Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Chủ động, kiên quyết tổ chức kháng chiến

Chủ động, kiên quyết tổ chức kháng chiến

Tháng Chín 18, 2011

QĐND – Được quân Anh, Nhật tiếp sức, ngày 23-9-1945, quân Pháp mở cuộc tiến công Sài Gòn nhằm đánh hủy diệt chính quyền và LLVT non trẻ của ta, chiếm Nam Bộ làm bàn đạp giành lại thuộc địa Việt Nam và Đông Dương. Quân và dân Sài Gòn anh dũng chiến đấu, chặn đứng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, tạo thời cơ, điều kiện để ta xây dựng củng cố căn cứ kháng chiến và lực lượng tổ chức kháng chiến lâu dài. Thành công này đã khẳng định bước trưởng thành của công tác lãnh đạo và tổ chức kháng chiến, đánh dấu bước phát triển đầu tiên của nghệ thuật tổ chức thực hành kháng chiến chủ động, kiên quyết, táo bạo.

Nắm chắc sự phát triển của tình hình và sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ quán triệt sâu sắc các nguyên tắc cơ bản là: Mục tiêu kháng chiến vì độc lập tự do của Tổ quốc; thực hành kháng chiến bằng sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và các LLVT cách mạng, kiên quyết giành thắng lợi với phương châm toàn dân, toàn diện và trường kỳ kháng chiến; tập trung, thống nhất các lực lượng và các mặt công tác chỉ huy, chính trị, quân sự, dũng cảm đánh trả, làm thất bại âm mưu của địch.

Dân quân cứu quốc Nam Bộ luyện tập chuẩn bị kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Khi tù binh Pháp được thả và tái trang bị, địch đòi ta phải giải tán các đơn vị tự vệ, cấm người dân biểu tình, hòng thành lập một chính phủ bù nhìn. Ta phát hiện nhanh âm mưu của chúng và khẳng định, hành động cướp chính quyền cách mạng của địch sẽ xảy ra trong thời gian ngắn, nên cần gấp rút chuẩn bị lực lượng, vật chất, củng cố các đoàn thể quần chúng, bố trí trận địa trên các tuyến phố, gấp rút sơ tán lực lượng, máy móc, trang bị… về chiến khu an toàn.

Khi lực lượng Pháp, ngang nhiên phá phách, cướp bóc trắng trợn và ra lệnh thiết quân luật ở Sài Gòn… tình thế đã rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ta đã chủ động tổ chức tốt việc kiềm chế và giữ bí mật lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, cân nhắc thời điểm và bố trí, sử dụng lực lượng tại các khu vực trọng yếu… loại trừ nguy cơ Pháp tạo cớ, nổ súng bất ngờ tiêu diệt chính quyền. Đây là một thành công đặc biệt về nghệ thuật tổ chức giành quyền chủ động từ tay địch, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, ở vào thời điểm mà chính quyền cách mạng vừa mới thành lập.

Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã thành công trong tổ chức giữ vững và phát huy ưu thế chính trị, tinh thần, tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên quyết kháng chiến toàn diện. Về sử dụng lực lượng, ta sử dụng đồng thời cả tiến công của lực lượng quân sự với nổi dậy của lực lượng quần chúng dưới sự chỉ huy của thống nhất của cấp ủy các cấp; trong đó, lực lượng chính trị tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác và phong tỏa địch trên khắp nơi. Các đơn vị Cộng hòa vệ binh, tự vệ, công nhân, cảnh sát xung phong, thanh niên và các đoàn quân “Nam tiến” từ miền Bắc chi viện chiến đấu rất dũng cảm; bất ngờ, táo bạo, tiến công đáp trả địch tại Thủ Đức, Bình Triệu… tiêu hao sinh lực và phá hủy một phần cơ sở vật chất của chúng. Việc huy động lực lượng hùng hậu, đồng loạt tiến công trên địa bàn rộng, đã đánh trúng vào điểm yếu cốt tử của địch, làm chậm bước tiến, bao vây, chia cắt, làm cho chúng lúng túng khó giải tỏa, chi viện cho nhau, đẩy chúng vào thế bị động, không thể thực hiện được kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh mà phải đề nghị đình chiến vào ngày 30-9-1945. Nhưng khi có viện binh, có xe tăng, tàu chiến và pháo binh mạnh, quân Pháp trở mặt, nổ súng tiến công vào ngày 12-10-1945, đẩy lực lượng của ta ra khỏi một số khu vực ở Sài Gòn. Ta kịp thời điều chỉnh thế trận, hình thành vòng vây xung quanh thành phố, vừa chặn đánh địch hành quân nống ra ngoại thành và các tỉnh lân cận vừa tiếp tục tiến công địch trong thành phố.

So sánh lực lượng giữa ta và địch về quân số, vũ khí trang bị kỹ thuật, trình độ tác chiến, địch hơn ta gấp nhiều lần, ta khó có thể thực hiện đánh bài bản đối với quân Pháp, do vậy việc chủ động tìm ra cách đánh có ý nghĩa rất quan trọng. Ta đã sử dụng nhiều phương án tác chiến, bất ngờ, sáng tạo, độc đáo, ngăn chặn, tiêu hao, đánh thẳng vào căn cứ địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng.

Thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến, ta đã giải quyết thành công các vấn đề về lý luận và thực tiễn của nghệ thuật chủ động tổ chức thực hành kháng chiến. Đó là các vấn đề về nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức và sử dụng lực lượng; nắm chắc thời cơ, xác định phương châm, phương pháp kháng chiến; lựa chọn mục tiêu tiến công, cách đánh… Thành công của quân và dân Sài Gòn, Nam Bộ bẻ gãy tham vọng của thực dân Pháp, làm tiền đề để Đảng ta tổ chức kháng chiến rộng khắp trên toàn quốc, góp phần tạo nên nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, còn nguyên giá trị.

Trần Văn Toản

qdnd.vn