Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > “Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 2)

“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 2)

Tháng Tư 9, 2014

Sự kiện Xuân Lộc 37 năm trước qua sách báo phương Tây

QĐND – Thứ sáu, 20/04/2012 | 21:2 GMT+7

QĐND – Theo kế hoạch, 5 giờ 40 phút sáng 9-4-1975, chiến sự tại Xuân Lộc mở màn, ngay từ ngày đầu, trận chiến đấu đã diễn ra gay go quyết liệt giữa ta và địch. Một mặt, pháo binh của ta chưa phát huy được tác dụng, mặt khác, pháo binh và không quân địch đánh phá rất ác liệt, nên đã gây cho ta thương vong rất lớn.

Về phía địch, chủ quan với thế trận của quân lực Việt Nam cộng hòa, tin tưởng vào lực lượng thiện chiến ngụy bố trí tại Xuân Lộc nên khi trận đánh mới diễn ra được vài ngày, Phòng DAO của Mỹ đặt tại Sài Gòn đã phúc trình Tham mưu Trưởng Lục quân: “Tại chiến trường Xuân Lộc, chúng tôi đã chống lại quân Cộng sản đông hơn nhiều lần. Mặc dù chiến trường chỉ mới qua giai đoạn một, chúng tôi có thể nói không ngần ngại là quân đội Nam Việt Nam đã thắng vòng đầu”[1]. Còn Hãng UPI tại Sài Gòn nhanh chóng đưa tin: “Tướng Lê Minh Đảo và binh sĩ của ông đánh một trận quyết liệt mà ít người dám nghĩ đến. Trận đánh kéo dài vài ba ngày rồi nhưng quân Việt Nam cộng hòa vẫn còn dư sức”[2]. Tại Sài Gòn, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu vội vã tuyên truyền rùm beng về “chiến thắng Xuân Lộc”, về “Khả năng chiến đấu của Quân lực Việt Nam cộng hòa đã được phục hồi’ và hy vọng chúng “còn đủ mạnh để giữ vững chế độ”.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Trước thực tế chiến trường, xuất phát từ nhận định cơ bản: Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ tư lệnh chiến dịch của ta chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh Miền đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại 1 tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch, còn lại lui về phía sau củng cố làm lực lượng cơ động.

Khi chuyển phương án tác chiến, ta đã từng bước bẻ gãy các mũi tấn công, phá hủy nhiều công sự của địch trong thị xã; đồng thời các cơ sở cách mạng trong nội ô tiến công binh vận làm tan rã các đơn vị bảo an, dân vệ của địch. Lúc này, các nhà quân sự, các hãng truyền thông và đặc biệt là các tờ báo lớn tại Mỹ và các nước phương Tây theo dõi rất chặt chẽ chiến sự và sáng 12-4-1975, hãng AFP tại Sài Gòn đưa ra bình luận: “Việt Nam cộng hòa ra quân với những đơn vị thiện chiến nhưng hỏa lực hai bên đánh rất dữ dội. Bởi vậy, chỉ vài ngày đầu ra quân, Sư đoàn 18 bộ binh phải rút bỏ một phần thị xã Xuân Lộc”[3]. Cùng ngày hôm đó, tờ New York Times đã viết: “Quân Nam Việt Nam bị đối phương tấn công tới tấp. Chắc chắn là tinh thần của họ bạc nhược, chỉ trong vài ngày nữa thôi, đối phương sẽ đánh bại được quân Nam Việt Nam”.

Trước sức tiến công như vũ bão của ta, địch vô cùng hoảng loạn nhưng để quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12-4-1975, chúng tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần/chiếc/ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Ngoài ra, địch còn sử dụng bom CBU, loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng để ngăn chặn ta tiến công. Thế nhưng, chỉ đến ngày 15-4-1975, Tờ Người quan sát đã bình luận: “Tình hình đã khác hẳn, thật là nguy kịch, quân lực Việt Nam cộng hòa liên tục bị tập kích và tiêu hao”. Giới quân sự và những nhà thạo tin ở Mỹ và phương Tây đều nhìn nhận rằng: Không chỉ nguy cơ mất Xuân Lộc – vị trí phòng thủ then chốt của quân lực Việt Nam cộng hòa mà còn mất nốt lực lượng trù bị chiến lược cuối cùng. Điều đó nói lên thế và lực của quân đội này đã hoàn toàn suy sụp và khả năng Sài Gòn bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm chỉ còn là vấn đề thời gian có thể tính từng ngày.

Sang 16-4-1975, Đại sứ Mỹ Martin điện gửi tướng Brent Scowcroft (Cố vấn An ninh Tổng thống ở Tòa Bạch ốc) thể hiện rõ sự lo lắng và căng thẳng: “Ảnh hưởng của Xuân Lộc thật là sâu xa, tôi ước tính Việt Cộng tấn công như hiện nay thì chỉ ngày 18 hoặc ngày 19 có thể tàn phá toàn bộ Sài Gòn”. Sau này, tác giả Frank Snepp, trong cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn” cũng miêu tả: Ngày 18-4-1975, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh Quân khu 3) báo cho Thiệu biết: “Quân đội đang tán loạn, số quân quá ít, chỉ hy vọng chống cự được hai, ba ngày nữa thôi”.[4] Cũng theo Frank Snepp, Đại tướng Cao Văn Viên phải bất đắc dĩ mà công nhận rằng: “Quân đội không còn chiến đấu được nữa và không còn hy vọng gì thắng trận”.

Trước thời cơ thuận lợi đã đến gần, đêm 20-4-1975, đại quân ta mở đợt tiến công cuối cùng trên 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, xe tăng và pháo binh quân giải phóng tiến vào thị xã, hầu hết các căn cứ quân sự và cơ quan địch đều tung bay cờ Mặt trận giải phóng. Vào lúc 22 giờ, hơn 220 xe cơ giới địch rút chạy theo liên tỉnh lộ số 2 về Bà Rịa. Rạng sáng 21-4-1975, tuyến “phòng thủ thép” của địch ở Xuân Lộc đã bị đập tan.

Trung tá, TS Trương Mai Hương

(Còn nữa)

[1] Tài liệu về Việt Nam Cộng hòa, Lưu TTXVN
[2] Tài liệu về Việt Nam Cộng hòa, Lưu TTXVN
[3] Tài liệu về Việt Nam Cộng hòa, Lưu TTXVN
[4] Frank Snepp: Cuộc tháo chạy tán loạn. Dịch giả: Ngô Dư, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr. 250.

“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 1)

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)