Lưu trữ

Archive for the ‘Nhân vật lịch sử’ Category

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo

Tháng Tư 17, 2013 Bình luận đã bị tắt

Ngày 15/4, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi lễ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước,
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng,

Thưa các vị đại biểu, đồng chí, đồng bào,

Hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động dự Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Một chí sỹ yêu nước nổi tiếng, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, vị lãnh đạo Nhà nước mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày mất của Cụ (21/4/1947 – 21/4/2013). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, gia tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào lời chúc tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất.

Thưa các vị đại biểu,

Thưa đồng chí, đồng bào,

Trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, Quảng Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, từ bao đời đã có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và là nơi sản sinh ra nhiều trí thức lớn, chí sỹ yêu nước, lãnh tụ cách mạng, làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Với bề dày văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, người dân xứ Quảng từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn cháy bỏng khát vọng tự do, độc lập, không cam chịu làm nô lệ. Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước và cách mạng đã có những người con ưu tú cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, cùng thế hệ với các chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, là bạn đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời Cụ là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình nông dân, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ là người rất thông minh, học rộng. Là một đại khoa với học vị tiến sỹ, một nhà nho yêu nước, tiến bộ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cùng với các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiên phong khai mở Phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” khơi dậy một cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, mà đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Mặc dù bị chính quyền thực dân bắt, tù đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 – 1921), nhưng Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng chí không sờn. Ra tù, Cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, mong góp sức mình để giúp dân, giúp nước. Khi thấy không thể đạt được mục đích, Cụ đã khẳng khái từ chức. Cụ là người sáng lập và lãnh đạo báo Tiếng Dân. Trên chính trường trong vai trò Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ bút báo Tiếng Dân, với tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền; vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến. Cụ công khai tuyên chiến với kẻ thù của dân tộc “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai, vì đất nước Việt Nam có biên cương, lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới nên tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi sự trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù tuổi đã cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sỹ cộng sản và đồng bào cả nước đưa đất nước vượt qua những thử thách to lớn, giữ vững nền Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Là người có uy tín, có nhiều khả năng vận động, quy tụ các nhà yêu nước, các tầng lớp thân hào, nhân sỹ trí thức lúc bấy giờ tạo thành lực lượng ủng hộ cách mạng, Cụ trở thành người lãnh đạo, một biểu tượng của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Là nhà lãnh đạo kiên định, khôn khéo, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đi công tác dài ngày ở nước ngoài, tin cẩn giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước. Cụ đã ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, ứng phó với muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài khi đất nước vừa mới giành được độc lập. Cụ chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới được thành lập. Uy tín, tài năng, đức độ của Cụ Huỳnh trong thời gian giữ trọng trách Quyền Chủ tịch nước đã góp phần cùng với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo. Là một sử gia, Cụ đã để lại nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng ta.

Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thư gửi đồng bào cả nước lúc Cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao, vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Hôm nay, chúng ta tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một sự ghi nhận, đánh giá rất cao công lao to lớn của Cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào Quảng Nam và của họ Huỳnh xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước nói riêng. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của Nhà văn hóa, Chí sỹ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Noi gương Cụ Huỳnh Thúc Kháng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống anh hùng và văn hiến Việt Nam, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, tiếp tục giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn.

(Theo TTXVN)
dangcongsan.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

4 cán bộ cao cấp Quân đội được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Sáng 14-1, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam” cho 4 cán bộ cao cấp trong Quân đội theo đề nghị của Báo Quân đội nhân dân.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân; Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí trong Thường vụ, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.

4 đồng chí cán bộ cao cấp được tặng Kỷ niệm chương lần này gồm: Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel và Đại tá Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB).

Đồng chí Thuận Hữu (ngoài cùng bên phải) và Thượng tướng Lê Hữu Đức (ngoài cùng bên trái) trao kỷ niệm chương và hoa cho 4 đồng chí cán bộ cao cấp trong Quân đội.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng Kỷ niệm chương, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: Trong suốt 87 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; liên tục đổi mới cả nội dung và hình thức, thực sự là vũ khí sắc bén, là ngọn cờ chính trị – tư tưởng của Đảng, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc đổi mới ngày càng phát triển. Bên cạnh sự đóng góp to lớn và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ những người làm báo còn có sự ủng hộ của các cán bộ lãnh đạo cao cấp trong và ngoài quân đội. Các đồng chí được tặng kỷ niêm chương của Hội Nhà báo lần này là những người có ủng hộ tích cực cho sự phát triển của báo chí trong thời kỳ đổi mới.

Thay mặt các đồng chí được tặng kỷ niệm chương, Đại tá Lê Công, Tổng giám đốc MB đã cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam; cảm ơn tình cảm mà các cơ quan báo chí đã dành cho các doanh nghiệp quân đội nói chung và MB nói riêng. Đại tá Lê Công nhấn mạnh: “Để MB đạt được những thành tích đáng khích lệ như thời gian qua thì không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân nhân và các báo uy tín khác… Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục được tăng cường giúp đỡ hiệu quả hơn nữa. Về phần mình, tôi cam kết sẽ cố gắng nỗ lực điều hành ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, minh bạch và công khai thông tin”.

Tin, ảnh: MẠNH THẮNG
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Tuổi tám mươi “giữ lửa” Điện Biên

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có nhiều CCB đã từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là những ông lão tuổi cao nêu gương sáng, ngoài việc sống mẫu mực còn tích cực tuyên truyền cho con cháu hiểu thêm về trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Đồng hương chung một chiến hào

CCB Điện Biên ở Quảng Trạch hiện không còn nhiều. ở xã Quảng Thọ có hai chiến sĩ Điện Biên còn sống, đó là ông Nguyễn Văn Tuyên và ông Trần Tư Cách. Hai người thời đó ở cùng Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308). ông Nguyễn Văn Tuyên nhập ngũ vào Vệ Quốc đoàn lúc tròn 17 tuổi. Trong Chiến dịch Biên giới, ông Tuyên chiến đấu dũng cảm ở Cao Bằng, được đơn vị kết nạp Đảng ngay sau trận đánh thắng lợi, khi mới bước sang tuổi 20. Tại mặt trận Thượng Lào, là chiến sĩ của Đại đội 64, ông cùng đơn vị vượt suối, băng rừng, bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Sầm Nưa, Bản Na, Pắc Xường, Thượng Lào… tạo thế để quân ta tiến công làm nên chiến thắng Điện Biên.

Ông Tuyên kể chuyện Điện Biên với các em học sinh.

Mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng ông Tuyên vẫn còn nhớ như in trận đánh của hơn 60 năm về trước. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đoàn của ông do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm đồi Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Đồn bốt địch ở đồi Độc Lập kiên cố và có nhiều lớp hàng rào gài mìn chờ nổ. Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, đúng giờ tổng tấn công, các loại sơn pháo và súng cối giội lửa lên đầu giặc, ông Tuyên ôm quả bộc phá đánh hàng rào để bộ binh xông lên. Mặc dù súng pháo địch bắn ra như mưa nhưng hỏa lực của ta đã đánh sập lô cốt, bộ đội xông lên chiếm đồn. Cuộc chiến đấu thực sự ác liệt khi quân Pháp tổ chức lực lượng hòng tái chiếm đồi Độc Lập. Ta và địch giằng co từng mét giao thông hào, có lúc đánh giáp lá cà, nhưng địch vẫn không chiếm được đồn. Sau đó, đơn vị tiếp tục bao vây khống chế Bản Kéo, cắt đứt nguồn nước làm cho địch lao đao. Đến chiều 7-5-1954, cả đại đoàn tấn công vào Mường Thanh, giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ. Đôi bạn cùng quê Quảng Thọ, Tuyên và Cách, gặp nhau trên đồi A1, tuy cùng bị thương nhưng vui mừng khôn xiết.

Những người “giữ lửa”

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp kỷ niệm năm chẵn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhận lời mời của Huyện ủy Quảng Trạch và nhiều trường học, các CCB thường kể chuyện Điện Biên cho học sinh nghe. ông Nguyễn Văn Tuyên thường mời ông Đỗ Như Quán, CCB ở xã Cảnh Dương cùng tham gia làm “tuyên truyền viên”, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

Ông Đỗ Như Quán khi mới 13 tuổi đã vào làm việc ở Xưởng quân giới Quảng Bình. Năm 1949, ông được đi học Trường Thiếu sinh quân ở Thanh Hóa và nhập ngũ vào Trung đoàn 44. Trong Chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào, ông Quán thuộc Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Trở về từ sau cuộc chiến, dù bị nhiều vết thương, mắt mù nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. ông nhớ như in các ngày tháng, diễn biến trận đánh và những dấu mốc quan trọng trong đời cầm súng của mình. Trận Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 của ông ở hướng Đông, có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch ở đồi C1, C2 và A1. Sau nhiều lần tham gia chiến đấu, ông bị thương vào chân, vào sườn, vào đầu và cả ở mắt nhưng kiên quyết không rời trận địa. Chiều 7-5-1954, ông cùng đại đoàn tiến tới trận đánh cuối cùng, giải phóng Điện Biên với đôi chân khập khiễng, đầu quấn băng trắng nhưng ngập tràn niềm vui.

Hiện nay, mặc dù đôi mắt không còn nhìn thấy gì nhưng bầu nhiệt huyết trong ông luôn nóng hổi. Khi nhận được giấy mời của Huyện ủy, ông sốt sắng nhờ người chở đến gặp ông Tuyên thống nhất các nội dung tuyên truyền. Có lúc hai ông đi nói chuyện ở một địa điểm, nhưng cũng có khi mỗi người một hướng để “đảm bảo kế hoạch”. ông Quán có trí nhớ rất tốt nên lúc nào cũng kể chuyện mạch lạc và say sưa. Riêng ông Tuyên vốn tính cẩn thận nên soạn hẳn bài giảng. Lúc kể chuyện những trận đánh, các ông lồng vào nhiều chi tiết dí dỏm, như việc thu hồi chiến lợi phẩm do địch thả dù; chuyện lính Pháp bị bao vây quá khát nước nên bắn lẫn nhau… Cũng có lúc các ông sang sảng đọc bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nên bài kể chuyện luôn hấp dẫn các em học sinh.

Do có nhiều năm liền thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ nên ông Tuyên và ông Quán được Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch khen thưởng và trao cờ lưu niệm.

Không những tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, các CCB Điện Biên còn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. CCB Nguyễn Văn Tuyên là người phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội, ông về nghỉ hưu năm 1980 với quân hàm trung tá. Gia đình có 3 người con trai thì ông bà cho hai người nối nghiệp cha lên đường đi bộ đội. Một người tham gia Bộ đội Biên phòng ở biên giới, một người là lính hải quân ở đảo xa. Với niềm tự hào vì có bố là chiến sĩ Điện Biên, hai người con của ông luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Riêng Đại úy Nguyễn Quang Tuyến, người con trai cả sau một thời gian phấn đấu, được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đồn 593 (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình). Anh đã lăn lộn nhiều năm trên biên cương, đồng cam cộng khổ với bà con dân tộc thiểu số Ma Coong. Rất đáng tiếc, năm 1990 anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở biên giới Việt – Lào. Và thế là trong bài kể chuyện của ông Nguyễn Văn Tuyên với thế hệ trẻ hôm nay, có thêm một tấm gương sáng về người chiến sĩ biên phòng đã hy sinh vì sự bình yên nơi biên giới…

Bài và ảnh: Xuân Vui
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

“Phan Đình Giót” của Tây Nguyên

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Sau chiến dịch Xuân-Hè 1972, từ thị xã Kon Tum, Sư đoàn 320 chúng tôi được lệnh lật cánh về Gia Lai mở mặt trận mới. Một buổi chiều cuối tháng 7, trong cánh rừng già ở tây Nam Huyện 5 (ngày nay thuộc huyện Đức Cơ), tôi mượn được mảnh báo “Tây Nguyên” của một đồng đội, mảnh báo đã nhàu nát do truyền qua tay nhiều người. Tôi đọc được bài “Niềm tự hào của chúng tôi” của tác giả Thảo Nguyên, ca ngợi hành động hy sinh anh dũng của một chiến sĩ đặc công. Do yêu cầu bí mật chiến trường, bài báo chỉ nêu: Đồng chí Vương Văn Khảng, đội viên tổ đặc công thuộc phân đội B trong trận đánh cư xá Mỹ ở thị xã Plei-cu đêm 6-4-1972 đã dùng thân mình chèn cửa sổ không cho địch đẩy khối bộc phá đã điểm hỏa ra ngoài. Bộc phá nổ, anh hy sinh anh dũng nhưng đã tiêu diệt được toàn bộ quân địch trong nhà. Phần kết, tác giả đã nêu gương hành động anh hùng của Vương Văn Khảng là “Phan Đình Giót” của Tây Nguyên.

Hình ảnh đó đã gây xúc động mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. 22 năm sau, vào cuối năm 1994, Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên lập hồ sơ đề nghị cấp trên truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Vương Văn Khảng. Tôi lúc đó là Phó trưởng Phòng Tuyên huấn Binh đoàn, được tiếp xúc với văn bản đề nghị của lãnh đạo, chính quyền địa phương quê hương liệt sĩ trên cơ sở văn bản đề nghị của cựu chiến binh, bác sĩ Vương Đình Cừ, nguyên Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 101 (Mặt trận B2), một người đồng đội cùng quê với liệt sĩ Khảng. Tôi cũng gặp được nhà báo Thảo Nguyên, tức Nguyễn Đình Thảo, lúc này là Thượng tá, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) và được anh kể lại quá trình tìm hiểu viết bài nêu gương hành động dũng cảm của Vương Văn Khảng năm xưa. Đến đây, tôi mới hiểu thêm về “Phan Đình Giót” của Tây Nguyên.

Tháng 4-1970, vừa tròn tuổi 18, Vương Văn Khảng tạm biệt quê hương (Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An), xung phong lên đường đánh Mỹ. Sau khóa huấn luyện, anh được bổ sung vào chiến trường và được biên chế về Đại đội 3 đặc công, Tiểu đoàn 631 trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Chiến trường Tây Nguyên vốn ác liệt lại vô cùng khó khăn thiếu thốn về lương thực thực phẩm. Có ngày, mỗi người chỉ được cấp 2 lạng gạo, chủ yếu là ăn sắn và rau rừng. Nhưng Khảng hòa nhập rất nhanh với nhịp sống chiến trường. Trong trận tập kích vào kho xăng ở thị xã Plei-cu tháng 5-1971, anh đã cùng đồng đội bò vào đặt mìn đốt cháy hàng vạn lít xăng dầu của địch. Hơn một tháng sau, trong trận tập kích cụm xe cơ giới ở phía tây thị xã Plei-cu, tổ chiến đấu do anh chỉ huy đã phá hủy cả cụm 10 xe tăng của địch. Tháng 10-1971, trong trận tập kích quân địch ở làng Mai, sau khi hết đạn, anh đã dùng mưu bắt sống hai tên địch. Do lập được thành tích trong chiến đấu, nên chưa đầy một năm vào đơn vị, Khảng đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Tây Nguyên, đêm 6-4-1972, tổ đặc công của Khảng được lệnh tiêu diệt Cư xá 78 của quân Mỹ ở thị xã Plei-cu.

Cư xá 78 là một ngôi nhà hai tầng được xây dựng khá kiên cố nằm trên đường Phan Đình Phùng. Đây là nơi đêm đêm bọn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật Mỹ về ăn nghỉ, chơi bời trác táng sau những trận càn quét, bắn giết đồng bào ta. Chiều 6-4, Khảng cùng đồng đội vượt qua quãng đường rừng hơn 2 tiếng đồng hồ đến rìa phía Tây thị xã thì trời sâm sẩm tối. Chờ cho trời tối hẳn, cả tổ tiềm nhập. Vượt qua bao đồn bốt, trạm kiểm soát dày đặc của địch, đến 22 giờ, cả tổ đã vào đến mục tiêu. Điện trong cư xá sáng trưng, tiếng cốc chén lanh canh, tiếng chúc tụng xen lẫn những trận cười khả ố. Anh Vang, tổ trưởng, nằm sau một gốc cây yểm hộ cho Khảng trườn lên. Còn cách cửa sổ ngôi nhà chừng 5 mét, Khảng dừng lại quan sát thì bất chợt hai con chó béc-giê cao to tiến lại gần chỗ anh ngửi khìn khịt rồi bỏ đi. Chưa kịp mừng thì có hai tên Mỹ đi tới. Chỉ còn một bước nữa là chúng giẫm lên đầu Khảng. Tổ trưởng Vang lập tức siết cò. Nhằm lúc hai tên Mỹ ngã vật ra, Khảng nhanh như chớp ôm khối bộc phá 8kg lao lên nhét qua cửa sổ, giật nụ xòe. Bọn địch trong nhà phát hiện được, chúng lập tức hò nhau đẩy khối bộc phá ra ngoài. Mặc dù bộc phá đã điểm hỏa nhưng không một phút do dự, Khảng ôm bộc phá nhét lại vào cửa sổ rồi dang hai tay bám chặt vào khung cửa chắn không cho địch đẩy khối bộc phá ra. Địch trong nhà bắn xối xả vào người anh nhưng anh vẫn đứng vững như một bức tường thép. Một tiếng nổ long trời lở đất phá tung ngôi nhà hai tầng, Vương Văn Khảng anh dũng hy sinh nhưng đã tiêu diệt được mục tiêu. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 30-9-1995, Vương Văn Khảng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Mới đây, vào đầu tháng 4-2012, tôi điện hỏi thăm cựu chiến binh Vương Đình Cừ, nghỉ hưu tại xóm 3, xã Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An). Nay đã 85 tuổi nhưng bác vẫn minh mẫn, giọng nói khỏe khoắn và rành rọt. Tôi hỏi vì sao bác lại trường kỳ, kiên nhẫn, tự mình cặm cụi đi lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Vương Văn Khảng, dù chỉ là một đồng đội không cùng đơn vị. Bác Cừ cho biết: “Hồi còn ở mặt trận, được nghe đài, báo nói về chiến công của Khảng, tôi cảm kích lắm. Khi về nghỉ hưu, có điều kiện, tôi đi tìm gặp các đồng đội đã cùng chiến đấu với Khảng, tìm gặp cả nhà báo Thảo Nguyên để tìm hiểu. Việc đi tìm nhân chứng và lập thủ tục cũng lắm gian truân, vì đồng đội của anh còn rất ít, mỗi người lại một quê. Có điều, các đồng đội của Khảng mà tôi gặp được, ai cũng ủng hộ việc làm của tôi vì chiến công của Khảng rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng!”. Nói rồi, bác cười vui: “Vương Văn Khảng đã làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Góp một phần nhỏ bé để Vương Văn Khảng được vinh danh, tôi vui lắm!”

Nguyễn Hùng Tấn
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Người chọn Bạch Long Vĩ để lập nghiệp

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

Biển, đảo là quê hương

QĐND – Nhiều người thường nghĩ là muốn lập nghiệp thì phải bám trụ nơi thành phố, thị xã… còn đối với chàng thanh niên Đoàn Văn Lộc thì ngược lại, anh đã chọn đảo Bạch Long Vĩ là nơi để lập thân, lập nghiệp. Mười năm kể từ ngày đặt chân tới đảo, giờ đây hòn đảo có tên “đuôi con rồng trắng” này đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của cả gia đình anh.

Một góc đảo Bạch Long Vỹ. Ảnh internet.

Năm 2002, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Vùng 4 Hải quân, rời xa màu áo của người lính biển, trở về quê nhà tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu (Nam Định), bạn bè lúc đó có người rủ anh đi học lái xe, người thì rủ anh lên thành phố để xin làm công nhân… Trong lúc đang phân vân vì chưa biết quyết định sẽ chọn công việc nào để kiếm sống thì tình cờ anh biết được thông tin của Trung ương Đoàn kêu gọi thanh niên đi xây dựng đảo Bạch Long Vĩ. Với tình yêu biển, đảo sẵn có của người chiến sĩ hải quân đã từng sống và học tập trên biển, anh đã làm đơn xin tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Bao khó khăn, vất vả không chỉ đối với Lộc mà đối với tất cả những người tình nguyện đi xây dựng đảo từ những ngày đầu ấy, có lẽ sẽ chẳng thể nào kể hết được. Nhớ những khi trời mưa bão, biển động, cả tháng liền đảo không còn một cọng rau xanh, chưa kể đến những khi bất chợt ốm đau mà thuốc men thì không phải là lúc nào cũng có sẵn.

Thế nhưng bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, ý chí quyết tâm bám biển, bám đảo, Đoàn Văn Lộc đã cùng với các đồng chí, đồng đội và các lực lượng trên đảo bắt tay xây dựng đảo trở thành hòn đảo thanh niên với những công trình in đậm bóng dáng của những người trẻ tuổi. Khi âu tàu và cảng dịch vụ nghề cá cho ngư dân được Nhà nước đầu tư xây dựng, Đoàn Văn Lộc đã được cấp trên tín nhiệm tuyển chọn làm nhân viên cảng vụ tại đảo. Niềm vui của anh là sự an toàn cho mỗi con tàu ra vào cập cảng. Hơn 6 năm làm nhiệm vụ hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng, anh chưa để xảy ra bất cứ một sai sót nào. Còn nhớ cơn bão số 10 năm 2009 đổ bộ vào đảo, bằng sự quyết đoán của mình, Lộc đã cùng với cán bộ, nhân viên cảng vụ Bạch Long Vĩ kiên quyết đưa hết bà con ngư dân rời tàu lên bờ tránh bão. Do đó, mặc dù bão đã làm gần 100 tàu thuyền bị đắm nhưng không bị thiệt hại về người… Thành tích xuất sắc đó của Đoàn Văn Lộc đã được lãnh đạo huyện đảo Bạch Long Vĩ khen thưởng.

Đoàn Văn Lộc (ngoài cùng bên phải) cùng các cán bộ, nhân viên trên đảo vẫy tay tiễn khách về đất liền.

Khi được hỏi điều gì khó khăn nhất mà anh đã vượt qua kể từ ngày ra đảo, Lộc cười tươi nhìn vợ cùng cô con gái yêu của mình, anh nói: “Khó khăn lớn nhất của em đó là vận động người yêu cùng ra đảo để giờ đây giữa quê hương trập trùng sóng nước này em đã có một tổ ấm thực sự hạnh phúc…”. Nhìn gia đình nhỏ hạnh phúc của vợ chồng Đoàn Văn Lộc, chúng tôi hiểu rằng, Lộc là người thành công.

THU ANH
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Sống để làm người

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

“Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế về Cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng khi nhà chí sĩ này qua đời ngày 21/4/1947.

Cụ Huỳnh là một nhà nho chân chính, tiết tháo, cương trực, thanh liêm và nhân hậu. Và với nhân cách như thế, Cụ đã đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên trong thành phần Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lo lắng đến nền an ninh cho nhân dân và đất nước.

Mê sách vì dân

Cụ Huỳnh thuộc lớp người quân tử hiếm hoi mà không phải thời nào cũng có và nếu có thì thời nào cũng không nhiều. Sinh ra trên mảnh đất “Quảng Nam hay cãi”, Cụ suốt đời trung trinh gìn giữ tiết tháo của một nhà nho chân chính chỉ biết lấy lợi quyền của người lao động là mục tiêu hành sự.

Nhà nghèo nhưng thông minh, lại cần cù, chăm chỉ, nên Cụ thi đỗ cao từ khá sớm: 24 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương; 28 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hội. Cụ cùng với Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu được truyền tụng là “tứ hổ” của tỉnh “chưa mưa đã thấm” thời đó vì tài cao và học rộng…

Theo lời nhận xét của nhà văn Thiếu Sơn: “Cụ Huỳnh không bao giờ để cho mình cao hơn người, không tự tôn và cũng không tự ti, không từ chối những việc tầm thường nhưng xét ra có ích cho mình và cho người”. Tây Hồ Phan Chu Trinh từng viết tặng Cụ Huỳnh: “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” (Khách đến không nói, chỉ mê sách). Bản thân Cụ cũng có lần thổ lộ: “Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài cái văn thơ sách vở ra, gần như không có gì gọi là “mỹ cảm”.

Cụ Huỳnh ngay từ trẻ đã nổi tiếng là người phong nhã. Hồn thơ của Cụ cũng có xu hướng trữ tình nhưng giống như những chí sĩ ở mọi thời, Cụ thường chỉ viết thơ để bộc lộ tâm sự ưu thời mẫn thế của mình. Theo quan niệm của Cụ, một sĩ phu chân chính lúc nước mất nhà tan thì không thể nào an tâm thưởng hoa vọng nguyệt được…

Học đạo làm người

Học, học nữa, học mãi – Cụ Huỳnh có lẽ cũng là người sống theo ý tưởng này. Nhưng, với Cụ, học để làm gì? Trong một bài đăng trên báo Tiếng dân mà Cụ đã lập ra, Cụ viết: “Có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng của sự học là: Học để làm người!”.

Cụ lý giải: “Cái học làm người này, nói về học khóa cần thiết thì người thông thường ai cũng có thể theo sức lực cùng bản năng của mình mà làm hết phận sự; mà nói đến chỗ cao diệu thì dầu thánh hiền hào kiệt cũng không ai dám tự phụ, rằng đã làm được hoàn toàn cực điểm. Bởi vì, đã làm “người” thì ai cũng là người, mà nói đến sự làm người thì rất là mênh mông mà không có hạn lượng. Trăm năm ngắn ngủi, trẻ lớn, già chết không cái gì mới lạ. Song kẻ thì thánh hiền hào kiệt, kẻ thì ngu tiện dung phàm; người thì có công với nhân loại, muôn đời ai cũng hinh hương, người lại hại giống hại nòi, trăm miệng cũng đều thóa mạ. Không những thế mà thôi, làm một người về thời đại cổ, và làm một người ở thời đại nay khác nhau; làm người ở nước giàu mạnh với làm người ở nước hèn yếu khác nhau, suy ra đối với nước nhà mình và đối với nhân loại chung, nên làm người thế nào. Cảnh địa của người trăm chiều không đồng nhau thì cái cách làm người cho xứng đáng thích hợp cũng không phải cùng một cách. Những chuyện mấy bậc vĩ nhân đông tây xưa nay, biết bao nhiêu điều đủ làm gương cho người sau học theo mà người nào cũng có chân tướng người nấy, mỗi người dạy cho người sau một việc; bắt chước được một việc thì dầu ai đọc thuộc trăm nghìn quyển sách cũng chẳng hơn chi.

Cái trường học để “làm người” đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. “Làm người” ở đời đã khó như trên đã nói, thì “học làm người” chắc không phải chuyện dễ”.

Quan niệm như thế nên đỗ đạt rồi, Cụ lại không chịu ra làm quan với triều đình phong kiến hay chính quyền thực dân mà chỉ thích giao du với các sĩ phu cùng tâm sự để cùng hun đúc cái tinh thần yêu nước thương nòi trong cái thời đại quá nhiều tai ương lúc đó. Nói và làm lúc nào cũng nhất quán, Cụ Huỳnh đã đi từ tư tưởng đấu tranh ôn hòa tới mấp mé bạo động. Và thế là năm 1908, Cụ bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo sau khi cuộc cự sưu ở các tỉnh miền Trung bùng nổ rầm rộ. 13 năm đi đày là 13 năm Cụ rèn thêm những suy tư về vận mệnh đất nước và dân tộc. Cụ sống cũng như viết, luôn trung trinh và son sắt, không chịu để cho những nhục hình cực khổ bẻ gãy ý chí sĩ phu của mình:

“Dù đến lúc núi sập, biển lồi, trời nghiêng đất ngả;
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn!”.
(Bài hát lưu biệt).

Năm 1921, ra khỏi tù, Cụ Huỳnh vẫn giữ nguyên tiết tháo nhà nho và không nhận bất cứ lời mời làm quan chức nào. Chỉ khi Viện Dân biểu Trung Kỳ được lập ra, Cụ mới chịu ra ứng cử ở huyện Tam Kỳ (Quảng Nam) để có thể đấu tranh hợp pháp vì quyền lợi của nhân dân trên diễn đàn mà chế độ thực dân buộc phải để cho tồn tại. Tất nhiên, cách suy nghĩ có phần ảo tưởng này đối với chủ nghĩa thực dân cũ về sau đã được chính Cụ Huỳnh hiểu ra và cụ đã xin từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1928 sau khi thẳng thắn tố cáo chính quyền thực dân chỉ dân chủ giả hiệu chứ không thực tâm muốn làm điều tốt lành cho người Việt. Và Cụ đã lập ra tờ báo Tiếng dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ, để tiếp tục cái chí vì dân vì nước của mình. Những tư tưởng tuy chưa phải là tiên tiến của thời đại nhưng luôn thấm nhuần tinh thần tiến bộ trên tờ Tiếng dân đã làm cho chính quyền thực dân đau đầu. Và rốt cuộc, chúng đã bắt đóng cửa tờ báo, làm mất vũ khí hoạt động “cách mạng công khai” cuối cùng của Cụ Huỳnh.

Từ đó cho tới khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Huỳnh đã buộc phải án binh bất động trong tâm sự nhiều khi bất đắc chí của mình.

Tri nhân, tri kỷ

Nói về cống hiến, Cụ Huỳnh thực ra đã làm được rất nhiều việc cho sự nghiệp củng cố tinh thần ái quốc thương dân trong xã hội nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, Cụ không bao giờ “lấy đó làm điều”. Cụ sống như Cụ thấy là đúng. Có thể hình dung được tâm trạng hân hoan của Cụ khi Cách mạng Tháng Tám thành công: “Sướng ơi là sướng! Thoát thân nô mà làm chủ nhân ông. Vui thật là vui! Đổi quyền vua làm dân quốc mới” – đó là tâm sự của Cụ Huỳnh trong mùa thu 60 năm trước. Mặc dù biết mình không hẳn đã nhận thức được hết những tư tưởng mà những người cộng sản truyền bá ở Việt Nam nhưng Cụ Huỳnh đã hiểu rõ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 5 ngày Cụ Phan Bội Châu tạ thế (29/10/1945) ở Huế, Cụ Huỳnh nói:

“Ất Dậu trước đến Ất Dậu này thực khác xa. Trước là kinh thành thất thủ, là mất nước; nay là cách mạng, là giải phóng…”.

Trước sau như một, Cụ Huỳnh vẫn chủ trương đại đoàn kết quốc dân cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Hiểu rõ tâm sự của Cụ Huỳnh, trong giai đoạn đất nước phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm mới, Bác Hồ đã đại diện cho Chính phủ liên hiệp gửi điện mời Cụ Huỳnh ra Hà Nội tham gia chính quyền mới. Vốn mến mộ danh tiếng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Cụ Huỳnh dù tuổi đã cao nhưng vẫn đồng ý ra Bắc, dù chỉ để gặp mặt người yêu nước tri kỷ mà mình đã mến mộ từ lâu chứ chưa định ngồi vào vị trí nào trong chính quyền mới. Và nhận rõ thời điểm “quốc gia hữu sự”, Cụ Huỳnh đã đồng ý làm người lãnh đạo chính thức của Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an) trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Theo lời tường thuật của Báo Sự thật trong số ra ngày 7/3/1946, lễ ra mắt Hội đồng Chính phủ cách mạng khi ấy đã diễn ra như sau:

“Lần đầu tiên Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra mắt quốc dân trước tiếng hoan hô vang dội của hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên quần chúng được mắt thấy tai nghe nhà chí sĩ lão thành vẫn hằng ngưỡng mộ. Cụ già yếu quá, nhưng giọng nói sang sảng ấy, điệu bộ hăng hái ấy là của thanh niên. Lòng nhà chí sĩ đã bị xúc động quá mạnh trước cảnh đồng bào sum họp đoàn kết thân mật, trước vận hội mới của nước nhà. Khi Cụ nói lên cái chí căm thù giặc Pháp suốt đời nung nấu tâm can Cụ, mọi người thấy truyền vào tất cả sĩ khí trầm hùng của thời xuân. Ai quên được buổi ấy, hình ảnh Hồ Chủ tịch cảm động ôm chầm lấy Cụ, hình ảnh hai người bạn già tương ái”.

Được lời như cởi tấm lòng, tri ân Nguyễn Ái Quốc, Cụ Huỳnh đã thực hiện tận tâm phận sự của một Bộ trưởng Nội vụ chế độ mới. Cụ đã không ngần ngại thẳng thắn vạch mặt những thế lực phản động vì lợi riêng, ích kỷ mà cố tình “chọc gậy bánh xe”, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ đích thân đứng ra làm sáng lập viên và Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt. Tháng 6/1946, khi Bác Hồ đi thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Bác đã cử Cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước và nói: “Tôi có việc phải đi, mọi việc ở nhà đều có Cụ” rồi trao cho Cụ tấm thiếp có ghi sáu chữ “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Nhà nho khi làm công tác an ninh và trị quốc đã hành xử rất nghiêm ngắn và kiên quyết. Chính Cụ là người khi hiểu rõ bộ mặt thật của bọn Quốc dân đảng phản động đã chỉ thị cho cấp dưới xử trí nghiêm khắc những kẻ mạo danh thừa kế sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học nhưng thực ra lại toàn làm những việc phản dân hại nước. Cụ cũng đã xử trí kiên quyết và khôn khéo mọi việc quốc gia đại sự khác trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác xa.

Khi kháng chiến bùng nổ, Cụ Huỳnh lại với tư cách Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thân chinh đi xuống các địa phương làm công tác vận động quần chúng “tin tưởng vào Cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia” để “quyết sống mái với kẻ thù” cho Tổ quốc “độc lập quang vinh muôn năm”. Năm 1947, tới Quảng Ngãi, không may Cụ bị ốm và qua đời tại đó. Trước phút lâm chung, Cụ đã gửi điện cho Bác Hồ với những lời gan ruột:

“Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”…

Hôm ấy là ngày 21/4/1947

Chính Nhân
cand.com.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Nhà biên kịch…chân đất

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

Khán giả truyền hình từng say mê với bộ phim nhiều tập “Làng ven đô”, hẳn không quên cái tên Bùi Văn Thành, tác giả kịch bản văn học của bộ phim. Nhưng ít ai biết rằng Bùi Văn Thành là một tác giả… nông dân đang cày ruộng ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Anh nguyên là một cựu chiến binh, cựu học viên Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự phục viên đã hơn 20 năm. Năm nay, Bùi Văn Thành xấp xỉ lục tuần…

Nhà biên kịch Bùi Văn Thành

Anh Thành kể: “Thực ra tôi không được học về viết kịch bản truyền hình mà mày mò tự học viết. Những sự kiện nóng hổi đang diễn ra hằng ngày tại quê mình, như chuyện nông dân bị mất đất, tôi thấy phải nghĩ cách để giúp đỡ người dân đòi lại. Tôi viết các câu chuyện tiêu cực ấy thành kịch bản truyền hình, gửi lên nhà đài để biên tập thành phim phát lên sóng cho mọi người xem, cùng đấu tranh. Kịch bản bị gửi trả lại với lí do đây chưa phải kịch bản phim truyền hình, nhưng họ lại khen cốt truyện phong phú và có nhiều tình tiết hấp dẫn. Họ bảo phải biết chia ra làm nhiều tập nhỏ, mỗi tập một câu chuyện liên tục nối tiếp nhau thành câu chuyện lớn. Trong đó phải dựng được những mắt xích liên hệ chặt chẽ với nhau, giữa từng nhân vật nối nhau, cùng với phong cảnh, địa điểm được thay đổi, không gian câu chuyện được mở rộng hơn, tạo dựng nhiều tình thế xung đột và kịch tính để làm hồi hộp và hấp dẫn người xem…”.

Thế là anh Thành lại cặm cụi viết “Làng ven đô” trong 6 tháng. Từ câu chuyện thực tế xảy ra ngay tại quê mình, thời đất nước mở cửa nông dân trong làng đua nhau bán đất, mong được đổi đời và ước mơ con em mình được làm viên chức, làm công nhân công ty liên doanh. Làng không còn ruộng cấy lúa nhưng đàn ông có xe máy đi làm xe ôm, kiếm ra đồng tiền và rủ nhau uống bia, đánh bạc. Phụ nữ trong làng nhàn rỗi thì túm ba tụm năm dựng chuyện, tán gẫu, chiều đến thi nhau đánh đề. Sau một thời gian, không thấy doanh nghiệp xây dựng nhà máy như đã hứa, chỉ thấy những mảnh ruộng của mình được chia dọc, chia ngang thành những miếng nhỏ. Nhà làm một thời gian thì cũng bắt đầu phải sửa chữa, xe máy đi mãi thì cũ và hỏng. Nhưng tệ nạn rượu chè, cờ bạc thì ngày càng phát triển… Kịch bản “Làng ven đô” được Đài Truyền hình Việt Nam dựng thành phim nhiều tập phát sóng, gây được tiếng vang trong xã hội, được nhiều khán giả viết thư khen ngợi bộ phim đã phản ánh được vấn đề nhạy cảm của nông thôn hiện nay.

Phấn khởi nhất là người dân trong làng đã tìm được chính mình trong phim, họ bất ngờ và sửng sốt khi câu chuyện nhà mình y hệt như phim. Họ đã đến tận nhà anh Thành để biểu lộ sự biết ơn và cảm phục. Ngay cả cán bộ xã, sau khi xem xong bộ phim cũng đến tận nhà anh khen ngợi và chỉ trách khéo: “Anh tả về cán bộ xã hơi nặng quá đấy!”.

Trên đà phấn khích, anh Thành sáng tác kịch bản truyền hình thứ hai “Những người đồng đội” dài 17 tập. Nội dung câu chuyện kể về một nhóm thanh niên 4 người, cùng lên đường nhập ngũ và cùng được ra quân trở về làng với hai bàn tay trắng, khi đất trong làng đã bán hết để xây khách sạn và sân golf. Nhóm thanh niên này đã phải gồng mình làm đủ các nghề xe ôm, bảo vệ, buôn bán… để mưu sinh. Kịch bản này đã được VTV3 kí hợp đồng. Mới đây anh Thành đã viết xong kịch bản “Trưởng thôn”. Câu chuyện về một ông trưởng thôn do dân bầu, sống trong môi trường có nhiều cán bộ xã lo làm giàu và thu vén cho gia đình, chèn ép cấp dưới… Được biết, kịch bản “Lấy chồng phố” của anh cũng sắp hoàn thành. Câu chuyện hấp dẫn xoay quanh gái quê lấy chồng ở phố để hưởng sự giàu có. Anh Thành mong muốn góp một tiếng nói nhỏ phê phán những tệ nạn trong xã hội, cùng mọi người đồng lòng hợp sức xây dựng quê hương thanh bình…

Bài và ảnh: ANH HOÀNG-HẢI THANH
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Phạm Duy: Người đã “về động hoa vàng” cùng ai…

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

Nhạc sỹ Phạm Duy.

Vào giữa mùa trăng tròn một ngày tháng Chạp, năm Nhâm Thìn, người nghệ sỹ, nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy đã lặng lẽ nhắm mắt, xuôi tay rời bỏ cõi trần ở tuổi 93, không đợi mùa Xuân mới đang tới thật gần.

Mặc dù đã vài lần nhập viện do tuổi cao và bệnh tật, đặc biệt là cú sốc – tưởng như được đón nhận rất đỗi bình thản nhưng ẩn chứa nhiều nỗi buồn đau cho người nhạc sỹ tài danh – người con trai cả Duy Quang qua đời vào tháng trước (20/12/2012), nhưng Phạm Duy vẫn đang ấp ủ nhiều dự định âm nhạc. Ông như một người sinh ra từ một nốt nhạc và cứ ngân vang mãi cho đến khi lìa bỏ cõi đời, mà nhịp rung của nó còn đọng lại trong lòng người đến muôn sau.

Được coi là một trong những anh cả của Tân nhạc Việt, sáng tác của Phạm Duy trải dài từ nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình… Sáng tác của ông cũng rất đa dạng từ trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca… Nhưng có lẽ nhạc tình – đậm chất trữ tình lãng mạn và đầy sắc màu dân ca của Phạm Duy là được mến mộ nhất để mà đi vào lòng người như một dòng nhạc riêng biệt “nhạc tình Phạm Duy.”

Khá thành công trong lĩnh vực phổ nhạc vào thơ, “Ngậm ngùi” (thơ Huy Cận), “Ngày xưa Hoàng Thị” (thơ Phạm Thiên Thư), “Áo anh sứt chỉ đường tà” (trích “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan), “Tỳ bà” (thơ Bích Khê); “Vần thơ sầu rụng,” “Tiếng thu” (thơ Lưu Trọng Lư), “Tình cầm” (thơ Hoàng Cầm), “Em hiền như Masoeur,” “Thà như giọt mưa,” “Hai năm tình lận đận” (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Phạm Duy đã góp phần đưa những tác phẩm thi ca có sức bay bổng, đi vào lòng người một cách sâu lắng và bền bỉ.

Từng học trường Tây, mang nặng ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Tây phương thể hiện qua nhiều bản nhạc cả nhạc trẻ lẫn bãn cổ điển mà ông đặt lời như: “Em đẹp nhất đêm nay” (La plus belle pour aller danser), “Khi xưa ta bé” (Bang bang), “Tình cho không” (L’amour c’est pour rien), “Tuyết rơi” (Tomber la neige), “Tiếng cười trong đêm” (La nuit), “Những mùa nắng đẹp” (Seasons in The Sun), “Chuyện tình” (Where Do I Begin – nhạc phim “Love Story” của Andy William, “Dạ khúc” (Nächtliches Ständchen của Franz Schubert), “Dòng sông xanh” (An der schönen blauen Donau op. 314 của Johann Strauss), “Mối tình xa xưa” (Célèbre Valse, bài số 15 trong “16 bài valse cho piano” của Johannes Brahms)…

Lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất tôi được gặp nhạc sỹ là khi ông ra Hà Nội thăm người bạn tri âm-nhà thơ Hoàng Cầm. Phạm Duy gần gũi với bộ áo nâu sồng, mái tóc bạc trắng và nụ cười rạng rỡ. Nói về âm nhạc, về Hà Nội, về những người bạn cũ, ông trẻ trung như một chàng trai trẻ, với những kỷ niệm đầy ắp tuôn trào.

Ông hỏi tôi có biết hát không, và bảo, âm nhạc chẳng có gì cao siêu đâu, nó chỉ có 7 nốt thôi, nhưng nếu có tình yêu, có sự rung động thì âm nhạc đó nó sẽ tự nhiên mà đến, mà thành âm, thành lời. Ông hào hứng minh họa cho chúng tôi (nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và tôi) nghe những cách phổ nhạc vào lời theo phong cách dân ca. Ông khẳng định, dân ca Việt Nam là một kho tàng âm nhạc đầy sắc màu thi ca và mang tính triết học cao chứ không phải là văn vần, nhạc dạo như nhiều người nghĩ.

Khúc ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay… là một ví dụ được ông đưa ra hôm đó. Ông hát “Nụ Tầm xuân” như bản của ông, đầy thiết tha, rồi lại hát sang một phong cách khác, rộn ràng hơn, và lại hát thêm một cách khá buồn cười, kiểu hơi rock xen rap, làm cả chúng tôi lẫn con trai út ông, nhạc sỹ hòa âm Duy Cường – người luôn cận kề cha bất luận đi đâu, cười ngất…

Trong những khúc đạo ca, thiền ca… từ rất lâu, cái chết với Phạm Duy như là một chốn rồi ai cũng sẽ đến. Trong tác phẩm “Những gì sẽ đem theo vào cõi chết,” ông từng khẳng định rằng: “Rồi mai đây tôi sẽ chết, tôi sẽ mang theo/ Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại/Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời..Trên đường về nơi cõi Niết/Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!/Rồi mai đây tôi hóa kiếp/Trong lòng mừng không hối tiếc…

Và thế rồi, chàng trai lãng tử của nhạc tình Việt chẳng mang theo gì, bỏ lại mùa Đông đang qua, chẳng chờ mùa Xuân đang tới…Ngày xưa, Phạm Duy đã “Đưa em về động hoa vàng,” nhưng hôm nay, thì ông đã về nơi đó, theo người vợ dấu yêu Thái Hằng, người con trai cả Duy Quang…

Từ đây, “nghìn trùng xa cách,” xin dâng một nén tâm hương thành kính tiễn biệt người nhạc sỹ, nghệ sỹ tài hoa. Ông đi rồi, nhưng những ca khúc của ông, những giá trị về âm nhạc mà ông để lại thì còn mãi./.

Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921, tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sỹ, ca sỹ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sỹ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.

Sau một thời gian dài sống tại Mỹ, năm 2005, ông về Việt Nam định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm một số chương trình ca nhạc cùng với hơn 50 ca khúc trong số hàng nghìn sáng tác được cấp phép. Có thể kể như: “Mùa thu chết,” “Giọt mưa trên lá,” “Tạ ơn đời,” “Tiễn em, “”Đi đâu cho thiếp theo cùng,” “Mẹ ta,” “Mẹ xinh đẹp,” “Mẹ chờ mong,” “Lúa mẹ,” “Nước mắt rơi,” “Những gì sẽ đem theo về cõi chết,” “Phố buồn,” “Tiếng hát trên sông Lô, “Viễn du,””Xuân nồng,” “Biển khúc,” “Em hát,” “Khúc ru tình,” “Nỗi nhớ vô thường,” “Tình qua tin nhắn”

Ông kết hôn với ca sỹ Thái Hằng (1927-1999). Các con ông đều là ca sỹ thành danh gồm ca sỹ Thái Hiền, ca sỹ Duy Quang (vừa mới mất cách đây hơn 1 tháng ở tuổi 62), ca sỹ Thái Thảo, nhạc sỹ hòa âm Duy Cường và con rể (chồng của Thái Thảo) là ca sỹ Tuấn Ngọc.

Đoàn Ngọc Thu (Vietnam+)
vietnamplus.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Tập Trọng Huân mở đường cho cải cách mở cửa ở Quảng Đông, Trung Quốc

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Ông Tập Trọng Huân (15-10-1913/24-5-2002), cố Phó thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là phụ thân của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đầu mùa xuân năm 1979, Tập Trọng Huân và Dương Thượng Côn nhận được thông tri của Trung ương, yêu cầu tham dự Hội nghị công tác Trung ương.

Khi ấy, Tập Trọng Huân là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông; Dương Thượng Côn (5-7-1907/14-9-1998) là Chính ủy thứ nhất, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu Quảng Đông.

Tập Trọng Huân cảm thấy bị áp lực chưa từng có. Ông vừa đến được một năm, còn chưa am hiểu tình hình Quảng Đông, song tình thế thúc ép con người, không chỉ sự chuyển biến lớn sau Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba khóa 11 có ý nghĩa vạch thời đại khiến cho tinh thần ông phấn chấn. Hơn nữa tiếng kêu gọi cấp thiết yêu cầu đổi mới của cấp trên và cấp dưới trong toàn tỉnh Quảng Đông, càng khiến ông cảm thấy thời cơ lớn bội phần không thể để mất.

Tập Trọng Huân (1913-2002). Ảnh do Vũ Phong Tạo cung cấp.

Ngày 8-4-1979, lần phát biểu thứ nhất tại Tổ Trung Nam ở Hội nghị công tác Trung ương, Tập Trọng Huân đã chính thức đề xuất quan điểm và thỉnh cầu của Quảng Đông với Trung ương. Ông thay mặt tỉnh ủy nhiệt liệt yêu cầu Trung ương cho Quảng Đông được hưởng chính sách đặc thù trong cải cách mở cửa, xin Trung ương trao quyền hoặc nới quyền, để Quảng Đông đi trước một bước, phóng tay làm, tại khu vực lân cận Hồng Công và vùng ven biển, khoanh ra một số khu vực chuyên môn đối ngoại hợp tác trao đổi và thu hút vốn bên ngoài đầu tư, lợi dụng ưu thế gần với Hồng Công, Ma Cao, giao lưu quốc tế sôi động thuận tiện nhanh chóng, để phát triển nhanh hơn trong “bốn hiện đại hóa”.

Khi báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tập Trọng Huân phân tích ưu thế phát triển đặc biệt độc đáo của Quảng Đông, mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình: “Quyền lực hiện tại của Trung ương quá ư tập trung mà tại địa phương cảm thấy rất khó làm. Không có quyền, làm việc rất khó”.

Chủ trì hội nghị, Hoa Quốc Phong hỏi: “Đồng chí Trọng Huân, rốt cuộc Quảng Đông các anh muốn đòi quyền gì nào?”. Không khí hội nghị bèn căng thẳng lên.

Đến nước này, Tập Trọng Huân nói thẳng: “Tôi thay mặt tỉnh ủy, thỉnh cầu Trung ương cho phép tại Thâm Quyến, Chu Hải giáp ranh với Hồng Công, Ma Cao và thành phố Sán Đầu, khoanh ra một khu vực, xây dựng khu hợp tác mậu dịch”.

Cuối cùng, ông quyết định nói dứt khoát: “Nếu như Quảng Đông là một quốc gia độc lập, có thể chỉ mấy năm sẽ làm xong xuôi, nhưng với thể chế hiện tại, thì không dễ dàng làm được”.

Lời lẽ “kiểu vượt rào” thẳng thắn không biết sợ của ông, khiến cho một số người mà đầu óc khi ấy vẫn chưa chuyển biến, nghe thấy mà phát hoảng.

Tập Trọng Huân té nước theo mưa, tiếp tục nói: “Quảng Đông hy vọng Trung ương cho thể chế và chính sách mới, như vậy Quảng Đông mấy năm sẽ có thể làm được. Quảng Đông là một tỉnh lớn, nhưng quyền cơ động địa phương của tỉnh hiện tại quá nhỏ, quốc gia và các ngành Trung ương thống nhất quản lý chết cứng, không lợi cho kinh tế quốc dân phát triển. Chúng tôi hy vọng, Trung ương trao cho một chút quyền, để Quảng Đông đi trước một bước, phóng tay làm tới. Thực hiện như vậy, có lợi cho địa phương, cũng có lợi cho Trung ương đấy”.

Tập Trọng Huân biết, tuy Đặng Tiểu Bình chưa chủ trì hội nghị, song mọi người đều nhận định ông ấy là bộ óc chủ yếu, là bộ xương sống của cải cách mở cửa, nên ông bèn ra hiệu với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh muốn trưng cầu ý kiến Đặng Tiểu Bình nhân lúc hội nghị giải lao.

Đặng Tiểu Bình lặng lẽ nghe, liên tục hút thuốc, thỉnh thoảng lại nói xen một câu: “Cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đầu tiên phải làm từ khu vực ven biển đông nam. Cải cách mở cửa của vùng ven biển đông nam, phải bắt đầu từ Quảng Đông, Phúc Kiến; Cải cách mở cửa ở Quảng Đông cũng phải nắm chắc một đột phá khẩu, làm công trường thí nghiệm, phóng mạnh tay làm, vạn nhất thất bại, cũng không quan trọng, một địa phương nhỏ như vậy quan hệ không lớn”.

Trong lần nói chuyện ấy, Đặng Tiểu Bình còn nói với Tập Trọng Huân một số câu có ý mở đường: “Biên khu Thiểm Cam Ninh ngày xưa cũng gọi là đặc khu mà, anh chẳng phải là Quyền bí thư của Đặc khu ủy Thiểm Cam Ninh đó sao? Tại Quảng Đông các anh khoanh ra một địa phương, cũng xây dựng một đặc khu! Có thể không?”.

Tiếp theo, Đặng Tiểu Bình nói: “Trung ương không có tiền, các anh tự làm lấy, mở ra một con đường máu mà đi!”.

Từ tháng 1 đến tháng 5-1979, nạn vượt biển trốn ra bên ngoài phát sinh tại tỉnh Quảng Đông theo thống kê chính thức của chính quyền lên đến 119.000 người, vượt qua con số phát sinh trong toàn năm 1962 cao nhất trong lịch sử.

Sau khi nhận được báo cáo, Tập Trọng Huân khẩn trương đến Thâm Quyến, khi ấy cao trào lớn vượt biên đã lắng xuống, song vẫn gặp một số người trốn sang Hồng Công.

Tập Trọng Huân lập tức triệu tập bí thư một số Công xã tọa đàm. Bí thư Công xã nói giữ không nổi, bởi vì tuyến bờ biển dài, đời sống của nhân dân giữa Hồng Công và nội địa quá ư chênh lệch. Một ngày lao động của một nông dân phía Bảo An trên tuyến biên cảnh Thâm Quyến chỉ có khoảng 7 hào, mà thu nhập một ngày lao động của một nông dân Hồng Công là 60 – 70 đô-la Hồng Công, chênh lệch đôi bên đến gấp 100 lần!

Gia đình Tập Trọng Huân (ảnh chụp ngày 15-10-2000).

Ông đi quan sát tuyến biên phòng và cảm thấy: Lập nước đã 30 năm rồi, thực hiện bế quan tỏa cảng, cộng với sự ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, kinh tế ngày càng trì trệ, đời sống quần chúng khó khăn, lại không sửa đổi chủ trương chính sách, cải thiện đời sống nhân dân, vượt biên chạy trốn là không thể ngăn chặn.

Tập Trọng Huân nhận định: Đề phòng nạn trốn chạy vượt biên chỉ là một biện pháp điều trị phần ngọn, điều trị tận gốc vẫn phải dựa vào phát triển sản xuất. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân cải thiện, quần chúng nhìn thấy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, biên cảnh sẽ ổn định, người ta mới không còn chạy trốn ra ngoài.

Đối mặt với tình thế nghiêm trọng, Tập Trọng Huân đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Trốn chạy ra ngoài” cho huyện ủy, ông chỉ rõ: “Thâm Quyến là vùng tiền duyên của mặt trận chống người trốn ra ngoài, các anh nhất định phải đồng tâm hiệp lực, tăng cường phòng tuyến hơn nữa, đề phòng nhiều người trốn ra ngoài. Trốn ra ngoài tổn thương quốc thể, ảnh hưởng quốc tế không tốt, hơn nữa trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.

Sóng gió trốn ra ngoài cuối cùng đã được chặn đứng. Thông qua chiến dịch này, Tập Trọng Huân càng thêm kiên định quyết tâm đẩy nhanh tốc độ xây dựng đặc khu, phát triển toàn diện lực lượng sản xuất của Quảng Đông, cải thiện đời sống nhân dân, đây mới là chính sách điều trị tận gốc.

Ông lại tổ chức thêm một chuyến đặc biệt đến thăm Thâm Quyến, tìm hiểu thấy cán bộ địa phương vẫn còn lo ngại “đất bay theo” những người dân đã vượt biên sang canh tác ở phía Hồng Công. Ông bèn nói với cán bộ huyện Bảo An và thị trấn Sán Đầu về vấn đề cho các nhà tư bản Hồng Công vào đầu tư thiết bị khai thác cát xuất khẩu, thu nhập chia đôi; Vấn đề thu hút vốn bên ngoài làm công nghiệp gia công; Vấn đề khôi phục mậu dịch nhỏ vùng biên… “Tiến hành làm sẽ có lợi cho phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập của quần chúng, bảo đảm dân sinh, tại sao lại không dám làm chứ?”.

Ông ủng hộ và khuyến khích các đồng chí Bảo An: “Chỉ cần có thể phát triển sản xuất là làm, không nên trước tiên xem họ theo chủ nghĩa gì. Họ là chủ nghĩa tư bản, song có phương pháp tốt là chúng ta phải học tập”.

Nhằm đẩy nhanh tốc độ sáng lập đặc khu, Tập Trọng Huân đã “mở ra một con đường máu”, lao tâm khổ tứ, bạc trắng cả đầu, tạo dựng uy tín rất cao tại Quảng Đông và trong cả nước.

Một năm sau, ông lại tiến vào bộ máy lãnh đạo Trung ương, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Vũ Phong Tạo trích dịch (Theo sách “Vận mệnh quốc gia – Nam Phương ký sự”, của Lã Lôi và Triệu Hồng, NXB Văn học nhân dân Trung Quốc ấn hành).
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử

Huỳnh Thúc Kháng với Viện Dân biểu Trung Kỳ

Tháng Tư 16, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp, bắt đầu từ Toàn quyền Đông Dương An-be Xa-rô (nhiệm kỳ hai), cho thực thi chính sách Pháp – Việt đề huề, Pháp-Nam hợp tác để tạo môi trường thuận lợi hút vốn khai thác Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng hết lời ca ngợi, quảng bá và cổ vũ cho chính sách này. Sinh hoạt chính trị và văn hóa trên đất nước, đặc biệt ở Trung Kỳ mà trước hết tại Huế có những thay đổi lớn. Ngoài hai cơ quan quyền lực có từ trước là Khâm sứ và Nam triều, thực dân Pháp cho lập thêm một cơ quan mới gọi là Viện Dân biểu Trung Kỳ như một thứ trang trí cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề của họ.

Dù không hy vọng nhiều vào cơ quan dân biểu này của thực dân Pháp, nhưng những người đã từng trăn trở với vận mệnh đất nước coi đó như là một diễn đàn công khai có thể bảo vệ lợi ích của nhân dân, chí ít, cũng vạch trần sự lừa bịp của chúng trước dư luận. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chính trị phạm bị giam tại Nhà tù Côn Đảo, được trả tự do năm 1921, ra ứng cử tại đơn vị bầu cử Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam, được cử tri quý mến, nên trúng cử với số phiếu rất cao (640/700 phiếu). Trong Diễn văn đọc tại buổi tiệc trà ở Tam Kỳ ngày 10-7-1926 sau khi trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã bày tỏ: “Năm 1920, đặt ra cuộc tư vấn, năm ngoái tuyên bố hiệp ước mới, năm nay lại đổi tư vấn ra làm nhân dân đại biểu, mới mẻ thay giữa đất Trung Kỳ mà nay có bốn chữ nhân dân đại biểu xuất hiện, nay chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy bốn chữ danh nghĩa đường đường quang minh chính đại, thì đã sinh lòng tin cậy” (viết đậm trong nguyên văn – PX). Ở một chỗ khác trong diễn văn đó, cụ Huỳnh xác định trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân Trung Kỳ: “Cái gánh nặng anh em giao cho tôi đã chất nặng lên vai tôi rồi, chưa biết có theo được như lòng tôi không? Nhà nước có chừa cho tôi chỗ cụ cựa, đặng khỏi mất cái lòng tín nhiệm của anh em không? Tôi chưa dám nói trước…”. Rồi cụ cảnh báo: “Họa may cái chính thể này nêu một bài thuốc hay, bắt đầu chữa bệnh cho nòi giống mình, đừng để thành ra bánh vẽ, mà làm cho nhà nước bảo hộ mang tiếng”.

Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (mặc áo đen, đeo kính) đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tháng 7-1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ngày 7-8 năm đó, Viện Dân biểu Trung Kỳ họp phiên đầu tiên. Trong bầu không khí chính trị buổi ban đầu đó, cụ Huỳnh và những nghị viên cùng chí hướng tạo thành một phái chủ đạo, sau thành phái đối lập, đã nêu ra những kiến nghị sửa đổi Chương trình và Thể lệ của viện, về sửa luật và thông dụng chữ quốc ngữ, về thuế muối, thuế rượu và tinh giảm gạch võ. Nhưng cũng từ phiên họp đầu tiên đó, cụ Huỳnh đã sớm nhận ra trò “bánh vẽ phỉnh trẻ con” của viện. Sau hơn một năm thành lập, Viện Dân biểu chỉ là một cái tên suông, không có nhà cho Ban Trị sự đặt Văn phòng làm việc. Những sự kiện trên được phản ánh trên báo chí xuất bản ở trong nước, sau đó gửi sang Pháp. Những tờ báo đó đến được Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đọc và bình luận trong một bài viết có tựa đề “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương”, đăng trên tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, trong đó có một đoạn như sau:

“Tất cả những “vị dân biểu” này chỉ có tiếng nói tư vấn thôi. Các vị dân biểu Trung Kỳ thì mỗi năm họp một lần và lúc nào họp là do Khâm sứ quyết định. Thậm chí họ không có lấy một phòng họp hay một phòng để làm việc. Mỗi một kỳ họp đều do một viên công chức người Pháp chủ tọa…”.

Rồi đi tới nhận định: “Viện “ Đuma” An Nam (không phải do đầu phiếu phổ thông, mà chỉ do những kỳ mục, địa chủ và thương gia bầu ra) không thể xoa dịu được người An Nam, mà còn đưa lại cho họ cơ hội để tỏ rõ tinh thần phản kháng của mình”(1).

Theo Thể lệ, nhiệm kỳ của Viện Dân biểu Trung Kỳ là 3 năm, mỗi năm họp một phiên thường kỳ và cũng có thể có những phiên bất thường do Khâm sứ và Viện trưởng triệu tập. Phiên họp đầu tiên năm 1926 đã xuất hiện những bất đồng. Đến phiên họp thường niên năm 1927, Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng đầu là Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục gửi thỉnh cầu lên Tòa Khâm nhắc lại những yêu cầu trong kỳ họp trước chưa được giải quyết và đề đạt những yêu cầu mới. Tất cả đều bị bác bởi những suy nghĩ thiển cận, thô bạo mang tính thực dân rằng, Nghị viện chưa chịu hợp tác với chính phủ và rằng, người Việt Nam chưa đủ trình độ tham dự vào các hội đồng… Những mâu thuẫn đó tích tụ lại theo năm tháng và bùng nổ tại phiên họp thường niên năm 1928, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ đầu. Báo Tiếng Dân đã dự phần vào sự bùng nổ đó. Chúng ta đều biết, Tiếng Dân ra số đầu vào ngày 10-8-1927, đúng vào dịp Viện Dân biểu Trung Kỳ họp phiên thường niên thứ hai và ngay lập tức định hướng dư luận trong sinh hoạt chính trị của nhân dân Huế và Trung Kỳ bằng những tin, bài phản ánh cuộc đấu tranh vì nền dân chủ đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong Viện Dân biểu.

Thời gian trôi dần về kỳ họp thường niên cuối cùng năm 1928 của nhiệm kỳ I. Nhân đó, Tiếng Dân đăng một loạt bài dạo đầu trước công luận, trong đó có ba bài đáng lưu ý: Cùng các ông đại biểu, ký tên: Trung ngôn – Một người dân Trung Kỳ, số ra ngày 15-8-1928; Gửi cho mấy ông đại biểu, thơ của Tha Sơn Thạch, bút danh của Đào Duy Anh, số ra ngày 18-8-1928 và Mấy lời ngỏ cùng chánh phủ bảo hộ, ký tên: Một bọn dân Trung Kỳ, số ra ngày 29-9-1928.

Trong bài thơ của mình, Tha Sơn Thạch đã gửi gắm:

Sân khấu đã ra tranh một ghế/ Vai tuồng cũng phải hát đôi câu/ Cơ quan hợp tác chừng ta thế! Chánh thể văn minh thực ra đâu? Biết chăng tấm lòng dân ước mỏi/ Đã qua năm trước ngóng năm sau”.

Hoặc trong bài đăng trên Tiếng Dân số 117, ngày 29-9-1928, trước khi khai mạc Hội nghị thường niên năm 1928 mấy ngày, tác giả đã bộc lộ sự phản ứng: “Đã bị thất vọng kỳ bầu cử 1926 thì không lẽ cứ nhắm mắt bịt tai để hy vọng cho cuộc bầu cử 1929 nữa. Nằm im không đành lòng mà bước tới thời đã hết nhiệt huyết, cái thảm tình chúng tôi thật nhiều nỗi bối rối. Đứng địa vị quốc dân trong thời hợp tác, không phải chỉ theo chánh phủ mà tán tụng, mà cũng nên xem chánh phủ như người bạn để thở ngắn than dài”.

Sóng gió bắt đầu nổi lên từ việc Khâm sứ Trung Kỳ tự ý thay đổi ba lần ngày họp và càng mạnh lên trong ngày khai mạc 1-10-1928, Khâm sứ thay đổi trình tự phát biểu. Nếu như các kỳ họp trước, Khâm sứ đọc diễn văn khai mạc như chỉ đạo cho hội nghị bàn thảo, thì lần này, Khâm sứ quyết định Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn trước, rồi mới đến Khâm sứ như là sự phủ định diễn văn của Viện trưởng.

Trong Diễn văn, cụ Huỳnh bày tỏ một tâm trạng: “Chúng tôi đã từng nghe những câu trong dân gian phê bình Viện chúng tôi: “Tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới”(in đậm trong nguyên văn – PX). Chúng tôi ở vào địa vị dở dang bỡ ngỡ này, đối với chính phủ đã không làm được gì và đối với nhân dân cũng không thể cầm hai chữ đại biểu suông mà đáp lại cái lòng mong mỏi của họ, đêm nằm tự nghĩ cứ thẹn lại buồn…”(2).

Tiếp đó, Quyền Khâm sứ Giabui đăng đàn công kích Huỳnh Thúc Kháng thuộc “đám người không toại chí”, “nóng nảy” và thái độ Viện “cũng tiêm nhiễm cái ảnh hưởng ấy nên chỉ đối với chính phủ Nam triều hay là chính phủ bảo hộ, Viện này ra mặt phản kháng, khi nào cũng công kích, khi nào cũng hoài nghi cái ý tưởng hay của bảo hộ cho đến nỗi quên hẳn cái phạm vi chức vụ theo thể lệ đã đặt cái Viện này ra…”(3).

Mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa ấy cuối cùng đã dẫn tới đỉnh điểm: Chiều ngày 2-10-1928, Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức nghị viện và nghị trưởng và 8 giờ sáng ngày hôm sau, cụ Lê Văn Huân, Hoàng Đức Trạch, Lương Quý Di cũng đưa đơn từ chức nghị viện.

Sự đối kháng dẫn tới sự tẩy chay và bất hợp tác của phái đối lập trong Viện Dân biểu Trung Kỳ đã chứng minh cho tính chất “vật trang trí” hay “cái bánh vẽ” của nó mà cụ Huỳnh đã mường tượng từ khi có chủ trương lập viện của thực dân Pháp. Dẫu vậy, điều thú vị là, qua Báo Tiếng Dân, cuộc đấu tranh của phái đối lập trong Viện Dân biểu Trung Kỳ được nhân dân Huế, Trung Kỳ và cả nước biết tới và dành nhiều thiện cảm và lòng quý mến cho cụ Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng, người đứng mũi chịu sào. Điều đó, ta có thể đi tới một kết luận không gượng ép rằng, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người khởi động tiến trình dân chủ hóa ở xứ bảo hộ gián tiếp Trung Kỳ và góp một phần lớn vào tiến trình lịch sử tư tưởng nước ta. Và cũng từ chính cụ Huỳnh khơi mào “văn hóa từ chức” và tiếp đó, một người đồng hương của cụ, ông Phan Thanh, tiếp nối ở Hà Nội, Bắc Kỳ khi cảm thấy không thể làm được những việc theo kỳ vọng và lòng tin cậy của nhân dân. Ở một nước thuộc địa như chúng ta không thể có kiểu “hợp tác giữa con trâu và người đi cày” như nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn An Ninh đã từng thốt lên.

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập. Xuất bản lần thứ ba, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011.

(2). Tiếng Dân, số 119, ngày 6-10-1928.

(3). Tiếng Dân, số 120, ngày 10-10-1928.

PGS.TS Phạm Xanh
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử