Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Người mẹ Làng Sen

Người mẹ Làng Sen

Tháng Tư 16, 2013

Bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901), thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tôi tin rằng đã là người Việt Nam, ai cũng có mong muốn được một lần về thăm quê Bác Hồ – nơi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã từng sống ngày còn ấu thơ. Về Làng Sen, thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh ra, lớn lên và lên núi Động Tranh, đến mộ bà Hoàng Thị Loan để thắp nén nhang tưởng nhớ bày tỏ tấm lòng thành kính biết ơn đối với thân mẫu của Bác – người mẹ anh hùng đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Hoàng Thị Loan (1901) là con gái của cụ Hoàng Xuân Đường. Bà sinh ra trong một gia đình nho học truyền thống lâu đời, nếp sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình mang nhiều phẩm chất văn hóa cao đẹp của quê hương Nam Đàn xứ sở Hồng Lam.

Khi bước vào độ tuổi trăng tròn đẹp nhất của người con gái, Bà Hoàng Thị Loan được mọi người biết đến là một cô gái nết na, thuỳ mị, luôn vui vẻ, hoà nhã, dung nhan tươi đẹp, duyên dáng, ngày thì chăm việc đồng áng, tối về nhà lại miệt mài canh cửi. Con người Bà đã hội tụ đủ bốn đức tính của người phụ nữ truyền thống: công, dung, ngôn, hạnh.

Vào thời kỳ này, người phụ nữ vẫn còn bị ràng buộc nặng nề bởi các lễ giáo phong kiến, đặc biệt là trong hôn nhân. Việc kết hôn phải môn đăng hộ đối: “trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi”. Được sự động viên, ủng hộ của gia đình, Bà Hoàng Thị Loan đã mạnh dạn vượt lên những quan niệm cổ hủ của xã hội để đem lòng yêu thương và kết duyên cùng cậu Nguyễn Sinh Sắc, người mồ côi cả cha lẫn mẹ và được gia đình mình đưa về nuôi cho ăn học trong nhà đã mấy năm nay. Ngày cưới của Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan được tổ chức vào mùa sen nở năm Quý Mùi (1883).

Ông bà Hoàng Xuân Đường dựng ngôi nhà lá ba gian đầu góc vườn phía tây nhà mình cho đôi vợ chồng mới cưới có chỗ ở riêng. Từ đó, cậu học trò Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng của người vợ trẻ. Tình yêu, sự đảm đang, tháo vát việc nhà và sự hy sinh thầm lặng cho gia đình của Bà Hoàng Thị Loan là nguồn động viên lớn lao, là cơ sở vững chắc trên con đường cử nghiệp của ông. Những tháng ngày vất vả, gian nan trên con đường cử nghiệp của ông Nguyễn Sinh Sắc đều có dấu ấn của người vợ hiền thảo, đảm đang. Bà đã sát cánh bên ông, kiên trì động viên chồng dùi mài kinh sử để đi tới thành công trong cuộc đời thi cử của mình.

Ngôi nhà tranh ba gian ghi đậm dấu ấn những tháng ngày vất vả nhưng đầm ấm, hạnh phúc của gia đình bà. Ngày ngày, “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Để chồng yên tâm học hành, bà Loan không quản ngại khó khăn, vất vả, một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng, đến bữa về lo cơm nước cho chồng, cho con, tối đến ngồi trên khung cửi, vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con ngủ, nhiều đêm thức tới khuya để động viên chồng ôn luyện văn chương, đỡ phần hiu quạnh. Bà không những chỉ tạo ra cơ sở vật chất đơn thuần, mà bà còn là người nối chí, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chồng.

Khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan trong ngôi nhà của Bác ở làng Hoàng Trù

Năm 1895, ông Sắc đủ tiêu chuẩn vào làm giám sinh trong Quốc Tử Giám để tu luyện văn chương, chờ kỳ thi Hội tới. Với mong muốn chồng tiếp tục học hành, đậu đạt cao hơn, bà đã gửi con gái đầu lòng mới 11 tuổi ở lại với mẹ già, rồi đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi), gồng gánh theo chồng vào Huế để nuôi chồng, nuôi con, tạo điều kiện vật chất và tình cảm để chồng yên tâm học tập ở trường Quốc Tử Giám. Tình yêu, trách nhiệm với gia đình đã giúp Bà vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân lên nơi đất khách quê người, tiếp thêm sức mạnh cho Bà làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ.

Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc. Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền bác học với một nhân cách yêu nước thương nòi mang đậm tính nhân văn, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân in đậm trong tình mẫu tử. Bà đã nêu một tấm gương trong sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Ở đâu Bà cũng thể hiện một lối sống vui vẻ, vô tư, có nghĩa, có tình được mọi người hết sức yêu mến và quý trọng. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Vì vậy, ngay từ thuở ấu thơ, các con của Bà đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, biết kính trọng người trên, biết sống chan hòa với bạn bè, giàu lòng vị tha, nhân ái, biết nhường nhịn mọi người. Là một người có biết ít nhiều chữ thánh hiền, bà Hoàng Thị Loan đã dành rất nhiều tâm sức để truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lởi rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu. Là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy cho con biết yêu lao động, biết làm những công việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách mê say, chịu khó và sáng tạo, tự lập trong cuộc sống. Nhờ vậy, đến năm 1901, sau khi bà mất, Nguyễn Sinh Cung từ Huế trở về Hoàng Trù, mặc dù tuổi nhỏ, đã đỡ đần nhiều việc cho bà ngoại.

Những lời ru, tiếng hát ngọt ngào, chan chứa tình cảm và giá trị nhân văn sâu sắc của mẹ đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái mênh mông của Bác Hồ. Bà Hoàng Thị Loan đã truyền lại vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú của mình cho con qua lời ru ấm cúng, mượt mà nên tuổi thơ của các con đã hấp thụ được những tấm gương nghĩa liệt yêu nước, thương nòi, lời ca tiếng hát đã nhen nhóm vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng phần nào hình thành ý chí quyết tâm làm nghiệp lớn vì nước vì dân trong tâm hồn cậu bé Cung. Để rồi khi lớn lên, cậu quyết tâm bôn ba khắp năm châu bốn bể, ra đi tìm đường cứu nước chỉ với một trí tuệ lớn,một tâm hồn trong sáng, cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước và hai bàn tay trắng:

“Ru con, con ngủ đi nào,
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng.
Làm trai quyết chí anh hùng,
Ra tay xây dựng vẫy vùng nước non”.

Tiếng ru à ơi của mẹ đã đưa cậu bé Cung vào giấc ngủ say nồng bằng những lời chói ngời đạo lý:

“Con ơi, mẹ dặn câu này,
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.
Làm người đói sạch rách thơm,
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, Bà sống rất giản dị, tiết kiệm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà tập cho con làm những điều tốt và thực tế đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của các con. Nếp sống giản dị thanh tao đó của Bà đã được phản ánh rõ ràng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới 10 tuổi, bà Loan bị ốm phải nằm trên giường bệnh vì lao động quá sức, đời sống lại ngặt nghèo, thiếu thốn, sức khỏe suy giảm sau khi sinh người con trai út. Bà qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý) khi tuổi đời chỉ mới 33 mùa xuân. Một đời tần tảo vất vả nuôi chồng, nuôi con nhưng khi bà từ giã cõi đời ra đi thì chồng và hai con lớn của Bà đều ở xa không hay biết. 33 năm tuy ngắn ngủi nhưng bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, đóng góp quan trọng vào những thành công của chồng, của con.

Thi hài của Bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của Bà được cô Thanh – con gái của bà đưa về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen – Kim Liên. Năm 1942, cậu cả Nguyễn Sinh Khiêm cải táng thi hài của Bà tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ. Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang Quân khu 4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của Bà đàng hoàng, khang trang và đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất – 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm; đưa hài cốt mẹ về đây – 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi – công cụ lao động đã gắn bó với suốt cả cuộc đời Bà. Hai cụm cây hoa Giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế – nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Trên nền sân thượng hình bán nguyệt trước mộ, có dựng tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen.

Từ ngày khánh thành (16/5/1985) đến nay đã có hàng triệu lượt người về đây thành kính thắp nén hương thơm tỏ lòng chân thành, ngưỡng mộ và biết ơn Bà Hoàng Thị Loan, người mẹ của một vĩ nhân, mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam, vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước ta.

Tình thương và nỗi nhớ sâu đậm về mẹ kính yêu vẫn luôn thường trực trong trái tim Hồ Chủ tịch. Khi đang bôn ba ở nước ngoài, giữa đêm khuya nghe tiếng một bà mẹ Việt kiều ru con, Người lại thổn thức không ngủ được vì nhớ những làn điệu dân ca, những lời ru gần gũi, thân quen thuở nhỏ của mẹ:

“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.

Cụ Nguyễn Sinh Vinh – người đã gắn bó, giữ gìn mái nhà tranh của Bác Hồ ở quê nội của Người kể lại sự kiện phục dựng ngôi nhà Bác: “Lúc phục dựng ngôi nhà, chúng tôi làm bàn thờ Bà Hoàng Thị Loan bằng gỗ sơn son thiếp vàng và có làm thêm cổng vào nhà cho thêm khang trang”. Lần thứ nhất Bác về thăm quê vào ngày 16/6/1957, bước vào nhà thấy bàn thờ mẹ mình, Bác xúc động nói: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, trên trải chiếu mộc, đơn giản thôi”. Sau này, mọi người đã phục dựng lại đúng như hiện trạng nhà cũ ban đầu. Sau hàng chục năm xa quê, ngày trở lại, Người vẫn không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, không quên chiếc rương gỗ nhỏ – của hồi môn ít ỏi của mẹ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha…

“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Một lần trên đường đi thăm hợp tác xã trồng cây giỏi ở huyện Quảng Oai (Hà Tây), nhìn thấy đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa xen em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng, Bác ngậm ngùi: “Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.”

Từ khi chào đời, Bác đã được nhận nguồn sống từ dòng sữa mẹ, trong lời ru, câu ca, điệu hò và chập chững những bước đi đầu tiên được mẹ ân cần dìu dắt. Lớn lên lại chứng kiến nỗi vất vả, tảo tần lao động để lo toan nguồn sống gia đình do tay mẹ vun đắp. Do đó, Bác Hồ đã ảnh hưởng từ người mẹ nền văn hoá dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Bác thấu hiểu những khó khăn, vất vả của mẹ, của người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ. Chính vì vậy, trong hành trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ là người đề xướng và tiến hành cuộc cách mạng về giải phóng phụ nữ, đưa thân phận người phụ nữ Việt Nam từ cảnh lầm than, khổ cực, bị khinh miệt và đối xử thậm tệ trở thành người công dân có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò xã hội ngang hàng với nam giới. Người quan niệm rằng: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số dân, để xây đựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về Hà Nội ngày 25/11/1965

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói về Bà Hoàng Thị Loan với những tình cảm chân thành, sâu sắc: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ – người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn !

Không biết các bạn đã từng nghe bài hát “Người mẹ Làng Sen” chưa, còn với tôi, tôi đã nghe bài hát này không biết bao nhiêu lần. Mỗi khi giai điệu của bài hát được ngân lên, trái tim tôi lại thổn thức và bồi hồi xúc động. Xin được bày tỏ sự kính trọng và tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với Bà Hoàng Thị Loan – người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu nhất, người mẹ vĩ đại đã sinh ra cho đời của những người con anh hùng, sinh ra cho đất nước ta Người anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh.

Mẹ làng sen, mẹ làng sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh…
Mẹ làng sen, mẹ làng sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí ………Minh.

Thu Hiền

bqllang.gov.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử