Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Thượng tướng Hoàng Cầm và giờ phút tiến vào Sài Gòn

Thượng tướng Hoàng Cầm và giờ phút tiến vào Sài Gòn

Tháng Tư 25, 2013

Thượng tướng Hoàng Cầm.

Đôi mắt mệt mỏi của vị tướng già chợt bừng lên khi nghe nhắc tới ngày 30/4 của 30 năm trước. Ký ức về chặng đường binh nghiệp hào hùng của ông, người gắn bó với 2 cuộc kháng chiến vĩ đại, được tái hiện.

Vào ngày 30/4/1975 lịch sử, Quân đoàn 4 -đội quân chủ lực trên chiến trường B2 (Nam Bộ và Nam Trung Bộ) do tướng Hoàng Cầm chỉ huy cùng các cánh quân khác hội tụ tại dinh Độc Lập, giải phóng một Sài Gòn nguyên vẹn, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trò chuyện với VnExpress, ông kể lại:

“Ngày 1/7/1974, tại vùng căn cứ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Long, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền đã họp thông qua phương án thành lập Quân đoàn 4. Lực lượng này gồm ba sư đoàn bộ binh 5, 7, 9 và năm trung đoàn binh chủng. Với chức năng là quả đấm chủ lực, lực lượng cơ động của Bộ ở chiến trường B2, nhiệm vụ của Quân đoàn là tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, đảm nhận một hướng chiến lược, một khu vực chiến trường và mục tiêu cuối cùng là giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Chiến công đầu tiên của Quân đoàn 4 là chiến dịch tấn công địch ở đường 14 – Phước Long. Mục tiêu cụ thể là diệt 2 chi khu Đồng Xoài, Bù Đăng, yếu khu Bù Na và một loạt đồn bốt nhỏ, giải phóng quốc lộ 14 đoạn từ Đồng Xoài đến Bù Đăng. Sau đó đánh phản kích, diệt từ một đến ba tiểu đoàn chủ lực địch, cô lập tiểu khu Phước Long.

Thượng tướng Hoàng Cầm, tên thật là Đỗ Văn Cầm, xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Năm 24 tuổi, ông giác ngộ cách mạng và nhập ngũ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312), chỉ huy trung đoàn đầu tiên đánh thọc sâu vào khu trung tâm Mường Thanh, bắt sống toàn bộ Bộ tham mưu của cứ điểm.

10 giờ sáng ngày 29/4/1975, tôi nhận được mệnh lệnh tiến công số 03/ML của Trung tướng Lê Trọng Tấn – Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là nhanh chóng tiêu diệt địch, đánh chiếm Hố Nai, Tam Hiệp, Biên Hoà, Cầu Ghềnh, Cầu Mới, phát triển tiến công đánh chiếm vững chắc đầu cầu ở hữu ngạn sông Đồng Nai, mở đường tiến về Sài Gòn. Tiếp đó, đột kích vào nội đô tiêu diệt địch, đánh chiếm quận 1, nhằm vào mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập và đài phát thanh.

Rút kinh nghiệm từ cuộc giải phóng Lâm Đồng trước đó, Sư đoàn 7 đang tập kết ở đường quân sự cách Trảng Bom 5 km đã tổ chức thành hai thê đội, mỗi thê đội là một trung đoàn bộ binh. Trước giờ xuất quân, tôi đã trao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho anh Lê Nam Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7. Lúc 4h sáng ngày 30/4/1975, tôi đã cùng Bộ tư lệnh Quân đoàn ở tại Biên Hoà.

Cũng lúc ấy, phân đội đi trước của Sư đoàn 7 tiến đến cầu xe lửa Biên Hoà (cầu Ghềnh). Cầu có trọng tải 12 tấn, xe tăng không qua được. Lúc này, trên tất cả các hướng, quân ta đang vượt qua những điểm phòng thủ cuối cùng của địch, ào ạt tiến vào Sài Gòn. Hướng Đông Nam, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch, khu kho thành Tuy Hạ, phát triển đến phà Cát Lái. Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đã tiến đến cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai, bắt liên lạc với Trung đoàn đặc công 116, đơn vị đã chiếm và giữ cầu từ trước, cùng tiến vào Sài Gòn. Hướng Bắc, Quân đoàn 1 đã đánh chiếm chi khu Tân Uyên, căn cứ Lái Thiêu. Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 diệt căn cứ sư đoàn 25 ngụy tại Đồng Dù, trung đoàn huấn luyện Quang Trung, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Hướng Tây Nam, Đoàn 232 đã giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, đưa lực lượng đến sát vùng ven thành phố.

Trên hướng Đông Sài Gòn, Quân đoàn 4 đã đánh tới thị xã Biên Hoà. Nhưng đường số 1 làm từ thời Pháp, lòng đường hẹp, cầu yếu. Quân địch ở khu căn cứ Biên Hoà, khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn tiếp tục chống trả. Trước tình hình rất khẩn trương như vậy, tôi và Bộ tư lệnh Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 6 (thuộc Quân khu 7 nhưng tại thời điểm đó do Quân đoàn 4 chỉ huy) tiếp tục truy quét tàn binh địch, diệt các mục tiêu còn lại. Sư đoàn 341 (được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tăng cường đứng trong hàng ngũ Quân đoàn 4 từ ngày 2/3/1975) vượt qua cầu đường sắt bằng xe tải, đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công ở quận Gò Vấp, quận 3 và quận 10. Sư đoàn 7 không tiến theo đường số 1 nữa mà quay ra đường Xa Lộ để vào quận 1.

12h30 ngày 30/4/1975, Đại đội 7, Sư đoàn 7, tiến theo đường Hồng Thập Tự, quẹo qua đại lộ Thống Nhất, tới thẳng dinh Độc Lập. Một giờ trước đó, Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 (Quân đoàn 2) đã tiến vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy đầu hàng. Lúc ấy, tôi cùng Bộ tư lệnh Quân đoàn vào thẳng dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và chính quyền cũ lúc đó có khoảng hơn 10 người”.

Tuấn Dũng ghi
qdnd.vn
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam