Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Biệt động Tư Trung và kiểu đánh Mỹ bằng bom Mỹ (kỳ 2)

Biệt động Tư Trung và kiểu đánh Mỹ bằng bom Mỹ (kỳ 2)

Tháng Mười Một 27, 2011

Kỳ 2: Những trận đánh để đời

oOo

QĐND Online – Chiến sĩ đặc công Biệt động Sài Gòn-Gia Định Tư Trung đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam những năm 1960-1970 đầy cam go, ác liệt. Đã nhiều lần, bom đạn tưởng như đã cướp đi mạng sống của người chiến sĩ gan dạ ấy, nhưng ông vẫn sống để rồi cống hiến hết mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…

Cuối năm 1966, địch thay đổi sang chiến thuật “tìm và diệt”. Chúng quyết định tung lính Mỹ thiện chiến và quân chủ lực Sư đoàn 25 nguỵ vào trận chiến và huy động không quân gồm máy bay chiến lược B52 dùng bom rải thảm, máy bay phản lực đánh bom bất cứ nơi nào chúng khả nghi, trực thăng các loại rải quân biệt kích, bắn hoả tiễn và sử dụng hàng loạt máy bay soi đèn pha bắn phá bờ sông, rải hàng tấn chất độc hoá học. Tuy nhiên, trong gian nan cực điểm và thiếu thốn đủ bề, đội du kích xã của Tư Trung vẫn bám trụ không rời địa bàn, tiếp tục gài hàng trăm bãi mìn và đẩy mạnh việc chế tạo nhằm duy trì đủ số lượng vũ khí tự tạo để tự vệ và diệt địch.

Lê Việt Hùng (bên phải) và anh Hai Răng. Ảnh chụp lại

Đến tháng 3-1967, Tư Trung được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và xung phong cùng 8 đồng chí đảng viên khác – dưới sự chỉ huy của đồng chí Tư Mộc, Bí thư Đảng uỷ xã- móc nối với tổ du kích bám sát địa bàn để chiến đấu. Ngay đêm đầu tiên, Tư Trung cùng đồng đội được phân công về hầm bí mật. Mới 4 giờ sáng, bọn địch đã càn vào nơi Tư Trung đang trú ẩn. Chúng đốt sạch, phá sạch những gì còn sót lại và gài mìn khắp nơi, đồng thời đóng quân tại cạnh hầm bí mật của Tư Trung và đồng đội, buộc các ông phải chiến đấu mở đường máu rút về Ba Thu. Trong trận này, Tư Trung bị thương nát chân, mảnh ghim vào đầu, mảnh găm vào phổi và được anh em đưa về căn cứ.

Chiến dịch Mậu Thân đỏ lửa

Sau 2 tháng nằm điều trị, Tư Trung đã hồi phục và được ra viện, rồi được tăng cường cho cánh quân ở Bình Tân – Quận 6, thuộc phân khu 2, đóng tại xã Tân Kiên-Bình Chánh. Tại đây, ông cùng đồng đội lập tức móc nối và xây dựng cơ sở trong lòng địch với nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Để chuẩn bị cho trận đánh lớn mang yếu tố bất ngờ và đòi hỏi bí mật cao, đơn vị phải gấp rút chuẩn bị vũ khí, lương thực chu đáo; lập sơ đồ tác chiến phối hợp với các đơn vị khác nhằm đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất.

Đêm 29 Tết Mậu Thận, toàn bộ lực lượng của ta từ Tân Kiên lập tức vượt đường Đại Hàn (hiện là Quốc lộ 1A), tiến thẳng vào phường Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hoà, lúc bọn giặc đang mải mê ăn Tết. Theo mệnh lệnh, trên toàn bộ mặt trận Sài Gòn-Gia Định, đúng 12 giờ đêm 30 Tết 1968, ta về đồng loạt nổ súng phối hợp tấn công. Do địch mất cảnh giác nên không kịp trở tay, quân ta dễ dàng chiếm được Cục cảnh sát, trường bắn Bình Quới và trường đua Phú Thọ. Đến 8 giờ sáng mồng 1 Tết, Tư Trung và đồng đội chiếm thêm được chợ Thiếc, sân vận động Cộng Hoà và làm chủ hoàn toàn các mục tiêu theo phương án.

Trong ngày mồng 3 và mồng 4 Tết, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Địch phản công dữ dội bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh yểm trợ và lực lượng không quân hùng hậu. Phân đội của Tư Trung cùng các phân đội bạn nhanh chóng chiếm vị trí trên các nhà cao tầng và lập các ụ chiến đấu trên đường phố, đánh trả địch quyết liệt. Hoả lực mạnh B40 của ta đã khiến 2 xe thiết giáp bốc cháy, hàng trăm tên địch chết và bị thương. Trước sức phản công điên cuồng của địch, Tư Trung và đồng đội đã phải lui về đường 46 của Minh Phụng. Trong trận đánh này, Tư Trung vừa chỉ huy, vừa trực tiếp tiêu diệt địch. Khó khăn là, trong khi địch tăng cường quân số thì lực lượng của ta lại mỏng dần. Đến ngày mồng 5 Tết, Tư Trung vừa chiến đấu chặn địch vừa phải tiến hành cấp cứu và đưa thương binh đến gửi ở nhà dân. Tuy có thương vong nhiều nhưng do liên tục nhận thanh niên vào chiến đấu nên đơn vị vẫnduy trì trên 30 tay súng trong 3 tiểu đội như biên chế lúc đầu. Sang đến ngày mồng 6 Tết, ông cùng đồng đội lại phải chiến đấu với biệt động quân nguỵ, lính Đại Hàn với xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ. Đêm mồng 7 Tết, máy bay địch các loại bay kín bầu trời, lớp đánh bom, lớp phóng hoả tiễn, nhưng quân ta vẫn chiến đấu rất anh dũng. Một xe lội nước M113 của địch đã bị bắn cháy bởi phân đội do chính Tư Trung trực tiếp chỉ huy. Cay cú, chúng điên cuồng dùng pháo binh bắn trả từ bờ kênh đến cầu Bình Điền, ấp 3 Tân Kiên. Trước tình thế đó, quân ta phải gấp rút rút về ấp 2 Tân Kiên dưới làn pháo dày đặc của địch, sau đó được lệnh rút về hậu cứ tại An Thạnh, thuộc Bến Lức, Long An. Lúc này, quân Mỹ phục kích tại chùa Bảy Cảnh, xã Tân Nhật chặn đường, đơn vị biệt động của Tư Trung đã phải chiến đấu mở đường vượt sông ở Tân Nhật để về đóng quân tại ấp 4, ấp 5, xã An Thạnh thuộc Bến Lức, dọc sông Vàm Cỏ Đông. Tại đây, các đơn vị củng cố, nhận quân, vũ khí và rút kinh nghiệm, chuẩn bị thật chu đáo cho đợt xuất quân lần 2 vào nội đô Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh – Bản hùng ca đại thắng

Ngày 3-5-1968, đơn vị của Tư Trung được lệnh bí mật hành quân tới Tân Kiên, rồi thọc sâu vào Phú Định, chiếm cầu Bình Tiên, Bãi Sậy rồi phát triển vào vùng nội đô. Đến ngày 5-5-1968, các ông quần nhau với tiểu đoàn cảnh sát dã chiến và quân cảnh nguỵ. Địch sử dụng thủ đoạn vô cùng thâm hiểm: chúng từ các nhà cao tầng, dùng M79, cối 60 ly, đại liên, trung liên và tiểu liên bắn áp đảo, hòng ngăn chặn đường tiến quân của ta. Tư Trung ôm súng B40 lao lên, tìm vị trí thuận lợi bắn liền 3 trái, tiêu diệt gọn ban chỉ huy tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Bọn lính như rắn mất đầu không đường chống trả, đạp nhau bỏ chạy. Ta giành thắng lợi giòn giã, phân đội Tư Trung giữ 2 đầu cầu Bình Tiên.

Vào ngày 5-5-1968, biệt động ngụy do tướng Đỗ Kế Giai, Tư lệnh liên đoàn 7 biệt động quân chỉ huy có xe tăng yểm trợ đã bắn phá dữ dội từ cầu Bình Tiên đến cầu Hậu Giang. Các ông đã kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, đẩy lùi nhiều đợt phản công và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khiến bọn chúng không thể chiếm lại cầu Bình Tiên. Đến 2 giờ chiều, trực thăng địch bắn Rốc-két xối xả, Tư Trung và một số đồng chí bị thương, hôm sau được chuyển đến quân y tiền phương tại kênh Nước Mục ở Bến Lức để điều trị.

Khoảng một tháng sau, tuy chưa hồi phục hẳn nhưng Tư Trung vẫn xin ra viện trở về đơn vị để củng cố, huấn luyện, chờ xuất kích. Lúc này, đơn vị ông đã được tăng cường quân số và trang bị, thực sự trưởng thành về mọi mặt. Đến tháng 9-1968, ông nhận nhiệm vụ phụ trách vũ trang phường Phú Thọ Hoà và Cầu Tre, bí mật tổ chức hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch. Ông tổ chức một tổ vũ trang 3 người, có nhiệm vụ nắm bắt tình hình để tiêu diệt địch. Căn hầm bí mật của tổ vũ trang được bố trí tại nhà số 47/64-66, ngay trong lòng địch và cũng là nơi tiếp nhận vũ khí từ căn cứ đưa vào rồi bảo quản cẩn thận. Tính đến đầu năm 1969, tổ vũ trang của Tư Trung đã tiêu diệt được nhiều địch. Đơn vị của Tư Trung đã được Nhà nước tặng huân chương Quân công hạng 3.

Đến tháng 3-1969, quân ngụy tăng cường lùng sục ngày đêm trên địa bàn Quận 6. Do đó, hầm bí mật của các ông bị địch phát hiện, đánh phá nên buộc mọi người phải rút về Rừng Mũi, Rừng Dầu ở Đức Hoà, Long An. Thời gian này, địch huy động tối đa không quân, pháo binh bắn phá ngày đêm. Một khu vực không quá 10km đã phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom, đạn, nhiều chỗ hố bom chồng hố đạn pháo. Cả vùng đồng quê trở thành vùng trắng, chỉ còn một số ít nhà dân ở quanh xã Tân Mỹ. Quân ta cũng bị tổn thất lớn về quân số. Trong thời gian này, địch còn treo giải 10.000 USD để lấy đầu đồng chí Năm Châu, một cán bộ trung kiên của huyện Đức Hòa. Tuy bị địch kiểm soát gắt gao nhưng Tư Trung và đồng đội vẫn tìm cách liên lạc với nhau. Việc đưa đón cán bộ ra vào nhiều lúc phải đổi bằng xương máu. Toàn cánh Tây Nam của Tư Trung được lệnh vượt sông Vàm Cỏ Đông tập kết tại Ba Thu, học chính trị một tháng tại đây, đồng thời Tư Trung vẫn tổ chức đưa cán bộ ra vào dù cho có vô vàn khó khăn, nguy hiểm.

Đến tháng 5-5-1969, đơn vị của ông sau những gian truân đã được tổ chức lại chặt chẽ, xây dựng lại tại Gò Cát thuộc Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Long An. Tại đây, trong một trận chống càn, Tư Trung bị thương, được đồng đội đưa về Mỹ Thạnh Tây, rồi rút về Tà Săng Tà Nốt, tỉnh Soài Riêng, Campuchia. Ở đây, ông phải tự điều trị vết thương. Khi vết thương đã đỡ, ông cùng các đồng chí rút về vùng căn cứ tại Gò Cát để tiếp tục móc nối với nội đô, nhằm giữ vững các cơ sở bí mật, đồng thời phát triển lực lượng.

Một thời gian sau, đơn vị ông lại được lệnh chuyển địa bàn về Hồng Ngự, Đồng Tháp, nơi Sư đoàn 9 nguỵ càn quét hàng ngày mà lực lượng của quân ta thì lại quá mỏng. Tư Trung đã nảy ra sáng kiến làm giấy tờ giả cho mình và một vài đồng chí khác. Các ông “vào vai”  những người trong đạo “Bửu Sơn Kỳ Hương” nên đã bảo toàn được lực lượng, tiếp tục xây dựng căn cứ, làm bàn đạp liên lạc với cơ sở nội thành. Các ông đã tham gia nhiều trận chống càn và tiêu diệt khá nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng vang dội ở toàn chiến trường, buộc địch phải kí hiệp định Pari, lính Mỹ buộc phải rút về nước sau những thất bại đau đớn.

Tháng 10-1973, Tư Trung được bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Ban CHQS Quận 11. Đến tháng 4-1974, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tư Trung đã chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh thẳng, tiêu diệt địch từ Tân Tạo, phát triển giải phóng Bình Trị Đông, đánh diệt đồn 4 xã. Sau khi làm chủ địa bàn, đơn vị ông lập tức thần tốc đánh chiếm vào Cục cảnh sát Cầu Tre. Với thế tiến công như vũ bão, ông chỉ huy đơn vị nhanh chóng đánh chiếm Tòa Hành chính Quận 11 đồng thời chiếm ngay kho vũ khí rất lớn của địch.

Trưa 30-4-1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Ông được giao nhiệm vụ phó Ban quân quản, tổ chức tiếp nhận binh lính, sỹ quan ngụy ra trình diện, thu nhiều vũ khí, bởi trên địa bàn của ông phụ trách có hơn 5000 binh lính, sĩ quan, cảnh sát, nguỵ quyền, trong đó có hàng trăm viên cấp tá và 10 tướng nguỵ. Đồng thời, ông tổ chức lực lượng bắt tướng Đỗ Kiến Giai và thu vũ khí của hắn tại nhà riêng, phá tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta chỉ sau 7 ngày giải phóng thành phố…

Nguyễn Thảo
Kỳ 1: Người du kích trẻ gan dạ và sáng tạo

qdnd.vn