Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Thông tin Trường Sơn với Đường 9-Nam Lào

Thông tin Trường Sơn với Đường 9-Nam Lào

Tháng Mười Một 30, 2011

QĐND – Năm 1965, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược chiến tranh cục bộ. Bộ Chính trị quyết định tăng khối lượng chi viện chiến trường. Tuyến đường Trường Sơn được đổi mới phương thức vận tải cơ giới từ nhỏ lẻ tiến lên tập trung từng cung đoạn.

Với kỹ thuật hiện đại, không quân Mỹ nhanh chóng phát hiện mục tiêu xe vận chuyển ban đêm liền huy động máy bay đánh quyết liệt, tạo thành các trọng điểm ngăn chặn. Năm 1965-1966, ta bị tổn thất 386 xe (47,3% tổng biên chế). Có đoàn xe hơn 100 chiếc từ hậu phương đi thẳng vào Binh trạm Ba biên giới chỉ còn 60 xe. Trước tình hình trên, Quân ủy Trung ương quyết định cử phái đoàn thị sát Trường Sơn do Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện và Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu lãnh đạo vào tuyến chi viện trước mùa khô. Phái đoàn trực tiếp đến các đơn vị tìm hiểu nguyên nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Ngọc – người chỉ huy đoàn xe được triệu tập để làm rõ nguyên nhân. Thiếu tá Ngọc thẳng thắn báo cáo:

– Là người chỉ huy đoàn xe mà để bị đánh cháy 45 chiếc, hy sinh 40 cán bộ, chiến sĩ, tôi xin chịu tội. Nhưng vì sao? Trước hết là từ khi vượt núi rừng Trường Sơn, đoàn xe không nhận được một thông tin cụ thể về tình hình đường sá, nhiều lần đoàn xe đến khu vực quy định nhưng đó lại là nơi địch đã thả bom các loại. Xe chúng tôi dò dẫm chạy vướng bom nổ chậm, bom bi, cả trung đội xe bị xóa sổ… Đau xót, cấp cứu nhau rồi vẫn đi tới… Mấy lần đoàn xe chạy vào vùng địch đã trinh sát, liền bị bom tọa độ trúng đội hình… Dọc đường không có trạm thông báo tin, chúng tôi không biết thế nào để xử trí nên liên tục bị địch đánh ngăn chặn… Anh em lái xe rất dũng cảm, mưu trí lắm mới giao xong hàng, quay về được đến đây…

Ngừng một lát, Thiếu tá Ngọc tiếp:

– Nghe nói các thủ trưởng sẽ kỷ luật, giáng cấp người chỉ huy đoàn xe. Tôi xin chấp nhận. Nói rồi đồng chí Ngọc tự tháo quân hàm Thiếu tá đặt lên bàn, nhấn giọng:

– Tôi không sợ chết, song tình hình tổ chức chỉ huy trên đường vẫn thế này, thì lần sau chắc tôi không còn đầu để về báo cáo thủ trưởng.

Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện nổi tiếng nghiêm khắc, nhưng lần này lại rất trầm tĩnh. Ông cầm cặp quân hàm đưa trả Thiếu tá Nguyễn Ngọc và nói:

– Anh nhận lấy! Chưa ai có ý kỷ luật anh. Hãy bình tĩnh kiểm tra lại sự việc, cùng cơ quan tham mưu rút kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy để thắng địch chứ không phải để kỷ luật nhau.

Hoạt động của một trạm thông tin trên đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Qua cuộc kiểm tra thế trận bố trí toàn tuyến và tinh thần công tác chiến đấu của bộ đội, phái đoàn công tác nhận thấy: “Trong tình hình địch đánh ác liệt thế, không một ai hoang mang lo sợ đã thể hiện rõ bản chất anh hùng của quân đội ta. Còn về tổ chức chỉ huy thì có vấn đề… Trên một chiến tuyến dài hơn nghìn cây số, hàng vạn người hoạt động, địch đánh như chém chả mà không có thông tin liên lạc đến từng đơn vị, từng đoạn đường thì làm sao không bị ách tắc. Lực lượng vận tải cơ động trên Trường Sơn trung tâm địch tiến hành chiến tranh ngăn chặn – chống ngăn chặn quyết liệt, lại không có thông tin chỉ huy thì chẳng khác gì người mù lạc trong rừng rậm”.

Phái đoàn đã báo cáo chính kiến của mình với Quân ủy, đề nghị Bộ khắc phục khuyết điểm này, phải cho tuyến vận tải Trường Sơn thành lập binh chủng thông tin đa phương thức. Triển khai ngay đường dây trần tải ba kết hợp nhiều phương tiện thông tin, hình thành hệ thống liên lạc vững chắc, bảo đảm chỉ huy trực tiếp trong mọi tình huống đối với từng đơn vị trên toàn tuyến.

Cơ quan Bộ chấp hành khẩn trương quyết định của Quân ủy Trung ương – sau ba tháng, các đơn vị lao động cật lực, mùa khô 1967-1968 hệ thống đường dây trần đã nối thông từ sở chỉ huy Đoàn 559 đến 15 binh trạm đi các hướng chiến trường. Nhờ có thông tin chỉ huy trực tiếp kịp thời xử lý khắc phục khó khăn, vận tải chi viện chiến trường tăng 120%, phục vụ đắc lực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vào những ngày quân giải phóng làm chủ thành phố Huế, tổng đài 3000 sở chỉ huy Bộ tư lệnh Đoàn 559 lên mạng tải ba vu hồi bảo đảm tốt cuộc đàm thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Tổng hành dinh Hà Nội vào chiến trường, chỉ đạo trực tiếp Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên.

Các binh trạm Trường Sơn do đã có thông tin dọc tuyến, cho phép áp dụng chiến thuật vận tải tập trung tiểu đoàn gọn theo hai chiều thuận tuyệt đối, tránh nhau ở giữa. Các tiểu đoàn xe được trang bị máy bộ đàm P105 để chỉ huy đội hình hành tiến. Các tiểu đoàn công binh, cao xạ, kho tàng, trạm điều chỉnh xe, chốt cảnh giới máy bay… đều có thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến sóng ngắn hỗ trợ, trực tiếp nhận lệnh hiệp đồng từ Sở chỉ huy binh trạm hoặc Bộ tư lệnh Đoàn 559.

Với hình thái tổ chức chỉ huy thích nghi hoàn cảnh, Binh đoàn Trường Sơn đã vượt qua mọi thủ đoạn ngăn chặn của giặc Mỹ, phục vụ đắc lực các chiến trường miền Nam và hai nước bạn kháng chiến thắng lợi ngày càng lớn. Đặc biệt mùa khô 1970, đường dây thông tin trực tuyến từ chiến trường yêu cầu chi viện khẩn cấp vũ khí hỏa lực. Bộ tư lệnh Trường Sơn liền cho đoàn xe chở vũ khí tốc hành vào Nam Bộ và đông bắc Miên… kịp thời đập tan cuộc tấn công của Mỹ-ngụy sang Cam-pu-chia.

Những năm 1970-1971, tuyến Trường Sơn lại được cải tiến thế trận vận tải chiến lược. Tổ chức 5 sư đoàn khu vực gồm 32 binh trạm, xây dựng hệ thống “đường kín” từ các cửa khẩu hậu phương lên tây Trường Sơn, chạy dọc tuyến tới các hướng chiến trường. Mạng thông tin củng cố hoàn chỉnh 950km đường dây trần, 200km đường dây cáp FFK60. Bố trí 11 trạm cơ vụ, 120 tổ canh dây duy trì liên lạc thường xuyên, kịp xử trí mọi sự cố. Tại các trạm cơ vụ đều lắp máy tăng âm, nhiều đường cao tần như: Cơ vụ B53 lắp máy 12 đường, cơ vụ AC2 lắp máy truyền dẫn 10 đường. Ở sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559, Tổng đài 3000 bảo đảm cùng lúc 30 kênh hoạt động không bị nhiễu. Để hỗ trợ chất lượng thông tin, các khu vực còn lắp đặt hàng chục máy tiếp sức P401M, 10 xe điện đài vô tuyến cơ động, 100 máy vô tuyến 105, 109… Mạng thông tin đã thành “hệ thần kinh” của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại tiến hành thắng lợi các cuộc tổng động binh toàn tuyến vận tải đạt khối lượng tăng gấp 6,5 lần so với năm 1967.

Sau khi bị thất bại trong cuộc tấn công Cam-pu-chia, đầu năm 1971 Mỹ-ngụy Sài Gòn lại mở cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” tấn công lên Đường 9-Nam Lào. Binh đoàn Trường Sơn sớm nhận được chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh chuẩn bị cùng Binh đoàn 70 sẵn sàng cho chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào.

Trên địa bàn Đường 9-Nam Lào, hình thành 7 khu vực tác chiến có chính diện hơn 100km với tung thâm sâu. Bộ đội thông tin Trường Sơn chịu trách nhiệm phục vụ chỉ huy trực tiếp liên tục từ Bộ tư lệnh chiến dịch xuống từng đơn vị, từng trận địa tác chiến. Cùng thời gian, mạng thông tin vẫn phải giữ vững liên lạc của tuyến chi viện chiến lược đến các chiến trường phía Nam.

Đúng dự đoán, ngày 30-1-1971 Mỹ-ngụy mở cuộc hành binh lên Đường 9-Nam Lào. Lực lượng tăng, thiết giáp của địch vượt biên giới, cùng hàng đàn trực thăng đua nhau đổ quân xuống các cao điểm Nam-Bắc dọc Đường 9 lên Sê Pôn…. Tất cả những động thái của địch đều lọt vào tầm mắt các trạm quan sát của ta, kịp thời báo về sở chỉ huy chiến dịch. Bộ tư lệnh chỉ thị các trận địa hỏa lực kiên trì đợi thời điểm quyết định. Đúng “giờ G”, Bộ chỉ huy phát lệnh tấn công: “Bẻ gãy cánh Phượng hoàng bay, đập tan xác thiết xa vận”. Tổng đài 100 số với 30 kênh liên lạc tải ba dồn dập hoạt động, các đài tiếp sức đua nhau phát sóng. Ngay tức thời, hàng chục chiếc trực thăng địch bốc cháy. Đoàn tăng, thiết giáp đụng pháo binh, địa lôi bật tung, một số tháo chạy lao xuống sông cũng bị tiêu diệt.

Cánh quân Thái – Lào từ phía tây tiến xuống liền bị Sư 968, Sư 472 Bộ đội Trường Sơn phối hợp bộ đội Pa-thét Lào chặn đánh ngay khi mới chớm đến Thát Hài, Nậm Tiếng, Keng Coọc… khiến chúng phải tan tác tháo chạy… Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào của ta đã làm tan vỡ hoàn toàn âm mưu “chiếm đóng ngăn chặn tận gốc Đường Hồ Chí Minh” của đế quốc Mỹ.

Tổng kết chiến thắng, Bộ tư lệnh chiến dịch đánh giá “Binh chủng thông tin Trường Sơn đã đóng góp công tích to lớn, thực hiện tốt bảo đảm hiệp đồng tác chiến các hướng ở phía trước và phía sau rất kịp thời”.

Cuộc tấn công Nam Lào bị thảm bại, Tổng thống Mỹ căm uất, ra lệnh sử dụng không quân oanh tạc hủy diệt Quốc lộ số 9, cắt ngang cuống họng hệ thống Đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn… Sư đoàn 472 phụ trách khu vực được chỉ thị phối hợp với Trung đoàn tên lửa chuẩn bị đập tan chiến dịch này của Mỹ. Bộ cũng thông báo: “Kẻ địch chưa biết ta có tên lửa SAM trên Trường Sơn”. Tại cuộc họp hiệp đồng, các đại biểu nhất trí cần phải tạo bất ngờ để thắng địch. Máy bay B.52 đi thế nào cũng kèm theo EB66 là loại được trang bị khí tài phát nhiễu công suất cường độ 3, có thể vô hiệu hóa các sóng ra-đa, phát hiện tên lửa và đẩy đạn tên lửa chệch khỏi mục tiêu. Ta cần phải giữ bí mật tuyệt đối, sư đoàn đặt các đài quan sát có kính viễn vọng nắm định từ xa. Tổng đài 4000 dùng máy tiếp sức P401M bổ trợ mạng thông tin tải ba, tăng hiệu suất thông báo kịp thời khi phi cơ địch còn cách hơn trăm ki-lô-mét.

8 giờ một ngày đầu tháng 2-1971, bầu trời Nam Lào trong xanh. Trạm T25 trên đỉnh Phu Ka Tê thông báo: “Có tiếng rù rù nặng trịch hướng tây nam”. Trên đỉnh Kopo, T26 báo: “Chín F4 bay qua dãy Phu Khốp tạt sang Phu Luổng đến Thác Hài…”. Máy phát sóng ra-đa tên lửa vẫn ắng lặng. T26, T27 thông báo liên tục: “Đoàn F4 vượt Phu Luồng tách làm hai, vòng thượng nguồn Sê Xăng Xoi và vòng hướng đỉnh Voi Mẹp rồi lao xuống Đường 9″… T25 báo: “Sáu F4 đảo lượn dọc Đường 9, cao xạ bắn dữ dội, F4 không bắn trả”. Đài chỉ huy biết nó giở thủ thuật nhứ dử nhằm phát hiện SAM… T28 báo: “Kính viễn vọng nhìn rõ hai máy bay cao ngất ngưởng như tòa nhà”…

Các trạm quan sát vùng trời báo tin tới tấp. Tổng đài cơ vụ 4000 mở cả 20 cửa hoạt động hết công suất bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời về Sở chỉ huy và 7 trận địa tên lửa, cao xạ, chốt trọng điểm: “Đàn F4 đến vùng trời Saravan, Mường Phìn…”. “Hai con chồn hoang EB66B đang mở rộng vòng lượn”… “Đám F4 bốc lên cao…”. Đài chỉ huy tên lửa biết là nó không phát hiện dấu hiệu khả nghi có SAM. T28 báo cáo: “Tây Nam xuất hiện nhiều chấm đen to, như đàn nhặng”… Trung đoàn trưởng tên lửa vẫy tay: “Máy phát sóng sẵn sàng”. T26 báo: “Tây Nam 35 độ có bốn chấm đen bằng 1cm”. Trung đoàn trưởng lệnh: “Đài 1 kiểm tra!”. Nhờ các trạm quan sát định hướng chính xác, ra-đa bắt nhanh cả tốp mục tiêu nổi rõ trên màn hiện hình rồi tắt, báo cáo: “Đúng B.52”. Chỉ huy lệnh: “Đài 2 phát sóng!”. Trắc thủ quả quyết: “Ba B.52, một EB66C bay bên trái”. Trung đoàn trưởng nín thở, đanh giọng: “Phóng!”. Hai quả tên lửa lao vút, không bị vô hiệu hóa, bùng đỏ rực trời giữa “bầy nhặng”. Vô vàn tiếng nổ chát chúa khắp dải núi. Tiếng hò reo vang lừng: “Cháy rồi! Chết cha B.52 rồi!”… “Tên lửa muôn năm!”,… “Hoan hô thông tin Trường Sơn!”.

Đàn F4 tán loạn. Hai pháo đài bay thoát chết vội trút ào bom rồi ngoặt về hướng xuất phát. Một tốp phản lực bay ngang Đường 9 bị dính lưới lửa cao xạ, hai chiếc bốc cháy, giặc lái không kịp nhảy dù. Đòn tiêu diệt chiến này, ghi dấu Thông tin Trường Sơn đã tham gia trận đánh kết thúc cuộc chiến tranh ngăn chặn của giặc Mỹ trên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại!.

NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

qdnd.vn