Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Kết hợp linh hoạt các hình thức tác chiến, kìm chân địch

Kết hợp linh hoạt các hình thức tác chiến, kìm chân địch

Tháng Một 16, 2012

QĐND – Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công các cơ quan chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhằm chủ động đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lệnh cho các sư đoàn Cộng hòa vệ binh và sư đoàn Dân quân cách mạng rút ra vùng ngoại ô. Tại nội thành Sài Gòn có 320 đội tự vệ chiến đấu và một số tiểu đoàn Cộng hòa vệ binh tuần tra canh gác công sở. Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, trang bị thô sơ, nhưng với tinh thần yêu nước nhiệt tình cách mạng, các đơn vị vũ trang Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo, chỉ đạo LLVT các địa phương phối hợp tác chiến, uy hiếp và quấy rối, đánh địch ở mọi nơi, nhất là trong thành phố Sài Gòn; phá hoại cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch; ngăn chặn việc chuyển quân, vũ khí từ Nam Bộ ra Trung Bộ, Bắc Bộ. Sau khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ, quân và dân Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch, nhiều trận đột kích vào Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, sân bay Tân Sơn Nhất và trên đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Các cuộc chiến đấu và tiêu diệt ác ôn, tay sai kết hợp với hoạt động “kinh tế chiến”, “giao thông chiến” liên tiếp diễn ra. Kháng chiến kết hợp với phong trào đấu tranh của quần chúng như đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân; công nhân phối hợp với LLVT phá hoại đường giao thông và nhiều máy móc, nguyên liệu, cơ sở hậu cần của địch. Vì vậy, suốt mấy tháng liền, gần 40 nghìn quân địch bị giam chân ở Nam Bộ, không đáp ứng được yêu cầu tăng viện cho chiến trường miền Bắc.

 LLVT miền Đông Nam Bộ tại chiến khu An Phú Đông (Sài Gòn, Gia Định). Ảnh tư liệu.

Vừa triển khai chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, các chi đội Vệ quốc, đơn vị vũ trang đồng thời vừa xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở Nam Bộ, nhờ đó, Chiến khu Đ phát triển thành căn cứ kháng chiến của thành phố Biên Hòa và cả Quân khu 7, miền Đông Nam Bộ. Các chi đội mở đợt tiến công, kết hợp với vũ trang tuyên truyền sâu rộng trong các thị trấn, thành phố, thị xã, chỉ rõ sự xảo trá, âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Đại đội 1, Chi đội 10 bất ngờ tập kích bốt Tân Uyên, phục kích diệt viện binh trên Đường 16, tiêu diệt hai trung đội lính lê dương và bảo an. Đại đội 2, Chi đội 10 tiến công đồn miếu Ba Cô. Đại đội 3 phục kích đường Cây Đào, đón lõng Rạch Đông, diệt gọn đại đội viện binh của quân “mũ đỏ”. Chi đội 1 cùng bộ đội địa phương tiến công vào thị trấn, đánh các đồn cảnh sát, lính bảo an dọc Đường số 1 qua cầu Biên Hòa. Bộ đội Tô Ký, Vũ Đức tập kích vào các đồn bốt địch ở ngoại vi thành phố Biên Hòa, diệt hơn 300 tên địch.

Những trận đánh ác liệt nổ ra liên tiếp ở các khu vực, các đường giao thông huyết mạch gây cho địch nhiều tổn thất. Nhằm ổn định tình hình, ngày 18-2-1947, Pháp cho quân mở trận càn vào căn cứ Chiến khu Đ, huy động hai lữ đoàn lính lê dương tiến công vào căn cứ kháng chiến bằng ba mũi kết hợp, đổ quân dù xuống Mỹ Lộc, đánh úp cơ quan đầu não Việt Minh, nhằm tiêu diệt toàn bộ ý chí kháng chiến của ta. Với tinh thần quật khởi, LLVT phối hợp với nhân dân địa phương, sử dụng chông sắt, địa lôi cài cắm sẵn trên các con đường địch tiến vào, kết hợp với vũ trang tuyên truyền, du kích địa phương chủ động bám địch, dồn địch vào mà đánh. Các chi đội, tiểu đoàn chủ lực, chi đội địa phương tiến công địch dồn dập trên các hướng đã chuẩn bị và bố trí sẵn, diệt hàng trăm tên địch. Đêm 20-3-1947, Chi đội 10 bất ngờ tập kích diệt gọn đồn Đất Quốc, nhổ bật cái gai tại trung tâm kháng chiến, giải tỏa sự vây ép của địch.

Quân và dân Nam Bộ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, phối hợp với chiến trường toàn quốc, đã kìm chân được quân Pháp một thời gian tương đối dài, làm chậm bước tiến của địch. Nhờ đó, quân và dân Nam Bộ có thời gian giải quyết hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như tản cư dân, vận chuyển kho tàng, bổ sung thêm lực lượng và rút được kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức đánh giặc, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương trong khu vực, cũng như cả nước có thời gian bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ chống thực dân Pháp. Thắng lợi về quân sự, chính trị trong thời kỳ đầu kháng chiến ở Nam Bộ có ý nghĩa lớn, là cơ sở để từng bước hình thành và phát triển nghệ thuật tác chiến trong điều kiện mới, với đối tượng tác chiến mạnh hơn ta nhiều lần.

Đại tá Đào Văn Đệ

qdnd.vn