Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Chiến thắng vì không sợ hy sinh

Chiến thắng vì không sợ hy sinh

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại

QĐND Online – Những ngày đầu tháng 4 lịch sử này, nhiều người dân trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên khi thấy Công ty TNHH Thương mại và du lịch Bình Minh có trụ sở tại nhà số 120 đường Trần Duy Hưng bỗng tạm dừng hoạt động để cải tạo nhà cửa. Giám đốc công ty Đào Văn Bình mặc dù đang ốm, hai bàn tay bị phù to sau một tai nạn giao thông nhưng vẫn gắng sức đứng dậy đôn đốc thợ khẩn trương thi công công trình. Ít người biết rằng, ông Bình nguyên là chiến sĩ thuộc đơn vị K15, Mặt trận B5. Ông tạm nghỉ công việc kinh doanh, cho sửa chữa lại nhà cửa để chuẩn bị đón các cựu chiến binh K15 về dự buổi gặp mặt vào ngày 30-4 tới.

Biết tôi là phóng viên của tờ báo “chiến sĩ”, muốn được nghe “chuyện chiến đấu” của ông và đồng đội, người cựu chiến binh vừa bước sang tuổi lục tuần nhanh nhẹn đưa chúng tôi lên tầng hai, chọn một góc phòng yên tĩnh rồi say sưa kể…

Năm 1972, khi chưa đầy 18 tuổi, chàng thanh niên Đào Văn Bình xung phong lên đường nhập ngũ vào Đại đội 58, Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 59 (Quân khu Thủ đô). Sau vài tháng huấn luyện tân binh, tháng 8-1972 anh đi B và cùng với nhiều cán bộ, học viên đến từ các trường sĩ quan trong quân đội được trên biên chế vào Sư đoàn 312B. “Tôi hơi “thất vọng” vì sư đoàn của chúng tôi thời điểm đó không được trực tiếp đánh giặc mà chỉ làm nhiệm vụ cơ động, nghi binh với mục đích “biểu dương lực lượng” góp phần buộc địch phải ký Hiệp định Pa-ri”. Đã 38 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại, trên gương mặt người cựu chiến binh vẫn còn vẻ tiếc nuối.

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đào Văn Bình được biên chế vào đơn vị K15, Mặt trận B5-một đơn vị 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng, nổi tiếng chiến đấu mưu trí, dũng cảm và có nhiều thành tích đánh các loại xe cơ giới của địch. Lúc này mong ước được trực tiếp cầm súng đánh giặc của chàng lính trẻ mới trở thành hiện thực.

Quân giải phóng đánh chiếm đại nội Huế. Ảnh tư liệu internet.

Trận đánh căng thẳng, ác liệt nhất mà ông Bình được tham dự là trận đánh chiếm điểm cao 61 của địch diễn ra vào khoảng giữa năm 1974. Điểm cao 61 (thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có vị trí chiến lược quan trọng. Lực lượng địch chốt giữ tuy ít (khoảng 1 trung đội thuỷ quân lục chiến) nhưng do địa hình hiểm trở (có sông ngăn cách, điểm cao có độ dốc lớn) lại được vài thiết đoàn tăng phía sau yểm trợ nên việc đánh chiếm rất khó khăn. Ông Bình bồi hồi kể:

– Sau khi hạ quyết tâm chiến đấu. Đơn vị tôi (Đại đội 4 thuộc K15) gồm 1 khẩu đội cối 60; 4 khẩu B40, B41 bí mật vượt sông, chọn hướng tiến công địch từ phía sau, nơi có sườn đồi thấp, dễ cơ động. Nhưng khi bộ đội vừa qua sông thì địch phát hiện, ta phải rút về. Khoảng một tuần sau, cấp trên quyết định triển khai đánh địch theo phương án cũ nhưng thời điểm vượt sông muộn hơn để giữ bí mật. 12 giờ đêm bộ đội vượt sông, chiếm lĩnh trận địa an toàn rồi nằm im chờ lệnh. Gần 3 giờ sáng, đúng như đã hiệp đồng, pháo, cối của ta bên kia sông nhằm thẳng hướng địch bất ngờ nổ giòn giã… Tiếng pháo vừa dứt, những tiếng hô “xung phong” vang to như sấm, chiến sĩ ta xông lên nhanh chóng làm chủ hoàn toàn điểm cao…

Chiếm được điểm cao đã khó nhưng việc chốt giữ còn khó khăn gấp nhiều lần. Giọng người lính già đanh lại: “Sau thất bại bất ngờ, địch dùng pháo, xe tăng phản kích hòng giành lại điểm cao. Các loại đạn pháo cỡ lớn, đạn khoan, đạn xiên được địch vãi như mưa với hy vọng phá vỡ hệ thống hầm hào, công sự của ta để xua bộ binh tràn lên. Trận đánh căng như dây đàn. Trung đội trưởng Ngọc, Trung đội trưởng Ước không sợ mưa bom bão đạn, dũng cảm đứng trên cửa hầm vừa chỉ huy bộ đội vừa kiên cường đánh địch phản kích rồi anh dũng hy sinh…”. Ngừng một lát, ông nói như tâm sự: “Chính sự gương mẫu, dũng cảm không sợ hy sinh của các cán bộ trung đội, đại đội là tấm gương, là động lực để chiến sĩ chúng tôi thêm hăng hái chiến đấu, vì vậy mặc dù lúc này lực lượng chỉ còn khoảng 10 người nhưng ta vẫn chốt giữ được 4 ngày… Tôi nghĩ thời kỳ nào cũng vậy, tinh thần chiến đấu của người lính ngoài chiến trường là một nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi. Để “truyền lửa” cho chiến sĩ, quân đội phải đào tạo ra những sĩ quan chỉ huy vừa giỏi chuyên môn, vừa có lòng dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh…”.

Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Đào Văn Bình không những là một doanh nhân giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Trên cương vị Trưởng ban liên lạc K15, Mặt trận B5 khu vực Hà Nội, ông tổ chức và duy trì hoạt động của ban liên lạc rất hiệu quả và đầy ý nghĩa. Các cựu chiến binh K15 thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tập thể cựu chiến binh K15 khu vực Hà Nội đã tổ chức đưa hài cốt đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Đình Thoa từ nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền (Thừa Thiên Huế) về quê ở làng Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Hằng năm, cứ vào dịp 30-4, các cựu chiến binh K15 lại tổ chức gặp mặt. Vào những năm chẵn, các bác còn tổ chức về thăm chiến trường xưa để ôn lại truyền thống, cũng là để giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Đặc biệt, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng các cựu chiến binh K15 còn tiết kiệm chi tiêu, tặng hàng chục phần quà có giá trị cho các mẹ ở Phong Điền-nơi từng che chở, nuôi nấng các bác trong những ngày chiến tranh…

Nguyễn Trung Kiên
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam