Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Chuyên án H86 một bài học cảnh giác

Chuyên án H86 một bài học cảnh giác

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Ông Nguyễn Trung Tín năm nay 88 tuổi sống ở thành phố Quy Nhơn, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định thời chống Mỹ (từ 1967). Sau ngày nước nhà thống nhất, ông là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, rồi về lại quê hương Bình Định làm Bí thư Tỉnh ủy thêm một thời gian nữa; là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 6. Bài viết dưới đây dựa trên tư liệu do ông kể lại và đã được công bố một phần trong hai tập hồi ký ngót 1000 trang “Ở lại với dòng sông” (NXB Văn học, Hà Nội, năm 2008). Chuyên án H86 diễn ra cách đây gần 30 năm, song bài học về tinh thần cảnh giác, liên tục tấn công địch trong cuộc chiến đấu thầm lặng làm trong sạch nội bộ còn mang nhiều ý nghĩa thời sự cho hôm nay.

Từ năm 1983 tôi về Lâm Đồng đảm trách Bí thư tỉnh ủy, kiêm trưởng ban Ban 04 (gọi tắt theo Chỉ thị 04/CT-TW ngày 2-2-1977 của Ban Bí thư về phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, gắn với vấn đề Phun-rô ở các tỉnh Tây Nguyên). Lúc đó qua thực tế các cơ sở, tôi biết Phun-rô đã bị ta đánh liên tục, tan rã, ra hằng ngày càng nhiều. Nhưng tại sao quân báo tỉnh lại báo cáo “quân Phun-rô mở nhiều trận đánh, lực lượng chúng còn mạnh?”. Có lần quân báo đưa tin: Địch về điểm X, đến nơi chúng đã mất tăm. Cũng có lần ta đang hành quân bị địch phục kích gây thương vong. Đối với những tin thất thiệt, có người biện hộ là nghề tình báo, trăm tin đúng cũng có một tin sai chứ! Song thâm tâm tôi vẫn nghi có vấn đề nội bộ mà không tiện nói ra. Trong một lần giao ban giữa ba ngành, đại diện quân báo, Đại úy Nguyễn Văn Hai báo cáo là hiện có khoảng một trăm tên Phun-rô đã về Đức Trọng, trong khi đại diện công an nói là chưa nắm được gì. Anh đại úy quân báo to khỏe đẹp trai này, trong lý lịch thì ghi tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, được kết nạp Đảng trong thời chống Mỹ, hiện luôn tỏ ra năng nổ, có biệt danh “Át chủ bài đánh Phun-rô”. Nhân thân như vậy thoạt nghe không tin cậy sao được. Thế rồi có một lá thư nặc danh gửi tới tôi, tố cáo “Ông Hai trước làm trưởng ban Diệt trừ sốt rét của ngụy; từng là Chủ tịch hội đồng Đà Lạt; là tay chân đắc lực cho tỉnh trưởng Tuyên Đức Nguyễn Hợp Đoàn… mà sao bây giờ làm đến đại úy quân đội ta?”. Bức thư chữ viết to, rõ ràng bằng mực tím trên trang giấy học trò. Xâu chuỗi lại sự kiện, rõ ràng những báo cáo gần đây của Hai là không chính xác, kết hợp với thư tố cáo kia, dẫu là nặc danh cũng cần phải xác minh ngay.

Cuối năm 1988, Chuyên án H86 đã kết thúc thắng lợi, tình hình xã hội của Lâm Đồng ổn định. Nhân chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm nhà riêng của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín (người ngồi đối diện với Thủ tướng) ở thành phố Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1984, chúng tôi họp với đại diện Quân khu 5, có Đại tá Long Ba, Phó chủ nhiệm Cục Chính trị quân khu dự, những điều nghi vấn về Hai đã được đưa ra với các tài liệu có liên quan. Giở nhiều nguồn hồ sơ lý lịch thì phát hiện có nhiều mâu thuẫn, mờ ám trong các bản kê khai. Chẳng hạn, ghi quê Sông Bé, nhưng Bến Tre mới thực là quê gốc. Phòng Bảo vệ quân khu về Bến Tre xác minh, anh ta rời địa phương từ khi mười bốn, mười lăm tuổi, biệt tích không về quê suốt hai chục năm; tên gọi lúc bé của anh ta theo tiếng Tây là “Paul”. Một điều nữa: Người mà Hai khai trong lý lịch, cấp ủy giới thiệu vào Đảng, thực chất là một tên ác ôn bị cách mạng xử tử hình vắng mặt, phải trốn về Sài Gòn từ năm 1963 và hắn không có quan hệ gì với Hai. Một tài liệu khác cho thấy hắn là con nuôi của Thiếu tướng ngụy Trần Tử Oai, phụ trách Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sau làm Tổng quản trị Nha Diệt trừ sốt rét của ngụy. Trong tàng thư của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) còn phát hiện từ tháng 1-1966 Hai làm mật báo viên cho cảnh sát đặc biệt tỉnh Tuyên Đức. Vậy là những tố cáo trong thư nặc danh có cơ sở. Trong quá trình xác minh lý lịch của Hai còn phát hiện thêm một cái tên khác có liên quan cũng có thời gian phục vụ trong quân đội đó là Phan Thành Lợi. Lợi sinh năm 1927, là cán bộ kháng chiến, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được giao ở lại hoạt động bí mật, cuối năm đó bị địch bắt tù 3 năm ở Côn Đảo, rồi khám Chí Hòa. Điều đáng nói là khi anh ta bị bắt, các đầu mối trong cơ sở đều bị địch phát hiện, bắt hoặc giết. Sau khi được tha, anh ta tham gia Quân giải phóng, rồi vào mạng lưới điệp báo A22 của Quân khu 6. Vậy là Lợi có tới 8 năm không sinh hoạt Đảng, đột nhiên nối lại sinh hoạt khi về A22. Anh này trong thời gian hoạt động trong A22 đã làm giấy giới thiệu giả, tạo lý lịch tốt cho Hai để được vào Đảng. Việc đưa thêm Lợi vào diện “hiềm nghi” cũng có nghĩa là có thêm một đầu mối dễ cho công tác điều tra. Sau Tết Bính Dần (1986), đoàn cán bộ của Cục bảo vệ an ninh quân đội vào, thông báo ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Chính trị: Đây là vụ án lớn, cần khẩn trương làm rõ ngay, phải phá án bằng cách bắt bí mật đối tượng. Ban chuyên án H86 ra đời do Quân khu 5 chủ trì, dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Nội vụ và Cục Bảo vệ. Đã có thêm nhiều chứng cứ xác định được tội danh của Hai là hoạt động gián điệp, của Lợi là đầu hàng, phản bội làm tay sai cho giặc. Cũng có ý kiến: Cần có thời gian để điều tra thêm, củng cố chứng cứ cho chắc, song tôi cùng anh Huỳnh Minh Nhựt, Phó bí thư tỉnh ủy thì cho rằng, đã đến lúc khẩn trương bắt chúng để đề phòng hậu họa. Anh Long Ba đảm nhận trực tiếp bắt tên Hai. Cuộc họp của ban chuyên án hôm ấy căng thẳng và kéo dài đến 2 giờ, khi tan họp, phố phường Đà Lạt im ắng, ngủ ngon trong làn sương lạnh đầu xuân, vậy mà về đến nhà tôi vẫn thao thức không ngủ được, liệu phương án bí mật bắt tên gián điệp đó có thông đồng bén giọt?

Phương án bắt Hai khá chu đáo, tỉ mỉ: Dựng lên cuộc hội nghị bàn về chống Phun-rô các tỉnh Tây Nguyên tại TP Hồ Chí Minh, thành phần dự ngoài chỉ huy quân sự các tỉnh còn có cán bộ bảo vệ và quân báo. Đoàn Lâm Đồng về họp trên một chiếc xe Von-ga đen, Hai được xếp ngồi giữa anh Kha, Thiếu tướng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và anh Loan, Trưởng ban an ninh, trước đó đã tung tin, Hai đi dự họp hội nghị cấp cao lần này sau đó được Quân khu đưa ra Đà Nẵng báo cáo điển hình chiến sĩ thi đua với thành tích chống Phun-rô. Điều này hẳn làm hắn vững dạ, dẫu bị ngồi kẹp giữa hai “thủ trưởng” trên suốt hành trình. Đến nơi, anh Long Ba thông báo, đồng chí Phó tư lệnh Quân khu 5 mời gặp riêng chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh và trưởng ban an ninh. Khi hai người vừa ra khỏi nhà thì các chiến sĩ an ninh ập vào đọc quyết định bắt Hai. Lập tức hai tay Hai bị tra vào còng số 8, người y mềm nhũn, khụy xuống. Khám trong người y có khẩu súng ngắn K59, đạn đã lên nòng. Súng không bao, dắt vào thắt lưng, rõ ràng con cáo già này đã chột dạ, nếu không bắt bí mật, bất ngờ ắt hắn sẽ hành động trước. Về sau khai thác, được biết: Bà mẹ một công an viên trong chuyên án vô tình tiết lộ vài công việc của người con với hắn khi gặp ngoài chợ, nên hắn đã linh cảm được phần nào mối nguy hiểm bị lộ thân phận, luôn giắt súng trong người. Cùng thời điểm bắt Hai, tên Lợi đang là phó bí thư chi bộ một phường ở Đà Lạt, cũng bị công an giam lỏng, khai thác tại một địa điểm khác.

Nguyễn Văn Hai vào nhà giam Chí Hòa. Suốt mấy tháng trời đấu tranh, lúc đầu hắn cúi đầu nhận tội, sau lại phản cung, khi ta đưa ra những bằng chứng hắn đành nhận tội, nhưng chỉ nhận tội thuộc phạm vi hình sự chứ không phải chính trị, chống phá cách mạng. Vụ án được mở rộng ra nhiều đối tượng khác, trên nhiều địa bàn các tỉnh phía Nam tập trung vào thời gian 20 năm của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng hàng chục năm sau ngày giải phóng. Cuộc đấu tranh đó diễn ra gay go phức tạp hơn nhiều so với dự kiến khi phá án. Trong bản cung khai cuối năm 1986, Hai đã thú nhận: “Tôi dấn thân vào con đường phản cách mạng từ khi được Thiếu tướng Trần Tử Oai, phụ trách Trung tâm huấn luyện Quang Trung tin dùng, nâng đỡ, đào tạo tình báo, do CIA đài thọ, chi phối…”. Đáng lẽ vụ án kết thúc trong năm 1987, song với bản chất lật lọng, ngoan cố, hai tên Hai và Lợi lại đồng loạt phản cung. Chỉ đến khi có thêm sự việc của hai chỉ huy Phun-rô đã ra đầu thú là Konso Linit và Hà Siêng, có chứng cớ hiển nhiên về hoạt động tình báo của Hai, hắn mới chịu nhận tội. Ngày đó anh Long Ba đã cùng ba cán bộ Phòng Bảo vệ Quân khu bí mật luồn rừng suốt hai ngày đêm đến được hang đá trú ẩn của Linit ở giáp giới tỉnh Đắc Lắc, mang về những vật chứng quý giá, trong đó có lá thư viết tay của Hai vạch kế hoạch cho Phun-rô chống phá, cùng việc y chủ mưu trong việc giết một đồng bọn để bịt đầu mối. Tháng 5-1988, chúng tôi nhận được chỉ thị của Ban Bí thư, chuyên án H86 tiếp tục chuyển sang giai đoạn hai. Chuyên án mới do đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (sau này là Bộ trưởng) làm trưởng ban, Thiếu tướng Nguyễn Như Kính, Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh quân đội làm phó trưởng ban, tôi làm ủy viên.

Nhìn lại, những năm tiến hành Chuyên án H86, đã diễn ra khá phức tạp, nhưng cuối cùng đã hoàn toàn thắng lợi, chặn đứng được âm mưu hoạt động của Phun-rô trên địa bàn Lâm Đồng. Hai, Lợi và một số tên khác tuy chưa giữ những chức vụ lớn, song nếu không phát hiện kịp thời, chúng sẽ còn luồn sâu, leo cao thì càng nguy hiểm. Đây thực sự là bài học quý báu trong thời hậu chiến để rà soát lại công tác cán bộ, làm trong sạch nội bộ, tỉnh táo đề phòng những hoạt động chống phá của kẻ địch từ bên trong.

Phạm Quang Đẩu
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử