Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > “Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 1)

“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 1)

Tháng Tư 9, 2014

Sự kiện Xuân Lộc 37 năm trước qua sách báo phương Tây

QĐND – Thứ năm, 19/04/2012 | 22:27 GMT+7

QĐND – Bị thất bại thảm hại ở Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Mỹ-ngụy quyết “tử thủ” Sài Gòn bằng cách dựng lên các tuyến phòng thủ, nhất là ở những khu vực then chốt vùng ngoại vi, trong đó thị xã Xuân Lộc được chúng xác định là “cánh cửa thép” phía Đông. Tại đây, địch bố trí một lực lượng lớn gồm: Sư đoàn 18 bộ binh mạnh nhất của Quân đoàn 3, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Long Khánh.

Đồng thời, chúng tổ chức lực lượng dự bị chiến lược (dù, thủy quân lục chiến) và toàn bộ lực lượng pháo binh của Quân đoàn 3, không quân từ 2 sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất sẵn sàng chi viện bảo vệ Xuân Lộc. Mục đích của Mỹ-ngụy khi xây dựng phòng tuyến này là nhằm ngăn chặn chủ lực của quân giải phóng miền Nam, kéo dài sự tồn tại của chế độ tay sai, mong chờ sự can thiệp của Mỹ.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa đưa quân tăng viện cho Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Bởi vị trí trọng yếu của tuyến phòng thủ Xuân Lộc, nên ở vào thời điểm trước, trong và sau trận chiến đã thu hút sự quan tâm của báo chí và các nhà nghiên cứu, phân tích chính trị nước ngoài. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ xem “Xuân Lộc là ốc xoáy cuối cùng” quyết định số phận Sài Gòn; chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vinh danh Xuân Lộc là “phòng tuyến thép”. Còn Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 bộ binh ngụy – tướng Lê Minh Đảo lớn tiếng tuyên bố “tử thủ” Xuân Lộc bằng mọi giá. Trong cuốn “Một chương bi thảm” – tác giả Dương Hảo đã dẫn lời của tướng Lê Minh Đảo tuyên bố hết sức ngạo mạn với giới báo chí sau khi bố trí xong trận địa phòng thủ: “Tôi thề giữ vững Xuân Lộc. Bất chấp Cộng sản tập trung bao nhiêu sư đoàn, tôi cũng đánh gục họ. Tôi sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết sức mạnh và tài ba của quân lực Việt Nam cộng hòa”[1]. Với những nỗ lực trên, Mỹ và chính quyền Sài Gòn hy vọng “có thể bảo vệ được nửa phía Nam của Việt Nam cộng hòa và đi đến cuộc đàm phán “công bằng” với Hà Nội”[2]; hy vọng giữ được phần lãnh thổ còn lại đến mùa mưa, sẽ tổ chức phản công đánh chiếm lại những vùng đất đã mất.

Mặc dù Mỹ-ngụy chủ quan và hy vọng như vậy nhưng giới quân sự ở cả Mỹ và Sài Gòn đều nghi ngờ về khả năng chiến đấu của Việt Nam cộng hòa. Ở thời điểm trước khi xảy ra sự kiện Xuân Lộc, hầu hết các đơn vị chủ lực ngụy mất sức chiến đấu, số binh lính bỏ ngũ quá nhiều. Thêm vào đó là Quốc hội Mỹ khước từ viện trợ cho quân đội Việt Nam cộng hòa. Tại Oa-sinh-tơn, nhiều cuộc họp của các nhà nghiên cứu quân sự đã phân tích và cho rằng: Người Mỹ có thể cung cấp tiền và vũ khí, nhưng họ không thể cung cấp những tố chất cần thiết cho một sự ổn định chính trị và cho sự thành công về quân sự của Nam Việt Nam. Cũng bàn về vấn đề trên, tác giả cuốn: “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ” – Alen Dawsonviết: “Trên một khía cạnh, Cộng sản đã mang chiến tranh gần đến Sài Gòn. Khía cạnh khác là các nhà quân sự đều cho rằng đó là cuộc thăm dò phòng thủ, thử phản ứng và di chuyển của quân đội Sài Gòn. Trực thăng vũ trang ở Tân Sơn Nhất đã phản ứng nhưng Sài Gòn sẽ gặp khó khăn nếu trận đánh lớn xảy đến. Quân đội Sài Gòn chỉ còn 1 lữ đoàn dù, đôi ba tiểu đoàn quân biệt động ở nội thành. Không quân chẳng còn mấy nữa. Các đơn vị tham mưu cố tái lập một số đơn vị nhưng chẳng tiến triển gì mấy”[3]. Tạp chí Lục quân Mỹ (Armed Forces Journal), số tháng 5-1975 thì khẳng định: “Quân đội Sài Gòn đã tháo chạy ở tất cả mọi nơi nó đã gặp thử thách, ngoại trừ Xuân Lộc nhưng cũng đang bị sức ép nặng nề, ít nhất cũng là 100.000 bộ đội Cộng sản, 10 sư đoàn bộ binh và lực lượng yểm trợ đang ở trong khoảng cách Sài Gòn một hai ngày đường. Sài Gòn được phòng thủ bởi các đơn vị bộ binh tồi mà hầu hết những người am hiểu đều tin rằng chúng sẽ co rút nhanh chóng sau phút đầu chạm súng”.

Ngoài ra, nhiều tờ báo lớn của Mỹ, Pháp và Ô-xtrây-li-a đã phơi bày sự bi đát của chế độ Thiệu và quân lực Việt Nam cộng hòa. Sự thiếu đồng thuận trong hệ thống tướng lĩnh, chỉ huy quân đội, thiếu sự phối hợp cả về vật chất và tinh thần giữa Oa-sinh-tơn và Sài Gòn. Từ đó, dẫn đến tinh thần binh lính bạc nhược, khả năng chiến đấu kém, không đương đầu nổi trước sức mạnh của Bắc Việt. Báo Paciffic Striper (tờ báo của Quân đội Mỹ) xuất bản tại Sài Gòn số ra ngày 24-3-1975, đã đăng tải lời tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ – tướng Frederick C.Weyand bằng chữ in đậm làm cho mọi giới chức Sài Gòn càng hoang mang, lo sợ: “Nếu không có viện trợ bổ sung, Sài Gòn sẽ sụp đổ trong một tháng… Nếu Cộng sản nắm chính quyền thì có thể hai trăm nghìn người Việt Nam sẽ bị giết”.

Đối với ta, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 7-4-1975, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự, củng cố Sài Gòn của địch, cắt giao thông, tạo thế có lợi để mở đường tiến công Sài Gòn.

Trung tá, TS Trương Mai Hương

[1] Dương Hảo, Một chương bi thảm, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1980, tr.228, 229.
[2] Frank Snepp: Cuộc tháo chạy tán loạn, Dịch giả: Ngô Dư, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr. 200
[3] Alen Dawson: 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Dịch giả: Cao Minh, Nxb Sự Thật, H, 1990, tr. 68.

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)