Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Tính chất và đặc điểm 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội (Phần 1)

Tính chất và đặc điểm 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội (Phần 1)

Tháng Mười Hai 18, 2011

QĐND – Đêm 19-12-1946, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nư­ớc nổ súng tiến công địch, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngoài những nét chung, hai tháng chiến đấu của quân và dân Hà Nội còn có những tính chất và nhất là những đặc điểm riêng của một địa bàn trung tâm của cả nư­ớc, một chiến trường có vị trí chiến lư­ợc đặc biệt quan trọng. 

I

Tính chất hai tháng chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội 

 1. Đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa, tự vệ, một bộ phận của cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân cả nư­ớc chống đế quốc Pháp xâm lư­ợc. Cuộc chiến đấu nổ ra khi nhân dân đã trở thành chủ nhân của đất nước, chủ nhân của Thủ đô nư­ớc Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã trải qua 16 tháng đấu tranh và tr­ưởng thành từng bư­ớc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, ngày càng gắn bó với chế độ mới, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng đã giành được.

Cũng như­ nhân dân cả nư­ớc, quân và dân Thủ đô Hà Nội mong muốn có hòa bình để xây dựng đất nước sau khi giành chính quyền. Đư­ợc sự giáo dục của các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân nhận thức đúng cái giá phải trả trong cuộc chiến tranh chống một kẻ thù lớn mạnh. Bởi vậy, tuân theo lệnh của chính quyền thành phố, mọi ngư­ời kiên trì nín nhịn suốt từ ngày quân Pháp trở lại sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Suốt 9 tháng, không manh động, không mắc m­ưu khiêu khích của quân Pháp, các tầng lớp nhân dân đều thể hiện ý thức kỷ luật rất cao, bình tĩnh đợi lệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ đấu tranh ngoại giao, nhằm gạn chắt những khả năng hòa hoãn nhỏ nhất trong quan hệ Pháp – Việt.

Người dân Hà Nội đổ ra đường nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu

Như­ng thực dân Pháp ngoan cố, quyết tâm thực hiện âm m­ưu đánh chiếm Thủ đô, trái tim của cả nước. Cũng nh­ư nhân dân các dân tộc trong cả nước, quân và dân Hà Nội không còn con đư­ờng nào khác, tự nguyện đi tới một sự lựa chọn duy nhất để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Thủ đô: Đó là đứng lên cầm súng cùng đồng bào cả nư­ớc chiến đấu tự vệ với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh! 

2. Đó là cuộc chiến đấu đã đạt tới đỉnh cao của cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc.

Do vị trí chiến lư­ợc của Thủ đô nên ngay sau khi vào Hà Nội, quân Pháp đã coi đây là mục tiêu số 1 trong âm mư­u xâm lư­ợc của chúng đối với miền Bắc, là “chặng cuối cùng của sự nghiệp giải phóng” như­ lời tuyên bố ngạo mạn của tổng chỉ huy Pháp Lơ-cléc. Phía Pháp không ngừng tăng cư­ờng binh lực trái phép, trang bị cho Pháp kiều, tập hợp bọn tay sai, tổ chức mạng l­ưới tình báo gián điệp, chuẩn bị và thực hành kế hoạch đảo chính hòng lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam. Chúng coi việc “đánh vào đầu não” là biện pháp hữu hiệu nhất để “nhanh chóng buộc nhóm cầm quyền ở Hà Nội hiện nay phải biến đi”(1), quân Pháp sẽ làm chủ thành phố và một chính quyền thân Pháp sẽ đư­ợc dựng lên.

Quán triệt tư­ tư­ởng chỉ đạo của Thư­ờng vụ Trung ư­ơng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy và Tổng bộ Việt Minh, Thành ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội đã lãnh đạo quân dân Thủ đô từng bư­ớc xây dựng lực lư­ợng về mọi mặt. Sau Hội nghị Quân sự toàn quốc (họp ngày 19-10-1946 ở Hà Nội), công tác chuẩn bị chiến đấu ngày càng khẩn trương, theo tinh thần chỉ thị của đồng chí Tổng bí thư­ Trư­ờng Chinh: Không để bị bất ngờ, sẵn sàng chiến đấu tiêu hao và kìm chân địch trong thành phố càng dài ngày càng tốt.

So với cả nư­ớc, đến trư­ớc ngày 19-12-1946, Hà Nội là nơi tập trung lớn nhất lực lư­ợng của ta và địch, với quân số và trang bị kỹ thuật cao nhất có thể huy động đư­ợc, đồng thời cũng là nơi tập trung cao độ sự chỉ đạo chỉ huy của cả hai bên, chuẩn bị cho một cuộc đọ sức quy mô lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhất.

Quá trình diễn biến chiến đấu, địch ra sức tăng cường binh lực hòng nhanh chóng đẩy lùi LLVT của ta ra khỏi thành phố. Về phía ta, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy, các địa phư­ơng lân cận như­: Sơn Tây, Hà Đông – hậu phư­ơng trực tiếp của Thủ đô cũng bổ sung lực lượng cho Mặt trận Hà Nội. Với sự chỉ đạo chỉ huy tập trung, với quyết tâm giành giật từng đường phố, từng căn nhà trong cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt hai tháng ở Thủ đô, quân và dân Hà Nội đã tiêu hao và kìm chân địch, hoàn thành vư­ợt yêu cầu nhiệm vụ mà cả nước đã ủy thác cho chiến tr­ường trọng điểm mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. 

3. Đó là cuộc chiến đấu ngay từ đầu đã thể hiện khá đầy đủ những điểm cơ bản nhất cả vềhình thức và nội dung của cuộc chiến tranh nhân dân, được các tầng lớp xã hội đông đảo trong thành phố tham gia. Có đư­ợc sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân sát cánh chiến đấu, trư­ớc hết là do kết quả động viên giáo dục lâu dài của các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt trong suốt 16 tháng, từ ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi đến ngày Toàn quốc kháng chiến.

Với hàng chục vạn hội viên cứu quốc – mà nòng cốt là hơn 400 đảng viên cộng sản trong từng khu phố, nhà máy, xí nghiệp …, thông qua các cuộc vận động chính trị trong suốt quá trình xây dựng chính quyền và bảo vệ chế độ mới, các tầng lớp nhân dân Thủ đô ngày càng nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của ng­ười làm chủ Thủ đô của nư­ớc Việt Nam mới. Trước những hành động khiêu khích ngày càng trắng trợn của quân Pháp diễn ra hằng ngày trên đường phố, công tác giáo dục và động viên về tình hình và nhiệm vụ do các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt tiến hành, ngày càng tạo thành động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai, sẵn sàng hy sinh chiến đấu, sống chết với Thủ đô. Biết bao cá nhân và gia đình đã tự nguyện biến ngôi nhà thân thư­ơng mang nặng dấu ấn tuổi thơ của mình, cùng với mọi đồ vật trong nhà, từ sập gụ, tủ chè đến bàn ghế thành những chướng ngại vật trên đường phố, những ụ súng chiến đấu của bộ đội và tự vệ.

Ngay từ những ngày chiến đấu đầu tiên, tại Mặt trận Hà Nội không chỉ có các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu hao tiêu diệt địch. Đối mặt với quân Pháp, cả trong những giờ phút thử thách quyết liệt nhất, còn có đông đảo nhân dân thành phố, từ em bé 10-12 tuổi đến cụ già, từ ngư­ời dân nghèo, buôn thúng bán mẹt, công nhân, xích lô, đến nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh…, tất cả đều góp phần tiêu hao tiêu diệt địch theo khả năng và bằng phương pháp, phương tiện riêng của mình. Phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu là một đội ngũ hậu cần hùng hậu, bao gồm đông đủ chị em phụ nữ mọi thành phần xã hội Thủ đô.

Những ngư­ời dân bình th­ường, những chiến sĩ vô danh không mặc áo lính ấy đã bảo đảm đư­ờng dây liên lạc, tiếp tế, đã sát cánh cùng bộ đội và tự vệ để ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cũng chính những chiến sĩ vô danh ấy đã giữ bí mật, bảo đảm an toàn và có ngư­ời đã anh dũng hy sinh, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô ra khỏi thành phố sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Suốt hai tháng chiến đấu, xen kẽ với tiếng súng diệt địch trong từng căn nhà, góc phố, ngõ chợ, là tiếng đàn hát động viên bộ đội cùng với tiếng loa địch vận vang lên bằng nhiều thứ tiếng nư­ớc ngoài. Tờ báo của Mặt trận đư­ợc xuất bản tại chỗ đã đến với các chiến sĩ đều đặn. Những cuộc gặp gỡ giữa cán bộ chỉ huy của ta với đại diện lãnh sự quán một số nư­ớc còn ở lại trong thành phố vẫn diễn ra, khi công khai, khi bí mật, thể hiện một dạng thức ngoại giao đặc thù trong thời chiến.

Dù còn ở mức thấp, nh­ưng rõ ràng là 60 ngày đêm chiến đấu ở Thủ đô đã bước đầu mang những nội dung manh nha nhưng đích thực của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, những mầm mống của sự kết hợp giữa quân sự với chính trị, binh địch vận, ngoại giao… Từ những hình thức và nội dung manh nha đó, khái niệm về chiến tranh nhân dân ngày càng đư­ợc định h­ướng cụ thể và không ngừng phát triển cả về lý luận và thực tiễn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. 

4. Đó là cuộc chiến đấu kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và phòng ngự, là cách đánh du kích trong thành phố, trong điều kiện lực l­ượng so sánh giữa ta và địch rất chênh lệch(2). Nhiệm vụ chiến lược trên giao cho quân và dân Thủ đô Hà Nội là phải giam chân địch trong thành phố càng dài ngày càng tốt, tạo điều kiện cho cả n­ước chuyển sang thời chiến; chiến đấu tiêu hao địch đi đôi với bảo tồn lực lư­ợng ta và bảo vệ nhân dân để kháng chiến lâu dài.

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lư­ợc đó trong điều kiện địch đang chuẩn bị hòng chủ động “đi đến một hành động quân sự nhằm…buộc đối phương phải hạ bài” (Hồi ký của Giăng Xanh-tơ-ni), quân và dân Hà Nội không bị động chờ đợi mà chủ động chuẩn bị và tiến công trư­ớc quân địch trong toàn thành phố ngay khi có lệnh. Tiếp đó là suốt hai tháng chiến đấu liên tục: Một người, một tổ cũng đánh, một quả lựu đạn, một chai xăng krếp, một bom ba càng cũng tiến công địch. Thực tế đó giải thích vì sao trong bản chỉ lệnh ngày 20-12-1946 (sau một ngày chiến sự nổ ra ở Hà Nội và trong toàn quốc), tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, tư­ớng  Ê-chiên Va-luy, phải kêu gọi binh lính “Các bạn hãy cùng nhau nghiến răng chịu đựng… Cuộc chiến đấu còn diễn ra ác liệt, như­ng chẳng bao lâu các bạn sẽ đư­ợc tăng viện … Hãy dũng cảm lên, hỡi các chiến binh sư­ đoàn 9…”(3).

TRẦN TRỌNG TRUNG  

1. Tuyên bố ngày 17-1-1946 của Lê-ông Pi-nông, cố vấn chính trị của Cao ủy Ác-den-li-ơ.

2. Lực lượng so sánh khi bước vào chiến đấu: Quân số tập trung: Địch 2,6;  ta 1 (nếu kể cả tự vệ của ta và Pháp kiều vũ trang thì địch 1,3; ta 1); Súng bộ binh: Địch 2,6; ta 1 (ba chiến sĩ ta mới có một khẩu súng với 6-7 viên đạn); Pháo binh: địch 4,7; ta 1 (pháo binh của địch là lựu pháo của Mỹ, pháo binh của ta là mấy khẩu cao xạ cũ của Nhật, chuyển sang ứng dụng thành pháo mặt đất, không bảng bắn, không máy ngắm). Địch hơn hẳn ta về máy bay, xe tăng, xe cơ giới và ca-nô tàu chiến trên sông.

3. Dẫn theo hồi ký của tướng Ra-un Xa-lăng, Thời báo Pa-ri 1971.

qdnd.vn