Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Cuộc tháo chạy kinh hoàng và một huyền thoại mới

Cuộc tháo chạy kinh hoàng và một huyền thoại mới

Tháng Tư 30, 2013

 Bị “điểm đúng huyệt”, hơn 15 nghìn tàn quân của chế độ Sài Gòn ở Tây Nguyên buộc phải rút xuống đồng bằng qua con đường duy nhất là Đường 7 (nay là quốc lộ 25). Trong cuộc tháo chạy hoảng loạn này, chúng đã ép hàng nghìn đồng bào di tản. 35 năm sau, những người dân ở TP Pleiku, thị xã Ayun Pa vẫn chưa quên được những ngày hè đỏ lửa đau thương…

Cuộc di tản kinh hoàng

35 năm sau, người dân phố núi Pleiku và thị xã Ayun Pa (tên mới của địa danh Cheo Reo, Phú Bổn) vẫn chưa thể quên được những giây phút kinh hoàng trong cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của đám tàn quân ngụy. Hàng nghìn người dân ở đây đã bị cưỡng ép phải di tản, bị dồn lại ở sông Bờ, Cheo Reo, Phú Bổn, phải ăn lá rừng, uống nước sông để tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Lệ, bán hàng ở 22B Lê Đại Hành (TP Pleiku) năm nay đã 69 tuổi nhớ lại thời khắc ấy. Chiều 16-3-1975, khi đám tàn quân ép tất cả bà con tiểu thương phải bỏ cửa bỏ nhà theo chúng rút chạy. Bà Lệ lúc đó ngoài 30 tuổi cũng chỉ kịp cùng chồng dắt mấy đứa con, bị dòng người cuốn đi, rồi bị lùa lên những chiếc xe đò, xe lam chạy miết theo hướng Chư Sê (Đường 7). Sau đó, cả đoàn người kẹt cứng tại Phú Bổn và may mắn được bộ đội giải phóng cứu thoát. Cùng hoàn cảnh như bà Lệ, ông Phan Chánh ở phố Wừu (TP Pleiku) cho biết: Bữa ấy cả nhà ông ở Phú Bổn gồm bố mẹ và 8 anh em đang quây quần ăn cơm, bất ngờ một đám lính ngụy ùa vào, ép phải di tản cùng dòng người và xe ken đặc trên đường.

Khi địch co cụm về Cheo Reo, Phú Bổn, Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo đã phát lệnh vừa đánh địch, vừa tách dân và bảo vệ dân. Ngay lập tức, đơn vị bộ đội địa phương H11 được lệnh làm công tác dân vận. Chiến sỹ ta tiếp cận với dân chúng đang kẹt lại dọc Đường 7, bắc loa kêu gọi đồng bào ra xe Quân giải phóng đón về nhà. Ông Lê Tăng Binh đang sống tại đường Cách Mạng (TP Pleiku), một trong những cán bộ binh vận thuộc H11 kể lại, cùng đơn vị với ông có không ít cán bộ đã hy sinh khi bị lính ngụy trà trộn trong dân nổ súng…

Những câu chuyện đậm chất nhân văn

Bà Nguyễn Thị Lệ rân rấn nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình cô em gái: Bốn mẹ con lạc gia đình vào rừng phải ăn lá cây cầm cự, không biết ngày mai ra sao thì may gặp 3 chiến sỹ Quân giải phóng theo đội hình chiến đấu truy kích địch. Chính những người lính cách mạng này đã chia khẩu phần ăn cho họ rồi chỉ đường cho mọi người tìm ra chỗ xe ô tô của Quân giải phóng đưa dân quay về nhà.

Ông Vũ Xuân Mân, nguyên Chính trị viên Huyện đội H11 (huyện Phú Thiện, Ia Pa thuộc tỉnh Gia Lai bây giờ) trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 7 kể: “Ác liệt nhất là trận truy kích địch trên đoạn đường dài chừng 10km từ cầu sông Bờ đến chân đèo Tôna thuộc địa phận huyện lỵ Phú Bổn. Đây là đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu hun hút. Quá đông người dân, binh lính và phương tiện quân sự địch ào ạt tháo chạy làm cho đoạn đường tắc nghẽn. Từ sáng 15-3-1975, địch cho máy bay trực thăng rải truyền đơn xúi giục nhân dân di tản. Là chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương, vừa phải tham gia với Trung đoàn 95 và Sư đoàn 320 đánh địch, vừa làm công tác dân vận nên theo ông Mân, nhiệm vụ của H11 khá căng. Chiều 18-3, khi đang hối hả chỉ huy anh em tiến quân ven Đường 7, ông Mân như sững lại trước hình ảnh người phụ nữ cùng 4 đứa nhỏ mệt lả, bị bỏ lại ven đường. Hỏi ra mới biết đó là vợ con của một đại úy quân đội Sài Gòn. Ông Mân đã cùng người chiến sỹ liên lạc san sẻ những phong lương khô là khẩu phần ăn của mình cho các cháu nhỏ và tìm xe để họ trở lại tuyến sau…

Còn thầy giáo Phạm Công Thỉnh, giảng viên ĐH Mỏ – Địa chất Hà Nội, từng là bộ đội Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 tham gia truy kích địch tại Cheo Reo, Phú Bổn thì chưa thể quên được câu chuyện đầy tính nhân văn trong khói lửa cuộc chiến. Trưa 18-3, bộ đội ta tiến vào Phú Bổn. Lúc mặt trận im tiếng súng, anh cùng đồng đội đi dọc thị xã vừa bị quân địch tàn phá tìm kiếm để cứu những người dân bị thương còn sót lại trong từng ngôi nhà. Khi vào một ngôi nhà còn tương đối nguyên vẹn, Thỉnh như sững lại khi thấy thấp thoáng bóng một sắc lính ngụy còn ẩn nấp phía sau. Sau tiếng quát đanh thép “Đứng im!”, Thỉnh và đồng đội thấy người lính ngụy tỏ ra lúng túng với một bọc nhỏ trong tay. Thì ra đây chính là cháu nhỏ mà vợ anh ta mới sinh được có vài ngày cũng bị lùa tham gia vào cuộc tháo chạy. Thỉnh và đồng đội đã góp lại từ trong những chiếc ba lô của quân giải phóng ra các khẩu phần cá nhân đường sữa ít ỏi để đưa cho người lính phía bên kia chiến tuyến và khuyên anh ta sớm ra trình diện chính quyền cách mạng…

Theo ông Vũ Xuân Mân, cuộc truy kích địch tại Cheo Reo, Phú Bổn từng được Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá mang tầm nghệ thuật quân sự trong lịch sử chiến tranh Đông Dương. Cụ thể, lực lượng bộ đội địa phương H11 vừa chiến đấu cùng các cánh quân chủ lực vừa trực tiếp tham gia giải phóng cho 3.000 người dân ở TP Pleiku, thị xã Phú Bổn và nhiều nơi khác.

Sức sống mới trên vùng đất cũ

…”Nhiều cựu chiến binh trong Nam ngoài Bắc là đồng đội của chúng tôi năm xưa, giờ trở lại nơi này đã không thể ngờ rằng cán bộ và đồng bào các dân tộc địa phương ở đây đã và đang viết lên một huyền thoại mới của thời kỳ hội nhập” – Ông Phan Cự Hảo, Chủ tịch Hội CCB thị xã Ayun Pa bộc bạch. Theo lời ông, Ayun Pa hôm nay đổi thay rất nhiều. Dự án cải tạo, nâng cấp QL25 từ Gia Lai đi Phú Yên vừa được Cục Đường bộ Việt Nam hoàn chỉnh báo cáo đầu tư với tổng chiều dài gần 100km, tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Rồi QL25 sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m. Khi toàn tuyến hoàn thành, ngoài việc rút ngắn gần nửa chặng đường so với QL19, QL25 cũng đỡ phần đèo dốc nguy hiểm. Và mai này, cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) được hoàn thiện đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn, khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đi vào hoạt động, lúc đó việc vận chuyển hàng hóa lên Tây Nguyên và ngược lại trên QL25 sẽ vô cùng thuận tiện và kinh tế. QL25 cũng sẽ kết nối vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn của Bắc Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Đoạn khởi đầu của QL25 sẽ đi qua thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) – đây là “thủ phủ hồ tiêu” của cả nước, với diện tích trên 3.000ha, năng suất 40 tạ/ha. Các tỷ phú trồng tiêu mỗi năm thu nhập dăm trăm triệu đồng trở lên ngày càng nhiều. Phía dưới đèo Chư Sê, công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành từ năm 1992, có sức tưới 13.500ha. Hệ thống kênh chính Bắc, Nam và mạng lưới kênh mương nội đồng ngày càng vươn xa, đất đai ở Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa như vỡ ra, cây cối nứt mầm, xanh tốt báo hiệu những vụ mùa bội thu. Bí thư Thị ủy Ayun Pa Châu Ngọc Tuấn khẳng định: “Trong tương lai gần, thị xã Ayun Pa sẽ là điểm nhấn về kinh tế dọc theo QL25”. Tháng ba Tây Nguyên đầy nắng và gió, dù đang là mùa khô nhưng những cánh đồng Yaun Hạ dưới chân đèo Tuna lúa tốt bời bời…

Theo: HNMo-Dương Hiệp
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam