở tuyến. Chỉ tiêu trên giao 6 người cáng một thương binh, riêng đại đội của chị chỉ 3 người đã cáng được 1 thương binh. Đối với những thương binh nhẹ, chị hướng dẫn anh em dùng bao tượng đựng gạo buộc qua nách vai thương binh dìu đi vừa vững vàng, đỡ nhân lực lại dễ đi khi lên dốc, khi qua suối. Có lần, Đại đội TNXP 202 bị địch bao vây từ 7 giờ đến 19 giờ trong thung lũng dưới đồi Tà Cơn, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, bom đạn giội xuống như mưa. Tất cả mọi người đều đói và khát, trong khi bị mất liên lạc với cấp trên. Chị Hiền vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị và lao xuống từng hầm, từng tiểu đội động viên anh chị em: Dù đói, khát cũng không được đỏ lửa, phải dùng thức ăn khô và một ít nước dung dịch cho từng đồng chí lấy sức để đào hào nối liền các tiểu đội với chỉ huy đại đội. Đồng thời các chiến sĩ trong đơn vị dùng gậy chống, đòn khiêng thương binh vót nhọn và xẻng chuẩn bị sẵn sàng, nếu địch đổ bộ xuống thì phải chiến đấu đến cùng, bảo vệ thương binh…

Cuối năm 1972 đầu năm 1973, đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông đoạn qua phà Quán Hàu. Mặc dù đơn vị có nhiều đồng chí bị thương vong trong các trận đánh, nhưng toàn đơn vị đã bảo đảm đường không bị tắc, những đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng vào tiền tuyến. Đã 3 lần Đại đội 202 đã làm lễ truy điệu sống cho chị Hiền, trước khi chị trực tiếp phá bom nổ chậm, và cả ba lần chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mạch máu giao thông được thông suốt. Sau những ngày lao động, chị tổ chức, động viên anh chị em học tập văn hoá, luyện tập quân sự. Kết quả, khi chiến tranh kết thúc 100% anh chị em mù chữ trong đại đội đều biết đọc, biết viết, trong đó có 93 đồng chí tốt nghiệp cấp 1 chuyển lên cấp 2.

Tháng 7 năm 1993 khi đã về nghỉ hưu, mặc dù sức khoẻ không được tốt nhưng chị vẫn tham gia hoạt động đoàn thể, hiện chị vẫn giữ cương vị là Trưởng ban liên lạc của Đội TNXP Trường Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Lê Mao, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đội 241 TNXP, tổ phó tổ dân cư trên địa bàn chị sinh sống. Người chồng thương yêu của chị đã ra đi về cõi vĩnh hằng, giờ chỉ có chị và 1 cô con gái chưa lập gia đình sống cùng, còn 2 người con trai đi lập nghiệp xa nhà. Chị dành tất cả tình yêu thương cho con cái và những người đồng đội cũ. Chị Hiền tâm sự với chúng tôi: “Điều mong mỏi nhất của tôi lúc này là Đại đội 202 – N241 – P31 Tổng đội TNXP Nghệ An được Đảng, Nhà nước xét tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân, bởi đó là một đơn vị có bề dày chiến công; là niềm tự hào của một thế hệ chiến sĩ TNXP Nghệ An trên những tuyến đường ra mặt trận, là nơi chúng tôi đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc”.

Từ nhiệm vụ vận chuyển bảo đảm cơ sở vật chất, vũ khí đạn dược trong khoáng chiến chống Mỹ nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng, nữ Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Hiền và các cựu TNXP Tổng đội TNXP tỉnh Nghệ An cũng trăn trở nhiều điều về công tác bảo đảm hậu cần trong chiến tranh hiện đại nếu xảy ra. Theo các anh, các chị, khi kẻ thù mạnh hơn ta cả về quân sự, kinh tế, ta muốn giành chiến thắng thì phải chủ động tiến hành công tác chuẩn bị thật chu đáo. Phải động viên, phải huy động được sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của cả nước cho nhiệm vụ quan trọng này. Chiến tranh trong tương lai (nếu xảy ra) có thể là chiến tranh không phân tuyến, tiền tuyến – hậu phương không rõ ràng như trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, việc xây dựng các căn cứ hậu cần tại chỗ cần được đặc biệt quan tâm. Còn về công tác vận tải, theo chị Hiền và các anh, các chị cựu thanh niên xung phong Đội N241, cùng với xây dựng các đơn vị vận tải hiện đại, vẫn không thể bỏ được lực lượng cơ động vận tải thô sơ. Với đặc điểm địa hình và cách đánh truyền thống của ta, dù phương thức tác chiến có thay đổi như thế nào chăng nữa thì lực lượng gùi thồ vẫn phát huy tốt tác dụng.

Ngô Thị Nga
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam