Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Hậu phương tiếp sức chiến trường

Hậu phương tiếp sức chiến trường

Tháng Tư 30, 2013

“Hậu phương lớn và vững mạnh là miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sức mạnh chính trị – tinh thần của quân và dân ta, cho phép chúng ta có thể động viên sức người, sức của tối đa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975”- Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Từ “Thóc không thiếu một cân,…”

Đã bước sang tuổi 85 nhưng trên cương vị Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam,  đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu vẫn trèo đèo, lội suối đến với bà con các dân tộc, khi ở phía Bắc, khi ở phía Nam. Là người con của “Quê hương 5 tấn Thái Bình”, cán bộ chủ chốt của tỉnh khởi xướng phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong thời kỳ chống Mỹ,  đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu đã say sưa kể về những năm tháng hào hùng của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

“Năm 1963, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình, lúc đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nhu cầu lương thực, thực phẩm cho chiến trường rất lớn.  Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Thái Bình đưa ra ba mũi tiến công trên mặt trận kinh tế. Mũi thứ nhất, lấn biển: “Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Mũi thứ hai, thâm canh tăng vụ: “Chín tháng cho người, ba tháng cho chăn nuôi”. Mũi thứ ba là đưa nhân dân đi xây dựng  kinh tế mới ở miền núi: “Tổ quốc ta giàu đẹp, đâu cũng là quê hương”- Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu nhớ lại.

Đoàn xe từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền NamẢnh tư liệu của TTXVN 

Khi hỏi về khởi nguồn của phong trào “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu kể:  “Để tăng năng suất lúa, Thái Bình tiến hành  cải tạo đồng ruộng, làm thủy lợi và phân bón và thay đổi giống lúa. Vụ lúa xuân khởi đầu từ Thái Bình trở thành vụ lúa xuân chính vụ và nhân rộng toàn miền Bắc. Để cải tạo đất nhiễm mặn chua phèn, chúng tôi phải vào Ninh Bình, ra Hải Phòng xin tổ chức công trường khai thác đá chở về nung vôi. Lúc bấy giờ, phân hóa học rất ít, nhằm tiết kiệm phân hóa học, chúng tôi đã  dùng đất ruộng phơi ải, đập nhuyễn ra, trộn với phân đạm, phân lân, ka-li  thành một chất dẻo, rồi viên thành từng viên. Các viên này được các xã viên đút vào gốc khóm lúa… Nhờ có các giải pháp tổng hợp này mà năng suất lúa của Thái Bình đã tăng dần từ 2,5 tấn/ha tăng lên 3 tấn, 4 tấn rồi 5 tấn/ha. Giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất, Thái Bình đã đạt năng suất bình quân 6 tấn rồi 7 tấn/ha vào các năm 1972, 1974. Chỉ tính từ 1965 đến 1974, Thái Bình đã huy động cho Nhà nước hơn một triệu tấn lương thực, hàng chục vạn tấn thịt lợn, cá, muối…, góp phần cùng với cả miền Bắc chi viện, tiếp sức cho tiền tuyến lớn miền Nam”.

Đến “…quân không thiếu một người”

Hào hứng kể về quê lúa Thái Bình, đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu khẳng định với chúng tôi: Mỗi mốc son lịch sử của dân tộc đều có dấu ấn của mảnh đất và những người con ưu tú quê ở Thái Bình. Riêng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước (từ 1955 đến 1975), Thái Bình đã tiễn đưa 22 vạn con em lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và là tỉnh có tỷ lệ dân số đi bộ đội cao nhất toàn quốc. Trong đó có hơn 34 nghìn người con ưu tú đã ngã xuống trên các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia.

Sở dĩ có thể huy động được một lực lượng lớn như vậy cho tiền tuyến, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, công tác tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí kể rằng: “Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, tôi đã động viên con trai đầu của tôi khi ấy mới 17 tuổi, đang học lớp 10, ốm yếu gầy gò, xung phong đi bộ đội để làm gương. Cháu đã được  vào chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Thấy con của đồng chí Chủ tịch tỉnh xung phong vào bộ đội, nhiều gia đình khác đã động viên con em của họ tòng quân”.

Bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Từ 1959 đến 1975, hậu phương miền Bắc đã tiếp tế cho chiến trường miền Nam gần 700.000 tấn vật chất, trong đó có hơn 180.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật; cung cấp và tổ chức cơ động hàng triệu lượt người vào chiến đấu và công tác trên các chiến trường. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại các chiến trường miền Nam, hơn 80% quân số của lực lượng vũ trang, 81% vũ khí và đạn, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải… là do hậu phương miền Bắc chi viện.

Nguồn: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, chiến tranh dù đã lùi xa 35 năm, nhưng những bài học quý giá từ sự chi viện, tiếp sức của hậu phương cho tiền tuyến vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù “trình độ sản xuất” của nền kinh tế nước ta lạc hậu xa so với “trình độ sản xuất” của nước Mỹ, nhưng chúng ta đã chiến thắng. Chiến thắng đó không phải ở trình độ sản xuất của nền kinh tế mà là tính ưu việt của chế độ kinh tế ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tính ưu việt của chế độ được thể hiện ở mối quan hệ giữa người với người, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo tốt  các đối tượng chính sách; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp dân cư trong việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Đặc biệt là sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên.

Trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc  ngày nay, chúng ta cũng đang phải đương đầu với những kẻ thù nội xâm, ngoại xâm như tình trạng tham nhũng, lãng phí, âm mưu “diễn biến hòa bình”, xâm phạm lãnh thổ… Để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng cần thiết phải kết hợp tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và ngược lại; gắn việc thực hiện quốc phòng, an ninh, kinh tế với hoạt động đối ngoại… Sự gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là bài học trong giai đoạn sau này.

Đỗ Phú Thọ
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam