Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Khi “quả chanh” Nguyễn Văn Thiệu kiệt nước

Khi “quả chanh” Nguyễn Văn Thiệu kiệt nước

Tháng Chín 30, 2011

Vào ngày 12/1/1973, sau những đình hoãn do vụ “ném bom vào dịp Lễ Giáng sinh” gây ra, một điệp viên của CIA đã dựa vào những nguồn tin từ Hà Nội dự đoán rằng Mỹ và Hà Nội sẽ ký kết một hiệp định ngừng bắn vào ngày 20. Do bị Kissinger cấm không được phán tán thông tin, CIA tại Hà Nội đã thúc giục trụ sở chính phải nhanh chóng báo cáo thông tin này vì họ hiểu tầm quan trọng của ngày được nêu ra.

Hiệp định Paris và San Clemente

Cũng đã có dấu hiệu cho thấy ít nhất chính quyền Sài Gòn đã có lời gợi ý xa xôi về bản hiệp định. Bunker lo ngại về sự nhạy cảm của Kissinger, nên đã giục giã Polgar cảnh báo cơ quan đầu não CIA. Polgar lập tức làm theo với hy vọng ” ngăn chặn mọi sự nghi ngờ và tức giận” có thể xảy ra tại Nhà Trắng nếu thông tin bị rò rỉ ra từ phía Mỹ.

Ngày 16/1, Haig chuyển cho Thiệu một tối hậu thư nữa của Nixon, đe dọa sẽ tố cáo Thiệu là cản trở hòa bình nếu ông ta từ chối ký vào bản hiệp định. Thiệu tiếp tục giữ thái độ ngoan cố của mình, chỉ nói với Haig rằng ông ta sẽ trả lời vào ngày hôm sau.

15 phút sau khi Haig rời đi, Thiệu đến và đọc bức thư của Nixon cho quốc hội nghe. Cuộc thảo luận tiếp sau đó chỉ tập trung vào bàn các biện pháp thực thi, trên cơ sở chiến thuật “một mũi tên trúng nhiều đích” của Thiệu, nghĩa là việc ông ta thể hiện sự ngoan cố của mình là để nhằm bòn rút mọi thứ có thể từ Mỹ trước khi ông ta đặt bút ký vào bản hiệp định.

Những nguồn tin khác cũng cho CIA biết rằng ngày hôm đó Thiệu đã nhượng bộ trước những điều không thể tránh khỏi và sẽ đồng ý ký hiệp định. Haig nhẹ cả người và ông ta sẽ không phải lo lắng về những chiến thuật mà ông ta định sử dụng với Thiệu vào ngày 17.

Thiệu đã trao cho Haig một bức thư gửi Nixon đòi hỏi thêm sự thay đổi nhưng vấn đề đó giờ đã được quyết định. Thiệu chỉ còn mỗi việc là thông báo quyết định của mình cho chính phủ và quân đội của ông ta. Vào ngày 20/1, Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia. Phó Tổng thống Hương vừa khóc vừa mô tả lại phiên họp ảm đạm đó và tự coi mình là kẻ giơ đầu chịu báng.

Hương nói rằng ông ta so sánh Nam Việt Nam với một cỗ xe ngựa đang đứng trên một chiếc cầu đang sập, sẽ gặp nguy hiểm cho dù đi về bất cứ hướng nào và nói về việc ký vào hiệp định như một thứ đỡ tệ hại nhất trong số những thứ tệ hại. Sau khi để cho Phó tổng thống nổi tiếng về việc chống Cộng Hương cầm chịch, Thiệu tiếp tục để cho Hương công nhận cái thực tế mà họ không thể tránh khỏi.

Ngày 23/1, ám chỉ đến việc Mỹ đang gây sức ép đối với việc ký vào bản thỏa thuận, Thiệu nói trong một cuộc họp nội các rằng hiệp định Paris phản ánh một sự đồng thuận giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên bang Xô Viết; sự chấp thuận của Nam Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng ông ta tin rằng việc ông ta không chấp nhận thoả thuận hồi tháng 10/1972 đã giúp ngăn cản một kết quả bất lợi hơn; kết quả của đợt ném bom trong Lễ Giáng sinh, như Thiệu nói, là sẽ ngăn cản hoạt động quân đội miền Bắc ở miền Nam trong ít nhất là 3 tháng nữa.

Nhưng Thiệu không hề hiểu rằng ông ta đã thuận theo những áp lực mà Nhà Trắng đã áp đặt lên ông ta như thế nào. Haig đã nói với đại sứ Bunker sau lễ ký hiệp định rằng Thiệu không thể không chấp nhận hiệp định này được.

Tổng thống Nixon đã hứa sẽ đón tiếp Tổng thống Thiệu khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, và ông ta đã thực hiện lời hứa của mình khi ông mời Thiêụ tới thăm Nhà Trắng phía Tây ở San Clemente vào đầu tháng 4. Đại sứ Bunker và trưởng văn phòng CIA tại Sài Gòn đã có mặt trong đoàn của sứ quán. Ngày 31/3, Polgar đã tới sân bay sớm để đến San Clemente và ông ta gặp tướng Szuecs người Hungary.

Tướng Szuecs có mặt là bởi ông ta phải đón Tư lệnh quân đội của chính phủ cách mạng lâm thời. Khi họ chờ máy bay hạ cánh, Szuecs đã chỉ vào 2 sĩ quan Cộng sản dẫn một đội danh dự của quân đội miền Bắc từ Ủy ban quân đội liên hiệp Paris uỷ thác và hỏi Polgar: “Ngài có biết những người này không?”.

Polgar nói rằng, không biết và Szuecs đã giới thiệu Polgar với một chỉ huy người miền Bắc Việt Nam trẻ tuổi, Szuecs nói bằng tiếng Anh rằng Polgar là “một trong những nhân vật quan trọng nhất của sứ quán Mỹ, sau đại sứ Bunker”. Người chỉ huy Việt Nam này đáp lại một cách lịch sự: “Ngài có muốn duyệt đội ngũ không?” và Polgar đã nhận lời mời.

Ngay sau khi đến San Clemente, Bunker phàn nàn với Polgar rằng ông ta không được mời tới dự bữa tối duy nhất mà Nixon mời Thiệu. Ông ta nghĩ rằng Thiệu sẽ thấy điều này là khó hiểu. Polgar đương nhiên là đồng ý, và ông ta nói vấn đề này với Kissinger, người đã rất “tức giận” khi khám phá ra rằng người chiếm chiếc ghế cuối cùng của bữa tiệc là H.R.

Haldeman, Chánh văn phòng của Nixon. Haldeman đã từ chối đề nghị rút lui khỏi bữa tiệc của Kissinger và Ngoại trưởng đã đến gặp trực tiếp Tổng thống. Nixon cuối cùng đã quyết định để Bunker tham dự.

Những rắc rối không chỉ dừng lại ở giai thoại này. Kissinger rất thân thiện với Polgar và đã một lần mời ông cùng ăn sáng. Nhưng rút cục là nhà bếp do văn phòng Halderman điều hành đã không mang tới bất cứ thứ gì cho họ tại phòng của Kissinger ngày hôm đó. Họ không bàn gì nhiều về những việc đại sự nhưng ngay buổi chiều hôm đó, đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam vừa được bổ nhiệm Graham Martin đã gõ cửa phòng Polgar.

Ông ta đã nghe kể về bữa sáng, và theo như Polgar nhận thấy trong cách thức “bí ẩn và lôi cuốn” của Martin, thì Martin có vẻ lo lắng vì sợ rằng Polgar sẽ có thể bỏ qua ông ta mà bàn luận thẳng mọi việc với Kissinger. Nhưng Polgar đã đảm bảo với Martin rằng, là trưởng cơ quan CIA tại Sài Gòn, Polgar phải làm việc cho đại sứ và cho dù cuộc gặp đầu tiên giữa họ khá căng thẳng, họ đã có một mối quan hệ tốt đẹp ở Sài Gòn, sau khi Martin đến nhậm chức vào giữa mùa hè.

Polgar đã ngồi nghe khi Nixon hứa với Thiệu sẽ cung cấp 1 tỷ USD viện trợ quân sự và một tỷ nữa viện trợ kinh tế. Polgar cho rằng chính điều này đã giải thích tại sao Thiệu lại luôn tin rằng Nixon trung thành với chế độ Sài Gòn.

Thêm áp lực cho Thiệu

Sự thiết lập của một bộ máy thực thi lệnh ngừng bắn ở miền Nam không có nghĩa là tất cả các bên đều đã nhất trí với các biện pháp tiến hành. Kissinger và Lê Đức Thọ đã bắt đầu tái thương lượng một số điều khoản và Thiệu phản đối những lời lẽ trong dự thảo về phân định ranh giới giữa Sài Gòn và vùng lãnh thổ do phe Cộng sản kiểm soát.

Một bản thông cáo dự định sẽ được công bố ngày 7/6, và quyền đại sứ Charles Sheldon Whitehouse (Bunker đã rời nhiệm sở sau 6 năm làm việc một cách kiệt sức ở Sài Gòn) đã cố gắng để thuyết phục Thiệu nhất trí. Khi thấy việc thuyết phục Thiệu trở nên khó khăn, Polgar đã gặp tướng Quang để nhắc lại luận điệu quen thuộc rằng “sự ủng hộ của Mỹ đối với Nam Việt Nam quan trọng hơn nhiều bất cứ một chiến thắng về ngôn từ nào tại bàn đàm phán”.

Cả Quang và Thiệu đều không biết rằng Nixon sẽ có cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày hôm đó và bởi thế nên ông ta rất cần sự chấp thuận của Thiệu. Polgar đã nói điều này với tướng Quang. Vì thế, những lời nói của Polgar đã khiến cho Thiệu quyết định triệu tập Whitehouse đến gặp ông ta vào chiều hôm đó.

Nhưng quyền đại sứ Whitehouse cũng không thể lay chuyển được Thiệu. Theo quan điểm của Polgar, sự ngoan cố của Thiệu bắt nguồn từ 3 lý do. Ở mức độ chiến thuật, Polgar cho rằng Thiệu không tin cả động cơ của Mỹ và Bắc Việt Nam trong việc tái đàm phán về các điều khoản thi hành, vì ông ta nghĩ rằng những đàm phán về lãnh thổ từ hồi tháng 1 vốn có lợi cho chính quyền Sài Gòn khiến những cuộc đàm phán nữa là không cần thiết.

Hơn nữa, Polgar còn nhìn nhận nguyên nhân của việc này là do thái độ thù địch cá nhân của Thiệu với Kissinger và nỗi tức giận trong khi Hà Nội tham gia đàm phán trực tiếp, còn miền Nam Việt Nam thì bị giáng cấp xuống vị trí khách hàng.

Sự đình trệ giữa Mỹ và Thiệu vẫn tiếp tục. Ngày 10/6, Nhà Trắng ra lệnh cho Polgar nhắc lại với tướng Quang về những thiệt hại với chính quyền Sài Gòn nếu Quốc hội đột ngột cắt khoản hỗ trợ tài chính để đáp lại thái độ ngoan cố của chính quyền Sài Gòn. Một quan chức CIA gặp tướng Quang tại nhà thờ Sài Gòn và đã thiết lập cuộc gặp.

Quang chấp nhận lập luận của Polgar nhưng Thiệu vẫn tiếp tục đòi hỏi “những thay đổi không đáng kể” mà ông ta cho rằng là thiết yếu trong việc tránh được một sự “hợp pháp hóa việc phân chia miền Nam Việt Nam”. Tuy nhiên, Polgar nghĩ rằng Thiệu sẽ đối ý: “Cảm nhận của tôi là chỉ cầm thêm một lá thư nữa của Nixon là sẽ đạt được mục đích”.

Song những cố vấn của Thiệu, bao gồm cả Quang, ủng hộ một cách hoàn toàn và mạnh mẽ thái độ không khoan nhượng của Thiệu khi đưa vào bản thông cáo một điều khoản của hiệp định liên quan tới tổng tuyển cử. CIA đã báo cáo về Washington vấn đề này và Nixon lập tức hạ lệnh cho đại sứ William Sullivan ở Paris phải nhắc tới điểm này với Lê Đức Thọ.

Bức thông điệp của Nixon gửi Thiệu công bố nhượng bộ này đến vào lúc 6h sáng ngày 13/6 và Polgar đã gặp Quang 1 giờ sau đó để trao đổi. Quang đã đoán trước một cuộc tranh cãi trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Thiệu, tại đó ông ta và Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên thúc giục ký chấp thuận, còn những nhân vật dân sự diều hâu như Hoàng Đức Nhã sẽ phản đối.

Polgar cho biết họ đã đi tới gần cuối con đường và giục Quang phải thuyết phục được Tổng thống chấp thuận vào buổi trưa. Quang và Viên đã thắng thế và họ đã tránh được sự đổ vỡ trong quan hệ với Mỹ khi tất cả các bên đều ký vào nghị định thư ngày hôm đó ở Paris.

Polgar nói với cơ quan đầu não CIA rằng CIA tại Sài Gòn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được thoả thuận với chính quyền Nam Việt Nam và CIA tại Mỹ đã phúc đáp, nhấn mạnh rằng họ đã làm rất tốt công việc, đã cho thấy “sự phối hợp của việc thu thập thông tin tình báo và các hoạt động chính trị”.

Co kéo điểm mấu chốt

Mùa hè năm 1973, 6 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trưởng cơ quan CIA tại Sài Gòn Polgar cho rằng lực lượng của Thiệu “đã tiến bộ và củng cố kiểm soát ở phần lớn những vùng dân cư ở Nam Việt Nam”.

Khi đưa ra nhận xét này, rõ ràng là Polgar đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của những thông tin tình báo thu thập được từ những tháng trước đó cho hay phe Việt Cộng đã quyết định chuyển trọng tâm của mình từ hoạt động quân sự sang đấu tranh chính trị.

Vài năm sau đó, ông ta cho rằng chiến dịch bình định hóa nông thôn đã thành công khi mà chính phủ Sài Gòn kiểm soát được tất cả các thủ phủ quận, huyện. Và ngay cả căn bệnh ung thư của chính quyền Sài Gòn là tham nhũng thì ông cũng cho rằng căn bệnh đó rất phổ biến ở khắp Đông Nam Á.

Tuy nhiên phó của Polgar là Conrad LaGueux không tự tin như sếp của mình. Ông ta cho rằng sự đầu tư ồ ạt của Mỹ vào nền kinh tế nông thôn đã không khiến cho người dân trung thành hơn với chế độ Sài Gòn. Theo quan điểm của ông ta “Việt Cộng đã có được sự ủng hộ sâu sắc và rộng rãi”.

Một trong những quan chức của Polgar thuộc cơ quan đánh giá và chỉ dẫn (IAB) nhớ lại rằng cơ quan này còn đưa ra những đánh giá bi quan hơn cả của LaGueux. Robert Vandaveer đã điều hành văn phòng CIA ở Huế trong vòng 2 năm trước khi đến Sài Gòn vào giữa năm 1973 để tham gia vào IAB.

Giải thích cho lý do điều chuyển công việc này, Polgar nói với Vandaveer rằng ông ta cần có sự tham gia của CIA để những đánh giá của cơ quan này được cân bằng hơn. Vandaveer hiểu rằng Polgar muốn chính phủ Mỹ cam kết nhiều hơn với chính quyền Nam Việt Nam và ít dằn vặt hơn vì những điểm yếu của nó. Polgar không cấm báo cáo về trung ương tin xấu nhưng ông ta đã áp đặt một tiêu chuẩn kiểm dịch chặt chẽ và đòi hỏi những báo cáo kiểu như vậy phải được “đặt vào viễn cảnh xa hơn”.

Trên thực tế, điều này có nghĩa những báo cáo về nạn tham nhũng của chính phủ, những nhận định cá nhân theo hướng xấu, thường hiếm khi được công bố. Và mỗi khi một làng nào đó rơi vào sự kiểm soát của phe Cộng sản sau hiệp định Paris, bản báo cáo đó phải chỉ rõ rằng một số lượng lớn hơn các làng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Sài Gòn.

Nhưng yêu cầu về “viễn cảnh” này lại không áp dụng cho những tin tốt, Vandaveer cho rằng khi Thiếu tướng Timmes thay mặt CIA tiến hành những chuyến hành vi thường kỳ về tình hình quân đội Nam Việt Nam, ông ta thường đưa ra những báo cáo lạc quan về mặt bề nổi và Polgar chấp nhận điều đó.

Ngược lại, những nhà phân tích tại CIA lại đưa ra dự báo về sự thâm nhập ngày một sâu của phe Cộng sản và rất nhiều sĩ quan CIA hoạt động ở hiện trường hoàn toàn hoài nghi về sự tiến bộ của tiến trình chính trị ở Nam Việt Nam.

Sự tô điểm chính trị

Cho dù quan điểm chính trị của tầng lớp nông dân vào năm 1973 như thế nào, sự cam kết của Mỹ để Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục quản lý Nam Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cuộc đấu tranh nhằm phương Tây hóa tiến trình chính trị quốc gia ở Nam Việt Nam.

Như những phần trước đã đề cập, vào cuối năm 1971, trưởng văn phòng CIA ở Sài Gòn lúc đó là Ted Shackley đã đoán trước khả năng về một cuộc đấu tranh chính trị cam go khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực. Nhưng vào tháng 6/1973, khi cuộc bầu cử thượng viện đến gần, CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ quan tâm đến hình ảnh của Sài Gòn ở Mỹ hơn là sự sống còn của thể chế này.

Cơ quan đầu não CIA ở Mỹ và ở Sài Gòn cố gắng liên hệ với các đảng phái trong chính phủ và cả đảng phái đối lập nhằm tạo cho cuộc bầu cử “dáng vẻ của một cuộc diễn tập đa đảng phải càng nhiều càng tốt”.

Polgar hứa sẽ cố gắng nhưng cũng nói rõ rằng ông ta không thể làm gì nhiều vì chính quyền Nam Việt Nam vẫn tức giận vì Mỹ đã gây áp lực buộc họ ký vào hiệp định Paris, khiến cho họ “không còn tin rằng Mỹ sẽ là đúng như những cam kết của mình”, có nghĩa tiếng nói của Mỹ sẽ còn rất ít trọng lượng với họ.

Ngày 18/6, CIA tại Sài Gòn báo cáo rằng những áp lực của họ lên các nhân vật chính trị để họ lập ra đảng đối lập đã thất bại bởi những nhân vật này hiểu rõ được thất bại hiển hiện một khi tranh cử.

Trong những tuần ở khoảng thời gian giữa lúc Ellsworth rời nhiệm sở và Graham Martin chuẩn bị nhậm chức, Polgar phải giải quyết những bản báo cáo về mối bất hòa giữa Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm. Lo ngại rằng những diễn biến như vậy có thể gây ra bất ổn, đại sứ lâm thời đã khuyến khích Polgar đến gặp trực tiếp Khiêm để hỏi về chuyện này.

Thủ tướng sẵn sàng thừa nhận những căng thẳng gần đây giữa họ do ông rút lui khỏi vị trí đứng đầu danh sách ứng cử viên thượng viện cho đảng Dân chủ của Thiệu và bởi vì quan điểm chống đối của ông với những cố vấn diều hâu như Hoàng Đức Nhã, một người mà ông ta cho là “hung hăng, kiêu ngạo và có sức thuyết phục”.

Khiêm, một người thường tự cho mình là không biết sợ gì cả và có những hành động theo nguyên tắc mà Polgar không hề tin tưởng, đã nói rằng ông ta và tướng Cao Văn Viên chống lại những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc thúc đẩy một chế độ “chuyên chế, hoàn toàn tập trung” theo mô hình của Ngô Đình Diệm.

Tháng 7/1973, vào giữa giai đoạn mà Polgar gọi là khoảng lặng trước cơn bão, Graham Martin đến nhận nhiệm vụ là đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Ông này đã từng làm đại sứ ở Thái Lan và Italy. Khi họ đến Sài Gòn, Martin và vợ đã mất một đứa con trai trong cuộc chiến ở Việt Nam. Mặc dù có phong cách hoàn toàn khác với Bunker, người được Polgar miêu tả là hòa nhã, thân thiện và tử tế, Martin dường như không đưa ra thay đổi gì đáng kể đối với phái đoàn trong phương cách tiếp cận những vấn đề cơ bản.

Trong giai đoạn đầu, quan hệ của Polgar với đại sứ mới ở mức trung bình, nhưng chỉ sau vài tháng, Polgar “rõ ràng đã trở thành người thân tín nhất của đại sứ”. Quan hệ của họ tốt đẹp mặc dù Polgar nhiệt tình ủng hộ một số nhà báo Mỹ mà Martin không thích. Sau đó, Polgar còn đảm nhận thêm nhiệm vụ giúp Martin tìm một người phó mới cho ông ta và cùng ông ta đánh giá lại những quan chức cấp cao của sứ quán.

Đại sứ mới tận dụng văn phòng CIA như một kênh thông tin và gây ảnh hưởng một cách tối đa, giống như Bunker đã từng làm. Như phó trưởng văn phòng CIA tại Sài Gòn LaGueux nhận xét, lý do là bởi Martin rất tin tưởng ở sự cẩn trọng của văn phòng CIA.

Một lý do khác là bởi CIA có những mối liên hệ mật thiệt với người của Thiệu như Khiêm, Quang, những người sẵn sàng thúc đẩy những quan điểm và chính sách của Mỹ với Thiệu. Thêm vào đó, còn có những yếu tố khác khiến CIA trở nên quan trọng.

Phó đại sứ mới, Wolfgang Lehmann, không được phong hàm đại sứ như người tiền nhiệm của ông ta là đại sứ Whitehouse, và điều này đã khiến ông ta không được tổng thống Thiệu coi là một nhân vật đối thoại chính thức. Trong khi đó, văn phòng CIA lại có thể duy trì mối liên lạc không chính thức với Khiêm trong lúc Ngoại trưởng Trần Văn Lắm phản đối mối liên lạc thường xuyên của sứ quán với Thủ tướng mà không thông qua bộ của ông ta.

Đáp ứng đòi hỏi của sứ quán và Washington, CIA bắt đầu sử dụng những quan hệ của họ, cả với những người trong quốc hội, để phục vụ mục tiêu tô điểm chính trị. Conrad LaGueux nhớ lại rằng mục tiêu của họ thời gian đó tập trung xung quanh việc chính quyền đối xử với những tù nhân chính trị đã gây ra sự bất bình trong công luận Mỹ.

LaGeuex không hiểu Thiệu được cái gì khi bắt giam những người chống đối không phải là Cộng sản. Ông ta đã thuyết phục chính quyền Sài Gòn công bố thông tin về những tù nhân và đảm bảo rằng họ được đối xử tử tế. Khi vụ xìcăngđan Watergate xảy ra, chính quyền Nixon không thể đảm bảo được sự ủng hộ Thiệu như trước. Vấn đề càng leo thang vào tháng 9/1973, Martin thì thuyết phục Thiệu và Polgar thì thuyết phục Khiêm để họ quyết định thả một nhân vật chống đối không phải là Cộng sản. Con bài quen thuộc của Mỹ lại là triển vọng về viện trợ nếu chính quyền Sài Gòn không tuân thủ.

Polgar đã gặp Hoàng Đức Nhã về trường hợp những người chống đối này và nhắc nhở ông ta rằng khoản viện trợ cho cảnh sát đang có nguy cơ không còn nữa. Kết cục, ngày 18/9, chính quyền đã hứa sẽ thả 3 thành viên nghiệp đoàn mà không kết tội họ.

Khi mùa hè chuyển sang thu vào năm 1973, người Mỹ đã thắng thế vị khách hàng bướng bỉnh của họ khi ép được Thiệu phải ký vào hiệp định ngừng bắn và nghị định thư thực thi hồi tháng 6. Nhưng rút cục, chính quyền của Nixon đã không thể giữ lời hứa của mình là ủng hộ Thiệu tới cùng. Kết cục của những con rối chính trị như thế nào thì ai cũng đã rõ.

“…Thiệu đã thực thi chính sách ‘một mũi tên trúng nhiều đích’, nghĩa là ông ta thể hiện sự ngoan cố của mình là để nhằm bòn rút mọi thứ có thể từ Mỹ trước khi ông ta đặt bút ký vào bản hiệp định…”.

Bắc Bình (lược dịch) – CSTC số 8

CAND Online