Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động kháng chiến

Nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động kháng chiến

Tháng Mười Hai 16, 2011

Kỷ niệm 65 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2011)

QĐND – Thực hiện mục tiêu “bóp nghẹt” chính quyền cách mạng non trẻ, tái khôi phục toàn bộ thuộc địa Việt Nam và Đông Dương, sau khi đánh chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp lần lượt đổ bộ vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị ráo riết đánh chiếm thủ đô Hà Nội… Chúng ngạo mạn ra tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Sau nhiều lần thương lượng, nhân nhượng không thành, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đánh bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo thời cơ, điều kiện để ta chuẩn bị lực lượng và căn cứ địa kháng chiến lâu dài, thúc đẩy tiến trình phát triển của cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, nhân dân và lực lượng vũ trang các địa phương đã dũng cảm chiến đấu, tiến công, giáng cho địch những đòn bất ngờ, mà tiêu biểu là 60 ngày đêm chiến đấu can trường của quân và dân Hà Nội (19-12-1946/18-2-1947). Thành công này khẳng định sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang cách mạng; đánh dấu bước phát triển đầu tiên của nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động kháng chiến.

19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh internet.

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ta đã chủ động xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến, lựa chọn khu vực tác chiến chủ yếu trong nội thành Hà Nội, kiên quyết phát động kháng chiến đúng thời cơ nhằm giáng một đòn bất ngờ, đảo lộn thế trận, buộc địch phải lúng túng đối phó. Các đơn vị tổ chức thành hai bộ phận chủ yếu: Bộ phận tác chiến ngăn chặn, tiến công bất ngờ ngay từ đầu làm rối loạn thế trận của địch; kết hợp trụ bám, chốt giữ, kìm chân địch trong thành (Liên khu I-Trung đoàn Thủ đô) với lực lượng chốt chặt các cửa ô, tập kích, phục kích bên sườn, phía sau (Liên khu II, III-Trung đoàn Thăng Long) tạo thế bao vây liên hoàn nhiều tầng, nhiều lớp, làm cho địch trong ngoài đều bị đánh, không thể tập trung lực lượng. Phối hợp với Hà Nội, các địa phương: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hồng Gai, Vinh, Nam Định, Huế cũng nổ súng đánh địch. Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến phối hợp với miền Bắc, ở đâu quân Pháp cũng vấp phải sức chiến đấu dai dẳng, quyết liệt của quân, dân ta làm cho chúng lúng túng đối phó. Ngoài ra, ta còn huy động lực lượng lớn quần chúng nhân dân tham gia xây dựng công sự vật cản, chướng ngại vật trên các tuyến phố ngăn chặn xe tăng, xe cơ giới; vận chuyển lương thực, đạn dược… phục vụ chiến đấu. Các ngôi nhà trong phố cổ được đục thông nhau, liên hoàn dọc các phố làm cơ sở để bộ đội Liên khu 1 chủ động sử dụng lối đánh áp sát, “xuất quỷ nhập thần” rất hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho quân Pháp.

Bị giam chân, nên từ cuối tháng 12-1946, quân Pháp tập trung thông Đường số 5, đưa viện binh từ Hải Phòng lên. Từ ngày 15-1-1947, địch tiếp tục mở những cuộc tiến công mới trên đường vòng cung Vĩnh Tuy, Ngã tư Trung Hiền, Ngã tư Vọng, Ô Cầu Giấy… kiểm soát được vòng cung bao quanh thành phố. Trước tương quan lực lượng bất lợi cho ta, các lực lượng vũ trang của ta điều chỉnh thế trận, từ 6-2-1947, sau khi chiến đấu bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch vào Liên khu I, diệt hàng trăm tên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đêm 17-2-1947, bộ đội ta bí mật, bất ngờ rút lui qua vòng vây của địch, vượt sông Hồng sang Phúc Yên. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, bảo toàn được lực lượng.

Năm 1946 nằm trong tổng thể chiến lược của cuộc kháng chiến toàn quốc, toàn dân, toàn diện và trường kỳ của Đảng; trong đó, chiến công 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội mang ý nghĩa một đòn đánh chiến lược quan trọng, làm cho quân Pháp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong chiến dịch này, ta đã bất ngờ tiến công lúc địch ngông cuồng và sơ hở; sử dụng lực lượng tổng hợp đánh cả bên ngoài và bên trong vào nội thành, hãm địch vào thế nguy khốn, làm cho chúng lúng túng, không kịp trở tay.

Có thể khẳng định, chủ trương Toàn quốc kháng chiến 1946 của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt, là một trong những nét xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động kháng chiến, giành thắng lợi từng bước trong chiến tranh cách mạng nói riêng.

Trần Văn Toản

qdnd.vn