Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > “Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ cuối)

“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ cuối)

Tháng Tư 11, 2014

Sự kiện Xuân Lộc 37 năm trước qua sách báo phương Tây

QĐND – Thứ bảy, 21/04/2012 | 22:30 GMT+7

QĐND – Trên thực tế, sự rút lui của Mỹ-ngụy đã bộc lộ mức độ ảo tưởng, thất vọng và bi thảm vốn thể hiện rõ trong trải nghiệm của Mỹ qua cuộc chiến tranh Việt Nam. Đầu tiên, các nhà quân sự và các quan chức Mỹ vẫn tin tưởng rằng: Nam Việt Nam sẽ tổ chức phòng thủ có hiệu quả, chỉ đến khi Bắc Việt Namđánh tới cửa ngõ Sài Gòn thì họ mới nhận ra sự thật thất bại đã đến gần và lớn tiếng chỉ trích lẫn nhau. Trong cuốn: “Lời phán quyết về Việt Nam”, tác giả đã chỉ trích Đại sứ Mỹ Martin và tố cáo sự yếu kém của quân đội Việt Nam cộng hòa: “Martin là một người chuyên quyền không chịu xem xét, thậm chí không đọc một báo cáo chiến trường nào nói lên sự yếu kém và sự có thể sai lầm của các lực lượng hoặc Chính phủ Sài Gòn…”[1]. Những ngày đầu diễn ra trận chiến Xuân Lộc, Martin huênh hoang điện về Oa-sinh-tơn ca ngợi tinh thần chiến đấu và khả năng quyết giữ vững Xuân Lộc của quân đội Nam Việt Nam với thái độ chủ quan, xem thường quân đội Bắc Việt, nhưng chỉ đến ngày 21-4-1975, ông ta đã ngao ngán gửi một bức điện ngắn cho Kissinger nói rõ: “Phòng tuyến bảo vệ của Chính phủ ở Xuân Lộc sụp đổ. Máy bay lên thẳng phải đến cứu tiểu đoàn cuối cùng của 4 tiểu đoàn sống sót thuộc Sư đoàn 18 Nam Việt Nam và cứu cả viên Tư lệnh (tướng Đảo)”.[2]

Các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Nguyên nhân trực tiếp được đưa ra khi Nam Việt Nam thua trận tại Xuân Lộc là trình độ tác chiến của họ non kém đủ thứ, khi trận đánh xảy ra không đủ sức chống đỡ, điều đó làm cho Mỹ và các nhà quân sự Sài Gòn thất vọng. Tờ The Washington Post, số ra ngày 22-4-1975 đưa tin: “Quân đội Sài Gòn yếu kém nên không đủ sức để chống đỡ tại Xuân Lộc. Sư đoàn 18 của Việt Nam cộng hòa rút lui đã gây một nỗi thất vọng lớn cho các nhà quân sự ở cả Mỹ lẫn Sài Gòn”. Cùng thời gian này, tờ New York Time bình luận thêm: “Với sự sụp đổ của quân đội Chính phủ ở Xuân Lộc, và sự tiếp viện của quân đội Bắc Việt Nam ở Quân khu 3, cán cân lực lượng ở vùng rộng lớn Sài Gòn đã nghiêng hẳn về phía Bắc Việt Nam. Mười lăm ngày nữa Sài Gòn sẽ bị bao vây hoàn toàn”.

Không chỉ có báo chí mà phần lớn các công trình nghiên cứu xuất bản ở nước ngoài những năm gần đây đều tập trung phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của tuyến phòng thủ Xuân Lộc, trong đó có đề cập cả nguyên nhân Mỹ không giữ lời hứa với Tổng thống Thiệu viện trợ theo yêu cầu của ông ta là 722 triệu đôl-a. Trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ”, tác giả G. Herrin đã nhấn mạnh: “Những dấu hiệu không thể che giấu về sự giảm sút trong mức độ chi viện của Mỹ đã có tác động đến tinh thần của một đội quân đang tan tác dưới những “cú đấm” của Bắc Việt Nam”.

Vẫn lý giải về nguyên nhân thất bại tại Xuân Lộc, theo nguồn tài liệu được giải mật tại Trung tâm quân sự của Lục quân Mỹ, các nhà nghiên cứu quân sự sừng sỏ tại Lầu Năm Góc lại cho rằng: “Sự lãnh đạo quân sự và dân sự cấp cao nhất của Nam Việt Nam không có, cũng đồng thời với việc không có sự yểm trợ tinh thần và vật chất từ phía Mỹ nên từng đơn vị, từng cá nhân binh lính luôn tỏ ra chán nản nên đã thua trận tại Xuân Lộc”[3]. Sau này, tác giả Alen Dawson viết trong cuốn: “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ” đã nhận xét: “Sư đoàn 18 rõ ràng là tuyệt vọng. Xuân Lộc, biểu tượng “tử thủ” của quân đội Sài Gòn sắp sụp đổ.”[4].

Cũng có nhiều bài báo, nhiều cuốn sách lại cho rằng, Bắc Việt nhanh chóng chuyển sang bao vây, chia cắt Xuân Lộc với Sài Gòn, kéo viện binh địch ra để tiêu diệt là quyết định hoàn toàn đúng đắn, là thời cơ để các lực lượng phát huy sở trường, thế mạnh tiêu diệt quân Nam Việt Nam. Đặc biệt là Bắc Việt đã sử dụng trọng pháo tiến công mãnh liệt vào các căn cứ, sân bay, trận địa pháo, chọc thủng tuyến phòng thủ phía Đông, tiến vào trung tâm Sài Gòn, tiêu diệt cơ quan đầu não của đối phương.

Trận đánh Xuân Lộc có tổ chức nhất của Quân lực Việt Nam cộng hòa trước cửa ngõ Sài Gòn tháng 4-1975 đã kết thúc với sự rút lui của các đơn vị tổng trù bị cuối cùng khiến Sài Gòn không còn một lực lượng nào đáng kể để mặc cả với đối phương. Tướng Cao Văn Viên phải bất đắc dĩ mà công nhận rằng: Quân đội không còn chiến đấu được nữa và không còn hy vọng gì thắng trận. Mất Xuân Lộc, tướng Mỹ Weyand thốt lên: “Thế là hết, tình hình quân sự tuyệt vọng” khi lên máy bay chuồn về nước. Ngay tối hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức rồi cũng tìm đường cao chạy xa bay. Bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ J. Ford tuyên bố: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc đối với Mỹ”.

Có thể thấy, sự kiện Xuân Lộc đã thu hút giới báo chí, các phương tiện truyền thông và các nhà nghiên cứu về cuộc chiến ở Việt Nam. Dù những phân tích, bình luận có lúc trái chiều, song sự thật chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “Cánh cửa thép”, cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn. Đó là đòn tiến công chiến lược làm rệu rã tinh thần và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai; đồng thời, đập tan ý đồ co cụm, mong chờ sự can thiệp của Mỹ hòng tìm một giải pháp chính trị cho chế độ tay sai ở miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc đã tạo một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới rất có lợi làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30-4-1975.

Trung tá, TS Trương Mai Hương

[1] Giô-dép-A.Am-Tơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Dịch giả: Nguyễn Tấn Cửu, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr.453, 454.
[2] Frank Snepp: Cuộc tháo chạy tán loạn, Dịch giả: Ngô Dư, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.257.
[3] Tài liệu về Việt Nam cộng hòa, Lưu TTXVN
[4] Alen Dawson: 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Dịch giả: Cao Minh, Nxb Sự Thật, H, 1990, tr. 71.

“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 1) 
“Biểu tượng tử thủ” của quân đội Sài Gòn sụp đổ (Kỳ 2)

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)