Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Chiến trường cũ trong con mắt phóng viên nước ngoài

Chiến trường cũ trong con mắt phóng viên nước ngoài

Tháng Tư 25, 2013

Cựu phóng viên ảnh chiến trường Việt Nam năm 1972, 1973, bà Barbara Gluck.

Trong đoàn 15 nhà báo nước ngoài thăm Củ Chi hôm 26/3, có 2 người Mỹ, một là cựu phóng viên ảnh tại Sài Gòn những năm ác liệt trước giải phóng và người còn lại đã viết sách về VN. Men theo lối nhỏ chật hẹp của địa đạo, chuỗi ký ức trong họ dần tái hiện.

Thomas A. Bass được chú ý hơn cả trên chuyến xe. Anh có nụ cười rạng rỡ, sống mũi cao, đôi mắt biết nói, phong cách gần gũi, giản dị. Không dấu hiệu nào khác ngoài tấm thẻ do Sở Ngoại vụ cho thấy người này từng là phóng viên kỳ cựu của The New Yorker, tác giả cuốn sách nổi tiếng VietnamericaThe War comes home viết về những đứa con lai, cũng là người tìm ra cha đẻ cho ca sĩ Phương Thảo sau 3-4 năm vật lộn tại Mỹ…

Xe đi qua một rừng cao su, ước chừng mới đây thôi thu hoạch mùa mủ đầu tiên: thân còn cộc, màu lá xanh non không đủ ngăn nắng lửa Củ Chi. Thomas thốt lên: “Chúng đã được trồng lại. Trước đây chỉ là những hố bom, chết chóc, không cây cối. Chiến tranh đã từng hủy hoại tất cả… Điều này tôi được biết qua những cuốn sử và tác phẩm văn học viết về chiến tranh tại Việt nam. Tôi không phải là phóng viên đã từng có mặt ở Việt Nam thời kỳ 1975 vì lúc đó tôi còn nhỏ. Cho đến lần đầu tới Việt Nam năm 1991, tất cả những điều tôi biết về nơi này đều qua những cuốn sách”.

Thomas nhắc tên những cuốn sách từng đọc, trong đó, để lại nhiều ấn tượng, cho anh một hình dung thật nhất chính là Sorrow of War, bản tiếng Anh tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh. Những trang sách ghi lại câu chuyện tình có thật trong quãng thời gian gian khổ nhất cuộc chiến, những trải nghiệm, niềm đau, nỗi sợ hãi… ám ảnh suốt cuộc đời không chỉ của riêng anh bộ đội trong tác phẩm, mà còn của binh lính Mỹ, những người từng để lại một phần thân thể mình tại Việt Nam vào cái ngày họ không mảy may hy vọng trở về đất mẹ. “Người Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh dài, từ khi chống Nhật, Pháp, Mỹ để có một chiến thắng đáng ghi nhận vào những ngày tháng 4/1975. Họ có quyền tự hào về điều đó”, Thomas nói.

Từ 22 đến 26/3, khoảng 100 phóng viên, nhà báo nước ngoài đến từ 67 hãng thông tấn quốc tế và trong nước đã dự họp báo, đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP HCM.Sau cuộc làm việc với lãnh đạo UBND thành phố ngày 22/3, đoàn đã đi thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật Thị Nghè, Làng Hòa Bình Từ Dũ, địa đạo Củ Chi, Cần Giờ.

Còn 2 cuốn sách của các tác giả Mỹ được nhắc tới là A bright, shining lie của Neal Sheehan,Dispatches của Michael Herr. Chiến tranh, theo những gì đọng lại trong Thomas là một thảm họa, một sai lầm của nước Mỹ vì có quá nhiều người đã chết.

Nói về cuốn sách của mình, Vietnamerica, xuất bản năm 1995, Thomas cho rằng, đây đơn giản chỉ là cuốn sách ghi lại câu chuyện, số phận những đứa con mang hai dòng máu Việt Nam – America, dựa vào sự kiện những năm 1988, 1990, khi Chính phủ Mỹ tìm và đưa tất cả những đứa con lai Mỹ, hiện đang là trẻ bụi đời (children of dust) bị cha đẻ bỏ rơi sau 13 năm giải phóng. “Những đứa con lai lúc này đã lớn, khi sang Mỹ được trả về gia đình hoặc được Chính phủ nuôi, cho ăn học theo văn hóa, đời sống Mỹ, đến khi đủ 18 tuổi có thể sống tự lập như bất kỳ một người Mỹ bình thường”, Thomas nói.

Ngồi ngay sau Thomas trên chuyến xe chính là Barbara Gluck, một cựu phóng viên ảnh đã từng vác máy rong ruổi cùng chồng trên chiến trường miền Nam Việt Nam, cũng là cây bút của The New York Times trong những năm 1972, 1973.

Lần đầu đến Việt Nam vào tháng 4/1968, Barbara làm việc như một cộng tác viên. Bà đến Đông Nam Á trong chuyến đi dài 3 tuần, theo lời mời của Joseph Treaster, phóng viên thường trú của The New York Times, người sau này là chồng của bà.Gặp nhau tại Hong Kong, cả hai bay đến Sài Gòn.

“Tôi đã ở đây 3 ngày trước khi có trận đánh lớn của quân đội Việt Nam. Khi đó, tôi đang ở khách sạn Continental bỗng nghe thấy tiếng bom nổ ở ngay trung tâm thành phố. Ngay sau đó, tôi đã nhìn thấy những thân thể người ở ngay bên bờ sông, nhiều binh lính cầm súng trên tay…, những cảnh tượng một cô gái New York như tôi chưa bao giờ thấy. Lúc đó tôi chưa đầy 30 tuổi”, bà nói.

Chuyến đi Việt Nam tiếp đó là năm 1972, cùng chồng. Barbara nhớ như in khoảnh khắc bấm máy trong 14 giờ bay trên một chiếc B52 thả bom miền Bắc. Bà cũng không thể không nhớ 24 giờ nằm vùng tại một làng ở Mỹ Tho. “Tôi đã chụp ảnh trẻ em, bộ đội Việt Nam. Cái cảm giác lúc đó về ngôi làng là hình như không có chiến tranh đang xảy ra. Lũ trẻ tóc vàng hoe, chạy xung quanh tôi chỉ trỏ như chưa bao giờ nhìn thấy người Mỹ. Người dân đã cho tôi ăn, không có kẻ thù và coi như bạn tốt”, Barbara kể lại.

Thomas và Barbara bên cạnh quả bom B52

Thomas và Barbara bên cạnh quả bom B52

Giờ đây, ngay tại Củ Chi, không khó khăn để Barbara nhận ra hình thù quả bom B52 trong góc nhà trưng bày. Bà chỉ cho nhiều đồng nghiệp đứng cạnh: “Tôi đã nhìn thấy những người phụ nữ bình thường, họ đang làm việc. Một tiếng bom nổ, khói mù mịt. Máu trào ra từ hai bên tai và hốc mũi của người phụ nữ. Những hình ảnh tôi không thể quên”.

Rời nhà trưng bày, đoàn phóng viên đi qua bếp Hoàng Cầm. Ai cũng nhón thử một miếng sắn luộc chấm với muối vừng, món dã chiến của bộ đội Việt Nam. Tranh thủ lúc nghỉ uống nước, Thomas tiết lộ, sau chuyến đi này sẽ viết một bài báo dài 10.000 từ về những cảm nhận Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, về chính trị, văn hóa, giáo dục. Còn Barbara sẽ ở lại để ghi những hình ảnh TP HCM vào ngày 30/4 năm nay, đồng thời đến thăm những làng trẻ em nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi để làm giàu bộ sưu tập cá nhân của mình.

“30 năm quay lại Việt Nam, tôi thực sự không thể tin nổi những đổi thay nơi thành phố này. Đứng ở quảng trường Nhà hát thành phố, ngắm khách sạn Caravelle, Continental…, tôi có cảm giác như đứng ở Beverly Hill, Mỹ. Tôi chỉ biết nói một điều rằng tôi yêu thành phố này, tôi yêu Việt Nam và các bạn”.

Lê Nhàn Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam