Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trận then chốt quyết định (kỳ 4)

Trận then chốt quyết định (kỳ 4)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 4: Gạn lọc tình huống

Tôi xin nhắc lại, chúng tôi đã cố gắng để tạo khả năng đánh địch theo phương án thứ nhất nhưng trong thực tế phải chuẩn bị kế hoạch thật kỹ để chủ động đánh địch theo phương án thứ hai, phương án khó khăn nhất: Đánh địch có dự phòng. Tức là đánh với khả năng chúng có thể tăng cường thêm lực lượng phòng ngự cho Buôn Ma Thuột từ một, hai trung đoàn đến một sư đoàn. Trong phương án này, chúng tôi đã dự kiến hai cách đánh: Thứ nhất, điệu hổ ly sơn, tìm cách kéo địch ra, tốt nhất là ở tây cầu Sê-rê-pốc hoặc tây Cẩm Ga, Thuần Mẫn, dùng các sư đoàn của ta đánh một vài trận lớn, khiến lực lượng địch không còn đáng kể rồi nhanh chóng thọc thẳng vào thị xã. Những kinh nghiệm thú vị của lối đánh kéo địch ra trận địa bày sẵn này ở Đak toh năm 1967 và nhất là ở Sa Thầy năm 1966, vẫn còn đó. Nhưng hồi đó là với quân Mỹ, cái kiêu căng của lính Mỹ lúc mới vào cuộc có khác cái sợ đòn của lính ngụy vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này. Do đó, chúng tôi đã tính tới cách đánh thứ hai trong trường hợp địch co cụm không chịu thoát ly công sự. Sẽ phải đột phá lần lượt trước khi vào đến tung thâm. Đây là cách đánh kinh điển đối với địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Cách đánh này thực tế tuy khó nhưng kế hoạch hiệp đồng dễ, khác với cách đánh trên và cách đánh của phương án thứ nhất (địch không dự phòng) lại phức tạp ở chỗ phải nắm chắc mới dám điều động lực lượng. Ví dụ, muốn đánh theo phương án thứ nhất vào ngày 10 tháng 3 thì ngày 8 tháng 3 Sư đoàn 316 phải có mặt ở vị trí tập kết, ngày 5 tháng 3 phải bắt đầu hành quân chiếm lĩnh và trước đó, ngày 4 tháng 3, Tư lệnh chiến dịch phải hạ được quyết tâm rồi. Vấn đề không đơn giản, phải tạo thế ít nhất trước nổ súng 4, 5 ngày. Tại sao lại như vậy?

Máy bay lên thẳng của Mỹ, ngụy bỏ lại tại căn cứ Buôn Ma Thuột.

Xin nói rõ. Chúng ta muốn đánh địch theo phương án thứ nhất, nhưng hẳn là địch không muốn thế, nếu chúng nắm được ý đồ của ta. Mưu kế là làm sao khi thế trận đã được xác lập rồi, địch chỉ có thể cựa quậy được trong phạm vi thế trận bày sẵn mà thôi. Và bởi vì là sản phẩm của tư duy, thế trận cũng vận động theo yêu cầu chủ quan và thực tế khách quan, tức là vận động theo tình huống. Tình huống liên quan trực tiếp đến tạo thế (lập thế) hay nói cách khác, là nguyên nhân (mà cũng là kết quả) của tạo thế (lập thế). Nó đi từ việc dự kiến, gạn lọc đến tạo lập tình huống theo ý muốn của mình. Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã phải dự kiến rất nhiều tình huống mà dự kiến chính xác là một công việc thật không phải dễ. Chúng tôi quan tâm nhất đến tình huống địch tăng cường lực lượng. Quy luật phát triển tình hình trong chiến đấu (chiến dịch) cho chúng ta một nhận thức là địch luôn luôn phải tăng cường lực lượng cho các mục tiêu bị ta tấn công. Lực lượng này thường lấy ở đâu? Thông thường là biệt động quân dự bị quân khu và các sư đoàn chủ lực quân khu. Sau nữa là lực lượng tổng dự bị chiến lược: Lính dù và thủy quân lục chiến. Bí quá thì huy động lực lượng của các chiến trường (quân khu) kế cận. Ở đây, một cách khách quan, chúng tôi nhìn thấy khó có khả năng địch tăng cường lực lượng tổng dự bị cho Buôn Ma Thuột vì lực lượng này đang bị kìm chân, lính dù ở Thượng Đức, thủy quân lục chiến ở Trị Thiên (cùng lắm là chúng chỉ có thể dứt ra 1, 2 lữ đoàn). Tuy vậy, để loại trừ, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho các chiến trường trên phối hợp mạnh để giữ chân bọn này. Còn lại khả năng rõ nhất là địch sẽ tăng cường cho khu vực này bằng chính các lực lượng của Quân khu II, Sư đoàn 22 từ đồng bằng lên, Sư đoàn 23 từ Plei-cu xuống. Thêm vào đó là một vài liên đoàn biệt động quân. Như thế, dự kiến lực lượng được điều động ở mức cao nhất cho Buôn Ma Thuột là khoảng hai sư đoàn. Với lực lượng này, chúng tôi không ngại phải đối phó khi Buôn Ma Thuột đã giải quyết xong, nghĩa là chúng ta đã rảnh tay. Chỉ e rằng chúng tăng cường để phòng ngự dự phòng trước khi ta nổ súng hoặc đến trong lúc trận đánh còn đang tiếp diễn thì sẽ gây nhiều khó khăn cho ta. Bởi vậy phải dự kiến các tình huống có thể để tìm cách đối phó.

Chúng tôi dự kiến và thấy có khả năng loại trừ tình huống địch tăng cường lực lượng bằng máy bay có cánh cố định vì các sân bay xung quanh Buôn Ma Thuột ta đã khống chế bằng nhiều cách trong kế hoạch tác chiến. Địch có thể xuống Plei-cu, nhưng sân bay này không thể hạ cánh được C5A mà chỉ với loại máy bay vận tải quân sự này-có trong biên chế của ngụy- mới mang theo được xe tăng. Chưa nói đến Plei-cu lại không phải là Buôn Ma Thuột!

Chúng tôi cũng dự kiến và loại trừ luôn cả tình huống địch tăng cường bằng đường bộ, bằng cách đưa vào phương án tác chiến việc cắt đứt các đường quốc lộ số 19, 21 và 14. Địch nhạy cảm vô cùng với hai con đường huyết mạch 19 và 21 nối liền Tây Nguyên với đồng bằng, nhất là con đường 19-nguồn sống của Tây Nguyên. Chúng sẽ phải trả bằng mọi giá để giải tỏa con đường này. Lực lượng đưa đến có thể từ 1 đến 2 sư đoàn. Do đó, để bảo đảm cắt đường một cách chắc chắn, ngoài Trung đoàn 95-một đơn vị thiện chiến về đánh giao thông-đã có sẵn ở đây từ cuối năm 1973, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tham mưu và Quân khu V cho Sư đoàn 3 đến tham gia. Việc này, chúng tôi cũng đã có bàn trước với Thượng tướng Chu Huy Mân. Yêu cầu được chấp thuận. Chỉ còn vấn đề: Sư đoàn 3 lúc ấy đang đương đầu với Sư đoàn 22 ngụy ở vùng Bồng Sơn, Tam Quan, chống phá kế hoạch bình định của chúng. Ta rút đi, địch sẽ có cơ lấn tới? Không, chúng tôi đã tính là nếu đường 19 bị cắt thì một chứ có đến hai Sư đoàn 22 địch cũng phải tung ra mà giải tỏa và như thế là khu vực Bồng Sơn, Tam Quan sẽ nhẹ gánh hơn (thực tế sau này đã đúng như vậy). Như vậy là sẽ có 4 trung đoàn làm nhiệm vụ cắt giữ đường 19. Năm 1972, chúng ta dùng một lực lượng ít hơn cắt đường 13 (Đông Nam Bộ) và một lực lượng còn ít hơn nữa cắt đường 14 (Tây Nguyên) mà hàng mấy tháng trời địch không qua nổi. Ở đây ta lại chỉ yêu cầu giữ được một thời gian ngắn hơn nhiều. Ở đường 14, nhiệm vụ cắt giữ đường được giao cho Sư đoàn 320 (sư đoàn này còn một nhiệm vụ khác nữa), và ở đường 21 ít quan trọng hơn, Trung đoàn 25… Việc cắt đường cũng loại trừ một tình huống thứ ba nữa là địch rút chạy một cách tự do.

Như thế chỉ còn lại tình huống-hay nói cách khác ta buộc địch phải chấp nhận tình huống tăng cường bằng đổ bộ trực thăng, một tình huống không hấp dẫn lắm đối với địch ở một khía cạnh nào đó nếu không kết hợp được với đường bộ; ít nhất cũng là vì rất dễ làm mồi cho ta và khả năng cơ động tăng, pháo càng hạn chế. Việc phán đoán các khu vực đổ bộ trực thăng không khó và Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự kiến sử dụng Sư đoàn 10-ngay sau khi đánh xong Đức Lập-đối phó với tình huống này.

Chưa hết. Bằng cách loại trừ các tình huống trên, chúng tôi đã tạo nên tình huống mới: Địch bị cô lập hoàn toàn. Tây Nguyên cô lập chiến lược với đồng bằng. Buôn Ma Thuột cô lập chiến dịch với cụm binh lực chủ yếu Plei-cu, Kon Tum. Địch bị chia cắt mà ta thì hoàn toàn được tự do, được chủ động, đồng thời triển khai vững chắc các lực lượng khác ở những vị trí cơ động. Vào lúc ấy tức là một thế trận theo ý muốn của ta đã được xác lập và tôi xin trở lại cái ý ban đầu là vấn đề không phải đơn giản là như vậy.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, nghệ thuật chỉ huy, nói cho đúng, không phải chỉ bắt đầu từ việc tổ chức các đòn tiến công và cũng không phải kết thúc ở đấy. Bản chất của nghệ thuật khó khăn này là mưu kế. Nó được diễn ra trong suốt quá trình chuẩn bị và không dừng lại khi đã giành được thắng lợi (hoặc thất bại), đứng về ý nghĩa đơn thuần một trận đánh (hoặc một chiến dịch). Và bộ phận cấu thành quan trọng nhất của mưu kế là điều mà tôi muốn nhấn mạnh, là chỉ đạo tình huống. Nó gồm: Sự phán đoán (dự kiến), sự loại trừ (gạn lọc) và sự tạo lập những tình huống theo ý định của người chỉ huy. Nó là điều mà chúng ta vẫn quen gọi là đánh (hoặc chỉ huy) có bài bản. Và ý nghĩa triết học của nó được thể hiện trong mối quan hệ biện chứng này: Mưu kế càng sâu, thế trận càng phức tạp thì tình huống diễn ra càng giản đơn và chỉ huy càng chủ động. Lịch sử chiến tranh với những trận đánh hay (và dở) đã chứng tỏ điều đó.

Theo dự kiến của Bộ tư lệnh chiến dịch ngày 4 tháng 3 là mốc để bắt đầu tạo thế chiến dịch. Nhưng thực ra những tình huống được xử trí để dẫn tới thế trận xác lập đã được thực hiện từ cuối tháng 2 nếu không muốn nói là trước đó nữa. Không khó gì mà không nhớ lại sự kiện là Trung đoàn 45-trung đoàn mạnh nhất của Sư đoàn 23-từ những ngày cuối tháng 2 đã tích cực tìm dấu vết của ta ở Thuần Mẫn. Chúng tôi đã đôn đốc Sư đoàn 968 và một loạt những trận đánh của sư đoàn này bắt đầu từ 28 tháng 2 đã buộc trung đoàn ngụy 45, ngày 2 tháng 3, phải rút về Plei-cu để đối phó.

Ngày 4 tháng 3, theo trách nhiệm đã hiệp đồng, các đơn vị lần lượt tiến ra cắt đứt giao thông địch trên các đường 19, 21 và 14, chia cắt chiến lược và chiến dịch. Tiếp theo, ngày 8 ta chiếm quận lỵ Thuần Mẫn ở phía Bắc và ngày 9 tiến công quận lỵ Đức Lập ở phía Nam Buôn Ma Thuột. Cũng trong thời gian đó, trên tất cả các hướng tiến công Buôn Ma Thuột bộ đội ta đã vào vị trí tập kết cuối cùng. Thế trận bày xong.

Suốt cả ngày 9 tháng 3, chúng tôi luôn có mặt ở Sở chỉ huy, theo dõi các động thái của địch và nhất là các hành động của bộ đội ta.

Một mặt, các hành động ấy là cuộc tiến công của Sư đoàn 10 vào Đức Lập, một cuộc tiến công theo kế hoạch sẽ diễn ra nhanh gọn (chúng tôi rất tin khả năng của sư đoàn này) nhưng đã phải chậm lại vì vấp hỏa lực bất ngờ của những xe tăng địch đặt âm dưới mặt đất. Mặc dù trận đánh ở đó vẫn còn đang tiếp diễn, chúng tôi vẫn quyết định điều lực lượng cao xạ ở hướng này về Buôn Ma Thuột để làm nhiệm vụ phòng không cho trận đánh then chốt ngày mai. Ngày mai, nếu Sư đoàn 10 vẫn chưa giải quyết xong Đức Lập thì đương nhiên máy bay địch cũng sẽ tập trung hết về Buôn Ma Thuột, đó là điều thấy trước được.

Mặt khác, các hành động ấy là những bước chuẩn bị cuối cùng của các đơn vị sẽ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Vào lúc 14 giờ, trực ban tác chiến báo cáo với Bộ tư lệnh về kết quả chuẩn bị của từng đơn vị. Tiểu đoàn 4 trên hướng thọc sâu phía Tây, xong. Trung đoàn 95B trên hướng Đông Bắc, xong. Trung đoàn 149 trên hướng Đông Nam, xong. Trung đoàn 148 trên hướng Tây Bắc, xong. Trung đoàn 174 trên hướng Tây Nam, xong. Xe tăng, pháo binh, cao xạ, xong. Đặc công, xong. Các đơn vị bảo đảm, xong. Dự bị, xong.

Đồng chí trực ban tác chiến vừa báo cáo vừa nhìn tôi từ bên phải như có ý dò hỏi, hay sợ tôi nghe không rõ? Không, tôi vẫn chú ý nghe đồng chí đấy chứ, và tôi biết rằng mọi việc tất nhiên phải như thế, đồng chí hiểu không? Xoay người lại, tôi nói:

– Đồng chí trực ban, đồng chí cho kiểm tra lại phương tiện thông tin đi các hướng. Nhắc giữ nghiêm chế độ liên lạc theo giờ. Và yêu cầu cơ yếu sẵn sàng mã dịch ngay bức điện cho Sư đoàn 316. Hỏi xem phiên liên lạc cuối cùng với sư đoàn là mấy giờ?

Tôi muốn nói phiên liên lạc cuối cùng bằng máy vô tuyến điện 15W trước khi đơn vị này bước vào triển khai chiếm lĩnh. Đúng, chúng tôi đã dành cho Sư đoàn 316 mối quan tâm đặc biệt. Đương nhiên vì nó là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở đầu chiến dịch, lại là trận mở đầu có ý nghĩa then chốt. Hơn nữa, nó còn những nguyên nhân sâu xa để chúng tôi càng phải quan tâm. Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn được thành lập sớm của quân đội ta. Không còn nghi ngờ là nó đã lập được nhiều chiến công vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến và hiện nay nằm dưới sự chỉ huy của một Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Đàm Văn Ngụy. Tên tuổi của nó gắn liền với núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc và Thượng Lào. Nhưng đây là lần đầu tiên nó đương đầu với một đối tượng khác hẳn trên chiến trường mới lạ. Đó là điều khiến chúng tôi băn khoăn. Phải thừa nhận rằng lúc đầu cũng đã có ý định để Sư đoàn 316 đánh Đức Lập – một mục tiêu ít khó khăn hơn, và chuyển Sư đoàn 10, một sư đoàn thiện chiến trên chiến trường Tây Nguyên đánh trận then chốt Buôn Ma Thuột. Nhưng bởi vì Sư đoàn 316 được bổ sung cho chiến trường hơi muộn trong khi Sư đoàn 10 đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát vị trí Đức Lập nên sự thay đổi này sẽ khiến ngày mở màn chiến dịch phải lùi sâu hơn nữa. Điều đó không được. Chúng tôi hạ quyết tâm để Sư đoàn 316 đánh Buôn Ma Thuột và tự thấy trách nhiệm phải quan tâm đến đơn vị này nhiều hơn. Sau khi có phương án tác chiến, tôi và Đại tá Nguyễn Năng cùng với Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền ở Cơ quan đại diện Bộ Tổng tư lệnh đã trực tiếp xuống theo dõi và giao nhiệm vụ hiệp đồng cho Sư đoàn 316 trên sa bàn ở khu huấn luyện Đắc Đam. Với một tinh thần hăng hái và nhạy bén “nghề nghiệp”, vượt qua nhiều khó khăn, Sư đoàn 316 đã khiến chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải dành sự quan tâm theo dõi nhiều nhất đến sư đoàn này, đặc biệt là Trung đoàn 149.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
qdnd.vn

Trận then chốt quyết định (kỳ 3)
Trận then chốt quyết định (kỳ 2)
Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Kỳ 5: Thời khắc của lịch sử

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam