Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Biệt động Tư Trung và kiểu đánh Mỹ bằng bom Mỹ (kỳ 1)

Biệt động Tư Trung và kiểu đánh Mỹ bằng bom Mỹ (kỳ 1)

Tháng Mười Một 27, 2011

Kỳ 1: Người du kích trẻ gan dạ và sáng tạo

oOo

QĐND Online – Bốn mươi năm tham gia cách mạng, từ làm du kích xã, liên xã đến tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, đánh nhiều trận lớn, nhỏ, trực tiếp diệt hàng trăm tên địch; được trao tặng nhiều danh hiệu như “Dũng sĩ quyết thắng”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ thi đua”… Ông là AHLLVT Lê Việt Hùng…

Người y tá mê… đánh giặc

Lê Việt Hùng (tên thường gọi Tư Trung) sinh năm 1944, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Lớn lên, chứng kiến cuộc sống khốn khổ của người dân quê mình dưới gót dày của kẻ thù, Tư Trung đã sớm được giác ngộ và tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi.

Trong các năm 1960-1961, ông bí mật tham gia vận động thanh niên tòng quân. Sau đó ông được cử đi học lớp y tá 6 tháng tại Trường quân y rồi về phục vụ trong lực lượng vũ trang của xã từ năm 1962. Khi đó, ông tham gia đánh trận là chính, chỉ khi nào có chiến sĩ hay nhân dân bị thương hay đau ốm mới tham gia khám, chữa bệnh. Vào mùa khô năm 1963, ông cùng tiểu đội du kích xã đánh địch càn quét, tiêu diệt 2 trung đội địch, thu được nhiều vũ khí của chúng.

Tư Trung trong một bức ký họa. Ảnh chụp lại

Năm 1964, một tiểu đoàn bảo an ngụy hành quân càn quét vào xã Mỹ Thạnh Đông. Vì không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào nên bọn chúng rất chủ quan. Đợi lúc chúng rút quân, 2 trung đội bộ đội địa phương và 2 tiểu đội du kích xã đã ém quân phục kích tại cầu Sập, phối hợp nhịp nhàng, chặn đầu khóa đuôi và đồng loạt đánh vào đội hình của địch, tiêu diệt gần 2 trung đội trong vòng chưa đầy 30 phút, thu rất nhiều vũ khí và rút lui an toàn, không hề có thương vong. Trong trận đánh này, Tư Trung vừa chiến đấu vừa cứu thương, do không có thương binh nên nhiệm vụ chiến đấu là chính.

Một trong những trận đánh mà Tư Trung nhớ mãi, diễn ra năm 1965 là trận đối đầu với gần một tiểu đoàn lính nguỵ được trang bị vũ khí hiện đại, hành quân từ căn cứ tại sân bay Hiệp Hòa sang Đức Huệ. Phương án đánh địch đã được vạch ra: Trung đội của Tư Trung cùng một trung đội bạn và 2 tiểu đội du kích xã ém quân bí mật dưới những hàng cây ven rạch, sát cầu Rạch Gốc (thuộc ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông), sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng qua đây.

Đúng như “kịch bản”, khi hành quân đến cầu Rạch Gốc, địch đã “lọt gọn” vào nơi phục kích của ta. Thời cơ đến, toàn đơn vị nổ súng, địch cũng chống trả điên cuồng. Sau 20 phút chiến đấu ác liệt, ta đã tiêu diệt hơn 2 trung đội địch, thu được nhiều vũ khí các loại. Cay cú vì trận thảm bại đó, địch điều tàu chiến theo sông Vàm Cỏ Đông, đổ quân vào ấp 2 Vàm Rạch Gốc, hòng đẩy lùi lực lượng của ta. Ngoài ra, chúng còn huy động nhiều lượt máy bay, đánh bom dọc theo Vàm Rạch Gốc nhằm tiêu diệt lực lượng của ta…

Lấy bom bi Mỹ, đánh Mỹ

Giai đoạn 1965-1966, hầu hết địa bàn Đức Huệ là vùng trắng,  vì thế nên đội du kích của Tư Trung phải ở dưới hầm bí mật. Việc tiếp tế vũ khí, đạn dược cực kỳ khó khăn; lương thực, thực phẩm, thuốc men đều phải do nhân dân Đức Hoà, Đức Huệ chi viện. Trước khó khăn đó, nhiều đêm Tư Trung trăn trở phải đánh giặc cách nào cho hiệu quả. Và ý tưởng chế tạo bom mìn bằng chính vật liệu từ bom đạn của Mỹ đã hình thành trong Tư Trung từ những đêm trăn trở ấy.

Sau mỗi lần địch thả bom bi, có nhiều trái nhỏ sau khi bung ra từ “trái mẹ” song vẫn không nổ, Tư Trung tranh thủ lượm về, cùng với đồng chí Ba Lớn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của chúng và phát hiện ra rằng trái bom bi chưa nổ là do chưa đủ vòng quay. Sau đó, Tư Trung và Ba Lớn đã “chế” ra trái gài bằng cách bật nắp trái bom bi chưa nổ, điều chỉnh kim hoả, buộc dây kẽm bên ngoài, làm một cần bật rồi móc chỉ vào cần bật này (tuỳ theo địa hình để sợi chỉ dài 5-10m hoặc lớn hơn). Với trái gài này, khi có lực tác động vào sợi chỉ, cần bật sẽ bung ra, làm kim hoả chạm hạt nổ và trái bom bi sẽ nổ ngay. Sau đó, Tư Trung và đồng đội còn làm mìn, gồm: nguyên trái bom bi ở giữa, khối thuốc nổ, kẽm gai cắt nhỏ trộn xi măng xung quanh, gây sát thương rất lớn khi nổ. Ngoài ra, ông còn mày mò, chế tạo bệ phóng để phóng trái đánh tàu, với sức công phá đủ đánh chìm tàu hàng trăm tấn…

Ông Tư Trung (thứ 3 từ trái qua) trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp lại

Chiến công nối tiếp chiến công

Sau khi có vũ khí tự tạo, Tư Trung điều nghiên kỹ quy luật đi càn quét của Mỹ, nguỵ để tạo trận địa mìn liên hoàn, dày đặc. Cứ một trái mìn tự chế, ông lại đặt kèm theo gần đó cả chục trái gài. Có lần, Tư Trung và một đồng chí nằm dưới hầm bí mật sau một bụi tre. Khi địch đến gần bụi tre, Tư Trung bật nắp hầm, quăng lựu đạn ngay. Bọn địch hoảng hốt tản ra, vấp ngay phải dây của trái gài thứ nhất, khiến trái gài nổ, làm mấy tên chết ngay tại chỗ. Hoảng loạn, chúng chạy thục mạng, tiếp tục vấp phải trái thứ hai rồi đến trái thứ ba. Tổng số 12 tên địch đã phải bỏ mạng vì thứ vũ khí tự chế của ông…

Từ thắng lợi ban đầu diệt địch bằng chính bom đạn địch ấy, Tư Trung và đồng đội đã chế tạo được một số lượng mìn, lựu đại gài và bệ phóng đánh tàu chiến. Nhờ những loại vũ khí lợi hại đó nên mặc dù lực lượng của ta ở ngay sát nách địch, ngày ngày khiến địch chết và bị thương mà chúng không thể tìm ra nơi quân ta phục kích. Chẳng thế mà ngày ấy địch hay nói câu cửa miệng “Không đụng độ “Việt Cộng” mà vẫn đầu rơi máu chảy”.

Bước sang năm 1966, Mỹ, nguỵ tập trung mở cuộc càn với ý đồ “tát hết nước bắt cá”. Chúng lừa dân vào vùng tạm chiến, gom vào các ấp chiến lược. Chỉ huy cuộc càn là tên Mã Sinh Nhơn, Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa. Chúng đổ quân gần các kênh thuộc xã Mỹ Thạnh Đông bằng tàu chiến. Từ nơi đổ quân, khoảng 2 tiểu đoàn của chúng chia làm 3 mũi có trực thăng yểm trợ đánh vào ấp 2, ấp 3, hòng đẩy quân ta vào sâu biên giới Việt Nam-Campuchia. Tư Trung và đồng chí Tư Đối nằm trong hầm bí mật tại bờ tre, cách quân địch 5-10m để theo dõi. Bộ binh của địch nhanh chóng tràn vào trận địa mìn gài sẵn. Trái mìn đầu tiên nổ, chúng dạt ra và liên tiếp vướng mìn, khiến đội hình xáo trộn, bung ra rồi lại vướng mìn nổ theo đúng cách bố trí của Tư Trung. Trận đó, hơn 1 trung đội biệt kích Mỹ, nguỵ chết và bị thương. Cánh quân thứ 3 của chúng đi bọc hậu nên tránh được bãi mìn. Tuy nhiên, cuộc càn quét của bọn địch đã bị bẻ gãy.

Cũng trong một trận khác, với vũ khí tự tạo của Tư Trung, tàu chiến của địch bị phóng vô vàn bom bi, tiếng nổ dậy vang cả một khúc sông, tàu chiến địch chìm ngay dưới sông Vàm Cỏ.

Sau những trận đánh đó, Tư Trung được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, và Chiến sĩ thi đua của tỉnh, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Long An năm 1966.

Bài, ảnh: Nguyễn Thảo
Kỳ sau: Những trận đánh để đời

qdnd.vn