Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Vì sao Buôn Ma Thuột?

Vì sao Buôn Ma Thuột?

Tháng Tư 30, 2013

Buôn Ma Thuột, theo sử sách chính thức ghi nhận, được giải phóng vào đúng 11 giờ trưa ngày 11 tháng 3 năm 1975, song  vào ngay những ngày ấy đối với anh em bộ đội cấp lính thường ở đơn vị  thì sự kiện lịch sử đó và thời điểm cụ thể của nó không phải là đã hiển hiện ra một cách tức khắc, rõ ràng và chắc chắn trăm phần như vậy. Hồi ấy, phải non một tuần sau buổi trưa ngày 11 tức là vào đêm ngày 16, Trung đoàn Plâyme (E66) của Sư đoàn 10 mới dứt điểm xong Căn cứ 53 và sân bay Hoà Bình. Xong được hai cứ điểm khó đánh nhất này thì mới có thể coi là đã xong được Buôn Ma Thuột. Hoặc thậm chí có thể là phải tính thời điểm giải phóng muộn hơn thế nữa, là vào hai ngày 17 và 18 tháng 3, khi đạo quân địch đổ bộ xuống tái chiếm thị xã bị bộ đội Sư đoàn 10 đập tan và quét sạch tại khu vực Phước An – Nông Trại.  Chỉ đến khi đó, khi quân ta đã tận diệt và xoá sổ vĩnh viễn Sư đoàn 23 ngụy thì Buôn Ma Thuột mới thực là đã được giải phóng.

(ảnh minh họa. Nguồn: BBC)

Tuy nhiên, hồi ấy, ngay cả khi đã giải quyết hết bọn Sư đoàn 23 rồi, anh em chúng tôi cũng chẳng thể cầm chắc được điều gì. Ở cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, người chiến sĩ chỉ trực diện với nhiệm vụ mà mình và đơn vị mình được giao. Biết là đơn vị mình, đơn vị bạn đang thắng, đang tiếp tục trên đà tấn công thắng lợi, nhưng mức độ và qui mô của thắng lợi trên toàn cục chiến dịch như thế nào lính thường khó lòng hình dung. Vả lại ngay trước mắt mình, xung quanh mình chiến trận càng lúc càng ác liệt không hề thuyên giảm. Địch không những ngoan cố tử thủ mà còn không ngừng tiến hành phản kích. Nhiệm vụ của tiểu đội, trung đội, đại đội mình vẫn đầy cam go, căng thẳng, quyết liệt và diễn biến không lường trước được qua từng giờ từng phút, từng bờ tường góc phố. Tóm lại là cho tới khi đã giải quyết xong Phước An bắt đầu truy kích địch trên đường 21, anh em chúng tôi lính ở đại đội vẫn chưa thể tin chắc là Buôn Ma Thuột đã vĩnh viễn về tay quân ta.

Thế nhưng, tôi nhớ là vào khoảng ngày 19 tháng 3, khi chuẩn bị tấn công Chư Cúc, chúng tôi được liên lạc tiểu đoàn chuyển xuống cho một thông báo, rất vắn tắt, song đã tạo nên một sự gần như là đột biến trong nhận thức của chúng tôi. Ấy là: Toàn bộ Quân đoàn 2 ngụy đã rút khỏi cả Kon Tum lẫn Plei-cu và chúng đang bị sư đoàn bạn truy đuổi tiêu diệt trên đường tháo chạy xuống đồng bằng!

Mặc dù không bộc lộ ra một cách ầm ĩ, ồn ào nhưng mừng vui phấn khởi trong lòng chúng tôi trước cái tin ấy có thể nói là vô bờ. Là cán bộ đại đội hay là chiến sĩ, là lính cũ  hay lính mới vừa bổ sung từ Bắc vào cũng đều lập tức biết ra một điều rằng: Thế là Buôn Ma Thuột đã trọn vẹn được giải phóng, địch không còn một chút cơ may nào chiếm lại. Đấy là điều được nhận thức ra trước nhất. Nhưng sau nữa và hơn thế, chúng tôi khi ấy mới thực sự nhận thức một cách sâu sắc và thấm thía hiệu quả lớn lao vĩ đại của đòn giáng Buôn Ma Thuột. Một đòn giáng ghê hồn, một đòn chết tươi không thể đỡ táng thẳng vào tung thâm sống còn của Mỹ-ngụy. Chúng đã bể trận và sẽ thực sự bắt đầu quị xuống từ đây. Chẳng phải tham mưu thao lược tầm cỡ gì, chỉ là những anh lính thường ở tổ tam tam mà chúng tôi cũng nhận ra được điều đó ngay lập tức khi hay tin địch rùng rùng xô nhau tháo chạy khỏi Cánh Bắc cao nguyên.

*

*      *

Từ sau năm 1975 tới  giờ, qua 35 năm sinh sống đời thường, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tôi đã dần quen biết với không ít những người đồng niên từng tại ngũ trong quân đội Sài Gòn. Dẫu có thể là không quá mật thiết, không phải chí thân, song những khi tôi vào đấy hay là mấy anh ra đây vẫn thường tìm đến nhau. Cũng như tôi thôi, mấy ông bạn “đối phương” ngày xưa ấy chẳng ai giàu có đình đám nhưng bởi vì đều đã lớn tuổi, sóng gió trong đời đã lặng, nên tất cả đều đã một cuộc sống tàm tạm, yên bề và bình ổn. Ngó mấy anh già tụm ba tụm tư lai rai nhậu với nhau bên bờ hồ Tây thiên hạ khó mà hình dung nổi cái sự tụi tôi ngày xưa quân ta quân địch.

Tôi không giỏi nói nhưng bởi làm nghề viết văn nên giỏi nghe và thích nghe, có thể thoải mái làm cho những anh em vốn là lính và sĩ quan trong quân đội cựu thù vượt qua bao điều e ngại để cởi mở tâm tình cùng tôi những chuyện quá khứ. Ngoài những hồi ức về thời thơ ấu, tuổi học đường, về cha mẹ ông bà, nói chung về đời sống người bình dân miền Nam ở nhiều vùng quê khác nhau thời sau 1954, sau rốt rồi mấy anh bạn của tôi cũng sẽ cùng với tôi về lại với những năm binh lửa. Ký ức chiến tranh chồng chất và dù muốn hay không vẫn mãi mãi in hằn sâu đậm trong tâm trí mỗi người. Chỉ cần cởi mở được với nhau là mỗi người mỗi kho tàng kỷ niệm để có thể dẫn chứng và lý sự.

Rất nhiều điều để kể, để nghe, bàn luận, tranh luận sòng phẳng  với nhau, nhưng tất cả đều tựu lại ở câu hỏi cuối cùng: Do đâu mà có 30-4-1975? Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gián tiếp thì nhiều, và cố nhiên là tôi với mấy anh ấy không đồng thuận được với nhau ở rất nhiều điểm. Song, nguyên nhân cụ thể và trực tiếp thì các anh không thể không nhất trí với tôi: Ấy là bởi trận Buôn Ma Thuột. Nói theo cách của họ: Đại bại Buôn Ma Thuột và đại di tản khỏi Cao nguyên Trung phần coi như là quân đội và chế độ Việt Nam cộng hoà đã chết chắc rồi, còn nốt cái tháng 4 sau đó chỉ là thời gian ngắc ngoải.

Nhưng, vì sao mấy anh bại trận Buôn Ma Thuột? Vì sao mấy anh chạy khỏi Kon Tum và Plei-cu? Tới đây thì tôi và mấy anh lại suy nghĩ khác nhau. Hầu hết họ đều cho rằng: Thứ nhất, ở trận Buôn Ma Thuột quân Giải Phóng quá mạnh, cả về quân số lẫn hoả lực áp đảo hoàn toàn quân Sài Gòn đồn trú thị xã; thứ nhì, do Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên trên chóp bu với cả đám tướng lãnh chỉ huy Vùng 2 quá đỗi bất tài và hèn nhát. Mấy anh ấy nói vậy không sai, có điều là quá nhấn mạnh vào hai nguyên nhân ấy và cho rằng chỉ bởi hai nguyên nhân ấy, thì lại không đúng. Tôi nghĩ vậy.

Đúng là lực lượng quân ta trong trận Buôn Ma Thuột rất hùng hậu. Song, quân ngụy chốt trong thị xã và toàn bộ tiểu khu mặc dù đã bị quân ta nghi binh khiến cho phân tán dàn mỏng ra, vẫn không hề yếu. Quân số ít hơn ta nhưng ta phải đánh công kiên còn  họ thì chốt tại các hậu cứ quen thuộc và trong công sự vững chắc, hoả lực dày đặc. Phi pháo yểm trợ, nhất là của không quân, cực mạnh và quyết liệt. Quân ứng cứu đường bộ và đổ bộ đường không thì hoàn toàn thuận lợi về khoảng cách và địa hình.

Ngày nay thường thấy người ta nói rằng viết rằng, do Mỹ cắt giảm viện trợ khiến quân Sài Gòn cạn đạn cạn bom, không còn hoả lực để cự lại Quân giải phóng nên thua là phải, nhưng nhớ lại những ngày Buôn Ma Thuột tôi thấy những nhận định ấy chẳng đúng. Quân ngụy thua là tất nhiên, song không phải vì đã hết hơi.

Và dĩ nhiên thiên hạ, nhất là các ông nhà báo với sử gia Mỹ, cũng thường qui nguyên nhân bại trận năm 1975 cho sự bất tài của Thiệu. Thua là bởi Thiệu nhất quyết tin chắc Quân giải phóng sẽ đánh Kon Tum. Thua là bởi Thiệu rồ dại ra lệnh bỏ Cao nguyên.

Bất tài? Có thể, song quyết định của Thiệu không thể là độc tôn duy nhất. Trên y còn ông chủ Mỹ: Nhà Trắng, Lầu Năm góc, CIA, toà Đại sứ… Vả chăng, nói Thiệu bất tài là ngày nay nhìn lại thấy thế, chứ nhìn vào ngay thực cảnh chiến trường lúc bấy giờ thì  những nhận định và quyết định của Thiệu là đúng bài bản. Y không dốt nát, có điều tài trí của y chỉ đến thế mà thôi.

Mùa khô 1975 bộ đội B3 sẽ tập trung đánh thị xã Kon Tum, đấy là một nhận định hoàn toàn hợp lý đối với một ông tướng kiểu Tây kiểu Mỹ.  Không chỉ Thiệu, ngay những anh bạn tôi, là lính và sĩ quan Sài Gòn cấp thấp, cũng thừa nhận là hồi đó đều thấy rằng chiến cuộc 75 sẽ mở màn ở Kon Tum là điều đương nhiên.

Còn bảo rằng việc Thiệu ra lệnh tháo chạy khỏi Tây Nguyên là điên rồ mất trí cũng là “oan” cho y. Chịu một đòn thình lình và khủng khiếp như đòn Buôn Ma Thuột, gan mật vỡ tung ra rồi, thử hỏi Mỹ – Thiệu còn có thể hành động thế nào khác? Co cụm phòng thủ Plei-cu, Kon Tum thì quân đâu giữ đồng bằng nam Trung Bộ. Không còn Tuy Hoà – Nha Trang lẽ đương nhiên là đi đời cả Vùng Một chiến thuật. Chưa nói rằng, từ Buôn Ma Thuột xe tăng và bộ binh Quân giải phóng sẽ dễ dàng từ cao nguyên Di Linh theo lộ 20 trực chỉ Sài Gòn – Gia Định. Cho nên trong đại cảnh rối loạn, bê bối đáng sợ như vậy, Thiệu ra lệnh cho Quân đoàn 2 co về đồng bằng là đúng bài bản nhà binh nước Mỹ, tất nhiên chỉ đúng với điều kiện là rút lui được êm xuôi. Nhưng êm xuôi sao được. Vận nước, lòng dân, sức mạnh và ý chí  Quân Giải phóng không cho phép như vậy.

*

*     *

Bất tài hay là ngược lại có tài giời, Mỹ-Thiệu cũng phải thua. Điều ấy ai cũng biết và nếu được trực tiếp chứng kiến tất nhiên càng thấm thía hơn.

Trong trận Buôn Ma Thuột, sức mạnh, bản lĩnh và ý chí của Quân giải phóng được thể hiện cụ thể và trước nhất có lẽ ở việc giữ được bí mật chiến trường trước giờ nổ súng. Hơn 3 sư đoàn bộ binh với nhiều trung đoàn tăng pháo và vận tải phối thuộc, nghĩa là hàng chục ngàn bộ đội với vũ khí đủ loại, xe cộ, kho tàng, lán trại, hành quân từ Cánh Bắc xuống Cánh Nam B3 áp sát Buôn Ma Thuột và Đức Lập, thậm chí ăn Tết rồi mới vào trận, mà địch không hề hay biết. Một bí mật cả chục ngàn người biết mà vẫn bí mật tuyệt đối, quả thực là một sự thần kỳ chỉ có ở bộ đội ta.

Khi địch vỡ trận ở Buôn Ma Thuột, bắt đầu rút chạy khỏi Tây Nguyên theo lộ 7 và lộ 21, nếu chúng co cụm lại được ở Tuy Hoà và đèo Phượng Hoàng, ngày Toàn thắng có lẽ không phải 30-4 mà phải lùi xa hơn. Nhưng địch không thể co cụm nổi, bởi chúng bị quân ta, với ý chí tột đỉnh vượt lên trên hẳn sức lực bình sinh của mỗi người, truy đuổi và chặn đánh trên từng thước đường. Ngày nay, nhìn trong các thước phim và tranh ảnh, cảnh quân đội Sài Gòn, hàng tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn trang bị vũ khí tận răng phải quăng súng, cởi áo, tháo giày cuống cuồng bỏ chạy trên các trục lộ, người ta hỏi là vì đâu?

Vì rằng, truy đuổi chúng là những chiến sĩ xe tăng và bộ binh Giải phóng sức lực đã cùng kiệt, không ngủ đã cả vài tuần rồi, mắt sưng đỏ, cổ khô cháy khát, bàn chân phồng rộp, dừng chân nghỉ một lát thôi là ngã dụi, nhưng kiên quyết không buông cho quân địch được một giây phút lại sức và lại hồn. Như trong cuộc truy rượt trên đường 21 xuống Ninh Hoà, chỉ huy các đại đội luôn luôn một lời động viên: Cố lên anh em, cố lên một chốc nữa thôi, một chốc nữa! Những chốc lát nữa ấy liên miên kéo dài, gộp lại thành tháng Ba chiến thắng.

Ngày 31-3-1975, sau khi đập tan Lữ dù 3, bộ đội Sư 10 tiến lên đỉnh đèo Phượng Hoàng. Chiến dịch Tây Nguyên đã kết thúc thắng lợi. Cả ngàn quân muốn ngủ rục xuống ngay. Nhưng trước mắt kia là đồng lúa và nữa là biển xanh mênh mông bát ngát. Đến bây giờ trong tâm trí tôi vẫn còn văng vẳng hiệu triệu của chỉ huy mặt trận: Anh em cố lên, đánh một lần này cho xong, trả thù cho anh em và đồng bào mình đã ngã xuống từ năm 1946 đến nay!

BẢO NINH
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam