Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trận then chốt quyết định (kỳ 3)

Trận then chốt quyết định (kỳ 3)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 3: Bày trận

Việc bảo đảm để các đơn vị hành quân an toàn về đúng vị trí tập kết là tiền đề để thực hiện một mưu kế rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất của chiến dịch này: Lập thế. Xác lập được một thế trận tốt là tạo nên được một chiều sâu cả về không gian lẫn thời gian cho chiến dịch, nói khác đi là lắp sẵn các ý đồ của ta để tạo nên chiều sâu chiến dịch ấy. Chúng tôi dự kiến sẽ tạo nên một thế trận kìm địch, vây địch, cắt địch để đi tới tiêu diệt chúng. Nhưng một tiền đề nữa cũng rất cần thiết cho việc lập thế chiến dịch mà chúng tôi đã tính đến hay nói cách khác nó cũng còn là một mưu kế nữa là việc nghi binh lừa địch để giành thế bất ngờ. Chúng ta đã thực hiện việc này hoàn hảo đến mức sau này, một viên đại tá thất trận của quân đội Sài Gòn bị bắt ở Buôn Ma Thuột phải thốt lên: “Thật là một trò ảo thuật!”.

Trong một cuốn sách có tiêu đề Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, tôi đã có dịp trình bày về ý nghĩa các sự lựa chọn để dẫn tới Nam Tây Nguyên chứ không phải nơi nào khác, Buôn Ma Thuột chứ không phải nơi nào khác cho mùa Xuân năm 1975. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại một điều: Bắc Tây Nguyên luôn luôn là nơi đối đầu, là nơi tập trung lực lượng mạnh của cả ta và địch. Mùa này quân giải phóng sẽ đánh ở đâu trên chiến trường cao nguyên? Nhắm mắt lại, khỏi cần suy nghĩ, kẻ địch sẽ đặt cuộc 10 ăn một: Phía bắc. Chí ít thì cũng Kon Tum, chí ít cũng là Plei-cu, nếu không muốn nói cả hai. Còn Buôn Ma Thuột? – Không đâu, Việt cộng không có lực lượng. Họ có thể đưa lực lượng đến? – Mạo hiểm, và để làm gì chứ? Tại sao lại không là Kon Tum, nơi mà sự hiểu biết sơ sài về địa lý quân sự cũng thấy cần phải giành lấy, hơn nữa để thanh toán “món nợ” 1972? Tại sao lại không là Plei-cu, căn cứ đầu não quân khu II, nơi khống chế huyết quản đường 19 (mà “làm chủ đường 19 là làm chủ Tây Nguyên”)?

Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng.  Ảnh tư liệu.

Từ đầu chí cuối, cả tư lệnh lớn Nguyễn Văn Thiệu lẫn tư lệnh vừa Phạm Văn Phú đều một mực khẳng định Kon Tum – Plei-cu. Nếu có nơi nào khác ở phía nam thì chỉ là những thị xã, thị trấn nhỏ không đáng kể lắm như Gia Nghĩa, Đức Lập nhằm mục đích thông đường. Được lắm, chúng ta sẽ cho điều khẳng định ấy của kẻ địch những bằng chứng mà nó muốn. Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã làm tất cả những gì có thể làm được để buộc địch phải tăng cường lực lượng hơn nữa lên hướng bắc rồi kìm giữ chúng ở đây. Có thể nói chúng ta đã thực hiện cả một chiến dịch nghi binh từ tung tin thất thiệt, tạo những cơ sở giả đến việc tiến hành công tác thiết bị chiến trường, điều động lực lượng úp úp mở mở. Thậm chí, vào thời kỳ cuối của giai đoạn chuẩn bị, khi địch đã nắm được một vài bằng chứng thật về ý đồ của ta ở Nam Tây Nguyên, ở Buôn Ma Thuột thì ta lại tìm cách vô hiệu hóa để khiến chúng tin rằng đấy chỉ là động tác giả. Nhưng những “động tác giả” lừa địch có hiệu quả nhất lại chính là những hành động tác chiến thật. Chúng ta đã sử dụng một số đơn vị và thậm chí cả một sư đoàn – Sư đoàn 968 để làm việc này. Tôi xin nói ngay là sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách xuất sắc. Một, từ hạ Lào sang tập kết trên hướng đường 19 kéo dài Tây Plei-cu, sư đoàn đã chứng tỏ cho địch thấy một sự tăng cường lực lượng về phía Plei-cu. Động tác này khá đến nỗi có lúc địch cho rằng thậm chí ta đã tăng cường đến hai sư đoàn chứ không phải một. Chúng vội vã thông báo cho nhau. Hai, khi Sư đoàn 10 chuyển vào phía Nam, một số đơn vị thuộc Sư đoàn 968 được lệnh nghi binh để địch tin rằng sư đoàn này vẫn ở Kon Tum. Các đồng chí đã “chơi trò điện tử” bằng hệ thống thông tin, đến nỗi sau này tên tướng Mỹ Tim-mét, cố vấn trực tiếp của Nguyễn Văn Thiệu phải kêu lên: “Bằng biện pháp nghi binh qua làn sóng điện, Việt cộng đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của Quân khu II ở Kon Tum và Plei-cu”. Ba, Sư đoàn 968 đã thực hiện một loạt những trận đánh có bài bản theo kiểu “đột phá lần lượt trước khi tấn công vào mục tiêu chính”. Cách triển khai như là có nhiều sư đoàn sắp đánh vào Plei-cu. Địch hoang mang, khẳng định, rồi hoang mang, khẳng định. Cho đến tận ngày 9 tháng 3, một ngày trước khi ta đánh vào Buôn Ma Thuột, khi các cỡ súng của Sư đoàn 10 đang nổ vào Đức Lập và Sư đoàn 320 đã làm chủ Thuần Mẫn, cái thành phố lớn nhất cao nguyên đã ở trong tình thế cô lập hoàn toàn mà viên tướng Tư lệnh Quân đoàn II – Quân khu II từ Nha Trang bay lên vẫn ở trong một tâm trạng như thế. Đáng “buồn” nhất là cho đến phút ấy y vẫn khẳng định Plei-cu, mặc dù các dấu hiệu về Buôn Ma Thuột đã khá rõ. Các biện pháp đối phó của y chỉ là xác nhận Đại tá Vũ Thế Quang là Tư lệnh lãnh thổ Nam Tây Nguyên (bao gồm Đắc Lắc, Quảng Đức) và hứa (hứa thôi!) sẽ cho Liên đoàn biệt động quân số 21 và một thiết đoàn về cùng với Trung đoàn bộ binh 53 nống ra vòng ngoài ngăn chặn quân giải phóng. Và để cho hết trách nhiệm tư lệnh quân khu, Phú thêm:

– Tổng thống có nói rằng, nơi nào bị đánh thì gắng mà giữ lấy 3 tháng. Ba tháng thôi, vì hiệp định Ba Lê sẽ họp lại, cố giữ mà mặc cả(!), ông Quang?

Xong xuôi, Phú lại bay về Nha Trang (chứ không về nhiệm sở Plei-cu) vì ngày đó nóng bức “phải tắm một cú cho đã” (1).

Bộ tư lệnh chiến dịch đã rất quan tâm và trực tiếp chỉ huy các hành động chiến đấu nghi binh. Chúng tôi coi nó sẽ tạo nên bất ngờ đối với địch, mà bất ngờ là bảo đảm của thắng lợi. Tôi có thể dẫn ra đây bức điện mà Bộ chỉ huy Chiến dịch gửi cho sư đoàn trưởng Thanh Sơn ngày 2 tháng 3, sau khi Sư đoàn 968 đã tiêu diệt các vị trí Đồn Tầm, điểm cao 535:

“…

1- Tổ chức ngay việc vây, diệt 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An.

2- Dùng hỏa lực đánh vào Chư Kara kết hợp bộ binh bao vây buộc địch đối phó.

3- Đưa lực lượng ta chiếm giữ ngay dãy Chư Gôi, tổ chức thành trận địa mới trên đông sông Ia Puk.

Trên tuyến đường 5A, 5B:

1- Tích cực bám đánh liên đoàn 4, không cho chúng rút khỏi Chư Sang.

2 -Tiếp tục hoạt động nhỏ trên đường 5B, giam chân Trung đoàn 44 tại đó. Tóm lại: Sư đoàn phải giam chân chủ lực địch trên hướng Plei-cu – Kon Tum và cố gắng thu hút thêm để tạo thuận lợi cho hướng chính….”(2)

Để giành lấy yếu tố bất ngờ, đi liền với các hành động nghi binh lừa địch là việc bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng một cách tỉ mỉ để thực hiện điều đó. Chỉ một việc nhỏ là luồn dây điện thoại qua đường cái về sở chỉ huy (liên lạc bằng vô tuyến điện sóng cực ngắn đã được cấm hoàn toàn cho đến khi nổ súng) chúng tôi cũng phải bàn rất kỹ. Và phải mất tới ba ngày thảo luận mới đi đến một giải pháp tối ưu về vấn đề hiệp đồng – một vấn đề rất phức tạp nhưng không khó hiểu. Đó là vì chiến dịch này đã được tiến hành với mức độ hiệp đồng binh chủng rất cao. Các binh chủng kỹ thuật đều đưa vào chiến đấu ở cỡ binh đoàn, nhất là sự xuất hiện lần đầu tiên một trung đoàn xe tăng. Trên tất cả các hướng tấn công ở trận mở đầu then chốt – trận Buôn Ma Thuột – đều có một khối lượng quan trọng các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ đi cùng bộ binh. Bốn trên năm hướng có xe tăng. Đặc công đánh độc lập một hướng nhưng cũng hiệp đồng với từng hướng. Nhưng ở đây tôi đang đề cập tới vấn đề giữ bí mật bất ngờ nên chỉ muốn nói về động tác hiệp đồng chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công làm sao để địch biết được ý định của ta càng muộn càng tốt.

Có thể giải thích vắn tắt như sau: Để khỏi bị lộ, chúng ta buộc phải tạm ngừng việc làm đường (bao gồm cả các bến phà vượt sông) từ các vị trí tạm dừng cuối cùng đến tuyến xuất phát tấn công – khoảng cách này trung bình là 25 đến 30 ki-lô-mét, có nơi đến 40 ki-lô-mét, tổng cộng là hàng trăm ki-lô-mét và hai bến phà phải thi công xong trước giờ nổ súng. Đã huy động vào việc này hai trung đoàn công binh làm đường và cầu phà. Các đồng chí công binh bảo đảm rằng, công việc có thể hoàn thành trong khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ bằng các phương pháp khẩn cấp. Chúng tôi dự định (và thực tế đã như vậy) công binh sẽ tác nghiệp vào thời điểm bộ đội bắt đầu tiến lên từ tuyến tạm dừng cuối cùng. Mở đến đâu, tiến đến đó. Vấn đề là phải tính toán làm sao để từ các cự ly khác nhau – trong vài tiếng đồng hồ – bộ binh, xe tăng, pháo binh và các thành phần khác có thể vượt sông Sê-rê-pok (một con sông rộng 200 mét, lưu tốc lớn và… có cả cá sấu) trước 5 giờ sáng đến các vị trí xuất phát tiến công. Đã tính tới khả năng (có đơn vị) sẽ phải tác chiến trong hành tiến. Nhưng điều mà tôi muốn nói là ở chỗ này: Ta mở đường khẩn cấp bằng bộc phá, tiếng nổ của nó cộng với tiếng máy ầm ầm của tăng, pháo khi vận động sẽ khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, giữ được bất ngờ chiến dịch rồi lại để mất bất ngờ chiến đấu. Thế là đi tới quyết định sẽ dùng đặc công và pháo mang vác (Rốc-két, DKB, H12) tiến công các mục tiêu địch vào thời gian công binh tác nghiệp mở đường, từ 2 giờ sáng ngày 10-3. Đây là hành động “một công đôi việc”: Một, yểm hộ cho bộ đội cơ động và dọn bớt các mục tiêu râu ria để tạo bàn đạp. Hai,… như các Đại tá ngụy Vũ Thế Quang, Nguyễn Trọng Luật sau này đã khai: “Vâng, đến lúc đó chúng tôi vẫn khẳng định rằng, đây chỉ là các hoạt động bình thường của đặc công và pháo binh các ông, đến sáng rồi sẽ chấm dứt…”. Tôi có thể lấy một ví dụ nữa. Gần sát những ngày nổ súng, do có những dấu hiệu nghi ngờ, địch cho nống càn lên phía bắc, nơi có bộ đội Sư đoàn 320 đang trú chân và chuẩn bị thiết bị trận địa. Địch càn đến đâu, các chiến sĩ của chúng ta phải lui vào đến đó và phải xóa hết dấu vết những gì đã làm được. Chúng chỉ rút khoảng 40 tiếng đồng hồ trước khi ta nổ súng và các chiến sĩ Sư đoàn 320 lúc ấy mới lại có điều kiện hối hả lao vào các công tác chuẩn bị. Không phát hiện được gì, địch yên tâm và chúng ta lại thêm một lần thắng địch.

Tôi đã nói khá nhiều nhưng cảm thấy vẫn chưa được thỏa đáng về các vấn đề nghi binh lừa địch, giữ bí mật giành yếu tố bất ngờ, một trong các mặt công tác tiến hành có hiệu quả nhất. Những gì là căng thẳng nhất, phải dồn tâm trí nhiều nhất trong giai đoạn trước ngày nổ súng là những vấn đề này. Tôi còn nhớ chiều ngày 5 tháng 3, khi ngày N đã ở ngay trước mặt, rất nhiều tin tức đưa đến chứng tỏ địch có khả năng nắm được các ý đồ của ta đã khiến cả sở chỉ huy chúng tôi như lặng đi. Thiếu tướng Vũ Lăng nói: “Thật là những tin tức có thể làm rụng tim được”. Và chúng tôi đã gửi ngay một bức điện cho các đơn vị nhấn mạnh phải kiên trì giữ bí mật đến cùng. “Phải kiên trì giữ bí mật đến cùng” thà nhận những khó khăn để đánh địch chưa dự phòng còn hơn gấp nhiều lần đánh địch đã sẵn sàng ứng phó”.

Tất cả những công việc trên (mà tôi vừa nhắc đến) là nhằm để hướng đến khả năng được đánh địch theo phương án tác chiến thứ nhất: Phương án địch không dự phòng. Tôi cần nói thêm là ngay sau Tết, chúng tôi đã chỉ định một bộ phận các cán bộ tham mưu bám sát phương án này, do Thượng tá Nguyễn Thế Nguyên, người đã tham gia biên soạn tài liệu đánh địch trong thành phố của Bộ Tổng tham mưu, Phó tham mưu trưởng chiến dịch phụ trách. Trong quá trình chuẩn bị, phương án đã được hoàn chỉnh dần bởi kinh nghiệm Phước Long do các đồng chí Nam Bộ ra phổ biến, bởi thực tiễn nắm địch và địa hình của bộ phận trinh sát do Thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Nguyễn Năng, các phó tư lệnh chiến dịch dẫn đầu, bởi những ý kiến bổ sung của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh mặt trận và nhất là những ý kiến của cơ quan đại diện Bộ Tổng tư lệnh – Tổng tham mưu và cá nhân đồng chí đại diện chiến lược, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đại tướng đã chỉ thị những điều bổ sung cụ thể, sâu sắc, và chính xác cho quyết tâm chiến dịch.

Thượng tướng  Hoàng Minh Thảo
Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
qdnd.vn

Trận then chốt quyết định (kỳ 2)
Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Kỳ 4: Gạn lọc tình huống

(1) Biên bản lời khai của các sĩ quan ngụy – lưu trữ V.C.P
(2) Điện gửi Sư đoàn 968 ngày 2-3-1975 – lưu trữ Sư đoàn 968 và Quân đoàn 3.

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam