Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Gian khó, hy sinh tới cận kề chiến thắng ( Phần 1)

Gian khó, hy sinh tới cận kề chiến thắng ( Phần 1)

Tháng Tư 30, 2013

QĐND Online-Sau 35 năm, nhìn lại thành phố được dựng xây, đổi mới, những con đường ngày càng to đẹp, những tòa nhà ngày càng hiện đại, đã có người cho rằng, sau chiến thắng Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, đến chiến dịch cuối cùng Tháng Tư 1975, ta dễ dàng giành thắng lợi, trong thế “như chẻ tre”!

Không phải vậy! trong hồi ức của mình, thiếu tướng Phan Hàm nguyên phó Tư lệnh mặt trận Tây Nguyênkhẳng định: Trong những giờ phút cuối cùng và hôm trước ngày chiến thắng, ngày 29 tháng 4, trên các hướng tiến công, đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Trong những giờ phút này, cán bộ và chiến sĩ của ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu, can trường và quả cảm. Đó là những tấm gương hy sinh vô cùng cao cả. Thắng lợi đã ở trong tầm tay, hạnh phúc chung và hạnh phúc riêng đang chờ đón, nhưng cán bộ và chiến sĩ ta vẫn bình thản, nhận lấy sự hy sinh riêng mình, mà không mảy may toan tính thiệt hơn.

Điều này nữa, với cách đánh nhanh chóng đập tan sức kháng cự của địch từ vòng ngoài thành phố, bằng cách đánh dứt điểm, không cho chúng co cụm, ứng cứu cho nhau, không để chiến sự ác liệt xảy ra ngay trong hang ổ cuối cùng… Quân giải phóng đã cứu Sài Gòn khỏi tan hoang đổ nát.

*   *   *

Trói địch lại, không cho liên kết ứng cứu

Sau hai ngày chiến đấu, Trên hướng Bắc, nhận thấy tất cả các cánh quân đều thực hiện đúng kế hoạch, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh công kích trên toàn mặt trận, đánh thẳng vào các mục tiêu đã quy định: Rạng ngày 29 tháng 4, Bộ tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên đã lệnh cho sư đoàn 316 tiếp tục vây chặt khu Trảng Bàng, nắm thời cơ, phát triển tiến công, dứt điểm khu này. Sư đoàn 320A có nhiệm vụ tiêu diệt Đồng Dù; còn sư đoàn 10, được phối thuộc thêm trung đoàn 64 của sư đoàn 320A và trung đoàn 198 đặc công, chuẩn bị thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn.

Đồng Dù là căn cứ của sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” trước đây. Nó nằm trên hướng tây bắc Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 30 kilômét, diện tích khoảng 8 kilômét vuông, bốn bề dây thép gai chằng chịt; giữa lô cốt mẹ, lô cốt con, bãi xe, bãi pháo, nhà kho, nhà lính chẳng chịt. Trước kia Đồng Dù được dùng làm bàn đạp để tiến công vào căn cứ Tam giác sắt nổi tiếng. Trong thời buổi Việt Nam hoá chiến tranh, nó là điểm tựa cơ bản trong tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn; và trong chiến dịch này, nếu không diệt được nó, thì nó là bàn đạp phản kích vào sau lưng, bên sườn của binh đoàn thọc sâu.

Không xa Đồng Dù, quốc lộ 1, chạy từ Trảng Bàng về Sài Gòn, phải vượt qua cánh đồng lúa rộng mênh mông, giữa có một cái cầu không dài lắm: cầu Bông; và phía bắc nó, trên đường 15, lại có một cái cầu nhỏ khác: cầu Sáng. Cả hai đều ngắn, trông chẳng ra gì, nhưng rất ác hiểm. Những trinh sát viên, đi điều tra ban ngày, đã đến tận nơi xem xét kỹ càng về báo cáo lại, càng làm cho Bộ tư lệnh quân đoàn thêm lo lắng. Hai bên đường là ruộng lầy, ở các đầu cầu, địch đã đặt sẵn những khối thuốc nổ to tướng. Vận động giữa đồng trống, trên những con đường độc đạo này, xe tăng và các loại xe cơ giới khác của ta sẽ là những cái bia di động rất tốt cho các khẩu pháo phòng tăng của địch, bố trí sẵn trên các mỏm đồi, hay trong rìa xóm làng ở gần đây. Kế hoạch tiến công Đồng Dù của sư đoàn 320A và đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng của trung đoàn đặc công 198 liên quan mật thiết đến việc thọc sâu của sư đoàn 10. Chỉ cần phối hợp không chặt chẽ, nổ súng không đúng thời cơ, là đối phương có thể gây khó khăn cho ta.Nếu đánh chiếm hai cầu sớm, Đồng Dù sẽ tung xe tăng ra phản kích vào đặc công; ngược lại, nếu đánh Đồng Dù sớm và khi cứ điểm này có nguy cơ bị tiêu diệt, họ sẽ giật mình, phá sập cầu, làm ngăn trở đường tiến công vào nội thành. Đây chính là chỗ mà người cán bộ chỉ huy phải tỏ bản lĩnh của mình. Sau khi cân nhắc, tính toán kỹ, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định thời cơ đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và bàn đạp Hóc Môn là lúc sư đoàn 320A đã xiết chặt vòng vây chung quanh căn cứ Đồng Dù, nhốt chặt sư đoàn 25 trong hàng rào kẽm gai .

Tiêu diệt Đồng Dù

Đúng 2 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, các cụm pháo binh bắt đầu bắn phá Đồng Dù. Cùng lúc này, các chiến sĩ đặc công của trung đoàn 198 nhanh chóng đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, phát triển đánh tan tiểu đoàn biệt kích dù ở đây. Chớp thời cơ, đại đội 10 và trung đoàn 64 lên chốt chặn trên đường quốc lộ 1, đánh phản kích, bảo vệ cầu Bông.

Hoà trong tiếng súng ở cầu Bông, cầu Sáng, tại căn cứ Đồng Dù, các đơn vị bộ binh bộc phá mở cửa. Trên hướng tây bắc, đại đội 3 thuộc trung đoàn 48, nhanh chóng phá được hai lớp hàng rào ngoài cùng. Địch phát hiện hướng cửa mở, vãi đạn vào đội hình đơn vị. Bộc phá viên bị chặn lại trước cửa mở. Đại đội trưởng Tăng cho tập trung hoả lực: súng B40-B41 được điều động lên nã đạn vào tuyến lô cốt ngoài cùng. Súng cối của khẩu đội Trần Văn Thành, dựng gần đứng, bắn vào bên trong tường đất. Hoả lực địch tạm tắt. Nhanh như sóc, bộc phá viên xông lên đánh tiếp được hai lớp rào; địch lại ngóc đầu dậy bắn như mưa. Trong ánh lửa, người ta thấy bóng Nguyễn Khắc Bảo, ôm bộc phá lao lên. Lại một hàng rào nữa bị đứt, nhưng người bộc phá viên dũng cảm kiên cường ấy đã ngã xuống anh dũng hi sinh. Được trung đội 7 hoả lực tập trung chi viện đắc lực. Nguyễn Văn Linh theo gương Bảo lao lên, cùng với cả khối thuốc nổ, phá tan hàng rào cuối cùng., Vũ Văn Sơn, trung đội trưởng trung đội 9-dẫn đơn vị lên chiếm đầu cầu.

Cửa mở thứ hai của trung đoàn 48 do đại đội 11 phụ trách. Đơn vị dùng mìn liên kết, phá tung 5 lớp rào ngoài. Cũng như trên hướng đại đội 3, địch vãi đạn như trấu vào đột phá khẩu, một chiếc xe tăng, từ trong tung thâm chạy ra, nấp sau ụ đất lớn, định dùng khối sắt thép này bịt cửa mở chặn các chiến sĩ ta đang ôm bộc phá lao lên. Đội hình ùn lại, nguy hiểm vô cùng. Đại đội trưởng Nguyễn Công Bạ, lùi ra sau, điều ngay chiến sĩ B41 Nguyễn Tiến Ngọ lên. Bạ nổ một loạt tiểu liên, tháp pháo của xe tăng địch vừa quay sang thì Ngọ đã ôm súng lách sang một bên tránh đạn, giương súng, bấm cò. Chiếc xe tăng bị cháy, sáng rực một góc đồn. Địch vẫn chống trả quyết liệt. Lại thương vong. Đại đội trưởng vớ ngay một khẩu B40 của một chiến sĩ bị thương nằm ngay bên cạnh, gọi bộc phá viên Lê Văn Sử đến. Quả đạn của Bạ vừa nổ, khói trùm cả khẩu đại liên, cũng là lúc Sử xông lên, đặt bộc phá vào lớp hàng rào thứ 6. Sau một tiếng nổ long trời chuyển đất, cửa mở toang. Khi làn sóng người xông lên chiếm được hậu cứ của trung đoàn địch, thì trời đã sáng từ lâu.

Hướng tây nam, trung đoàn 9 đang mở cửa thì hai đại đội địch, từ hướng Củ Chi ra phản kích, đánh vào sau lưng đơn vị. Sau khi đưa hai đại đội ra, để chặn địch lại, toàn bộ trung đoàn cùng với đại đội 11 trợ chiến, chia làm hai mũi vòng sang cổng chính, theo cửa mở sẵn của trung đoàn 48, chọc thẳng vào tung thâm. Mặt trời càng lên cao, sức tiến công của tiểu đoàn 1 cũng yếu dần, vì số xạ thủ B40-B41 của đại đội 3 đã thương vong gần hết, ban chỉ huy trung đoàn 48 phải tung tiểu đoàn 2 và 4 xe tăng là lực lượng dự bị, vào chiến đấu, đi theo cửa mở của đại đội 3, phát triển vào khu vực công binh.

Trận đánh Đồng Dù là trận đánh gay go ác liệt nhất, trong tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn. Nhờ có chỉ huy quyết tâm, lãnh đạo chặt chẽ, hiệp đồng gắn bó, cán bộ và chiến sĩ sũng cảm, mưu trí, linh hoạt nên đến 11 giờ trưa hôm ấy, sư đoàn 320A hoàn toàn làm chủ chiến trường. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, trốn ra rừng cao su, bị nhân dân và dân quân du kích Củ Chi bắt sống

Tại chi khu Trảng Bàng, cách Đồng Dù 10 cây số về phía bắc, sau những ngày chốt chặn, bao vây, áp sát, sư đoàn 316 nhân lúc địch hoang mang dao động, chuyển sang tiến công. Bị pháo binh ta dần cho bốn ngày liền, sư đoàn 25 nguỵ ở Bến Kéo, Cẩm Giang, Tà Vo, Đồng Chua, suối Sâu, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ tan rã từng mảng. Toàn bộ hai trung đoàn 46 và 49, liên đoàn bảo an 251, một chiến đoàn thiết giáp địch bị sư đoàn 316 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích Tây Ninh bắt làm tù binh. hệ thống phòng ngự, từ Đồng Dù đến Gò Dầu Hạ bị quét sạch. Một bộ phận thiết giáp và liên đoàn biệt động quân 32, từ Khiêm Hạnh kéo chạy về, bị diệt luôn một số, số còn lại tan rã tại chỗ.

Giải phóng Hóc Môn, mở cửa vào thành phố   

Trong lúc sư đoàn 320A ghì chân địch lại để tiêu diệt, thì sư đoàn 10 nhanh chóng và khôn khéo vòng qua Đồng Dù; táo bạo lướt qua hệ thống đồn bốt địch chưa bị tiêu diệt, tiến vào Hóc Môn. Trung đoàn 24 và một tiểu đoàn xe tăng vòng sang tây bắc Củ Chi, theo quốc lộ 1, vượt qua cầu Bông. Trung đoàn 28, trung đoàn 4 pháo binh, tiểu đoàn 2 xe tăng thì rẽ qua Phú Hoà Đông, Tân Quy, theo tỉnh lộ 15 qua cầu Sáng. Trung đoàn 66 làm dự bị, đi sau. Đến 11 giờ, một cánh quân lớn của địch từ Hậu Nghĩa tiến ra ngăn chặn, bị sư đoàn 10 cùng với trung đoàn 1 Gia Định đánh tan, rồi tiếp tục tiến về Củ Chi. Ở đây, đã diễn ra cuộc chiến đấu rất quyết liệt giữa trung đoàn 64 của sư đoàn 320A, được phối thuộc cho binh đoàn thọc sâu, với thiết đoàn 10 xe tăng địch. Vừa lúc ấy, bộ phận đi đầu của trung đoàn 24 xốc tới, tiến công hợp đồng. Bị đánh cả trước mặt lấn sau lưng, thiết đoàn 10 xe tăng tháo chạy, rút qua cầu Bông, thì bị ngay tổ chốt của trung đoàn 64 và tiểu đoàn 20 đặc công chặn lại. Từ phía sau, trung đoàn 64 và 9 xe tăng dồn đánh thốc tới. Địch tán loạn, lao bừa xuống ruộng lầy. Trên mặt đường, đại đội 9 xe tăng của ta, ung dung diệt từng chiếc một, trong lúc chúng đang “ngụp lặn” dưới vũng bùn sâu. 28 chiếc xe tăng và xe bọc thép, hàng chục xe GMC bốc cháy, không thoát một chiếc. Toàn bộ địch, bị diệt. Trung đoàn 24 tiếp tục phát triển đánh chiếm thành Quan Năm-Hóc Môn. Từ trung tâm huấn luyện Quang Trung, địch dùng xe tải làm vật cản, phối hợp với bộ binh, xe tăng ra ngăn chặn ta. Trung đoàn 24 đánh địch mở đường. Đến 16 giờ đến xướng dệt Vinatexco, lại gặp một tiểu đoàn địch, máy bay ném bom hoá học để ngăn chặn, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục tiến về hướng Bà Quẹo.

Trên đường 15, trung đoàn 28 cũng bị chặn ở Phú Hoà Đông. Đơn vị tổ chức đánh phản kích, tiến đến Tân Quy thì trời đã về chiều. Thời gian công kích vào nội thành, theo kế hoạch đã ấn định, sắp đến nơi rồi. Vượt qua cầu Sáng, thì cầu đã sập, đường tắc. Không cách nào vòng tránh được, nên trung đoàn phải quay trở lại Ba Ri-Tân Quy, theo tỉnh lộ 8, vượt qua Đồng Dù, tiến sang cầu Bông, chiếm khu tây nam trại huấn luyện Quang Trung, đến 18 giờ 30, đến cầu Hàm Luông.

Trong một ngày tiến công, Quân đoàn Tây Nguyên đã đập tan tuyến phòng thủ trên hướng tây bắc Sài Gòn, quét sạch hệ thống đồn bốt trong dải phòng ngực từ Tân Quy qua Đồng Dù đến Gò Dầu Hạ; tiêu diệt sư đoàn 25, thiết đoàn 10, các liên đoàn biệt động quân số 32, 9; liên đoàn công binh 6 cùng toàn bộ lực lượng bảo an, biệt kích dù, cảnh sát, mở toang cánh cửa vào Sài Gòn-Gia Định.

Vì sao sư đoàn 10, sau gần một tháng trời, hành quân vất vả vòng quanh cao nguyên Lang Bi-an, qua Ninh Thuận, Lâm Đồng, mãi đến ngày 25 tháng 4 mới về đến vị trí tập kết ở Dầu Tiếng an toàn. Thế mà, vừa đến nơi đã lao ngay vào chiến đấu, trên một địa hình có nhiều sông ngòi, đường sá như mạng nhện, rất phức tạp. Đây cũng là một chuyện thần kỳ. Thành tích của đơn vị này không thể tách rời khỏi sự đóng góp rất to lớn của lực lượng tại chỗ và đồng bào vùng Tam giác sắt kiên cường, Củ Chi đất thép. (còn tiếp)

TDB giới thiệu
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam