Trang chủ > Tội ác Mỹ ngụy > Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Bài 1)

Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Bài 1)

Tháng Tư 12, 2014

Bài 1: Địa ngục trần gian

QĐND – Giai đoạn 1971-1973 ở miền Nam từng tồn tại một nhà lao chuyên giam giữ các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Tại đây, kẻ thù đã dùng những trò “tâm lý chiến” tinh vi nhất; những đòn tra tấn man rợ nhất nhằm khuất phục các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi…

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1973-2013), chúng tôi đã tìm gặp một số nhân chứng và được nghe những câu chuyện như là huyền thoại về địa danh lịch sử này.

Sự thật về đề lao “nhân đạo” ở Đà Lạt

Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt thành lập đầu năm 1971, nằm ở đông bắc TP Đà Lạt, cạnh Hồ Than Thở và Trường chiến tranh tâm lý của chế độ cũ (nay là khu A của Học viện Lục quân). Đồng chí Ngô Tùng Chinh, Anh hùng LLVT nhân dân, Trưởng ban liên lạc cựu tù thiếu nhi Đà Lạt nhận định: Sự ra đời của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt xuất phát từ ý đồ thâm hiểm của kẻ thù. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, rất nhiều chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi của ta đã bị bắt và bị lưu đày trong hệ thống các nhà tù trên toàn miền Nam. Chế độ ăn uống kham khổ và cách đối xử, tra tấn vô cùng dã man đối với tù nhân thiếu nhi đã bị các phong trào tiến bộ trong nước và trên thế giới lên án mạnh mẽ. Mặt khác, việc giam giữ chung các chiến sĩ cách mạng lớn tuổi, lão thành cùng với chiến sĩ nhỏ tuổi sẽ là một yếu tố rất bất lợi cho địch vì khi ở chung, họ được các thế hệ cha anh rèn luyện, dìu dắt để trở thành lực lượng cách mạng quan trọng. Nếu cách ly hai lực lượng này ra, kẻ địch sẽ dễ dàng phân hóa, cải tạo để gột rửa “tư tưởng cộng sản”. Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt ra đời là hệ quả tất yếu của những âm mưu và toan tính ấy.

Khác với nhiều nhà tù ở miền Nam, đây không phải là Trung tâm cải huấn mà là Trung tâm giáo huấn. Địa điểm xây dựng cũng rất đặc biệt, không phải ở Côn Đảo, Phú Quốc hẻo lánh, xa xôi; không phải là ở Sài Gòn chật chội, oi bức cũng không phải ở tỉnh thành miền Trung nắng nôi, bỏng rát mà là ở Đà Lạt, thành phố có khí hậu mát mẻ, trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Việc chọn địa điểm xây dựng và đặt tên thể hiện chính sách mị dân rất tinh vi, địch muốn chứng minh trước dư luận rằng: Đây chỉ là trung tâm giáo dục chứ không phải nhà tù.

Những gương mặt thiếu nhi tại Nhà lao Đà Lạt cách đây 40 năm.

Tuy nhiên, tất cả sự mĩ miều, hào nhoáng bên ngoài không thể che đậy được ý đồ xấu xa, thâm độc của kẻ thù. Bằng chứng là nhà tù này đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn chứ không phải do Ty cảnh sát tỉnh Tuyên Đức quản lý. Bộ máy cai trị có đủ các bộ phận như Ban An ninh chuyên tra tấn, đàn áp; Ban Cải huấn chuyên ru ngủ, dụ dỗ, lôi kéo; Ban giám thị chuyên theo dõi, giám sát tù nhân… Nhà tù được xây dựng rất kiên cố, có đủ loại phòng để giam giữ tù nhân như phòng giam tập thể, xà lim, hầm đá (tương tự chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo), các bức tường bằng đá xanh dày gần nửa mét, sàn nhà bằng bê tông, trần nhà bằng gỗ, mái lợp ngói, giữa trần và mái có một lớp kẽm gai dày được đấu nối với nguồn điện cao thế nhằm ngăn chặn tù nhân vượt ngục, xung quanh nhà tù có bức tường cao và 5 lớp hàng rào kẽm gai bảo vệ, một đại đội lính gác cùng lực lượng giám thị thường xuyên tuần tra, theo dõi suốt ngày đêm.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cũng là nơi quy tụ những tên cai tù có nhiều thâm niên, kinh nghiệm. Điển hình là tên Lê Văn Dẹt, Phó quản đốc trung tâm sau này lên làm Quản đốc, trước đó y đã có nhiều năm làm giám thị ở nhà tù Bến Tre rồi giám thị trưởng nhà tù Quảng Nam, đã được thăng trật giám thị cải huấn hạng 1 năm 1970; tên Xăm Pôn, người Việt gốc Cam-pu-chia có nhiều năm làm cai ngục ở nhà tù Côn Đảo nổi tiếng tàn ác; Nguyễn Cương, Trưởng ban an ninh trật tự, trước đây vốn là du kích nhưng chiêu hồi, bỏ sang hàng ngũ địch thường xuyên lấy việc tra tấn tù nhân làm thú tiêu khiển…

Ngày 23-4-1971, tốp tù nhân đầu tiên gồm 126 nam nữ thiếu nhi từ Nhà lao Kho đạn Đà Nẵng được chuyển tới. Sau đó là tù thiếu nhi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre… Tháng 9-1971, địch gom tất cả các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi tại hai nhà lao Côn Đảo và Chí Hòa chuyển về Nhà lao Đà Lạt. Vào thời điểm đông nhất, số tù nhân tại đây lên tới 650 người, trong đó có khoảng 200 nữ và 450 nam. Hầu hết tù nhân tuổi đời từ 14 đến 17, cá biệt có trường hợp chỉ mới 12 tuổi như chị Huỳnh Yên Trầm My, Võ Thị Huyền Nga, Thái Bốn, Huỳnh Bốn…

Địa ngục trần gian

Sau khi tù nhân được chuyển tới, bọn địch sẽ phân loại. Tùy theo mức án nặng nhẹ mà chúng sẽ đưa vào giam giữ tại các phòng khác nhau. Tù nhân mức án nhẹ được đưa vào phòng giam tập thể, nặng hơn thì vào xà lim, riêng những tù nhân bị địch xếp vào diện “đầu sỏ”, “đặc biệt nguy hiểm” thì bị nhốt vào hầm đá.

Chị Huỳnh Yên Trầm My, quê Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, cựu tù mang thẻ số 126/AT, bị bắt giam khi mới 12 tuổi, hiện công tác tại Nhà xuất bản Đà Nẵng cho biết: “Bên cạnh thường xuyên phải chịu cảnh đói rét thì các tù nhân còn bị bọn cai ngục đánh đập, tra tấn rất dã man. Phương thức tra tấn phổ biến của chúng khi nhốt các anh vào xà lim là đánh bằng roi điện, móc sắt, gí bóng đèn điện 500W đang sáng vào mặt cho cháy da thịt, giội nước lạnh lên người vào đêm khuya… Tù nhân nào có biểu hiện chống đối không chấp hành nội quy trại giam, chống chào cờ, hoặc vượt ngục sẽ bị lột trần và đánh 3 trận một ngày, bị ném vào xà lim, bỏ đói và giội nước lạnh…

Có nhiều câu chuyện về sự đói khát, khổ cực của tù nhân mà đến nay nhiều người sẽ không thể hình dung được. Anh Trần Phi Hùng cho biết: “Đói rét khiến nhiều tù nhân trở nên suy kiệt, thân thể chỉ còn da bọc xương. Để tồn tại và sống sót, nhiều người chấp nhận ăn những thứ thật khủng khiếp. Có lần anh Lê Doãn Dũng một tù nhân cùng phòng chúng tôi nhặt được ổ chuột 4 con còn đỏ hỏn. Đói quá nên chúng tôi bỏ miệng nhai. Trời ơi! Mùi xạ của chuột hôi khủng khiếp nhưng nhả ra thì tiếc đành nhắm mắt bịt mũi nuốt cho đỡ đói”.

Đến tận bây giờ, anh Trần Công Khanh, cựu tù thiếu nhi Đà Lạt hiện sống ở xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa vẫn có một thói quen “lẩn thẩn”. Mỗi khi trời mưa, anh lại nhặt vài con mối cánh, hơ lên que diêm để nghe tiếng cháy xèo xèo và ngửi mùi khét của con mối cháy rồi nhớ lại kỷ niệm một thời ở nhà lao Đà Lạt. Vào một buổi chiều tháng 4-1973, khi anh đi lao động về thì 3 người bạn tù trong phòng đang lả đi vì đói. Tuy nhiên, khi thấy anh xòe bàn tay ra, trên ấy có 4 con mối cánh bé xíu thì ánh mắt ai cũng rạng rỡ. Anh Khanh đốt que diêm, hơ con mối trên ngọn lửa, mùi con mối nướng tỏa ra khen khét, giữa cơn đói quay quắt thì mùi khét ấy lại là mùi thơm quyến rũ đến lạ kỳ, 4 con mối chia đều mỗi người chỉ được một con. Đưa con mối vào miệng, trời ơi sao mà thơm, mà ngọt đến mê người.

Anh Mai Thanh Minh (bí danh Mai Bốn), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng kể: “Có lần tôi và anh Lê Văn Hiệp và anh Lê Mai (đã hy sinh) bị nhốt cùng một xà lim, chúng tôi bị tên Cương (Trưởng ban an ninh) đánh tơi tả. Tôi bị hắn đạp giày đinh lên đầu, máu chảy ròng ròng lên mặt, nhuộm đỏ cục cơm đang cầm trên tay. Sau trận đòn, nhìn cục cơm đỏ thẫm, tanh mùi máu tôi định bỏ đi nhưng anh Hiệp không cho, anh Hiệp cầm cục cơm, chia làm ba phần rồi nói:

– Ăn đi để còn lấy sức mà chiến đấu với kẻ thù!

Tất cả những đọa đày, đau khổ không làm nhụt chí những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Kẻ thù càng tra tấn dã man bao nhiêu họ càng kiên cường, dũng cảm bấy nhiêu. Và chính tại nơi này, họ đã có những cuộc đấu tranh ngoan cường, táo bạo khiến kẻ thù khiếp sợ.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
qdnd.vn

(*) Bài viết sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Tuổi trẻ bất khuất”, hồi ức của cựu tù thiếu nhi Đà Lạt, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2006 và đã được sự cho phép của các tác giả.