Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trận then chốt quyết định (kỳ 5)

Trận then chốt quyết định (kỳ 5)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 5: Thời khắc của lịch sử

Đảm nhiệm hướng luồn sâu tạo yếu tố bất ngờ nhiều nhất đối với địch, trung đoàn phải hành quân trên một cung đường xa nhất – hai ngày hai đêm để đến vị trí tập kết cuối cùng. Và lát nữa, trung đoàn, do chính sư đoàn trưởng dẫn đầu sẽ lại hành quân vào vị trí triển khai chiếm lĩnh.

– Báo cáo, phiên điện cuối cùng với đồng chí Đàm Văn Ngụy là 15giờ 30 phút – Đồng chí trực ban chợt xuất hiện trở lại làm gián đoạn dòng suy tưởng của tôi. Tôi nhìn đồng hồ: 14 giờ 40 phút.

– Được, đồng chí ghi bức điện sau đây:

“Gửi anh Ba Đàm (biệt danh 316 – T.G)

Đêm 9 tháng 3, chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định.

Sáng 10 tháng 3, nổ súng đúng thời gian quy định.

Nắm chắc đơn vị, hiệp đồng chặt chẽ.

Bắt đầu hành quân, báo cáo.

Triển khai chiếm lĩnh, báo cáo.

Nổ súng xung phong, báo cáo” (*).

Tôi nhắc thêm: “Ký điện tên tôi và Chính ủy Nguyễn Hùng” (Đặng Vũ Hiệp).

*

*       *

Tôi xin phép đi trước thời gian một chút. Ba năm sau, mùa Xuân 1978, người giúp việc của tôi – Đại úy Vũ Cao Phan – đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở phía bên kia của các sự kiện mà tôi đang đề cập đến:

Trụ sở Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột sau giải phóng. Ảnh: Trần Ngọc

Tướng Phạm Duy Tất, phụ tá Chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách biệt động quân; tướng Lê Văn Thân, Phó chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách lãnh thổ; tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 23; Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn 53; Đại tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53, Sư đoàn 23; tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá Chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách hành quân; tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân đặc trách cao nguyên (sở chỉ huy Plei-cu) và Đại tá Vũ Thế Quang, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 kiêm Tư lệnh lãnh thổ Nam Tây Nguyên. Nghĩa là tất cả những kẻ chịu trách nhiệm chủ yếu ở Tây Nguyên năm 1975, trừ viên tư lệnh của nó – tướng Phạm Văn Phú đã trốn chạy sự thật bằng một viên đạn tự kết liễu vào phút hấp hối của ngụy quyền Sài Gòn. Cộng vào các “khuôn mặt cao nguyên” ấy còn có tướng Nguyễn Hữu Có, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng của một thời “tam hùng” Thiệu – Kỳ – Có, người có quan điểm gần cận với Dương Văn Minh, và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Mặt trận phòng thủ Phan Rang vào phút cuối cùng, kẻ luôn luôn nhận sự che chở của Nguyễn Văn Thiệu.

Chúng tôi đã nêu ra một loạt vấn đề và để họ được phát biểu ý kiến một cách độc lập. Về vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề then chốt: “Anh hãy phát biểu một cách khái quát nhất về chiến dịch Tây Nguyên”, hầu như tất cả bọn họ, diễn đạt dưới những cách tiếp cận vấn đề khác nhau, đều cho rằng đây là một đòn thối động chiến lược đã tạo nên khúc quanh của chiến tranh.

– Bước ngoặt của chiến tranh, đúng thế- Tướng Có còn đưa thêm ý kiến có vẻ tiên tri-ngay khi hay tin Quân đoàn 2 bị gục, tôi đã nói với ông Dương Văn Minh: Đừng mong gì hơn, đây không phải là cái kết cục mà chỉ là cú mở màn, thưa Đại tướng…

Không, tôi không muốn khẳng định một điều gì, nhất là với cương vị là người đã chứng kiến và tham gia vào các sự kiện ấy. Hơn nữa, đấy là những ý kiến từ phía bên kia và rốt cục họ lại cũng là những kẻ trong cuộc. “Thua trong một trận quyết định cũng là điều vinh hạnh”, phải chăng châm ngôn ấy đã khiến họ đưa ra ý kiến chủ quan? Không, quả là tôi chưa muốn khẳng định một điều gì khi bản thân lịch sử-sự khách quan tuyệt đối – có thể chưa đủ sức nặng thời gian để khẳng định. Chỉ biết rằng, cho đến tận hôm nay và có lẽ suốt cả quãng đời còn lại của người lính, tôi vẫn còn xúc động sâu sắc về thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên cùng với những hệ quả của nó, cũng như buổi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, tôi đã xúc động như thế nào khi nghe tiếng những giàn pháo nổ như chưa bao giờ nổ trên chiến trường quen thuộc này.

Lúc đó là 5 giờ 30 phút, giờ G. Cùng lúc với bộ binh và xe tăng chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công, pháo binh chiến dịch, pháo binh sư đoàn và các đơn vị pháo binh khác trút xuống đầu địch những loạt đạn đầu tiên. Một bất ngờ không phải không đáng kể là lúc đầu trời mù, chúng ta đã không nhìn thấy các mục tiêu để xác định ngay kết quả xạ kích một cách chính xác. Nhưng rồi tầng mù cũng xua nhanh và trời sáng rõ dần. Trận pháo bắn chuẩn bị thực sự bắt đầu từ 6 giờ 30 phút. Tiếng nổ đầu nòng lẫn với tiếng nổ của đạn phá, rồi tất cả đập vào vách núi từ bốn hướng đã tạo nên cả một biển triều không dứt những âm hưởng đặc trưng của chiến tranh. Từ sở chỉ huy chiến dịch cách Buôn Ma Thuột 9km đường chim bay có thể nghe rõ cả tiếng nổ hỗn độn của các kho đạn địch bị cháy và tiếng phản pháo yếu ớt của chúng. Tôi thấy gì lúc đó? Phải, chưa bao giờ trong hơn ba mươi năm cầm súng-cho đến lúc ấy – tôi đã tham gia một trận đánh mà trong đó lực lượng pháo binh của chúng ta lại hùng hậu và áp đảo đến như vậy. Áp đảo? Đúng thế, tỷ lệ so sánh là gần 5 trên 1 trong trận mở đầu. Nhưng số lượng không nhất thiết là yếu tố quyết định. Ở Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ có 24 khẩu pháo mà vẫn giành được ưu thế hỏa lực khiến Tư lệnh Pháo binh Pi-rốt lúc đó phải tìm đường tự vẫn để biểu thị sự bất lực một cách “khẳng khái” nhất. Vậy thì vấn đề quyết định bao giờ cũng là ở cách sử dụng.

Trận pháo bắn chuẩn bị kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ đã làm tê liệt quan trọng sức đề kháng của địch. Chúng ta có dồi dào đạn pháo không chỉ do sự chi viện của trên mà còn do chúng tôi đã sử dụng tiết kiệm trong những năm 1973, 1974. Hầu hết đạn pháo sử dụng trong thời kỳ đó là cỡ 105mm và 155mm lấy được trong các kho của địch hồi năm 1972 và cả những năm tiếp theo, mà các chiến sĩ pháo binh Tây Nguyên thường gọi đùa là đạn “lương khô”.

Khi các cỡ pháo chuyển sang bắn chi viện, từ các hướng, bộ binh và xe tăng ta dũng mãnh tiến lên xung phong đánh chiếm các mục tiêu đã được hiệp đồng. Cuộc tiến công có ít nhiều thuận lợi ban đầu ở hướng Trung đoàn 149 nhưng đã diễn ra khá ác liệt ở các hướng khác vì địch đã kịp thời tổ chức kháng cự. Trung đoàn 148 tiến công từ hướng tây bắc đã phải đột phá qua cả một tung thâm bố phòng của căn cứ trung đoàn thiết giáp và trận địa pháo binh địch. Bọn chúng tuy bị bất ngờ nhưng đã nhanh chóng củng cố lại các trận địa phòng ngự có sẵn. Bộ đội ta gặp nhiều tổn thất nhưng vẫn anh dũng tiến lên. Đến buổi trưa cửa đột phá được mở tung nhờ hành động dũng cảm của đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ công đã đích thân lao lên chỉ huy mở cửa, sau nhiều lần mở không có kết quả vì hỏa lực dày đặc từ trận địa pháo binh địch. Ở hướng thọc sâu của tiểu đoàn 4 bộ binh và tiểu đoàn 3 xe tăng cũng vậy. Các chiến sĩ tiến giữa một liên hợp kho tàng dài gần 2km được mệnh danh là Mai Hắc Đế mà địch vốn đã triển khai các hình thức bảo vệ chặt chẽ. Bốt canh dày chi chít là những điểm tựa khống chế cả một dải hành lang phát triển của bộ đội ta. Mặc dù một phần lực lượng xe tăng tiến trên hướng này phải nằm lại dọc đường, máu đổ nhiều, tiểu đoàn trưởng hy sinh, chính trị viên tiểu đoàn hy sinh, bộ đội thọc sâu vẫn tạo thành một mũi khoan nhanh và hiểm vào tung thâm địch. Ở hướng đông bắc do Trung đoàn 95B đảm nhiệm, tình hình có khác một chút. Tôi xin mở ngoặc để nói thêm, đây là đơn vị được tăng cường cuối cùng theo yêu cầu của chúng tôi, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong trận đánh thị xã Quảng Trị năm 1972, đến chiến trường mới được 20 ngày nhưng lại phải phát triển trên hướng chủ yếu của trận mở đầu then chốt. Trung đoàn không gặp nhiều khó khăn khi đột phá, đánh chiếm mục tiêu đầu khá nhanh nhưng phải trụ lại trong nhiều giờ để đánh bại các đợt phản kích địch, rồi ngoan cường tiến đến mục tiêu quan trọng đã được xác định là cơ quan tiểu khu quân sự Đắc Lắc. Hỏa lực pháo binh địch đã bị hạn chế do hình thái xen kẽ địch, ta trong thành phố, song để bù lại, chúng sử dụng tối đa lực lượng không quân có thể huy động được. Máy bay địch giội bom, vãi đạn cố bịt các đầu cầu, nhất là trên các hướng tây bắc, đông bắc, đông nam, nhưng cũng đã vấp phải hỏa lực mãnh liệt của bộ đội phòng không theo sát bộ binh.

Bộ tư lệnh Chiến dịch, trên cả hai sở chỉ huy cơ bản và phía trước đã theo dõi chặt chẽ các tình huống diễn biến. Nhưng chính lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt trong thị xã thì nhãn quan chiến dịch đã buộc chúng tôi, một mặt vẫn phải hết sức chú ý đến nó, mặt khác bỏ qua nó để nhìn đến toàn cục. Trinh sát cho biết chưa thấy có động tĩnh quan trọng của địch trong phạm vi toàn Quân khu II. Tôi yêu cầu các đồng chí thông qua bộ phận tham mưu của Đại diện chiến lược để tìm hiểu thêm tình hình địch ở cả miền Nam và sự phối hợp tác chiến của các chiến trường bạn. Riêng trong phạm vi Tây Nguyên, vào hồi 15 giờ, chúng tôi đã được tin địch quyết định điều liên đoàn biệt động quân số 21 ở ngoại vi đông bắc vào phản kích hòng chiếm lại một số mục tiêu quan trọng đã mất trong thị xã. Nhưng lực lượng ô hợp này, rõ ràng sợ bị chung đòn trước cuộc tiến công như vũ bão của ta, vẫn chần chừ chưa dám tiến. Ở Plei-cu, Trung đoàn bộ binh số 45 được lệnh cấm trại để sẵn sàng đổ bộ trực thăng xuống vùng Buôn Ma Thuột. Những tin tức đó không có gì đặc biệt, địch tất nhiên phải phản ứng như thế, nhưng nó cũng đã khiến chúng tôi quan tâm. Tôi nhắc Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước:

– Nắm chắc lại tình hình cơ động của Trung đoàn 66. Đôn đốc Sư đoàn 10 khẩn trương dứt điểm Dak Sak ngay.

Trận đánh của Sư đoàn 10 ở Đức Lập – Dak Sak có quan hệ mật thiết đến trận đánh Buôn Ma Thuột và tình hình địch mà tôi vừa nói đến. Phải nhìn rộng ra một chút để thấy rõ vấn đề. Chúng ta có một lực lượng lớn ở Tây Nguyên nhưng trước ngày nổ súng, toàn bộ lực lượng này đã được đưa vào cài thế chiến dịch với các nhiệm vụ: Nghi binh (Sư đoàn 968), chia cắt (Sư đoàn 320, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 25), sẵn sàng bước vào chiến đấu (Sư đoàn 320, Sư đoàn 316, Sư đoàn 10, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 271). Khi chiến dịch bắt đầu thì ba sư đoàn và ba trung đoàn độc lập phải đảm nhiệm một chính diện tiến công 200km và một chiều sâu phát triển 10km (theo dự kiến ban đầu) ở hướng Nam Tây Nguyên, hướng chủ yếu của chiến dịch; còn một sư đoàn cùng với một trung đoàn độc lập phải đảm nhiệm một chính diện 300km ở hướng bắc, vừa để bảo vệ vùng giải phóng rộng lớn vừa tham gia tiến công phối hợp. Guồng máy đã được sử dụng hết công suất. Vào lúc đó, lực lượng dự bị có trong tay chúng tôi chỉ còn một trung đoàn (Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn bộ binh 10), nhưng cũng chỉ là trên danh nghĩa vì trung đoàn này đã phải rút ra một tiểu đoàn đảm nhiệm mũi thọc sâu trong trận Buôn Ma Thuột và một tiểu đoàn nữa làm dự bị cho Sư đoàn 10.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
qdnd.vn

Trận then chốt quyết định (kỳ 4)
Trận then chốt quyết định (kỳ 3)
Trận then chốt quyết định (kỳ 2)
Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Kỳ 6: Đột biến chiến dịch

(*) Điện gửi Sư đoàn 316 ngày 9 tháng 3 năm 1975 – lưu trữ Sư đoàn 316

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam