Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 2)

Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 2)

Tháng Mười Một 21, 2013

Kỳ 2: Giải phóng Quảng Trị

QĐND – Trước ngày 19-3-1972, các Sư đoàn 304, 324 và các lực lượng binh chủng có xe cơ giới (thiết giáp, pháo binh, cao xạ, tên lửa, xe tăng…) từ hậu phương Quảng Bình hành quân vào vị trí tập kết. Riêng Sư đoàn 308 được lệnh đến ngày 25-3 có mặt ở khu vực điểm cao 202 Bắc sông Bến Hải. 18 giờ ngày 29-3, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch trên tất cả các hướng, đã vào vị trí xuất phát tiến công. Trong khi đó, ngụy quân không hề biết gì, nên ngày 29-3, các đơn vị quân ngụy vẫn thực hiện thay quân giữa Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm, 241, 544.

Đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa giội xuống hệ thống phòng thủ quân ngụy, gây choáng váng cho đối phương ngay từ phút đầu. Các đơn vị pháo binh đã bắn dữ dội trúng các mục tiêu, hoàn toàn chế áp quân ngụy, chi viện cho các đơn vị cùng một lúc, tiến công 5 căn cứ Động Toàn, Ba Hồ, 544, 288, 365.

Ở hướng Bắc, Trung đoàn bộ binh 27 do Trung tá Phạm Minh Tâm làm Trung đoàn trưởng, giao nhiệm vụ thọc sâu, chia cắt, cho Đại úy Nguyễn Huy Hiệu, Tiểu đoàn trưởng bộ binh 3 được tăng cường lực lượng và triển khai chiến đấu ở khu vực đồi 322 và 288 trước khi thọc sâu xuống đường 9. 10 giờ 40 phút, đội hình hành quân của địch lọt hẳn vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn trưởng Hiệu ra lệnh: Bao vây, diệt địch không cho chúng thoát về Cam Lộ. Chỉ trong 20 phút chiến đấu, toàn bộ Tiểu đoàn bộ binh 2 của ngụy bị xóa sổ. Nguyễn Viết Mão, chiến sĩ Đại đội 1 một mình bắt sống 12 tù binh, trong đó có Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Hà Thúc Mẫn. Ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Nam, căn cứ 544, đồi Tròn, chặn đứng lực lượng chi viện từ Cam Lộ lên, tạo điều kiện thuận lợi cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh chiếm căn cứ Phu Lơ – một mục tiêu quan trọng mà Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Trung đoàn 27. Trận đánh kết thúc cũng là lúc Bộ tư lệnh chiến dịch phát lệnh nổ súng chiến đấu hiệp đồng trên toàn mặt trận.

Ở hướng Tây, trong thế trận chiến đấu hiệp đồng toàn chiến dịch, các Sư đoàn 304, 324 đã dồn dập nổ súng tiến công địch. Trung đoàn 9 đánh chiếm Đầu Mầu, Trung đoàn 24 là lực lượng chủ yếu bao vây, tiến công Trung đoàn 56 ngụy ở cứ điểm 241. 8 giờ sáng ngày 2-4, trên các hướng, bộ đội của Trung đoàn bộ binh 24 đã vào vị trí xuất phát tiến công. Địch dùng máy bay B-52 đánh phía ngoài căn cứ. Đại đội 2 thương vong 17 người. Cùng lúc, Trung tá Trung đoàn trưởng Lê Đắc Long nhận được điện của Thượng tá Hoàng Đan, Sư trưởng 304 đồng ý cho bộ đội nổ súng vào lúc 12 giờ. Toàn bộ căn cứ 241 ngụy bị Trung đoàn 24 vây chặt, không còn lối thoát và không chịu nổi những đòn sấm sét của pháo binh ta. Chỉ huy Trung đoàn 56 ngụy xin ứng cứu bằng lực lượng xe tăng từ Đông Hà theo Đường 9 lên, nhưng bị Tiểu đoàn đặc công 15 chặn đánh. Quân ngụy liều lĩnh dùng trực thăng để cứu bọn chỉ huy nhưng cao xạ của ta không cho hạ cánh. Đúng 13 giờ ngày 2-4, quân ngụy treo cờ trắng lên cần ăng-ten trung tâm chỉ huy rồi kéo nhau ra hàng. Đi đầu là Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng, tiếp theo là Thiếu tá Nguyễn Vĩnh Phong, Trung đoàn phó, Thiếu tá Nguyễn Văn Thế, Tiểu đoàn trưởng pháo binh cùng với 12 sĩ quan cấp úy và 308 hạ sĩ quan binh sĩ. Ta thu 4 khẩu pháo 175mm.

4 giờ sáng ngày 2-5-1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị.

Ở hướng đông, Trung đoàn 126 Hải quân đã tiến đánh Hải quân ngụy trên sông Cửa Việt và duyên đoàn 11 tại cảng Cửa Việt, khống chế chặt đường sông.

Hướng Cam Lộ, Đường 9, 0 giờ 30 phút ngày 2-4, Trung đoàn 48 nhận được lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Tiểu đoàn 1 chặn xe tăng của thiết đoàn 20 không cho vượt cầu Đuối vào ứng cứu Cam Lộ, sau đó phát triển theo hướng Đông Hà. Nhận lệnh xong, Trung tá Trung đoàn trưởng Lê Quang Thúy trao quyền chỉ huy chung cho Trung tá Tham mưu phó Sư đoàn 320b Trịnh Hồng Thái rồi cùng trợ lý tác chiến xuống Tiểu đoàn 1 triển khai phương án đánh địch.

Sau 5 ngày chiến đấu mở đầu chiến dịch, ta đã đập vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ vòng ngoài của ngụy quân, chiếm hầu hết các điểm cao, khống chế, tiêu diệt một bộ phận lớn lực lượng ngụy quân, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều thôn, xã. Quân ngụy phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 với 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn.

Bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài và bị thiệt hại nặng, ngụy quân buộc phải nhanh chóng tăng lực lượng để đối phó. Chỉ trong 5 ngày, ngụy quân điều 3 trung đoàn, 2 lữ đoàn và 2 thiết đoàn, đồng thời điều chỉnh lại thế bố trí phòng ngự, tổ chức thành 3 cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang – Quang Trị, tập trung lực lượng chủ yếu ở thị xã Đông Hà, tăng cường hỏa lực không quân kể cả máy bay B-52, nhằm ngăn chặn ta phát triển tiến công. Ngụy quân tận dụng các điểm cao còn lại ở phía tây tổ chức tuyến phòng thủ liên hoàn, lực lượng nòng cốt là xe tăng, thiết giáp.

Trên đà thắng lợi, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công ngay vào khu trung tâm phòng ngự của địch, không cho ngụy quân kịp củng cố hoặc rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị bằng các lực lượng Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 88) và Trung đoàn 48 có 2 đại đội xe tăng chi viện, tiến công ngụy quân ở Đông Hà, Lai Phước. Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 66) đánh vào cụm quân ngụy ở Ái Tử, chia cắt ngụy quân ở cầu Quảng Trị và các lực lượng ngụy quân tiếp giáp 2 tỉnh Trị – Thiên. Trung đoàn 27 cùng Tiểu đoàn 47 huyện đội Vĩnh Linh, có 2 đại đội xe tăng của Trung đoàn 202, thọc sâu vu hồi ở hướng Đông, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sư đoàn bộ binh 324 (thiếu Trung đoàn 3), đánh địch ở La Vang – Quảng Trị, cắt giao thông trên đường số 1 đoạn bắc cầu Mỹ Chánh – nam Quảng Trị. Ở phía nam các lực lượng B4 tiếp tục vây lấn Động Tranh, cắt giao thông đường 1 ở nam Phú Bài.

Đúng 15 giờ ngày 8-4, pháo binh ta nhả đạn. 5 giờ ngày 9-4, các đơn vị bộ binh, xe tăng được lệnh xuất kích. Ở Đông Hà, Thượng tá Trương Đình Mậu, Sư đoàn trưởng 308 ra lệnh cho Trung đoàn trưỏng Trung đoàn bộ binh 36 nhanh chóng chiếm ngã 3 đường 1 – đường 9, nhưng ngụy quân chống trả quyết liệt, không phát triển được. Trung đoàn 102 tiến công quân ngụy ở điểm cao 30, Động Côn. Trung đoàn 48 và tiểu đoàn độc lập 15 thọc sâu chia cắt ở Lai Phước, đều bị chặn lại.

Ở hướng đông, từ ngày 5-4, 2 Tiểu đoàn đặc công 19, 25 và Tiểu đoàn 47 đã vượt sông Cửa Việt đánh quân ngụy ở xã Triệu Thượng, Triệu Lê, huyện Triệu Phong. Quân bảo an chống trả rất quyết liệt, quân ta bị tổn thất nặng, không đủ sức phát triển vào thị xã Quảng Trị, chờ đêm xuống bơi qua bờ bắc sông Thạch Hãn. Do chưa chuẩn bị chu đáo, vả lại chưa có cách đánh phù hợp nên các mũi tiến công đều vấp phải sức kháng cự có chiều sâu của quân ngụy, bị tổn thất lớn và không thực hiện được kế hoạch.

Để chuẩn bị đợt tiến công mới được thuận lợi, ta đã tổ chức bước hoạt động đêm từ ngày 10-4 đến ngày 26-4-1972, đồng thời tranh thủ củng cố bộ đội, triển khai binh khí kỹ thuật theo phương án tác chiến mới, chuẩn bị vật chất bảo đảm. Cách đánh của chiến dịch là hiệp đồng binh chủng, phát huy cao độ sức mạnh của binh khí kỹ thuật, thực hành vừa tiến công trên toàn tuyến, vừa chủ yếu tập trung diệt từng điểm, từng cụm, từng khu vực; kiên quyết thực hiện bao vây chia cắt, kết hợp đánh vỡ với bao vây tiêu diệt. Chú trọng kết hợp tấn công quân sự với nổi dậy của quần chúng.

5 giờ ngày 26-4. Từ đầu, pháo binh trút bão đạn dồn dập chế áp hoàn toàn quân ngụy báo hiệu cuộc tiến công của quân ta với sức mạnh khủng khiếp.

Ở cụm Đông Hà – Lai Phước, Thượng tá, quyền tư lệnh Sư đoàn 308 Đào Đình Sung giao nhiệm vụ cho Trung đoàn bộ binh 36 đánh địch ở các khu vực điểm cao 28, 30 (tây bắc Đông Hà); Trung đoàn bộ binh 88 (mới trở về đội hình sư đoàn) đánh địch ở khu vực các điểm cao 35, 37 (Tây Đông Hà); Trung đoàn bộ binh 102 đánh địch ở khu vực các điểm cao 32, 26 (tây nam – Đông Hà). Phát hiện thấy một mũi đặc công của ta thọc sâu vào phía bắc sân bay Đông Hà, ngụy quân dùng xe tăng, bộ binh có không quân và pháo hạm chi viện, liên tục phản kích. Ngay lập tức bị trung đội tên lửa chống tăng B72 của chiến dịch tăng cường cho Sư đoàn do Lục Vĩnh Tưởng chỉ huy, lần đầu xuất hiện trên chiến trường với bản lĩnh chiến đấu và khả năng điều khiển thuần thục khí tài đã lập công xuất sắc phóng 7 quả đạn thiêu cháy 6 xe tăng ngụy.

Sau 10 phút bắn phá bằng hỏa lực, bộ binh ta trên cả 3 hướng tây – bắc, tây, tây – nam ém sát quân ngụy, bật dậy xung phong. Đến chiều 27-4, Sư đoàn 308 đã làm chủ hầu hết căn cứ Đông Hà, dồn địch ra đường 1. Sáng 28-4, 2 tổ du kích do Hồ Thị Bích Liên, Thị ủy viên thị xã Đông Hà phụ trách dẫn đường cho 2 Trung đoàn bộ binh 88 và 102[1], tiến công chiếm được Trung Chi, Đại Áng và bắc cầu Lai Phước nhằm cô lập Đông Hà. Trong bom, đạn, khói lửa mịt mù.

Quân ngụy hoảng loạn tháo chạy, vứt lại xe tăng, thiết giáp, vận tải, vũ khí nặng. 18 giờ ngày 28-4, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ Đông Hà, Lai Phước trong niềm vui khôn tả. Ủy ban quân quản thị xã Đông Hà được thành lập do Trung tá Nguyễn Hiền, Phó chính ủy sư đoàn 308 làm Chủ tịch.

Phối hợp cùng các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đã trở về đồng bằng nhanh chóng đánh các đồn, bốt dọc đường 68, phát động quần chúng nổi dậy, truy tìm tàn binh, bắt bọn ác ôn. Các thôn xã vừa được giải phóng lập tức tổ chức tiếp nhận, giáo dục bọn đầu thú; đồng thời xúc tiến ngay việc thành lập chính quyền cách mạng. Trong khi đó, quân ngụy hoảng sợ, vứt bỏ xe, pháo ngổn ngang, lột bỏ quần áo lính, cải trang thường phục, vượt tắt qua đường, lội qua sông tháo chạy về phía Thừa Thiên. Du kích và nhân dân các xã Triệu Lễ, Triệu Ái sát cánh cùng bộ đội trong những trận đánh ác liệt ở thị xã Quảng Trị. Trong khói lửa mịt mù, tiếng pháo, đạn nổ ầm vang nhưng nhân dân Triệu Trạch vẫn hăng hái, dũng cảm giúp bộ đội, tự dỡ nhà mình làm công sự cho các chiến sĩ và tham gia tiếp tế đạn, lương thực cho từng trận địa. Nữ cán bộ xã đội Lê Thị Tám chỉ huy du kích xã Triệu Thượng cùng đồng đội ngày đêm bám đất, bám dân chiến đấu. Và đặc biệt là nữ cán bộ Trần Thị Tâm[2], Huyện đội phó huyện Hải Lăng, trực tiếp chỉ huy tiểu đội du kích xã Hải Quế suốt một ngày quần nhau với 1 tiểu đoàn ngụy ngăn chặn không cho chúng vào làng và đã anh dũng hy sinh.

Trên hướng Ái Tử và cầu Quảng Trị, các trung đoàn bộ binh 24 và Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 304 liên tục tiến công trong các ngày 27, 28, 29 tháng 4, chiếm được các điểm cao 22, 23, 42 ở phía Tây. Địch giành giật quyết liệt với bộ đội ta ở từng khu vực, điển hình nhất là: Đêm 9 rạng sáng 10-4, 20 cán bộ, chiến sĩ do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa và Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy trung đội 2 thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh 9, được lệnh thọc sâu chiếm giữ cầu Quảng Trị, thực hiện chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện để đại quân ta tiêu diệt tập đoàn quân sự mạnh nhất của ngụy quân ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngụy quân đã điều 2 tiểu đoàn lính dù, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, liên tục tiến công nhằm tiêu diệt chốt chặn của một trung đội quân giải phóng với vũ khí bộ binh nhẹ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Lực lượng ngụy quân đông gấp nhiều lần, nhưng trung đội đã ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt 125 ngụy quân, bắn cháy 5 xe tăng. Cả trung đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi dùng lưỡi lê, dao găm đánh giáp lá cà với quân ngụy. Mai Quốc Ca và 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng chiến sĩ Thành Vũ Quang bị thương và rơi vào tay địch. Cầu Quảng Trị bị phá hỏng, quân ngụy bị chặn lại trước chốt thép của 20 cán bộ, chiến sĩ anh hùng.

Ngày 1-5-1972, sau khi Đông Hà, Ái Tử bị mất, quận lỵ Hải Lăng bị uy hiếp, Quốc lộ 1 bị cắt, quân ngụy hoang mang, đến 11 giờ ngày 1-5, quân ngụy bắt đầu rút. Nắm được ý đồ của ngụy quân, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn bộ binh 324 lập tức cơ động bộ đội chặn đánh quân ngụy ở Cầu Nhũng, cầu dài và cầu bến Đá. Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304 chặn đánh quân ngụy ở La Vang, đồng thời pháo binh mặt trận bắn mãnh liệt vào đội hình rút lui của ngụy quân, gây nên một cuộc bỏ xe, bỏ pháo tháo chạy hỗn loạn.

15 giờ ngày 1-5-1972, được tin quân ngụy có kế hoạch rút chạy khỏi thị xã Quảng Trị, từ sở chỉ huy phía trước, Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 9 được lệnh của Sư đoàn trưởng 304, nhanh chóng đánh chiếm và giải phóng thị xã Quảng Trị. Sau khi nhận lệnh, Nguyễn Đức Huy cùng Thiếu tá Lê Thanh Khê, Phó chính ủy Trung đoàn bộ binh 9, đốc chiến tiểu đoàn bộ binh 1 do Đại úy Vũ Đức Chiến làm Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Thêm làm Chính trị viên cùng đại đội súng máy cao xạ 14,5 ly vượt sông Thạch Hãn vào lúc 20 giờ ngày 1-5, tới bờ nam sông Thạch Hãn. Sau khi ổn định đội hình theo kế hoạch tác chiến, hướng chủ yếu của Tiểu đoàn bộ binh 1 theo đường Trần Hưng Đạo vào đánh chiếm trường Bồ Đề, quân ngụy chống trả quyết liệt, hơn nửa giờ chiến đấu, các chiến sĩ ta đã tiêu diệt bọn lính cố thủ ở đây. Ngay sau đó, bộ đội phát triển đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, khu an ninh, tiểu khu quân sự.

Hướng thứ yếu của tiểu đoàn tiến theo trục đường cổng phía tây Thành Cổ, đánh chiếm trại giam, khu bình định, giải phóng hàng trăm người bị quân ngụy bắt và giam tù ở đây. Đáng ngạc nhiên là 1 đại đội ngụy dựa vào nhà thờ Tri Bưu chống cự ác liệt, cuộc chiến đấu kéo dài gần 2 giờ mới chấm dứt. 4 giờ sáng ngày 2 -5-1972, lá cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Đào Châu Vũ đã cắm lên nóc dinh tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị báo hiệu thị xã Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban quân quản được thành lập do Thiếu tá Nguyễn Đức Huy – Trung đoàn phó bộ binh 9 làm Chủ tịch. Đây là lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, giành và giữ được một bộ phận dân, giải quyết được nhiều vấn đề đối với vùng mới giải phóng, tạo bước ngoặt mới cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cả trước mắt và lâu dài.

[1] Hồ Thị Bích Liên hy sinh ở tuổi 24 khi vào tiếp quản thị xã Đông Hà.

[2] Năm 1973, Trần Thị Tâm được truy tặng anh hùng LLVT.

————–

Kỳ 1: Chiến dịch tổng lực

Kỳ 3: Nốt trầm bên sông Mỹ Chánh

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)