Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 3)

Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 3)

Tháng Mười Một 21, 2013

Kỳ 3: Nốt trầm bên sông Mỹ Chánh

QĐND – Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tỉnh Quảng Trị, theo kế hoạch tác chiến chiến dịch đã đề ra, nhiệm vụ tiếp theo là phát triển tiến công giải phóng Thừa Thiên.

Hòng ngăn chặn cuộc tiến công của bộ đội giải phóng, nhất là trước thảm bại để thất thủ Quảng Trị, Thừa Thiên bị uy hiếp, ngày 4-5-1972, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cách chức Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, đưa Trung tướng Ngô Quang Trưởng thay làm Tư lệnh Quân khu 1 – Quân đoàn 1, đồng thời đưa lực lượng dự bị của quân khu 1 và tổng dự bị chiến lược ra tổ chức tuyến phòng thủ mới ở nam sông Mỹ Chánh và tây đường 12. Như vậy, lực lượng quân ngụy ở Thừa Thiên từ chỗ có 2 sư đoàn bộ binh đã tăng lên thành 4 sư đoàn (thêm sư đoàn lính dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ). Cùng thời gian này, Mỹ đã có những động thái về chính trị và ngoại giao vừa lừa bịp dư luận thế giới về mục tiêu giải pháp hòa bình ở Việt Nam, vừa thỏa hiệp với nước lớn; đồng thời đưa máy bay B.52 đánh phá miền Bắc và thả mìn phong tỏa các cửa sông rạch từ Hải Phòng vào Quảng Bình. Đặc biệt, Mỹ cũng đưa không quân, hải quân trở lại ồ ạt tham chiến ở miền Nam, chủ yếu là chiến trường Trị – Thiên nhằm cứu nguy cho quân đội Sài Gòn. Đây là một trong những yếu tố đã làm thay đổi lớn tương quan lực lượng chiến dịch.

Bước vào đợt tiến công mới, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho chiến dịch Trung đoàn bộ binh 18, Sư đoàn bộ binh 325, Trung đoàn bộ binh 64 (thuộc Sư đoàn bộ binh 320b), các đơn vị toàn mặt trận được bổ sung quân số, phương tiện, khí tài, chạy đua với thời gian vừa đánh địch vừa khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch mới.

19 giờ 30 phút ngày 20-6, pháo binh chiến dịch và pháo của các Sư đoàn 308, 304, 324 bắt đầu trút bão lửa xuống hệ thống phòng thủ trên Quốc lộ 1 do sư đoàn lính dù, sư đoàn thủy đánh bộ ngụy đảm nhiệm và hướng đường 12 do Sư đoàn bộ binh số 1 ngụy trấn giữ.

Trên hướng Quốc lộ 1, theo nhiệm vụ được phân công, các đơn vị đã tiến công địch trên một diện rộng từ Xuân Lộc, Đá Bạc, núi Cái Mương, núi cây Lời, núi Yên Bầu, đánh vào phòng tuyến của sư đoàn dù.

3 giờ ngày 21-6, Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn bộ binh 304 đánh chiếm điểm cao 102. Sau một giờ chiến đấu, bộ đội đã làm chủ trận địa. Đến 8 giờ, Tiểu đoàn bộ binh 1 được lệnh tiến công đại đội lính dù ngụy ở điểm cao 156, sau 30 phút chiến đấu, Tiểu đoàn bộ binh 1 đã tiêu diệt gọn một đại đội lính dù nữa.

Cùng thời gian này, Tiểu đoàn bộ binh 7 và Tiểu đoàn bộ binh 9 (thuộc Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn bộ binh 304) được lệnh tiến công lên điểm cao 52, Hố Lấy, đến 8 giờ, bộ đội ta làm chủ điểm cao 52 và để một lực lượng chốt giữ điểm cao này. Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn bộ binh 304) được lệnh vượt sông Mỹ Chánh vào vây làng Xuân Lộc, đến 14 giờ, bộ đội ta bắt đầu triển khai bao vây tiểu đoàn quân dù. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, bộ đội ta đã tiêu diệt hơn 400 lính dù. Tuy nhiên, Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn bộ binh 304 vẫn chưa tiêu diệt được tiểu đoàn dù số 11 ngụy. Trong khi đó, các trận địa pháo binh ngụy đã gây thương vong lớn cho Trung đoàn bộ binh 66. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 vẫn ra lệnh cho Trung đoàn bộ binh 66 tập trung lực lượng tiêu diệt tiểu đoàn dù số 11, đồng thời đưa Tiểu đoàn bộ binh 4 và Tiểu đoàn bộ binh 5 của Trung đoàn bộ binh 24 vào chiến đấu thay cho Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn bộ binh 48 độc lập để tiêu diệt tiểu đoàn dù 7 ngụy ở khu vực bắc điểm cao 156. Sau một ngày chiến đấu, bộ đội ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn dù 7 ngụy. Tuy nhiên, pháo binh ta không kiềm chế được pháo binh ngụy quân nên bộ đội của 2 tiểu đoàn bộ binh 4, 5 cũng thiệt hại lớn. Đến ngày 25-6, bộ đội ta quá căng thẳng, mỏi mệt, cơ số đạn chiến đấu gần hết, vì vậy cả hai tiểu đoàn bộ binh 4, 5 được lệnh dừng lại củng cố đội hình, bổ sung quân số, đạn dược để tiếp tục chiến đấu.

Binh sĩ ngụy xã Triệu Lễ – Triệu Phong – Quảng Trị ra trình diện với chính quyền cách mạng, tháng 5-1972. Ảnh tư liệu.

Ở hướng đông, Trung đoàn bộ binh 18 đánh địch ở Xuân Viên, Đông Dương đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến do viên Đại tá Phạm Văn Chung làm Lữ đoàn trưởng. Nguy cơ có thể mất tiếp tiểu đoàn nữa nên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền lui về Thanh Hương, Đại Lộc. Tuy nhiên, bộ đội ta cũng bị thương vong lớn, buộc phải lui về tuyến sau củng cố. Ngày 23-6, Trung đoàn bộ binh 64 (thuộc Sư đoàn bộ binh 320b) vào thay thế Trung đoàn bộ binh 18.

Trên hướng đường 12, các đơn vị của Sư đoàn bộ binh 324 và Trung đoàn bộ binh 6 độc lập của Thừa Thiên đang gặp khó khăn về bảo đảm hậu cần, trong khi đó, lực lượng ngụy quân liên tục tổ chức những đợt phản kích với các quy mô khác nhau nhằm tiêu hao lực lượng, giảm bước tiến công của bộ đội ta, nên đến ngày 26-5, các đơn vị mới bước vào chiến đấu, chậm mất 5 ngày so với các hướng tiến công khác. Theo kế hoạch tác chiến, Thượng tá Sư đoàn trưởng bộ binh 324 Chu Phương Đới và cơ quan tham mưu sư đoàn lệnh cho Trung đoàn trưởng bộ binh 1 tiến công Trung đoàn 54 ngụy ở nam Khe Thai. Sau hơn một giờ chiến đấu, bộ đội ta chỉ diệt được hơn 300 quân của Trung đoàn 54 ngụy. Trung đoàn bộ binh 3 tiến công một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 ngụy ở điểm cao 372, sau 45 phút chiến đấu, bộ đội ta chẳng những không làm chủ được điểm cao mà bị còn thương vong lớn. Trong khi đó, Trung đoàn bộ binh 6 độc lập tiến công địch ở đèo Sun Na, bộ đội ta chỉ tiêu diệt được một mục tiêu.

Sau 6 ngày tiến công, trên các hướng chiến dịch của sư đoàn và các trung đoàn độc lập tuy có diệt được một số đơn vị ngụy nhưng nhìn chung, các đơn vị của ta đều bị chặn lại do sức tiến công bị giảm sút rõ rệt. Các mặt chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm chiến đấu lâu dài của ta còn sơ sài và giản đơn, nên không thực hiện được kế hoạch. Trong khi đó, lực lượng ngụy quân được tăng cường mạnh lên để chuẩn bị cho cuộc phản công quy mô lớn.

Vì lẽ đó, đêm 26-6-1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn – Tư lệnh mặt trận Trị – Thiên ra lệnh ngừng tiến công, để chuẩn bị đánh trả cuộc phản công quy mô lớn của ngụy quân.

Trong đợt tiến công này, bộ đội ta tiêu diệt được 2.800 ngụy quân, bắt sống 25 ngụy quân, đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn quân ngụy; nhưng thật trớ trêu, bộ đội ta không giải phóng thêm được đất đai, trái lại quân ngụy lại lấn ra được một số khu vực ở hướng tây và bắc sông Mỹ Chánh. Các Sư đoàn 304, 308, 324, số bộ đội thương vong lớn hơn 2 đợt tiến công trước.

Như vậy, chúng ta đang gặp bất lợi trong việc chuẩn bị để đánh trả cuộc phản công lớn của ngụy quân, bảo vệ vùng mới giải phóng. Do phạm chủ quan dẫn đến mất thế chủ động về chiến dịch trước cuộc phản công quy mô lớn của ngụy quân, hậu quả với ta chắc chắn sẽ rất nặng nề, đây là thời điểm khó khăn nhất, thử thách lớn nhất chúng ta phải vượt qua.

Sau khi ta giành được thắng lợi trong chiến dịch tiến công (từ ngày 30-3 đến ngày 27-6-1972), giải phóng tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên, quân ngụy được không quân và hải quân đắc lực chi viện, tổ chức cuộc phản công quy mô lớn mang tên “Cuộc hành quân Lam Sơn 72” do Trung tướng Ngô Quang Trưởng, một viên tướng được giới quân sự ngụy đánh giá cao về năng lực và bản lĩnh, chỉ huy.

Ngày 26-6-1972, đội hình phản công của ngụy quân đã hình thành trên 2 hướng.

Hướng tây đường số 1 gồm Sư đoàn dù do Trung tướng Dư Quốc Đống làm Tư lệnh, liên đoàn 81 biệt kích dù, thiết đoàn 7 kỵ binh, thiết đoàn 20 chiến xa, đại đội Hắc Báo thuộc Sư đoàn 1 bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh 155mm, tiểu đoàn 102 liên đoàn 10 công binh và liên đoàn 1 địa phương Quảng Trị.

Hướng đông, có sư đoàn thủy quân lục chiến do chuẩn tướng Bùi Thế Lân chỉ huy, được tăng cường thiết đoàn 18, một chi đoàn xe bọc thép của thiết đoàn 17, một tiểu đoàn pháo 155mm, đã cơ động vào vị trí tập kết. Các lực lượng pháo binh của Quân đoàn 1, Sư đoàn không quân, hải quân vùng 1 duyên hải, các lực lượng không quân, hải quân Mỹ được lệnh hậu thuẫn tối đa cho cuộc hành binh này. Ưu thế về hỏa lực không quân và hải quân trong không gian tác chiến ở đồng bằng và ven biển Quảng Trị rõ ràng rất bất lợi cho ta. Đứng phía sau còn có Sư đoàn bộ binh 1 và liên đoàn 1 biệt động quân phòng ngự ở Huế và Phú Bài, Trung đoàn 51 bộ binh, lực lượng dự bị của quân đoàn đứng ở Huế.

Đêm 26-6-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch phán đoán địch có thể phản công, nên chủ trương cho các đơn vị đánh chắc thắng, tiến công có trọng điểm, đồng thời điều chỉnh lại lực lượng để chặn cuộc phản công của ngụy quân. Trước mắt, cho Trung đoàn bộ binh 102 quay lại cùng Trung đoàn 66 ngăn chặn địch trên đoạn đường 1 Trường Phước, Hương Điền. Ngày 27-6, Sư đoàn 308 đang ở Phong Điền được lệnh trở lại bắc sông Mỹ Chánh để đánh địch trên trục đường 1.

Đêm 28-6, nhận được chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định “chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công, tiêu diệt sinh lực địch giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch và phát triển tiến công lúc thời cơ có lợi”.

Tuy nhiên, ý định điều chỉnh lực lượng không thực hiện kịp, nhất là hướng tây, vì thời gian quá gấp, không quân, pháo hạm tàu, pháo các đơn vị ngụy quân bắn phá ác liệt các tuyến đường hành quân. Chỉ có Trung đoàn bộ binh 66 (thuộc Sư đoàn bộ binh 304) đến vị trí đúng quy định, không một đơn vị nào khác đến kịp thời gian, vị trí quy định để chiến đấu.

Kỳ 1: Chiến dịch tổng lực
Kỳ 2: Giải phóng Quảng Trị

Kỳ 4: 81 ngày đêm quyết tử

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)