Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 4)

Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 4)

Tháng Mười Một 21, 2013

Kỳ 4: 81 ngày đêm quyết tử

QĐND – Qua thực tế chiến đấu kể từ khi quân ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, bộ đội ta bị thương vong tương đối lớn. Tuy có diệt được một số sinh lực địch, làm chậm bước tiến của quân ngụy, nhưng bộ đội ta không giữ được những khu vực trọng điểm, quân ngụy chiếm được những điểm cao khống chế, bàn đạp quan trọng. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15-7-1972, vừa chỉ đạo cách đánh phản công, đồng thời Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo phương hướng chuyển chiến dịch vào phòng ngự. Trong bức điện số 118-ĐK ngày 10-7 và điện số 144-ĐK ngày 18-7, đồng chí Văn (1) , Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ rõ: “Trong khi thực hiện kế hoạch trước mắt, cần có ngay một kế hoạch tương đối cơ bản… Có kế hoạch tiến công địch, đồng thời có kế hoạch phòng thủ hậu phương trực tiếp của chiến dịch, củng cố vững chắc thế trận của ta ở hướng tây (giữ vững Ái Tử, Đông Hà, Cửa Việt) củng cố trận địa hỏa lực, củng cố các tuyến vận chuyển; bố trí các kho tàng hậu phương; vừa chiến đấu vừa xây dựng các trận địa vững chắc ở phía tây như Động Ông Do, động Chiêu Giòng… để có chỗ đứng chân vững chắc, tiếp tục tiến công địch. Kế hoạch này cần có dự kiến cho đến tháng 9 và tiếp tục trong cả mùa mưa…”. Riêng đối với khu vực thị xã Quảng Trị, Đại tướng Tổng tư lệnh còn chỉ thị: “Cần tăng cường hỏa lực, xung lực, tổ chức tốt các khu vực phòng thủ của các đơn vị cơ sở trong thị xã, bảo đảm phòng thủ liên hoàn, có chiều sâu, tổ chức ngay một trận địa hỏa lực thật mạnh ở bờ bên này sông Thạch Hãn, đối diện với thị xã, gồm pháo cơ giới, pháo 85 ly, một số xe tăng, pháo phòng không, quan trọng là pháo cối mang vác; chuẩn bị trận địa phòng không thật mạnh đề phòng tình huống địch tập kích hóa học rồi đổ bộ bằng trực thăng vào nội thành. Nghiên cứu bí mật đưa một số xe tăng vào Thành cổ, cấu trúc công sự chu đáo, biến thành hỏa điểm đánh xe tăng địch, đồng thời phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch”.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và thực tế chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các hướng, tổ chức các khu vực phòng ngự, trước hết là làm trận địa vững chắc để bảo toàn lực lượng có chỗ đứng chân để tiêu diệt địch.

Tại thị xã Quảng Trị, khu vực trọng điểm của chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập ban chỉ huy khu vực thị xã Quảng Trị gồm: Trung đoàn 95, đây là một trong những trung đoàn có nhiều chiến sĩ là sinh viên, giáo viên trẻ, nhập ngũ cuối năm 1971 đầu năm 1972 của gần 30 trường đại học, cao đẳng ở miền Bắc lần đầu tiên tham gia chiến đấu, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn bộ binh 18, Sư đoàn 325 và Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 3 địa phương, tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320b tổ chức thành một khu vực phòng ngự. Trung tá Trung đoàn trưởng bộ binh 48 Lê Quang Thúy được cử giữ chức chỉ huy trưởng, Trung tá Chính ủy Trung đoàn 95 Nguyễn Văn Thiệu được cử giữ chức Chính ủy. Đầu tháng 8, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định Bộ tư lệnh Sư đoàn bộ binh 325, Tư lệnh là Thượng tá Lê Kích, Chính ủy là Thượng tá Nguyễn Công Trang trực tiếp chỉ huy việc phòng thủ thị xã.

Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320b Vũ Trung Thướng một mình diệt hơn 100 tiên địch trong 25 ngày đêm chỉ huy đại đội phòng ngự trong thành cổ Quảng Trị, tháng 7-1972. Ảnh tư liệu.

Ngày 1-7-1972, Trung đoàn 48 triển khai xong nhiệm vụ phòng ngự ở vòng ngoài thị xã, Tiểu đoàn bộ binh 1 ở các làng An Thái, Tri Bưu, Quy Thiện, Tiểu đoàn bộ binh 3 án ngữ ở La Vang, đây là căn cứ huấn luyện Gia Long, sở chỉ huy Trung đoàn bộ binh 57 Sư đoàn bộ binh 3 ngụy và sân bay quân sự giã chiến đường băng là những tấm ghi sắt lắp ghép, cách thị xã hơn 1km về phía tây nam. Sở chỉ huy cơ bản ở Bích Khê, sở chỉ huy phía trước trong Thành cổ Quảng Trị.

Khoảng 6 giờ ngày 3-7, tiểu đoàn 11 thuộc Lữ đoàn dù số 3 ngụy có xe tăng yểm trợ tiến công ngã ba Long Hưng, do Trung đội 3 của Đại đội 11 Tiểu đoàn bộ binh 3 chốt giữ. Mặc dù không được pháo chi viện, bộ đội dựa vào công sự, chiến đấu ngoan cường đẩy lùi các đợt tiến công hung hăng của lính dù, góp phần cùng các trận địa khác của Trung đoàn bộ binh 48 phá vỡ kế hoạch của lính dù ngụy trong ngày 3-7 phải chiếm được thị xã Quảng Trị.

Để mặc cả trên bàn đàm phán hội nghị Pa-ri, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng phải cắm bằng được cờ vào Thành cổ trước ngày hội nghị. Do đó các trận đánh vòng ngoài quanh thị xã càng diễn ra quyết liệt, đẫm máu.

4 giờ sáng 10-7, khu vực thị xã Quảng Trị sáng bừng lên bởi đạn pháo của ngụy quân thi nhau trút xuống các trận địa phòng ngự của bộ đội ta. Từ đài quan sát pháo binh và các chốt tiền tiêu liên tục báo về sở chỉ huy trong Thành cổ, rất đông lực lượng quân dù và biệt động quân cùng với xe tăng, thiết giáp ở An Thái, Đại Nại và đường số 1. Lập tức pháo binh chiến dịch được lệnh bắn cấp tập vào khu vực này. Lữ đoàn dù số 2 bị thương vong nặng và cuộc tiến công của quân ngụy đã không thành. Quân ngụy xốc lại lực lượng tổ chức tiến công suốt cả ngày 10-7 nhưng vô vọng vì vấp phải hệ thống phòng ngự vững chắc có chiều sâu của Trung đoàn bộ binh 48 và các đơn vị bám quanh thị xã Quảng Trị. Quân dù đã phải để lại 500 xác chết và 12 xe tăng.

Bị tổn thất nặng nề, ngụy quân phải tạm dừng tiến công, siết lại đội ngũ, bổ sung quân thay vào đó là những đợt B52 “rải thảm” và pháo hạm nã vào trận địa phòng thủ của ta.

Chiều 11-7, quân ngụy dùng trực thăng đổ một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ xuống bãi tha ma An Tiêm – Nại Cửu nhằm thu hút lực lượng và sự chý ý của ta ra vòng ngoài. Trung đoàn bộ binh 27 phối hợp cùng bộ đội địa phương đập tan cuộc đổ bộ, bắn rơi 9 trực thăng. Cùng ngày, tiểu đoàn 9 Lữ dù số 2 ngụy mở đợt tiến công vào ngã ba Long Hưng. Các chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 có 30 tay súng do chính trị viên đại đội Vũ Trung Thướng(2) chỉ huy chờ cho địch vào hết khu nhà một tầng, rồi dùng B40, B41 diệt gọn cả một trung đội địch. Cay cú, quân ngụy gọi pháo đánh vào chốt rồi tổ chức 3 đợt xung phong, nhưng đều bị các chiến sĩ chặn đánh quyết liệt. Quân ngụy buộc phải trở lại vị trí xuất phát tiến công. Ở hướng biển, Sư đoàn lính thủy đánh bộ vượt qua trục đường 68 và dải đất hẹp với những đụn cát trắng cố gắng tạo thế hợp vây cùng với sư đoàn dù đánh vào thị xã Quảng Trị từ hướng đông nam.

Ngày 14-7, Sư đoàn 312 do Thượng tá Thái Hòa làm Sư đoàn trưởng được lệnh của Bộ tổng tư lệnh vào tham gia chiến dịch và Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 được tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 308. Sau đó 2 trung đoàn của Sư đoàn 312 là 141 và 209 tiếp tục vào chiến đấu phá vỡ thế uy hiếp thị xã Quảng Trị.

Để chi viện kịp thời cho thị xã Quảng Trị, đập tan cố gắng mới của địch trong cuộc tiến công thứ 2, đêm 14-7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn bộ binh 325 vượt sông Thạch Hãn vào chiến đấu ở hướng đông nam thị xã tiếp sức cho Trung đoàn 48.

Tiếp đó, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 cũng được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào thị xã chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 48. Ta và địch đều được tăng cường lực lượng nên các trận chiến đấu giành đi, giật lại quyết liệt diễn ra giữa quân ta và các đơn vị lính dù, thủy quân lục chiến ở Tri Bưu, Thạch Hãn, khu Mỹ Đông, Trầm Lý, Đại Nại. Lính dù, lính biệt kích ngụy không từ một thủ đoạn nào miễn là đưa được lá cờ vàng 3 sọc đỏ lên được Thành cổ Quảng Trị. Đêm 12-7, một toán biệt kích dù 8 tên thuộc Lữ đoàn dù số 2 tổ chức cuộc đột nhập vào Thành cổ. Khi tên lính biệt kích dù Hồ Khang vừa leo lên bờ Thành cổ và giương lá cờ 3 sọc lên liền bị lực lượng bảo vệ Thành cổ tiêu diệt, 7 tên khác cùng chung số phận.

Quân ngụy tập trung về thị xã Quảng Trị ngày càng đông, ngày cao nhất lên đến 4 Lữ đoàn. Chúng thay nhau mở các đợt tiến công dồn dập vào thị xã Quảng Trị, với mật độ hỏa lực dày đặc, có tính hủy diệt.

Trong khi đó, ta không thể tập trung ở thị xã một lực lượng lớn do địa bàn chật hẹp. Cuộc chiến đấu ở đây được đẩy lên tới đỉnh cao về tinh thần chiến đấu ngoan cường, một ý chí thép của bộ đội và sự sáng tạo cách đánh bản lĩnh của người chỉ huy các cấp. Vì vậy, Bộ tư lệnh chiến dịch luôn chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy trong Thành cổ, đưa vào thị xã các đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu kịp thời như các Trung đoàn bộ binh 48, 64, 95 rất thiện chiến. Tuy nhiên, do chiến đấu căng thẳng, liên tục ngăn chặn và phản kích quân địch, quân số các đơn vị giảm nhanh, để duy trì quân số chiến đấu một tiểu đoàn bộ binh với 100 tay súng, đại đội bộ binh với 30 tay súng là điều cực kỳ khó khăn, mặc dù được bổ sung quân thường xuyên.

Để chia lửa với các đơn vị bảo vệ Thành cổ, phá thế vây ép của địch, Tư lệnh cánh đông, Thượng tá Nguyễn Sùng Lãm ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền tổ chức lực lượng luồn sâu đánh mạnh vào sau lưng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với cánh đông nhất là ở khu vực đồng bằng Triệu Hải sát thị xã Quảng Trị.

Ngày 27-7-1972, sau khi thay sư đoàn dù và trở thành lực lượng chủ yếu đánh chiếm thị xã Quảng Trị, Sư đoàn lính thủy đánh bộ bắt đầu cuộc tiến công thị xã Quảng Trị với ưu thế hỏa lực pháo hạm và B52, ngày 1-8-1972 địch bắn phá mãnh liệt mang tính hủy diệt làm 4 bức tường xung quanh Thành cổ sụp đổ hoàn toàn, thành những đống gạch ngổn ngang, nát vụn, hố bom, hố pháo chồng lên nhau. Các chiến sĩ chúng ta ngồi trong hầm sâu dù không trúng mảnh bom, mảnh đạn thì máu ở tai, mũi, miệng cũng trào ra bởi sức ép của gần 40 nghìn viên đạn pháo và hàng chục quả bom nổ đinh tai, váng óc suốt ngày đêm. Trong mưa bom, bão đạn của quân thù, Trung đoàn 48, Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh và các đơn vị bạn vẫn vững niềm tin, kiên cường bám trụ chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt nhiều đại đội lính thủy đánh bộ ngụy.

Lợi dụng lúc ta đang gặp khó khăn do mưa lũ gây nên, đầu tháng 9-1972, quân ngụy tiếp tục tăng quân để cùng Sư đoàn lính thủy đánh bộ tiến công vào các trận địa phòng ngự của ta. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt, giành đi, giật lại từng đoạn hào, mô đất, bộ binh và xe tăng địch đã liên kết được với nhau trên các hướng nam, đông nam và đông, đông bắc thị xã Quảng Trị. Do lực lượng của ta mỏng, hỏa lực chi viện yếu, khi chiếm được mục tiêu, địch phản kích nên ta không còn đủ lực lượng để chốt giữ. Dựa vào hỏa lực máy bay và pháo binh vượt trội, những ngày sau đó địch liên tục tiến công chiếm lại các trận địa, có nơi bộ binh, xe tăng ngụy đã vào áp sát chân Thành cổ.

Trong số các đơn vị tham gia chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị thì Tiểu đoàn 3 tỉnh đội Quảng Trị do Đại úy Đỗ Văn Mến(3) tiểu đoàn trưởng là một trong những đơn vị vào Thành cổ đầu tiên và bám trụ suốt 81 ngày đêm, tiểu đoàn chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Đặc biệt, ngày 14-9-1972, Lữ đoàn 2, Sư lính thủy đánh bộ tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng đều bị ta đánh bật ra. Địch bám trụ và đào hầm, hào bao vây thành. Lúc này lực lượng của Tiểu đoàn 3 còn hơn 20 tay súng. Đỗ Văn Mến lệnh cho các đơn vị tập trung các loại vũ khí lại, mỗi người sử dụng từ 3 đến 4 loại vũ khí và cơ động trong đoạn chiến hào dài khoảng 30m. Lợi dụng trời tối, từ 3 hướng địch liều lĩnh mở đợt tiến công dữ dội vào thành. Theo kế hoạch, hiệp đồng, Tiểu đoàn 8 tỉnh đội từ ngoài đánh vào, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 đánh thọc sườn địch, lực lượng Tiểu đoàn 3 từ trong đánh ra làm quân địch rối loạn thương vong lớn, không thực hiện được kế hoạch chiếm thành.

Ngày 16-9-1972, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 18 vượt sông sang thị xã. Lúc này nước sông Thạch Hãn đang lên to, không quân, pháo binh ngụy ra sức bắn phá khống chế các bến vượt, phương tiện vượt sông bị hỏng hết, Trung đoàn 18 phải rất chật vật mới đưa bộ phận đi đầu qua sông khi tình hình trong Thành cổ đã hết sức nghiêm trọng bởi lực lượng bảo vệ thị xã và Thành cổ bị thương vong lớn. Riêng Tiểu đoàn 3 còn 10 tay súng kể cả tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến. Các đơn vị buộc phải rút lui hồi 18 giờ ngày 16-9-1972, kết thúc 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

81 ngày đêm trụ vững ở thị xã Quảng Trị, đương đầu với cuộc đánh phá quy mô lớn, ác liệt chưa từng có từ trước đến nay của không quân, hải quân Mỹ, với tất cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất, những đơn vị thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn, các đơn vị tham gia chiến dịch tiêu biểu là lực lượng bảo vệ thị xã Quảng Trị đã viết nên thiên anh hùng ca bất diệt về sức mạnh của quân dân ta trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ xâm lược.

(còn nữa)

(1) Bí danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(2) Năm 1973 Vũ Trung Thướng được tuyên dương anh hùng LLVT nhân dân.

(3) Đỗ Văn Mến được tuyên dương anh hùng LLVT nhân dân.

————————————

Kỳ 1: Chiến dịch tổng lực
Kỳ 2: Giải phóng Quảng Trị
Kỳ 3: Nốt trầm bên sông Mỹ Chánh

Kỳ 5: Trận then chốt quyết định

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)