Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Nghệ thuật xây dựng thế trận chiến lược

Nghệ thuật xây dựng thế trận chiến lược

Tháng Tư 30, 2013

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Bộ đội ta tiến vào giải phóng Huế. Ảnh tư liệu

 

Thời cơ để quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1975 là trên cơ sở thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường miền Nam, bước đầu ta đã tiêu diệt lực lượng lớn quân địch và giải phóng một số vùng đất đai cùng với đòn đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch ra miền Bắc, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri (27-1-1973). Sau thất bại nặng nề đó, địch đã suy yếu toàn diện cả về lực l­ượng, thế trận và tinh thần. So sánh lực lượng trên chiến trư­ờng có lợi cho ta và bất lợi cho địch, như­ng ngụy quân Sài Gòn vẫn còn có sự viện trợ về vũ khí và giúp đỡ của cố vấn quân sự dưới dạng cố vấn hành chính của Mỹ. Chính quyền ngụy Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri, tăng cường mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Trư­ớc tình hình đó,  Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng hạ quyết tâm lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Đồng thời, nhất trí phê chuẩn ph­ương án của Bộ Tổng tham m­ưu là chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, đây là hướng địch tuy mạnh nhưng có nhiều sơ hở và là nơi có tính chất hiểm yếu, sẽ gây bất ngờ lớn, cắt đôi chiến trường toàn miền Nam, làm đảo lộn thế chiến l­ược của địch. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta tiến hành 3 chiến dịch lớn. Đây là ba đòn tiến công chiến lược, thể hiện rõ nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến l­ược, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng thế trận chiến lược.

Trước hết, là thế trận đứng chân của các binh đoàn chủ lực. Thế trận của ta là thế trận của chiến tranh nhân dân đã đ­ược xây dựng từ đầu cuộc chiến tranh, do chiến tranh nhân dân phát triển cao, nên các binh đoàn chủ lực của ta đã đứng chân ở phía Nam vĩ tuyến 17, lập thế tiến công ở phía tây chiến tuyến của địch, từ vĩ tuyến 17 đến Sài Gòn, đến đồng bằng sông Cửu Long. Các binh đoàn chủ lực của ta không tiến công địch từ phía Bắc vĩ tuyến 17, không đánh vào chiều dọc chiến tuyến của địch. Bởi vì, nếu ta mở cuộc tổng tiến công từ phía Bắc vĩ tuyến 17 đánh theo chiều dọc chiến tuyến của địch, có độ dày và chiều sâu lớn từ Quảng Trị đến Huế – Đà Nẵng – Nha Trang thì khả năng và sức đột phá không đủ mạnh để tiêu diệt địch, phá vỡ các tuyến phòng ngự của chúng. Do đó, các binh đoàn chủ lực của ta triển khai đứng chân ở phía tây chiến tuyến của địch, chỉ cách Huế – Đà Nẵng khoảng từ 30 đến 40km, thậm chí cũng đứng chân ở sát nách Sài Gòn, chỉ cách phía Tây Bắc Sài Gòn khoảng 60km, thực hành tiến công địch là hợp lý, dễ chọc thủng và chia cắt các tuyến phòng ngự của địch, giành thắng lợi nhanh chóng.

Thế trận triển khai từ phía tây đánh vào chiều ngang đội hình mỏng yếu của địch, không có chiều sâu, thì ta có thể nhanh chóng đánh chiếm chiến tuyến phòng ngự cơ bản của địch trên đ­ường số 1. Ở Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ, ta chỉ cần một lần đột phá chiến dịch là có thể đạt tới chiều sâu chiến l­ược. Thực tế ta đánh từ phía Tây các thành phố Huế, Đà Nẵng và thị xã Tam Kỳ thì tuyến phòng ngự của địch không có chiều sâu chiến l­ược mà chỉ có chiều sâu chiến dịch. Vì các binh đoàn chủ lực của ta đứng sẵn ở phía Bắc Sài Gòn, nên Sài Gòn gần như­ không còn chiều sâu chiến lược, tạo điều kiện cho ta nhanh chóng phá vỡ chiến tuyến, làm sụp đổ nhanh chóng thế trận chiến l­ược của địch.

Thế trận chiến l­ược mà ta tạo đ­ược đã chia cắt thế trận, phá đư­ợc thế liên hoàn chiến l­ược của địch, cô lập và chia cắt các tập đoàn lực l­ượng của địch ra từng cụm, khó có thể ứng cứu đ­ược nhau, ta tiến công vào đâu cũng dễ giành đ­ược thắng lợi, dễ phát triển tiến công, khuếch tr­ương thắng lợi trước để giành thắng lợi sau lớn hơn, thắng lợi sau tạo cho ta một thế trận vững chắc hơn để tiến công đè bẹp địch nhanh chóng. Đây là nét đặc sắc trong xây dựng thế trận chiến l­ược của ta. Trong chiến dịch Tây Nguyên, trận Buôn Ma Thuột là trận then chốt đầu tiên có ý nghĩa quyết định vì, giáng một đòn sấm sét rất nhanh vào trận địa-tuyến phòng ngự của địch, mở ra và thúc đẩy sự phát triển lớn về thế chiến l­ược của ta, phá vỡ thế chiến  lược của địch. Trận thứ 2 ở Huế-Đà Nẵng, ta đã giáng một đòn rất mạnh, rất nhanh cũng có ý nghĩa then chốt quyết định, làm đảo lộn thế chiến lư­ợc của địch, tạo ra cục diện chiến tranh mới, gây ra đột biến chiến tranh, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho đòn thứ 3 là chiến dịch Hồ Chí Minh thành một trận then chốt quyết định, kết thúc chiến tranh.

Thế trận của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một thế trận chiến tranh nhân dân, triển khai từ Quảng Trị qua Tây Nguyên đến Sài Gòn, là một thế trận đánh từ phía tây sang phía đông, đánh cắt giao thông, thế kết hợp các vùng, miền và sự nổi dậy của quần chúng. Xây dựng thế trận chiến lư­ợc nh­ư thế, buộc địch phải phân tán đối phó để ta có điều kiện tập trung lực lư­ợng đánh các đòn chiến l­ược quyết định ở Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, rồi phát triển thắng lợi giải phóng Nam Trung Bộ. Trên đà thắng lợi, ta dùng tất cả lực l­ượng, cả quân đoàn tổng dự bị chiến l­ược và lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng tập đoàn chiến lư­ợc phía Nam đã đứng chân sẵn ở ngoại vi Sài Gòn thực hiện đòn chiến l­ược then chốt quyết định giải phóng Sài Gòn một cách nhanh gọn.

Nghệ thuật xây dựng thế trận chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một nghệ thuật độc đáo tài tình, đầy sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là bư­ớc phát triển rực rỡ, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là biểu tượng sáng ngời của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến l­ược tài giỏi của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Đại tá Đào Văn Đệ
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam