Lưu trữ

Archive for the ‘Quân đội Việt Nam’ Category

Con tàu của những đam mê

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Chúng tôi gặp cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 522, Hải đội 413, Vùng D Hải quân khi tàu vừa đi biển về. Tại câu lạc bộ thủy thủ, tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Máy trưởng, Thiếu tá QNCN Trần Văn Chi – người đã gắn bó với con tàu mười năm nay tâm sự: “Anh em trên tàu rất đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, trong công việc thì nghiêm túc và làm hết mình. Lúc rảnh thì chia sẻ buồn vui như người một nhà. Chúng tôi xác định khi tàu đi biển thì không một vị trí nào lơ là, tất cả cùng thi đua phấn đấu để góp phần vào thắng lợi của nhiệm vụ chung”.

Một buổi huấn luyện của tàu HQ 522.

Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển quân cùng phương tiện chiến đấu, HQ 522 còn trực chốt đảo, huấn luyện, SSCĐ, tìm kiếm cứu nạn… Dù nhiệm vụ gì, gian khổ đến đâu, HQ 522 luôn là tập thể đoàn kết, quyết tâm cao. Liên tục từ năm 2001 đến 2004 tàu đều dạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Tại Hội thi tàu tốt, hội thao huấn luyện tàu Vùng D năm 2010, tàu đạt giải nhất toàn đoàn. Tàu HQ 522 đã cứu hộ, cứu nạn nhiều tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển. “Điển hình như ngày 29-5-2010, phát hiện tàu QNa 90929 mắc cạn ở phía đông bắc đảo Nam Yết, tàu nhanh chóng cơ động 2 xuồng cao tốc ra cứu nạn và kéo được tàu nạn ra khỏi vị trí cạn, bảo đảm an toàn cho phương tiện và 31 thuyền viên. Đến giờ, chủ tàu bị nạn vẫn thỉnh thoảng gọi điện để hỏi thăm anh em tàu HQ 522”. Đại úy Nguyễn Khắc Ngọc, Thuyền trưởng nhớ lại.

Nhìn các máng rau xanh tốt trên boong sau của tàu, chúng tôi cảm nhận được những nỗ lực và sự sáng tạo của các thủy thủ. Theo Trung uý Trần Văn Vương, Thuyền phó quân sự thì tàu đi công tác liên tục trên biển hơn ba tháng vẫn đủ rau xanh do chính tàu tăng gia, đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội 600.000 đến 800.000 đồng/người/năm. Để tránh nắng gió, các thuyền viên luôn sáng tạo ra nhiều cách để che chắn, chăm sóc hiệu quả, vì vậy, rau lúc nào cũng xanh tốt với đầy đủ các chủng loại. Cũng theo đồng chí Vương, để có được những thành tích trên các mặt hoạt động, hằng tháng tàu xây dựng kế hoạch phấn đấu cụ thể, mỗi đồng chí sẽ đăng ký chỉ tiêu thi đua, tàu kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời.

Đại úy Nguyễn Anh Tùng, Chính trị viên Hải đội 413 cho biết: “Tàu HQ522 là một điển hình tiên tiến trong hải đội và toàn vùng. Nội bộ cấp ủy, Ban chỉ huy tàu luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ, khơi dậy những tiềm năng, sáng tạo của các cán bộ, chiến sĩ. Các cán bộ tàu có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, biết lắng nghe thấu đáo mọi tâm tư nguyện vọng, ý tưởng sáng tạo của anh em, từ đó, tạo động lực, khơi dậy những đam mê chính đáng để hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu thi đua hằng năm”.

Chúng tôi cùng tham gia chương trình văn nghệ với anh em trên tàu. Lời ca tiếng hát dạt dào cùng sóng biển đang vỗ “ì oạp” vào mạn tàu như nâng cánh cho những đam mê của tàu HQ 522 ngày một vang xa, tỏa lan.

Bài và ảnh: CÔNG LUẬT
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Lính xe tăng đón Tết, vui xuân

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Hơi thở nồng nàn của mùa xuân đã tràn khắp núi rừng Việt Bắc, muôn hoa đua nhau khoe sắc, cây cối đâm chồi, nảy lộc phủ màu xanh non mơn mởn, làm cho núi rừng, làng bản thêm lung linh, huyền ảo. Vào những ngày này, trên con đường về Đơn vị xe tăng B09 nơi núi rừng Yên Thế (Bắc Giang), hoa đào thắm đỏ, bừng sức sống mới, bỗng thấy dâng lên cảm giác rạo rực, lâng lâng đến lạ kỳ…

Ngày xuân trên tháp pháo xe tăng

Những ngày này, nơi nơi khắp doanh trại của Đơn vị B09 tưng bừng, sống động bởi khí thế thi đua “Mừng Đảng, mừng xuân”. Dọc đường đi, bên những cây đào đang khoe sắc hồng rực rỡ, là biết bao khẩu hiệu hành động “Thi đua học và làm theo lời Bác”, “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”… là minh chứng sống động, rõ nét về sự thi đua sôi động trên các mặt công tác trong những ngày đầu xuân này. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hữu Thắm, Chính ủy Đơn vị cho biết: “Trong năm 2010, Đảng ủy, chỉ huy luôn đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trên các mặt công tác, lồng ghép có hiệu quả với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minhtrên diện rộng và đi vào chiều sâu. Chú trọng đột phá vào công tác huấn luyện… do vậy đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng cờ thi đua”.

Khi tâm sự với tôi về công tác chuẩn bị đón Tết, vui xuân cho bộ đội, Thượng tá Nguyễn Vũ Thuận, chỉ huy đơn vị trưởng cho biết: “Năm nay, Trung đoàn tổ chức cho bộ đội đón cái Tết thật vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và trực sẵn sãng chiến đấu (SSCĐ) cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi cần thiết. Mỗi cán bộ, chiến sĩ có gói quà trị giá 400.000 đồng. Bên cạnh đó, đơn vị còn hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, neo đơn và đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao…”.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, ai cũng tâm sự rằng, tuy không cùng gia đình đón xuân mới, nhưng đơn vị tổ chức thi gói bánh chưng, thi bày mâm ngũ quả, vui văn hóa và văn nghệ…vì thế, tình cảm đồng chí, đồng đội làm cho hương vị ngày Tết ấm áp mà rất vui.

Thật vui biết bao, khi trên vòm trời ríu rít tiếng hót chào xuân mới của bầy chim rừng, cũng là lúc tôi nghe tiếng hát trầm hùng, da diết: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay….”. Tiếng hát ấy, hòa trong hơi thở nồng nàn của mùa xuân, mê mải, bay bổng cùng chúng tôi trên đường về.

Bài, ảnh: Bùi Như Lan
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Tạo sức bật mới trên địa bàn chiến lược nam Tây Nguyên

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Sắc xuân tràn ngập trên địa bàn các tỉnh nam Tây Nguyên. Sau khi đi thị sát toàn bộ địa bàn đứng chân trở về, Đại tá Võ Quyết Chiến, Chính ủy Binh đoàn 16 không giấu nổi niềm vui và đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện khá thú vị.

– Có điều gì mà Chính ủy phấn khởi thế?

– Đại tá Võ Quyết Chiến: Nhờ đời sống khấm khá nên đồng bào các dân tộc chuẩn bị đón Tết Tân Mão rất chu đáo. Trong niềm vui chung ấy có phần đóng góp rất quan trọng của cán bộ, công nhân viên (CNV), chiến sĩ Binh đoàn 16.

– Đồng chí suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của Binh đoàn 16 trong thực hiện dự án kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn chiến lược này?

– Đại tá Võ Quyết Chiến: Mặc dù đã qua hơn 20 năm giải phóng nhưng vào thời điểm những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tại địa bàn các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Bình Phước… hậu quả của chiến tranh vẫn rất nặng nề. Tiềm năng, thế mạnh của cả một vùng đồi núi rộng lớn ở nam Tây Nguyên chưa được “đánh thức”, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống của đồng bào, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số còn rất thiếu thốn… Những khó khăn về kinh tế-xã hội đã tác động, ảnh hưởng làm cho tình hình quốc phòng-an ninh trên địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá. Đó chính là lý do cơ bản để Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập dự án khu KT-QP trên địa bàn chiến lược này. Và cán bộ, CNV, chiến sĩ Binh đoàn 16 là những người “lĩnh ấn” tiên phong. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là một thử thách lớn, đòi hỏi ở cán bộ, CNV, chiến sĩ Binh đoàn tinh thần vượt khó, ý thức trách nhiệm rất cao.

– Gặp nhiều người dân trong vùng dự án, tôi nghe họ đánh giá rất cao sự có mặt của binh đoàn. Đồng chí suy nghĩ thế nào về sự đánh giá đó?

– Đại tá Võ Quyết Chiến: Chứng kiến những thành quả ngày hôm nay, khó ai có thể hình dung hết những gian nan, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 ngày đầu đi “mở đất”. Trên cơ sở dự án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất phát từ mục tiêu của dự án, tình hình thực tế địa bàn và kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, chủ trương xuyên suốt của Đảng ủy-Bộ tư lệnh Binh đoàn là: Lấy phát triển kinh tế-xã hội làm trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng-an ninh. Phải làm sao để mỗi bước phát triển kinh tế là một bước phát triển về xã hội và cũng là một bước tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh… Theo tinh thần ấy, binh đoàn đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương bắt tay ngay vào việc điều tra, khảo sát.

Ba lô trên lưng, súng trên vai, rau rừng, nước suối… dựng lều lán nghỉ tạm giữa rừng sâu, những người lính Binh đoàn 16 đã tái hiện những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhiệm vụ chủ yếu của binh đoàn lúc này là diệt “giặc đói, giặc dốt”, củng cố phên giậu bảo vệ biên giới quốc gia. Vì thế, việc điều tra, khảo sát kỹ tình hình địa bàn để lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu KT-QP trong vùng dự án phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng đầu tư mang ý nghĩa rất quan trọng. Chúng tôi coi đó như việc đặt nền móng, xây bệ phóng cho sự trưởng thành của binh đoàn. Có thể nói sự xuất hiện của cán bộ, CNV, chiến sĩ Binh đoàn 16 đã thổi luồng sinh khí mới vào địa bàn chiến lược nam Tây Nguyên.

– Những gì mà Binh đoàn 16 làm được giúp đồng bào trong hơn 10 năm qua là rất ấn tượng, đồng chí có thể cho biết kết quả cụ thể hơn?

– Đại tá Võ Quyết Chiến: Được giao quản lý, bảo vệ phát triển sản xuất 45.000ha đất rừng và đất lâm nghiệp, binh đoàn đã chuyển đổi phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng 35.340ha, còn 9.660ha khoanh nuôi bảo vệ rừng. Cho đến nay, binh đoàn được đầu tư cho xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất 689 tỷ đồng (đạt 72% dự án được duyệt). Ngoài ra, binh đoàn còn hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tân Mai trồng rừng nguyên liệu giấy từ năm 2008 đến 2010 với số vốn 81,8 tỷ đồng. Trong 14.312ha diện tích vườn cây được binh đoàn phát triển, cây cao su chiếm 2.411ha; cà phê 1.402ha; điều 4.615ha; hồ tiêu 9ha; nguyên liệu giấy 5.675ha và 200ha lúa nước. Đến trước thềm năm mới Tân Mão này, 100% các thôn buôn, làng xã và các đội sản xuất do binh đoàn đảm nhiệm đều được đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, trong đó có 316km đường giao thông; 58 hồ đập; 142km điện trung, hạ thế; kiến trúc 71.000m2…Các đơn vị trong binh đoàn đã bố trí sắp xếp lao động, tạo công ăn việc làm cho 5.646 hộ, với hơn 22.000 nhân khẩu, góp phần cùng địa phương thành lập 4 đơn vị hành chính xã mới. Binh đoàn đã bố trí được 56 đội sản xuất gắn với 56 cụm bản làng, thôn buôn để hình thành tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trên tuyến biên giới, trong đó đã có 47 đội sản xuất gắn với thôn, buôn và đồn biên phòng để tham gia làm tốt công tác vận động đồng bào tại chỗ và đồng bào các tỉnh di cư tự do vào vùng dự án, vùng biên giới, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần ngăn chặn xâm nhập biên giới, vượt biên trái phép… Các hộ dân đến định cư đều được bố trí đất ở, đất sản xuất theo quy định và được giao khoán vườn cây ổn định. Các chiến sĩ quân y của binh đoàn thực hiện phương châm: Khám, chữa bệnh cho nhân dân thuộc vùng dự án trong mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong phòng, chống các đại dịch và các bệnh hiểm nghèo. Bằng hiệu quả công tác các “chiến sĩ áo trắng” đã góp phần không nhỏ đẩy lùi những tập tục lạc hậu, củng cố lòng tin trong đồng bào. Binh đoàn đã xây dựng 4 trường tiểu học; 62 nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho 2.200 cháu là con em cán bộ, CNV và đồng bào trong vùng dự án… Có thể nói, Binh đoàn 16 đã tạo ra sức bật mới cho địa bàn chiến lược nam Tây Nguyên, góp phần quan trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng cơ sở VMTD.

– Xin cảm ơn đồng chí!

Xuân Lan (thực hiện)
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Nhiều giải pháp mạnh để có thành công

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Là đơn vị trực thuộc Cục kỹ thuật Hải quân, Quân chủng Hải quân, nhiệm vụ được giao ngày càng nặng nề, địa bàn hoạt động rộng, song trong nhiều năm qua, Xí nghiệp X56 vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy đâu là “bí quyết” của X56? Trong chuyến công tác gần đây xuống Xí nghiệp, chúng tôi đã tìm được câu trả lời thỏa đáng…

Luôn coi trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực

Xí nghiệp X56 được giao nhiệm vụ sửa chữa đồng bộ cấp vừa các loại khí tài ra đa và sửa chữa lớn một số khí tài điện tử. Cùng với sửa chữa định kỳ, lực lượng cán bộ, nhân viên của Xí nghiệp phải tham gia sửa chữa cơ động với cự ly xa nhà máy. Nói về đặc điểm hoạt động của X56, Thượng tá Đỗ Quốc Hùng – Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết:

– Địa bàn hoạt động của Xí nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam, từ đất liền tới hải đảo nên trung bình mỗi năm Xí nghiệp có khoảng 100 đoàn tham gia sửa chữa cơ động.

Cùng với đó, lực lượng cán bộ kỹ thuật mới được bổ sung về Xí nghiệp có tuổi đời trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, vũ khí trang bị kỹ thuật của Hải quân đa dạng, nhiều thế hệ.

– Những đặc điểm ấy đã đặt ra yêu cầu đối với Xí nghiệp là phải đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu có tính quyết định đối với khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Xí nghiệp, Thượng tá Đỗ Quốc Hùng khẳng định.

Lãnh đạo Xí nghiệp X56 Kiểm tra chuyên môn của cán bộ trẻ.

Trước hết, Xí nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ cho lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm hoặc trình độ hạn chế, theo phương châm “người đi trước kèm người đi sau”. Đồng thời, Xí nghiệp có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn để cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài quân đội, theo đúng chuyên ngành.

Nói về nội dung này, Thượng tá Lưu Hải Truyền, Trưởng Phòng Quản lý xí nghiệp (Cục kỹ thuật Hải quân) cho hay, dưới tàu được trang bị gì, Xí nghiệp X56 đều tổ chức đào tạo lý thuyết về trang bị đó theo đúng chuyên ngành. Qua đó đã giúp cán bộ, nhân viên của Xí nghiệp “đi trước” một bước, tránh bỡ ngỡ khi tiếp xúc với trang bị mới.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Lam Sơn, Trưởng Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp X56, thì sau khi tiếp nhận cán bộ trẻ, Xí nghiệp đều tổ chức cho đi thực tế tại các phân xưởng, thực hiện chức trách nhiệm vụ của một người thợ, với thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, nhằm giúp cho cán bộ trẻ từng bước tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, Xí nghiệp luôn cử đội ngũ cán bộ trẻ đi cùng các đoàn công tác cơ động để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi nghiệp vụ.

Với những biện pháp đồng bộ trong công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực như vậy, nên ở thời điểm hiện nay, phần lớn cán bộ, nhân viên của X56 đã đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Có thể từ chối lao động khi có nguy cơ mất an toàn

– Trung bình mỗi năm có khoảng 100 đoàn thực hiện nhiệm vụ cơ động, Xí nghiệp có biện pháp gì để vừa quản lý chắc quân số, vừa giúp các đoàn hoàn thành nhiệm vụ?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Thượng tá Đỗ Quốc Hùng cho biết: Trước mỗi nhiệm vụ cơ động, Xí nghiệp đều nghiên cứu kỹ đặc điểm nhiệm vụ, tiếp đó phân công cho các lực lượng đúng chuyên ngành và có đủ khả năng sửa chữa. Đoàn trưởng mỗi đoàn cơ động đều xây dựng và báo cáo kế hoạch, dự trù vật tư, nhân lực trước Ban giám đốc Xí nghiệp.

Cùng đó, Xí nghiệp thường xuyên duy trì liên lạc với các đoàn, chỉ đạo kịp thời quá trình sửa chữa, đồng thời giữ mối liên hệ với các đơn vị để nắm tình hình triển khai nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật của lực lượng cơ động. Chính vì vậy mà chất lượng sửa chữa của Xí nghiệp luôn được các đơn vị đánh giá cao.

Công nhân Xí nghiệp X56 trong giờ lao động.

Trên đường dẫn chúng tôi xuống khu sản xuất vật tư đặc chủng, Phó giám đốc Đỗ Quốc Hùng tâm sự: Một trong những nội dung công tác được Xí nghiệp hết sức coi trọng, làm tốt trong những năm qua là công tác bảo đảm an toàn lao động. Nhiều biện pháp đã được tiến hành như xác định rõ các yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động để trang bị cho người lao động các thiết bị an toàn thích ứng. Ngoài ra, Xí nghiệp còn căn cứ vào các vũ khí, trang bị kỹ thuật mà người lao động phải tiếp xúc để xây dựng quy tắc bảo đảm an toàn cho từng ngành nghề, từng loại vũ khí trang bị kỹ thuật. Công tác huấn luyện giúp cho người lao động nắm chắc các quy tắc, quy định an toàn. Công tác kiểm tra định kỳ nhà xưởng, phòng chống cháy nổ, môi trường luôn được tiến hành thường xuyên. Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cũng được Xí nghiệp hết sức coi trọng.

– Để bảo đảm an toàn lao động, người lao động có thể từ chối lao động nếu xuất hiện nguy cơ mất an toàn lao động và phải báo cáo ngay với Xí nghiệp. Nếu người lao động không báo cáo sẽ phải chịu trách nhiệm khi Xí nghiệp kiểm tra, phát hiện, Thượng tá Đỗ Quốc Hùng cho biết thêm.

Tại khu sản xuất vật tư đặc chủng, chúng tôi thấy cán bộ, nhân viên các chuyên ngành, với trang bị đầy đủ, đang cần mẫn làm việc trong các căn phòng khang trang, sạch đẹp, với quy định bảo đảm an toàn nghiêm ngặt. Những hình ảnh đó đã phần nào nói lên hiệu quả từ các biện pháp Xí nghiệp X56 đã triển khai quyết liệt, đồng bộ trong những năm qua. Những biện pháp đó không chỉ bảo đảm an toàn cho người lao động mà còn giúp Xí nghiệp luôn vượt chỉ tiêu sản xuất từ 10 đến 15% mỗi năm…

Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Cuốn theo bánh xích xe tăng

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Trời đã cuối thu, song đến Đơn vị xe tăng B06 (Quân khu 2), chúng tôi vẫn cảm nhận “sức nóng” trên bãi tập, nhất là trong giai đoạn huấn luyện nước rút, chuẩn bị cho diễn tập vòng tổng hợp cấp tiểu đoàn, có một đại đội bắn chiến đấu…

Chúng tôi có mặt tại Đơn vị B06 cũng là lúc Phân đội 1 đang tập chiến thuật có xe tăng, phối thuộc cho tiểu đoàn bộ binh tiến công địch trong trận địa phòng ngự ở địa hình trung du.

Nhận nhiệm vụ, đội hình 3 chiếc xe tăng nhanh chóng xuất kích cơ động chiếm tuyến triển khai xung phong. Tiếng gầm rú của động cơ, bụi đất đỏ mù mịt càng làm cho không khí luyện tập thêm sôi động, sát thực tế. Được sự yểm trợ dũng mãnh của xe tăng, lực lượng bộ binh xung phong, vượt qua cửa mở, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu trong trận địa phòng ngự của địch.

Xe tăng của Phân đội 1 cùng bộ binh xung phong, vượt cửa mở.

Sau khi rút kinh nghiệm trận đánh, Trung tá Phạm Văn Hải, Chỉ huy trưởng Phân đội 1 cho biết: Tháng 6 vừa rồi, tham gia diễn tập cấp trung đội, nội dung bắn chiến đấu, Phân đội 1 đạt loại giỏi. Chuẩn bị cho đợt diễn tập sắp tới, ngoài bảo đảm tốt vật chất huấn luyện, phân đội tổ chức huấn luyện bổ sung cho đội ngũ cán bộ các nội dung sát với yêu cầu diễn tập như: Đào bếp Hoàng Cầm, đào hầm trú ẩn cho xe tăng, tổ chức huấn luyện dã ngoại…

Năm 2009, Đơn vị B06 giành giải nhất hội thao Tăng-Thiết giáp khối quân khu, quân đoàn và giải ba hội thao cấp toàn quân. Để có được kết quả đó, đơn vị luôn duy trì thực hiện nghiêm các bước trong huấn luyện, huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ không xe đến có xe; vận dụng linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật với chiến thuật trong huấn luyện.

– Để nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ, đơn vị chú trọng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ từ động tác lên, xuống xe. Hoạt động của bộ đội Tăng-Thiết giáp đòi hỏi tính hiệp đồng rất cao giữa các thành viên trong kíp chiến đấu, nên đơn vị đặc biệt quan tâm rèn luyện, nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các “số” trong một xe và giữa các xe trong đội hình-Thượng tá Đàm Quang Cầu cho biết.

Tâm sự của đồng chí chỉ huy trưởng Đơn vị B06 làm chúng tôi chợt nhớ đến bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho. “Đã lên xe ấy là cùng một hướng”-câu hát gợi lên trong chúng tôi cảm nhận về sự hiệp đồng chặt chẽ, thuần thục, nhịp nhàng giữa những người “lính tăng” B06 trong mỗi bài tập. Tin rằng, “hoa” thành tích sẽ nở rộ trên bãi tập của đơn vị trong đợt diễn tập sắp tới.

Bài và ảnh: Minh Trường – Hoàng Hà
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Quân đội VN sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Tháng Ba 8, 2013 Bình luận đã bị tắt

(Nguồn: TTXVN)

Chiều 25/ 2, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ngài Edmond Mulet, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, phụ trách cơ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tại buổi tiếp, ngài Edmond Mulet cám ơn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dành thời gian tiếp đoàn và thông báo kết quả làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: Sự giúp đỡ, đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm của cơ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian và những ý kiến đóng góp của ngài Edmond Mulet trong chuyến thăm, làm việc lần này giúp Quân đội nhân dân Việt Nam làm tốt công tác chuẩn bị một số nội dung để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc vào đầu năm 2014.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thông báo về công tác đào tạo sĩ quan chuyên môn tham mưu, quân y, công binh và sĩ quan làm nhiệm vụ quan sát viên tại Liên hợp quốc.

Ngài Edmond Mulet cho biết phía cơ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ có kế hoạch bàn thảo chi tiết với Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phía Việt Nam cử đoàn trực tiếp thăm một phái bộ đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc./.

Ông Quốc Chính (TTXVN)
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, công tác huấn luyện chiến đấu phải tiếp tục đổi mới

Tháng Hai 28, 2011 Bình luận đã bị tắt

LTS: Ngày 28-1, các đơn vị trong toàn quân tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2011. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đánh giá những kết quả nổi bật của công tác huấn luyện chiến đấu (HLCĐ) năm 2010 và chỉ đạo những nội dung cơ bản của công tác HLCĐ năm 2011.

Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh kiểm tra huấn luyện Điều lệnh đội ngũ ở Đoàn M44, Bộ Tổng tham mưu. Ảnh: Nguyễn Trung Kiên

Có tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề đặt ra

Phát huy tinh thần tích cực chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, năm qua, toàn quân đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ HLCĐ. Các cơ quan, đơn vị đã có bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, bảo đảm sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đối tượng, từng đơn vị và đặc điểm của từng địa bàn, từng vùng miền. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện tốt việc gắn huấn luyện chỉ huy, cơ quan với rèn luyện bộ đội. Các hoạt động hội thi, hội thao huấn luyện thường xuyên được tổ chức ở các cấp, trong đó hầu hết các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tổ chức thi cán bộ cơ sở từ cấp trung đội đến cán bộ cấp trung, lữ đoàn và tương đương đạt được kết quả cao. Các cuộc thi, hội thao đã góp phần nâng cao nhận thức, trình độ chỉ huy, chuyên môn và rèn luyện phương pháp, tác phong trong chỉ huy, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp. Hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra đã được các cấp, các ngành chú trọng và gắn chặt với nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện cho các đối tượng. Quá trình nghiên cứu đổi mới các cơ quan, đơn vị đã bám sát yêu cầu phát triển của quân đội, phát triển của vũ khí trang bị (VKTB) và phương thức tác chiến mới.

Đi đôi với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện theo chương trình kế hoạch đề ra, năm 2010, quân đội đã tổ chức huấn luyện các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đạt kết quả tốt, để lại ấn tượng đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Lực lượng Thể thao thành tích cao của quân đội tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VI đã hoàn thành vượt chỉ tiêu yêu cầu đề ra, giành 231 huy chương các loại, trong đó 68 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 78 huy chương đồng, xếp thứ 3/66 đoàn. Các vận động viên thể thao quân đội có những đóng góp quan trọng vào thành tích của thể thao nước nhà trên đấu trường khu vực và quốc tế. Những kết quả nổi bật đó đã góp phần xây dựng QĐND vững mạnh, củng cố QP-AN, giữ vững ổn định chính trị của đất nước, tạo điều kiện để phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện nhiệm vụ HLCĐ vẫn còn những thiếu sót, bất cập. Đáng chú ý là việc nghiên cứu, đổi mới công tác HLCĐ mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn chậm và chưa toàn diện. Mặc dù có tiến bộ nhưng chất lượng HLCĐ có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là việc tổ chức rèn luyện chỉ huy, cơ quan và phân đội trong tập chiến thuật và diễn tập chiến thuật. Trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến của đội ngũ cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp còn yếu, chưa sát với thực tế chiến đấu. Điều này dẫn đến khả năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao còn bộc lộ nhiều yếu kém. Trình độ khai thác, làm chủ VKTB của bộ đội còn hạn chế, kết quả các bài bắn súng chưa cao. Việc kết hợp giữa huấn luyện chiến thuật với kỹ thuật và rèn luyện bản lĩnh, ý chí, tinh thần, tâm lý, sức khỏe dẻo dai cho bộ đội chưa đồng bộ, toàn diện. Công tác giáo dục, quản lý và chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, nhất là chấp hành các quy định về an toàn giao thông chưa thành nền nếp.

Thực hành lấy phần tử bắn ở Phân đội cối 82mm, Đơn vị M48, Đoàn B16 (Quân khu 2). Ảnh: Minh Trường

Chống bệnh thành tích trong huấn luyện

Năm 2011, toàn quân thực hiện nhiệm vụ HLCĐ trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đây là năm các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong quân đội; năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015). Tình hình thế giới và khu vực vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá ta trên mọi lĩnh vực. Đồng thời chúng kích động, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định chính trị-trật tự an toàn xã hội, nhất là trên các địa bàn chiến lược; tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ xảy ra khó lường; cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, kinh phí, xăng dầu bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu đề ra; tình hình giá cả trên thị trường có nhiều biến động…, những đặc điểm trên sẽ tác động trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ HLCĐ của toàn quân.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng HLCĐ, đáp ứng với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành trong toàn quân cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ cơ bản sau:

Trước hết cần tổ chức quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI về xây dựng QĐND, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 51 Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam” và Nghị quyết của Đảng bộ đại biểu Quân đội lần thứ IX. Thông qua đó làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức thống nhất về nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ của đơn vị mình, của ngành mình trong tình hình hiện nay; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, xác định rõ những khó khăn, thuận lợi và các chỉ tiêu yêu cầu HLCĐ cần đạt được theo Chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm, xây dựng quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu hoàn thành với chất lượng, hiệu quả cao nhất các nội dung, chương trình huấn luyện, ứng dụng công nghệ thông tin trong diễn tập chỉ huy, cơ quan các cấp. Đưa huấn luyện công nghệ mô phỏng vào huấn luyện bộ đội. Khắc phục triệt để bệnh thành tích trong huấn luyện.

Chuẩn bị huấn luyện đầy đủ, chu đáo

Cấp ủy các cấp phải xây dựng và triển khai nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác HLCĐ, rèn luyện và chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy và xây dựng đơn vị VMTD. Nhanh chóng triển khai kế hoạch huấn luyện cho các đối tượng theo phân cấp, ưu tiên thời gian chuẩn bị huấn luyện cho cấp cơ sở. Chủ động ổn định tổ chức biên chế theo đúng quy định, điều chỉnh, sắp xếp cán bộ cho phù hợp với khả năng, trình độ năng lực quản lý huấn luyện ở đơn vị cơ sở trước khi bước vào huấn luyện. Chú ý làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ về công tác chỉ huy tham mưu hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là cán bộ trực tiếp quản lý và huấn luyện bộ đội ở cơ sở. Năm 2011, trên cơ sở tổng kết công tác huấn luyện năm 2010 và tổng kết 5 năm (2006-2010), lãnh đạo và chỉ huy các cấp xác định rõ những nội dung còn yếu, còn thiếu để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thống nhất.

Cùng với triển khai kế hoạch, tập huấn cán bộ, các đơn vị cần chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt thao trường, vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, nhất là các đơn vị khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, những vùng bị thiên tai bão lũ năm 2010. Trên cơ sở rút kinh nghiệm quy hoạch hệ thống trường bắn mẫu, trường bắn điểm năm 2010, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường bắn trong từng vùng, miền, từng ngành. Quy hoạch hệ thống trường bắn phải đạt được yêu cầu cơ bản phát huy được hiệu quả khai thác sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và bắn đạn thật cho các đối tượng. Mặt khác, phải tích cực, chủ động nghiên cứu sản xuất mô hình học cụ huấn luyện tạo sự thống nhất, bảo đảm đúng, đủ, bền và đẹp để phục vụ cho huấn luyện bộ đội sát thực tế chiến đấu.

Tập trung đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp

Từ cơ quan đến đơn vị phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, trong đó tập trung đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện cho các đối tượng theo hướng “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế trang bị và chức năng nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng lực lượng đã được xác định. Tập trung giáo dục cho bộ đội về Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; pháp luật của Nhà nước; kỷ luật, truyền thống của quân đội và âm mưu thủ đoạn của địch… Qua đó làm cho bộ đội vững vàng về tư tưởng, kiên định lập trường, có lòng tin và quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống. Đẩy nhanh tiến độ đổi mới toàn diện công tác HLCĐ cho cả cơ quan và đơn vị, cho cả bộ đội chủ lực, DBĐV và DQTV. Phải nghiên cứu đổi mới tổ chức và phương pháp huấn luyện cho cơ quan cấp chiến lược và chiến dịch một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường huấn luyện cơ động, phòng tránh, đánh trả, huấn luyện sát với tình huống. Chú trọng huấn luyện cho các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Đổi mới công tác quản lý, huấn luyện DBĐV. Quan tâm đúng mức đến huấn luyện cho lực lượng DQTV. Huấn luyện lấy thực hành làm chính, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện đội ngũ cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp. Tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, để rèn luyện chỉ huy, cơ quan và phân đội cho sát với thực tế chiến đấu. Tích cực rèn luyện thể lực cho bộ đội bằng các hoạt động diễn tập vòng tổng hợp cho các cấp, trong đó chú trọng vượt sông, suối, hành quân xa, mang vác nặng, huấn luyện tác chiến của các đơn vị chủ lực, kết hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến, diễn tập và công tác bảo đảm của khu vực phòng thủ địa phương.

Gắn nâng cao chất lượng huấn luyện với xây dựng chính quy

Đồng thời, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện và chấp hành kỷ luật quân đội, Pháp luật Nhà nước; thường xuyên quán triệt, giáo dục cho mọi quân nhân nắm chắc nội dung Chỉ thị 917 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 917/1999/CT-QP về xây dựng đơn vị VMTD trong toàn quân. Mỗi cơ quan, đơn vị đều phải tổ chức xây dựng một đơn vị điểm về VMTD theo 5 tiêu chuẩn của Chỉ thị 917 để rút kinh nghiệm, tham quan, nhân rộng. Quá trình thực hiện phải phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ về công tác quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, thực hiện cơ quan gương mẫu trước đơn vị, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ. Đẩy mạnh xây dựng chính quy trong toàn đơn vị, tạo sự chuyển biến toàn diện trên 4 nội dung theo Chỉ thị 37 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thực hiện nghiêm túc Quyết định 2530 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tăng cường công tác quản lý, giáo dục và chấp hành điều lệnh quản lý kỷ luật, quản lý VKTB chặt chẽ, đúng chế độ, hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm kỷ luật, nhất là các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tai nạn giao thông, mất an toàn trong huấn luyện, xây dựng nhiều đơn vị cấp trung đoàn, lữ đoàn đủ quân và tương đương không có vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra.

Cấp ủy và chỉ huy các cấp từ cơ quan, nhà trường, đơn vị phải thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua trong huấn luyện, đặc biệt là các hoạt động hội thi, hội thao huấn luyện ở đơn vị cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức cơ sở đảng TSVM với xây dựng đơn vị VMTD; xây dựng chính quy với việc rèn luyện và chấp hành kỷ luật quân đội. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người chỉ huy cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ, gắn trách nhiệm của cán bộ với kết quả huấn luyện của đơn vị theo chức trách được giao. Thường xuyên chăm lo đến đời sống, vật chất tinh thần cho bộ đội, tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn luôn vui vẻ, phấn khởi gắn bó với đơn vị và nhiệm vụ, trên cơ sở đó tự giác phấn đấu, rèn luyện xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD.

Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam

Ba yếu tố tạo đột phá

Tháng Hai 25, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Chính phủ vừa có quyết định thành lập Trường Đại học Trần Đại Nghĩa trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự (Vinhem-Pich). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường.

Phóng viên (PV): Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự là một trong số các trường sĩ quan quân đội được nâng cấp lên bậc đại học với phiên hiệu mới. Đâu là nét riêng của Trường Đại học Trần Đại Nghĩa?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Quyết định thành lập Trường Đại học Trần Đại Nghĩa trên cở sở nâng cấp Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự được Chính phủ ký ngày 23-12-2010. Ngày 26-2-2011 chúng tôi tổ chức lễ công bố. Từ năm 2011, nhà trường thực hiện nhiệm vụ theo phiên hiệu mới. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo sĩ quan kỹ thuật cung cấp cho các đơn vị quân đội, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa còn thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng khác, đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước mà chúng ta thường gọi là đào tạo hệ dân sự. Đây chính là nét riêng của Trường Đại học Trần Đại Nghĩa.

PV: Đặc thù này đòi hỏi Trường Đại học Trần Đại Nghĩa phải có sự cạnh tranh trong tuyển sinh, giáo dục đào tạo?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Yếu tố sống còn của một nhà trường chính là chất lượng giáo dục đào tạo. Muốn vậy chúng ta phải giải quyết hài hòa, đồng bộ cả ba khâu: Chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Sản phẩm đào tạo được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Sự cạnh tranh ở đây chính là làm cách nào để tạo ra môi trường đào tạo tốt nhất, tạo được “thương hiệu” thu hút được nguồn đầu vào chất lượng cao. Các trường đại học trong quân đội, trong đó có Trường Đại học Trần Đại Nghĩa là môi trường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội. Riêng ở mảng đào tạo dân sự, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa là một đầu mối tuyển sinh, đào tạo cạnh tranh bình đẳng về chất lượng với các trường đại học khác trong khu vực.

PV: Vừa mới thành lập, sự non trẻ có là một khó khăn?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Mới thì đúng rồi, nhưng non trẻ thì không. Hiện nay, chúng tôi có phiên hiệu mới của một trường đại học nhưng quá trình chuẩn bị về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã được tiến hành đồng bộ từ nhiều năm nay. Nhà trường cũng đã có nhiều khóa tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH với quy mô lên đến hàng chục ngàn sinh viên. Điểm chuẩn tuyển sinh vào trường những năm qua luôn hơn 20 điểm. Qua khảo sát cho thấy sinh viên tốt nghiệp của trường có 75% có việc làm ổn định, đúng chuyên ngành đào tạo sau 2 năm đầu ra trường.

PV: Đồng chí vừa nói nhà trường đã có quá trình chuẩn bị đồng bộ. Cụ thể là thế nào?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Chúng tôi tập trung giải quyết tốt ba yếu tố để tạo sự đột phá khi thực hiện nhiệm vụ theo phiên hiệu mới, đó là: Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý chất lượng cao; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới, nâng cao nội dung chương trình, phương pháp dạy học; nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện dạy học. Hiện nay đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của trường 75% có trình độ sau đại học, trong đó có 12% là tiến sĩ, 15 nhà giáo ưu tú, 6 giảng viên giỏi cấp Bộ. Kế hoạch 5 năm tới, chúng tôi sẽ nâng tỷ lệ tiến sĩ lên 20%.

Học viên sĩ quan kỹ thuật Trường Đại học Trần Đại Nghĩa trong giờ thực hành. Ảnh: Kim Tùng

 Trường Đại học Trần Đại Nghĩa là một trong số các nhà trường quân đội đi tiên phong về số hóa quy trình quản lý, giảng dạy. 100% các phòng học chuyên dụng hiện nay đều sử dụng công nghệ trình chiếu, mô phỏng. Tài liệu giảng dạy của những bộ môn kỹ thuật, vũ khí trang bị… đều đã được mô phỏng bằng công nghệ 3D. Trong 5 năm qua, nhà trường đã được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật đầu tư xây dựng hệ thống giảng đường hiện đại với 48 phòng học, đưa vào sử dụng thư viện điện tử…

PV: Một số quân, binh chủng của quân đội ta sẽ tiến lên xây dựng hiện đại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ đào tạo sĩ quan kỹ thuật của trường sẽ phát triển như thế nào để đáp ứng?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Chúng tôi rất háo hức với mục tiêu, chiến lược xây dựng một số quân, binh chủng của quân đội tiến thẳng lên hiện đại. Là nhà trường đào tạo sĩ quan kỹ thuật, chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ xây dựng nhân tố con người trong tiến trình hiện đại hóa theo phương châm vừa hồng vừa chuyên. Khi có chủ trương từ trên, chúng tôi sẽ tiến hành tiếp cận các loại phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại để xây dựng thành giáo trình mô phỏng theo công nghệ 3D đưa vào chương trình giảng dạy.

Xin cảm ơn đồng chí!

Phan Tùng Sơn (thực hiện)
qdnd.vn

Chuyên mục:Quân đội Việt Nam