Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 8

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 8

Tháng Tư 17, 2014

Cái hố tử thủ

Trận đánh Sài Gòn đã bắt đầu, nhưng dân chúng chỉ phát hiện được vào ngày 9-4, một ngày sau cuộc ném bom dinh Thiệu. Ngày 7-4, trận đánh Phan Rang bắt đầu nóng bỏng. Đức không nhìn thấy nhưng nghe được tiếng pháo kích nặng nề trong tỉnh lỵ và căn cứ không quân cạnh đó. Ở Sài Gòn, Thiệu ra lệnh tống giam tư lệnh không quân Tân Sơn Nhất. Tướng 2 sao Nguyễn Văn Hiếu, phó tư lệnh quân khu 3 tự tử sau khi cãi nhau với tướng 3 sao Nguyễn Văn Toàn về chuyện phòng thủ thủ đô. Trận đánh lớn nhất là ở tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 38 dặm về hướng Đông Bắc. Toàn bộ một sư đoàn cộng sản tràn đến Xuân Lộc. Một cái hố tử thủ đã được đào vào thời điểm ấy.


Chiến sĩ sư đoàn 341 tấn công vào Xuân Lộc.

Phòng thủ Xuân Lộc là lính sư đoàn 18, sư đoàn tệ nhất trong quân đội Sài Gòn. Khi mới được thành lập, nó mang danh sư đoàn 10 và đi đến chỗ màng biệt hiệu “năm-bơ ten” (number ten), một tiếng Anh mà người Việt Nam nói bóng để chỉ “đồ tồi tệ nhất”. Do sự nhục mạ của dân chúng ngày càng nhiều đối với sư đoàn “năm-bơ ten”, nó được đổi thành sư đoàn 18. Giữa thập kỷ 60, nó là sư đoàn quá tệ, tới mức không gây đe dọa gì cho đám tướng lĩnh vốn sợ đảo chính nên nó được đóng trong vùng Sài Gòn.

Hai nghìn quả đạn pháo mở đầu cho trận đánh Xuân Lộc. Trận đánh kéo dài một ngày rưỡi. Xuân Lộc chưa chịu gục, nhưng các tư lệnh Bắc Việt Nam còn những lá bài khác trong tay. Hoa Kỳ đang viện trợ khẩn cấp cho Nam Việt Nam. Viện trợ ấy được trả bằng tiền trong các khoản lưu trữ từ 2 năm trước chưa dùng đến. Quốc hội Mỹ chưa chịu chi thêm viện trợ nhưng tiền trong két sắt lúc ấy vẫn còn quá đủ để giữ cho việc tuồn trang bị và đạn dược đến tay quân đội Sài Gòn trong nhiều tháng liên tục.

Khi trận Xuân Lộc bùng nổ, một chiếc C5A hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc sương mù vừa tan, mang đến 27 tấn mũ sắt và áo giáp chống đạn. Máy bay đỗ, đài Sài Gòn báo cho công chúng Việt Nam biết là ở phía bên kia địa cầu, Tổng thống Ford kêu gọi trong đêm rằng, quốc hội Mỹ nên cho Sài Gòn 722 triệu đôla viện trợ quân sự và 250 triệu đôla viện trợ kinh tế.

Thật ra, quân đội Sài Gòn chẳng cần tiền mà cần thay lãnh đạo. Một quyết định ngờ nghệch do tay tổng thống đưa ra ngày 11-4 là tung một lữ đoàn dù nữa vào Xuân Lộc để mong giành lấy chiến thắng, dù tượng trưng, mà Sài Gòn đang hết sức cần thiết. Lữ đoàn được chở bằng xe đến Long Bình. Ở đấy, lính dù được chất lên các trực thăng khổng lồ loại Si-núc. Mục tiêu cuối cùng là Xuân Lộc, nhưng hoả lực mãnh liệt của cộng sản trong thành phố khiến không thể nào chở quân bằng máy bay vào tỉnh lỵ được. Vì thế phải chọn một bãi đáp trong đồn điền cao su do Pháp quản lý, cách Xuân Lộc 5 dặm về hướng Đông. Đại đội đi đầu được thả xuống. Binh lính dàn trận. Chẳng có lấy một phát súng nổ. Trực thăng bay đi bay lại giữa đồn điền và Long Bình mang thêm lính dù đến. Các sĩ quan ở Sài Gòn và ở chiến trường khen nhau rối rít về cuộc hành quân bất ngờ này.

Trước lúc hoàng hôn, sư đoàn Bắc Việt Nam bao quanh đồn điền cao su bắt đầu mở trận tấn công. Đám lính dù quả thật chẳng hề có cơ hội chiến đấu nào nữa. Liều thuốc an thần cho Xuân Lộc thế là tan nát. Bị hoàn toàn bất ngờ, bị áp đảo ở tỷ lệ 3 đánh 1, đám lính dù đã bại trận ngay lúc trận đánh bắt đầu. Đó là trận đánh úp lớn nhất trong cuộc chiến được thực hiện hoàn hảo của một sư đoàn Bắc Việt Nam. Con số tử thương không lớn nhưng số lính dù tan tác tứ phương. Lữ đoàn bị xoá tên, không còn là lực lượng tác chiến nữa.


Chiến đấu tại Xuân Lộc.

Điều quan trọng sau trận đánh úp là 1 sư đoàn Bắc Việt Nam nữa bước vào tham chiến ở Xuân Lộc. Hai nghìn quả đạn pháo nữa nã vào tỉnh lỵ. Như vậy không đáng sợ bằng đêm đó, cộng sản dùng đặc công chui vào phá một kho đạn nhằm trang bị lại cho 15 tiểu đoàn lính Sài Gòn. Đêm sau, một quả đạn pháo trúng số độc đắc lại rơi trúng trung tâm kho đạn khổng lồ ở Biên Hoà. Kho này cần cho trận đánh Xuân Lộc gồm bom, đạn pháo và đạn súng bộ binh. Thêm đòn nghiêm trọng đánh vào Sài Gòn. Chiếc hố tử thủ đã đào nhưng chẳng có gì để lấp ở đó.

Binh nhì Đức trở lại với cuộc chiến được 4 ngày sau trận đánh Phan Rang mở màn ngày 9-4. Anh ta chẳng thích thú gì, nhưng ở Ninh Chữ ngày 13-4, một lần nữa anh ta cảm thấy cuộc sống của mình có mục đích. Hoả lực của Bắc Việt Nam ở đây rất nặng. Đức có thể nghe được và thấy được rằng nó còn nặng hơn ở Phan Rang nhiều. Có thể nghe thấy giao tranh dữ dội nhất là ở căn cứ không quân, nơi Nghi đóng sở chỉ huy.

Những đợt tấn công bằng bộ binh và Ninh Chữ chỉ là thăm dò. Chẳng có gì đáng để cố thủ ở trong làng, nhưng Đức và đồng ngũ cũng ở trong tình trạng báo động hoàn toàn suốt 6 đêm liền. Tiếng súng tuy nhiều nhưng thương vong ít. Trung tá Bảo, tay sĩ quan Sài Gòn khi mới đến có dáng dấp oai vệ giờ đây trông cũng như bọn họ, cũng mệt mỏi, dơ bẩn và nhàu nát.

Cộng sản càng ngày càng đổ thêm quân xuống quốc lộ 1. Ngồi trên xe tăng, xe nhà binh, xe đò và bất cứ xe gì mà họ gom được trên đường, đoàn quân áo xanh Bắc Việt Nam để về phía Nam, bỏ hầu hết những vùng mới chiếm được cho bộ đội địa phương. Họ tiến xuống phía Nam thật nhanh theo các con đường, quyết liệt cũng như đường mòn, đường biển. Chỉ trừ những cuộc hành quân trực thăng vận khi Mỹ có mặt, còn chẳng có quân đội nào trong lịch sử Việt Nam lại di chuyển nhanh chóng như lực lượng Bắc Việt Nam lúc bấy giờ.

Vĩnh Nghi ở lại sở chỉ huy Phan Rang cảm thấy tình hình tuyệt vọng. Thậm chí Nghi không biết đích xác mình có bao nhiêu quân, chỉ ước lượng có độ 1 sư đoàn, 7 đến 8 nghìn lính. Đó là tài xế, thư ký, dân vệ mới xung vào quân đội để giữ mạng sống cho mình. Không có chuyện trốn thoát bằng đường bộ. Nhưng lực lượng của Nghi cứ teo dần đồng thời với dân chúng ở Phan Rang. Thông tin liên lạc giữa Nghi và các vị trí bao quanh có vẻ khó.

Trong phiên trực gác, Đức đi cặp với một trong số ít dân vệ. Khi trò chuyện, người ấy đề cập cho Đức biết chuyện mồ mả gia đình Thiệu chỉ cách nơi họ núp trong hố đạn có khoảng 300 mét thôi. Đức nhận xét với vẻ châm biếm là giờ đây anh ta đã hiểu tại sao họ lại bảo vệ Ninh Chữ.

Vòng đai Xuân Lộc được nới rộng nhưng chỉ là lý thuyết sớm mai một. Bởi vì, tại Biên Hoà, cách Sài Gòn có 14 dặm, cộng sản đang tiến lên. Đêm 14-4, các pháo thủ đã nhằm trúng kho đạn. Khi phi công trình diện lãnh công vụ vào sáng ngày 15-4 thì một trong hai đường lăn không còn sử dụng được vì đạn pháo đào những lỗ trên đường băng bê tông. Những cuộc yểm hộ cho Xuân Lộc và Phan Rang đều phải ngừng lại. Pháo 130 ly vẫn bắn. Việc phi cơ không cất cánh được thành vấn đề nghiêm trọng. Một nửa số máy bay của không quân Sài Gòn nằm ở tại căn cứ này.


Pháo kích Biên Hòa.

Tại Xuân Lộc, Lê Minh Đảo biết là 3 sư đoàn Bắc Việt Nam (thực tế là 4) đe dọa sư đoàn mình. Đảo ra lệnh cho trung đoàn thứ ba và cũng là trung đoàn sau cùng nhảy vào trận đánh. Bắc Việt Nam tìm cách đẩy lùi trung đoàn này và cố chặn cả lực lượng cứu viện từ Trảng Bom tới. Họ tiếp tục vây hãm Xuân Lộc. Các lực lượng khác được lệnh vòng qua tỉnh lỵ và cứ tiếp tục tiến về Sài Gòn. Lực lượng cộng sản tiếp tục thế cóc nhảy, cắt đứt quốc lộ 1 ở phía sau trung đoàn 3 của Đảo. Họ đã ở phía Tây Trảng Bom cách Sài Gòn 21 dặm. Lực lượng địa phương của cộng sản trong vùng Sài Gòn nhận lệnh cấp thời. Vấn đề chỉ còn là thủ đô Nam Việt Nam sụp đổ thế nào và vào lúc nào mà thôi.

Ngày 15-4, Phan Rang thất thủ. Lực lượng Bắc Việt Nam bao trùm mọi phía của thành phố. Pháo binh phá nó tan hoang, bộ binh yên chí chờ đợi. Khi bộ binh và xe tăng tiến lên, sức chống cự họ chẳng còn mấy nữa. Thành phố thất thủ và cờ Việt Cộng được kéo lên. Tại sở chỉ huy của Vĩnh Nghi ngày 15-4, tình hình chưa quá tệ. Nghi nghe tin thị xã thất thủ với thái độ bình thản. Lúc ấy Nghi liên lạc với Toàn, tư lệnh quân khu 3. Qua điện đài, Toàn bảo Nghi rằng, Phan Rang phải chiến đấu càng lâu càng tốt để làm chậm bước tiến khổng lồ của cộng sản xuống quốc lộ 1. Tin Phan Rang thất thủ làm Toàn sững sờ. Nhưng báo cáo của Nghi về việc còn giữ được căn cứ không quân làm Toàn hứng khởi. Toàn nói với Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên để phái thêm lính sang sắp xếp lại ở Hàm Tân, đặt lính Sài Gòn ngăn cách hai lực lượng cộng sản đang tiến công Phan Rang với lực lượng bị chặn lại ở Xuân Lộc. Đây là kế hoạch tuyệt vời nhưng thời điểm thực hiện đã tuyệt vọng rồi.

Chiều tối ngày 15-4, kế hoạch và sự lạc quan này bay ra cửa sổ cùng tiếng nổ giòn của đại bác 130 ly đang dội tập trung vào căn cứ không quân Phan Rang. Từng cứ điểm vành đai bị phá tan tành. Binh lính bị giết hoặc chạy hết. Trinh sát viên hướng dẫn pháo bắn ngày càng gần sở chỉ huy, nơi Nghi đang nằm im dưới đất.

Đến đêm, xe tăng và bộ binh Bắc Việt Nam bắt đầu tiến vào căn cứ. Trong bóng đêm, đốm sáng lập loè bay tứ phía. Làn đạn xanh từ súng cộng sản nhiều hơn làn đạn đỏ của vũ khí Sài Gòn do Mỹ chế tạo. Trận chiến dữ dội. Khoảng gần sáng, Vĩnh Nghi báo cho các vị trí nằm ngoài sở chỉ huy Biên Hoà biết sở chỉ huy của mình sẽ mất vào bất cứ lúc nào.

Ở Ninh Chữ, binh nhì Đức xúc động về việc mất tỉnh lỵ hơn tướng Nghi, tuy anh ta và 400 binh sĩ khác chưa chịu đựng hoả lực bắn bao nhiêu. Ninh Chữ trở thành hòn đảo đơn độc. Bây giờ họ lại nghe qua điện đài lời báo của Nghi nói với đám binh sĩ ở Ninh Chữ và quanh Phan Rang hãy thoát đi bằng cách tốt nhất có thể được. Bộ đội Bắc Việt Nam bỏ qua làng ấy. Tàu thuyền sẵn và biển quá gần đến nỗi Đức có thể ngửi mùi nước mặn. Nhưng với Đức, ba lính thuỷ quân lục chiến và một lính biệt động thì lệnh rút lui ấy là một trong quá nhiều lệnh kiểu này. Đã rút hơn nửa chiều dài của Nam Việt Nam rồi! Không có chỗ để đứng lại hay sao?

Tại Ninh Chữ có một máy ủi đất và một trong ba lính thuỷ quân lục chiến biết cách bẻ khóa công tắc. Nó ụ lên thành một vật sống. Một người lính ngồi ghế lái, còn Đức và những người khác ngồi trên nóc, ở phía sau. Trung tá Bảo, viên sĩ quan Sài Gòn ra chịu trách nhiệm phòng thủ Ninh Chữ ra lệnh cho đám binh sĩ rời khỏi máy ủi. Đức và hai người lính bèn chĩa thẳng những khẩu M.16 vào viên sĩ quan để biểu lộ ra mặt sự chống lệnh. Bảo rút lui vào chỗ để máy truyền tin của ông ta.

Chiếc máy ủi chạy thẳng hướng đến khu mồ của gia đình Thiệu. Trong vòng 5 phút, các bia đá bị lưỡi gạt nghiến nát và mặt đất bị xới tung lên. Chẳng còn cách nào để nhận ra những ai đã được chôn ở đấy. Năm binh sĩ bước khỏi máy ủi đất với sự mệt mỏi chán chường và đi ra biển. Bảo cũng báo cáo hành động của họ cho Nghi biết và vặn tắt điện đài rồi cũng đi bộ ra biển. Ba ngày sau, họ đến được Vũng Tàu bằng chiếc thuyền đánh cá. Còn Vĩnh Nghi sa vào tay quân Bắc Việt Nam khi họ đánh căn cứ không quân.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)