Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Ký ức qua trận đánh

Ký ức qua trận đánh

Tháng Tư 30, 2013

QĐND Online – Một ngày tháng 4 lịch sử, tôi gặp Trung tướng Dương Công Sửu, người con của quê hương Bắc Sơn, Lạng Sơn hiện là Phó Tư lệnh Quân khu 1, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bằng giọng nói ấm áp, ông đã kể cho tôi nghe ký ức về một thời khói lửa, đầy bom rơi, đạn nổ trên chiến trường năm xưa…

Với ánh mắt xa xăm, thoáng buồn ông chầm chậm nói: “Chuyện chiến trường kể mãi cũng không hết, nhưng tôi nhớ nhất trận chiến đấu ngày 28-3-1971. …Hồi ấy, quan điểm của Đảng ta là “Cả nước là một chiến hào, 3 nước Đông Dương là chiến trường” nên bộ đội chủ lực của ta luôn cơ động nhanh, lúc ở miền Nam, khi sang Cam-pu-chia. Năm 1971, địch tổ chức càn quyét lớn vào tỉnh Công-pông-chàm, thuộc vùng Đông Bắc Cam-pu-chia, nhằm tiêu diệt căn cứ của ta. Địch tấn công theo trục đường số 22, từ miền Nam đến giáp sông Mê Công và một đoàn quân ngụy đã lọt vào trận địa của ta. Để tiêu diệt quân địch, ta phải vây hãm, chốt chặn đánh địch từ phía sau lên ứng cứu, đồng thời khóa chặt đường rút lui của chúng. Ngày 26-3-1971, tôi trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 25 đặc công, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, cùng Đại đội nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ tuyệt mật. Chúng tôi mải miết hành quân hai ngày hai đêm, vượt qua núi cao, vực sâu và những cánh rừng nguyên sinh trên đất bạn. Gần sáng, chúng tôi tới thị trấn Suông Chúp. Đồng chí Vũ Việt Hồng, Phó Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ: “Phải chốt cứng, chặn đứng không cho giặc tiến công và rút chạy qua đây“.

Trung tướng Dương Công Sửu, Phó Tư lệnh quân khu 1.

Quân ta xây dựng trận địa chiến đấu trên cánh đồng rộng lớn, trống trải. Đơn vị tiến hành xây dựng công sự trên khoảng diện tích chiều dài 50m, rộng gần 40m. Trước đây, chúng tôi chủ yếu đánh giặc đêm, nhưng nhiệm vụ hôm ấy là phải giao chiến ban ngày, thế nên tâm lý bộ đội cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở và hồi hộp. Có đồng chí hỏi “Giữa đồng không, mông quạnh” thì tác chiến thế nào cho hợp lý? Chỗ này quân ta bị lộ thì không có đường rút lui, dễ thương vong nhiều…”. Tôi động viên: “Các đồng chí yên tâm, chúng ta không tác chiến độc lập, cùng “chia lửa” còn có Tiểu đoàn 9, đánh chặn không cho địch rút chạy“.

7 giờ sáng ngày 28-3 cách trận địa của ta 2km, xe tăng và bộ binh địch ào ạt tiến công vào trận địa “mai phục” của ta. Các chiến sĩ trong đơn vị sẵn sàng nổ súng. Khi 3 xe tăng địch cách trận địa khoảng 30m, súng B40, B41 “khạc lửa” tiêu diệt xe tăng địch, những tiếng nổ lớn vang lên, 3 chiếc bốc cháy ngùn ngụt. Bị đánh bất ngờ, bộ binh địch hoảng loạn tháo chạy. Xe tăng địch phía sau dùng súng 12,7 ly và M79 nhả đạn xối xả, đồng thời pháo kích oanh tạc dữ dội. Trên trời, từng tốp máy bay L19 của địch quần đảo chỉ thị cho máy bay khác trút bom, trời đất rung chuyển, ngùn ngụt khói. Trận địa ta như “rang” trên chảo lửa. Để tránh chiến sĩ ta thương vong, đơn vị đã nhanh chóng cơ động ra ngoài trận địa, lợi dụng địa hình, địa vật như: Bờ ruộng, đống rơm, cây cối lúp xúp để ẩn náu. Khi máy bay địch ngừng trút bom, bộ đội ta nhanh chóng cơ động trở lại chiếm lĩnh lại trận địa chiến đấu. Tưởng ta đã bị hủy diệt sau trận bom, xe tăng, bộ binh địch chia làm 2 mũi tấn công vào trận địa của ta. Chờ địch vào tầm bắn hiệu quả, bộ đội ta nổ súng tiêu diệt, chúng lại bị đánh bật ra. Cứ thế, trận chiến giằng co ác liệt hơn ba tiếng đồng hồ, địch không sao vượt qua được trận địa ta để lên ứng cứu cho đội quân phía sau. Lúc này, cả đơn vị đã bị thương và hy sinh gần hết, chỉ còn 4 đồng chí lành lặn, trong đó có tôi.

Tôi nhìn đồng đội mà lòng đau như cắt, lòng quyết tâm giết địch càng trỗi dậy… Đúng thời điểm này, chúng tôi được lệnh rời trận địa để trên bắn pháp yểm trợ. Trên trời, máy bay địch bay rất thấp, quần thảo dữ dội nhằm ngăn chặn ta lui quân. Tình thế thật cấp bách, không ngại hiểm nguy, tôi cùng y tá Vũ Hy Vọng, quê ở Lạng Giang, Bắc Giang, băng qua vùng đất trống, đánh lạc hướng, thu hút hỏa lực địch để chính trị viên đưa anh em thương binh về phía sau an toàn. Sau khi chạy được một đoạn, y tá Vọng trúng mảnh bom địch, bị thương nặng. Tôi vừa cõng đồng đội, vừa tìm nơi ẩn nấp. Sau 2 ngày băng rừng, nhịn đói chúng tôi tìm về đến trạm phẫu tiền phương, tôi giao anh Vọng cho trạm phẫu tiền phương và tìm đường về đơn vị.

Dẫu rằng, quân ta cũng có thương vong, mất mát, nhưng đơn vị tôi đã đánh trả và ngăn chặn 3 tiểu đoàn bộ binh địch có máy bay và xe tăng yểm trợ, tiêu diệt 55 tên, làm bị thương hàng trăm tên khác, phá hủy 5 xe tăng. Chặn đứng cuộc hành quân của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị trong trung đoàn chia cắt, xé lẻ và tiêu diệt địch ở nhiều địa điểm khác nhau. Sau này tổng kết, trận đánh ấy chúng tôi được cấp trên khen ngợi rất nhiều”…

Khi chúng tôi tạm biệt ông ra về, mắt ông nhìn xa xăm đầy hoài niệm. Ông khẽ nói: “Dù thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng những ký ức về các trận đánh mà tôi cùng đồng đội vào sinh ra tử thì mãi vẹn nguyên“. Biết bao kỷ niệm về chiến trường khói lửa năm xưa của một thời gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 của dân tộc.

Bài, ảnh: Sầm Thạch
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam