Lòng dân

Tháng Tư 30, 2013

Đại tướng Phạm Văn Trà, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sinh ra ở Kinh Bắc, nhưng ông lại được bà con cô bác vùng Đồng bằng sông Cửu Long coi như người con của miền Tây Nam Bộ. Các ba, các má thì trìu mến gọi ông là “thằng Ba”; các em, các cháu thân quen thì gọi là “anh Ba”, còn đồng chí, đồng đội cùng trang lứa thì thân mật gọi là “Ba Trà”…

Dân nuôi bộ đội…

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, tôi xin gặp ông để nghe ông nói về điều sâu sắc nhất mà ông rút ra trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Ông bảo: “Mình vừa đọc bài của các ông viết (ông vẫn thân mật gọi tôi như thế) về “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nhưng các ông có biết bộ đội ta ở Nam Bộ thì vận câu thơ của Tố Hữu để nói về lòng dân với bộ đội như thế nào không?

Tôi thành thực nói: “Thưa thủ trưởng tôi chưa biết ạ”.

Ông bảo: “Bộ đội ta nói Dân nuôi bộ đội, dân che mắt thù. Tôi sẽ nói với ông về lòng dân nhé”.

Đại tướng Phạm Văn Trà (hàng đứng, thứ 7, từ phải sang) về thăm bà con cô bác ấp Cả Mười (ấp Sáu) – xã Vĩnh Viễn (Hậu Giang) – đã cưu mang che chở Trung đoàn 1 U Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  Ảnh: TL

Căn phòng công vụ trên tầng 2 của nhà khách Bộ Quốc phòng rộng chừng 13m2, nơi mà tôi đã được nhiều lần gặp ông, chủ yếu ông hẹn làm việc vào buổi tối, kể từ lần đầu tiên vào năm 1994… Đã hơn 15 năm, vậy mà, vẫn bộ bàn ghế “sa lông nan”, vẫn gạch “bông bách khoa” lát nền từ ngày ấy… Chỉ có khác là lần này trong phòng có nhiều sách, quyển để trên ti vi, quyển để trên gối, quyển để trên bàn… Có lẽ nghỉ việc cầm quân ông có thời gian để đọc hơn.

Vẫn dung dị, vẫn nói chỉ đủ người nghe, nhưng lúc này thì ông đang bị xúc động mạnh. Ông bảo: “Không có dân đùm bọc, che chở thì không có Đảng, không có cách mạng, không có bộ đội, không có gì hết… chứ đừng nói đến chiến thắng”.

Ông kể cho tôi một vài kỷ niệm sâu sắc nhất trong giai đoạn khoảng chừng 15 năm, kể từ đầu năm 1965 ông vào sống với đồng bào Nam Bộ, ở Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9.

Đây cũng là giai đoạn cực kỳ khó khăn của bộ đội ta trong chiến trường miền Nam. Khi ấy Quân khu 9 chỉ có Trung đoàn 1 U Minh, mà vẫn không đủ quân. Cuộc sống của bộ đội, kể cả vũ khí để đánh giặc, 100% là dựa vào dân. Dân lấy súng, đạn của địch cung cấp cho bộ đội. Dân nhịn ăn dành gạo nuôi bộ đội. Dân đào hầm trong lòng nhà mình để cất giấu bộ đội. Dân cấp cứu thương binh, dân chôn cất tử sĩ. Dân làm trinh sát…

Như tâm sự với chính mình, ông nói: “Mình kính phục đồng bào Nam Bộ lắm. Họ can trường, họ trung thành và hết lòng với cách mạng. Mình nhớ đầu năm 1969, Quân khu 9 đang gặp khó khăn, Quân ủy Trung ương quyết định cử hai đồng chí Võ Văn Kiệt (Tám Thuận) về làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy, Lê Đức Anh (Chín Hòa) làm Tư lệnh Quân khu. Trung ương đặt bí danh cho hai đồng chí là Tám Thuận và Chín Hòa, ý nói hai đồng chí phải đoàn kết, chắp nối lại được Quân khu với Trung ương Cục. Gọi là cơ quan Quân khu nhưng nay đây, mai đó, bám theo con kênh Nước Trong (Ngã ba Trực Thăng) thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là Hậu Giang). Nơi làm việc của hai đồng chí cách nhau chừng 1km, ở trong vườn nhà dân, chỉ cách đồn địch chừng 2000m mà hằng tháng liền, đi đi về liên tục mà địch không phát hiện được thì tài tình thật. Có lần tôi hỏi anh Lê Đức Anh sao lại mạo hiểm ở gần địch thế. Anh Lê Đức Anh bảo: “Đó là kinh nghiệm của dân, ở sát địch có hai cái lợi: Thứ nhất, địch không nghĩ mình ở sát chúng đến như thế, thứ hai là càng ở gần càng quan sát được hoạt động của chúng”. Các tiểu đoàn của trung đoàn tôi cũng thế, đóng quân rải rác trong vườn và ven sông Nước Trong, Nước Đục, xen kẽ với các đồn địch, thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ mà chúng không phát hiện được. Nhờ có dân mà đơn vị nắm chắc được quy luật hoạt động của địch. Càng nghĩ, tôi càng thấy công lao của dân thật là vô cùng lớn lao. Ví dụ tính mạng của hai đồng chí Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh lúc ấy là hoàn toàn do dân che chở. Đặt giả thiết nếu hai đồng chí bị địch bắt, hoặc hi sinh thì tổn thất cho cách mạng lớn đến mức độ nào?

Ông kể với tôi, cuối tháng 11-1970, khi đó ông là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh, vừa tổ chức cho bộ đội lên đánh địch trên kênh Ba Nước, thì bà con ấp Canh Nhung, xã Vĩnh Viễn, chạy đến báo “Địch mới về đông lắm, không lên được đâu”. Ông lệnh cho bộ đội dừng lại, cử đồng chí đại đội trưởng trinh sát lên kiểm tra. Đúng như nhân dân báo, chỉ vượt lên chừng 300m nữa là trung đoàn ông bị địch phục kích.

Còn chị Ba Đèo thì đúng là ân nhân của Tiểu đoàn 303 thuộc trung đoàn ông. Chị chừng 30 tuổi, không biết quê quán, nhà cửa ở đâu, nhưng cứ theo riết tiểu đoàn những năm khó khăn nhất, giúp mua gạo, mua thuốc, rồi liên hệ gửi thương binh… Tóm lại tiểu đoàn cần gì, thiếu gì là chị lo giúp, giống như vai trò của cán bộ hậu cần tiểu đoàn ấy. Lúc đầu ông nghĩ chị là cán bộ nằm vùng do trên cử về giúp trung đoàn, nhưng sau mới biết chị chỉ là người dân bình thường. Chị nói: “Thấy bộ đội đánh giặc tốt quá mà cũng khổ quá nên tôi thương tôi đến giúp” . Hiện nay “chị” Ba Đèo đã vượt tuổi “xưa nay hiếm” đang ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Tại sao?

“Chỗ này phải phân tích kỹ hơn một tý ông ạ”

Tôi chưa hiểu ý ông nói, đang định hỏi thì ông đã giải thích:

“Tại sao đồng bào Nam Bộ lại yêu thương đùm bọc bộ đội như con em ruột thịt của họ như vậy? Nếu nói tình máu mủ, ruột rà, quê hương làng xóm, thì quân ngụy gần gũi hơn bộ đội ta chứ? Vậy tại sao? Chính là do bộ đội ta sống rất tốt với dân, đồng cam cộng khổ với dân và hết lòng vì dân. Ngược lại, quân ngụy và lính Mỹ thì sa đọa, cướp bóc dân…”.

Ông nói như khẳng định: “Đại đa số quần chúng nhân dân ta đâu có điều kiện nghiên cứu, học tập để hiểu lý luận này, lý luận kia, chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia… Dân tin Đảng, tin cách mạng chính là từ tin những cán bộ đang trực tiếp hằng ngày, hằng giờ “sống, chết” với dân ấy. Họ tốt thì dân bảo Đảng tốt, cách mạng tốt. Họ xấu thì dân bảo Đảng xấu, cách mạng xấu. Thế thôi…”.

Như để minh chứng cho phân tích của mình, ông kể lần liên hệ với dân để gửi các đồng chí cấp trên về tăng cường. Cứ băn khoăn lo đồng bào chưa hiểu cán bộ cấp trên, đồng bào bảo: “Tụi mi tốt thế thì thủ trưởng của tụi mi cũng tốt chứ, cũng gương mẫu chứ, nên các má tin, các má thương, các má nuôi, các má bảo vệ, không có chi phải lo”…

Ông lắc lắc đầu, nhíu đôi lông mày lại, nói: “Thi thoảng mình nghe báo chí các ông phản ánh, bây giờ có anh cán bộ này, anh cán bộ kia, ở địa phương này, địa phương kia ức hiếp, chèn ép dân, không bảo vệ dân, xa dân là tự nhiên mình cứ thấy rùng mình, giống như ngày ở chiến trường bị sốt rét ác tính ấy. Những ông cán bộ đó chả hiểu sức mạnh của dân là như thế nào…”.

“Cũng cá biệt thôi thủ trưởng ạ” – Tôi nói.

“Tất nhiên là cá biệt, chứ số đông thì sao còn Đảng, còn chính quyền nữa. Cá biệt thế cũng là “báo động” lắm rồi, nếu Đảng, Nhà nước, Chính phủ không kiên quyết ngăn chặn ngay thì sẽ mất lòng dân, mà mất lòng dân là mất tất cả. Sức mạnh của lòng dân đó là bài học rất sâu sắc được rút ra trong thực tiễn cách mạng nước ta. Chính vì thế mà chúng ta phải biết tổng kết thành lý luận để vận dụng vào công cuộc đổi mới hôm nay…”.

Có câu chuyện rất thú vị và chắc chắn đó sẽ là chuyến đi thực tế và những tư liệu quý giá nhất trong đời làm báo của họ: Hôm ấy đơn vị ông bắt được ba người nước ngoài lạ mặt vào đơn vị, kiểm tra giấy tờ mới biết họ là ba nhà báo Mỹ trong đoàn Nhà báo quốc tế sang Việt Nam năm 1973 tuyên truyền về thực hiện Hiệp định Pa-ri. Trên đường đi lấy tài liệu họ bị lạc vào đơn vị ông. Khi đó ông là Trung đoàn phó, đồng chí Bảy Sa, Chính ủy trung đoàn và đồng chí Dương Tử, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh. Trung đoàn quyết định đưa họ vào hầm trú ẩn và nói chuyện với họ suốt đêm hôm đó.

Câu chuyện mà họ hỏi đi hỏi lại là tại sao bộ đội ta sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như thế, lại có thể đánh được Mỹ. Đồng chí Chính ủy Trung đoàn nói: “Cứ ở đây với chúng tôi hết đêm nay thì các ông sẽ có câu trả lời đúng”.

Và đêm hôm ấy ba nhà báo người Mỹ đã thực sự bất ngờ khi thấy chốc chốc lại có một người dân mang “gói to, gói nhỏ” tiếp tế cho bộ đội. Đến nửa đêm thì đống hàng đã chất cao lên gần kín hầm. Đồng chí Chính ủy vừa mở những gói hàng của dân gửi vào vừa nói: “Gạo, thuốc, lựu đạn, mìn… dân chuyển cho chúng tôi để đánh giặc đấy”.

Ba nhà báo người Mỹ hết sức ngạc nhiên, vừa chụp ảnh, vừa ghi chép vừa nói: “Tôi tin là các ông sẽ chiến thắng” …

Người có công còn nghèo

“Thủ trưởng vừa vào thăm đồng bào trong ấy?” – Tôi gợi hỏi.

“Năm nào mình cũng về thăm đồng bào, mấy năm nay nghỉ rồi, có điều kiện vào được nhiều hơn”.

Bỗng dưng ông đứng dậy, chậm rãi đi vào phòng trong, rồi đi ra, nghèn nghẹn nói: “Nhưng mà đồng bào mình còn nghèo quá. Vừa rồi chúng mình vào thăm chị Ba Đèo. Khổ, nhà nghèo lắm, mà không có chế độ gì. Mấy năm vừa rồi mình đi vận động các doanh nghiệp cũng toàn bộ đội ta ra làm giám đốc, phó giám đốc giúp cả, xây được 323 nhà dành riêng giúp đồng bào mấy tỉnh trong ấy, trong đó dành để giúp đồng bào nghèo 105 nhà, còn lại là giúp cựu chiến binh”.

Ông lại đứng dậy, vừa đi vừa chậm rãi nói: “Nhưng không thấm tháp gì ông ạ, đồng bào còn khó khăn lắm, mà toàn là “cốt cán cách mạng” cả đấy. Mình nghĩ Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền địa phương phải có ngay một cuộc vận động lớn trong cả nước chung tay giúp đỡ những gia đình nghèo khó, mà trước hết giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng mà hiện nay còn nghèo, đói. Sau đó tiến tới phải nghiên cứu có chế độ chính sách gì đó cấp tiền phụ cấp hằng tháng cho họ. Nhất thiết không thể để những người có công với cách mạng lại nghèo khổ như thế”.

Hai mắt ông ngấn lệ và tôi cũng không cầm được lòng. Ông rút trên giá sách tặng tôi cuốn hồi ký “Đời chiến sĩ” của ông do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tháng 5-2009.

Tiễn tôi về ông bảo tôi năng lại với ông, ông còn nhiều chuyện để kể lắm.

Huy Thiêm
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam