Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 1)

Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 1)

Tháng Mười Một 21, 2013

LTS: Quảng Trị – Thừa Thiên là chiến trường được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lựa chọn làm hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược của ta năm 1972. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi hội nghị Pa-ri đang đi tới giai đoạn quyết định cho một giải pháp chính trị. Vì vậy, chiến dịch tiến công này đã trở thành cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và đối phương. Hai bên đều tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất để giành chiến thắng lớn nhất nhằm làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho mình. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ chưa bao giờ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị – ngoại giao lại kết hợp chặt chẽ đến như vậy. Mọi hoạt động tác chiến trên các chiến trường, đặc biệt là ở Trị – Thiên luôn chịu sự chi phối trực tiếp, toàn diện về chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Kỳ 1: Chiến dịch tổng lực

QĐND – Từ giữa năm 1971 đến đầu năm 1972, sau những thất bại chiến lược liên tiếp, Mỹ cố gắng giữ cho cục diện chiến trường Đông Dương không rơi vào thế bi đát. Do đó, Mỹ tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược đã xác định: Thúc đẩy “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần số quân Mỹ còn lại ở Miền Nam nhằm tạo thế trong cuộc đàm phán với ta ở Pa-ri và xoa dịu các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ, từ đó mở ra cơ hội cho Ních-xơn tái cử tổng thống vào cuối năm 1972.

Bản đồ quyết tân.

Về phía ta, thực hiện quyết tâm “đánh bại về cơ bản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và mọi âm mưu của địch”, tháng 7-1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam, cả ở vùng rừng núi, vùng nông thôn đồng bằng, nhất là địa bàn đông dân. Cuộc tiến công này được dự định thực hiện trên 3 hướng: Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị – Thừa Thiên, lấy miền Đông Nam Bộ làm hướng chủ yếu, Trị – Thiên là hướng thứ yếu quan trọng. Mục đích được đặt ra là: Tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự của địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng địch, ta; thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, buộc địch chấp nhận giải pháp chính trị có lợi cho ta. Đầu năm 1972, căn cứ vào kết quả chuẩn bị và tình hình địch – ta, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Trị – Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Quyết tâm đó được Bộ Chính trị thông qua ngày 23-3-1972. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê chuẩn Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến dịch; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy; các Phó tư lệnh: Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Đệ và các Phó chính ủy: Hoàng Minh Thi, Lê Tự Đồng. Đảng ủy chiến dịch do Lê Quang Đạo làm Bí thư; tham gia Đảng ủy còn có Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản; Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là đại diện Quân ủy Trung ương ở hướng chiến lược này[2].

Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định 4 nhiệm vụ của chiến dịch tiến công Trị – Thiên là:

1. Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự địch ở Trị – Thiên, cơ bản tiêu diệt được 2 sư đoàn và đánh thiệt hại nặng 1 sư đoàn khác.

2. Phối hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đô thị và công tác binh vận, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của địch.

3. Giải phóng phần lớn địa bàn Trị – Thiên, có điều kiện thì kiên quyết giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

4. Tiêu diệt, phân tán, giam chân, thu hút lực lượng địch, phối hợp với các chiến trường khác toàn miền Nam, góp phần giành thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Phương châm chỉ đạo tác chiến của Quân ủy Trung ương là phải nắm thật chắc vấn đề đánh tiêu diệt, không cho địch co cụm lớn, phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, kết hợp tốt giữa đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng và binh vận.

Đầu năm 1972, Mỹ – ngụy phán đoán ta có thể dùng 4 đến 5 sư đoàn bộ binh và một số binh chủng mở một đợt tiến công ở Trị – Thiên nhằm giam chân, thu hút lực lượng quân ngụy, tạo điều kiện cho các hướng khác hoạt động. Mỹ – ngụy cho rằng, hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta là Tây Nguyên. Từ phán đoán ấy, chủ trương chiến lược của ngụy ở Trị – Thiên là:

1. Dùng lực lượng tại chỗ có sự chi viện của không quân, hải quân Mỹ để tổ chức bố phòng và ngăn chặn cuộc tiến công của ta là chủ yếu.

2. Đánh phá các khu vực nghi là các căn cứ, các vùng tập trung quân của ta; đánh phá đường vận chuyển tiếp tế, các kho tàng của ta bên ngoài tuyến phòng thủ. Ở tuyến trong, quân ngụy củng cố các ấp xã để ngăn chặn các hoạt động của đặc công và triệt phá các cơ sở của ta. Trường hợp có nguy cơ bị tiêu diệt thì tạm thời co về cố thủ tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau đó dùng hỏa lực mạnh và bộ binh phản kích đánh chiếm lại.

Nhân dân làng Cùa – Quảng Trị nổi dậy phá ấp chiến lược, tháng 4 -1972.

Lực lượng phòng thủ của quân ngụy ở Trị – Thiên có 2 sư đoàn bộ binh, trong đó có sư đoàn bộ binh số 3 do Thiếu tướng Vũ Văn Giai làm Tư lệnh đứng chân tại thị xã Quảng Trị (8 trung đoàn bộ binh với 27 tiểu đoàn), 4 tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, 5.100 cảnh sát, cùng 13 tiểu đoàn và 4 đại đội pháo binh (258 khẩu), 3 thiết đoàn (184 xe tăng, thiết giáp). Hệ thống phòng ngự của ngụy quân hình thành 3 tuyến theo chiều sâu. Tuyến ngoài từ Nam sông Bến Hải (vùng giáp ranh Biển Đông) tới Lao Bảo, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, phá chuẩn bị của ta từ xa với lực lượng tham gia chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích. Khi cần thiết ngụy quân dùng một bộ phận chủ lực tổ chức các cuộc hành quân càn quét. Tuyến phòng ngự cơ bản (trung tâm) với các điểm cao 367, Động Ông Gio, 52, 365, 548, 597, 241, các căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc tiến công của ta và bảo vệ thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các căn cứ, đường số 1, đường số 9. Ở tuyến phòng ngự cơ bản, ngụy quân tổ chức thành từng khu phòng ngự cấp trung đoàn, có các khu then chốt, các cụm điểm tựa cấp tiểu đoàn, liên kết chặt chẽ với nhau và có lực lượng dự bị tùy theo từng cấp. Tuyến phía sau gồm chủ yếu thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư với các hậu cứ Ái Tử vào tới Huế, do một bộ phận chủ lực và lực lượng bảo an, dân vệ trấn giữ.

Về phía ta, nhân dân Trị – Thiên vốn giàu lòng yêu nước, có cảm tình với cách mạng, tuy nhiên có đến 80 đến 90% gia đình có quan hệ với ngụy quân, ngụy quyền. Sau chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971, cơ sở chính trị và phong trào quần chúng có nơi được xây dựng lại nhưng nhìn chung còn yếu. Nông thôn đồng bằng chưa có thôn, xã nào được giải phóng. Cơ sở Đảng ít, quần chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng nổi dậy.

Lực lượng bộ đội chủ lực sử dụng trong chiến dịch này trên hướng Quảng Trị có 3 sư đoàn bộ binh cơ động: 304, 308, 324[3] (thiếu Trung đoàn 3); 2 trung đoàn độc lập: 48, 27; 4 tiểu đoàn độc lập: 2, 3, 15, 47; tổng số: 34 tiểu đoàn; đặc công: 6 tiểu đoàn; pháo binh: 6 trung đoàn pháo xe kéo; 1 trung đoàn mang vác; tổng số: 390 khẩu pháo các cỡ 130mm, 122mm, 100mm và 85mm, với các cỡ 120mm, 160mm, 2 đại đội B72 (tên lửa diệt xe tăng); cao xạ có sư 367, 2 trung đoàn tên lửa 275, 236; thiết giáp có Trung đoàn Xe tăng 203 với 78 xe tăng, thiết giáp; Công binh: 2 trung đoàn công binh công trình (219, 229); Hóa học: 4 đại đội; Thông tin: 5 tiểu đoàn; Hải quân: Đoàn 126.

Trên hướng Thừa Thiên có trung đoàn bộ binh 3 và trung đoàn độc lập 6; Đặc công 3 tiểu đoàn (3, 7, 12); Pháo binh: Tiểu đoàn pháo 130mm, 1 tiểu đoàn súng cối 120mm, 1 đại đội B72; Cao xạ: 1 tiểu đoàn cao xạ 37mm, 4 tiểu đoàn súng máy cao xạ 14,5mm; Công binh: Trung đoàn Công binh 414 và 2 tiểu đoàn Công binh độc lập; Thiết giáp: 1 tiểu đoàn; Thông tin: 1 tiểu đoàn; Vận tải: 1 tiểu đoàn ô tô với 38 xe.

Quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch: Trong khoảng thời gian từ 20 đến 25 ngày, tiến công tiêu diệt cho được từ 4 đến 5 trung đoàn ngụy, thực hiện nổi dậy giải phóng Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển chiến dịch vào hướng Thừa Thiên. Về cách đánh chiến dịch, tập trung giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, đánh vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài gồm các cứ điểm có công sự kiên cố như Cồn Tiên, miếu Bái Sơn, 544, Động Toàn, nhanh chóng đưa lực lượng vào tiến công Đông Hà, Mai Lộc, Ái Tử. Thứ hai, phá vỡ hệ thống pháo binh địch. Thứ ba, đánh bại quân cơ động ứng chiến cỡ tiểu đoàn, trung đoàn ngụy quân.

Từ ngày 15-7-1971, sau hơn 8 tháng chuẩn bị kế hoạch chiến dịch tiến công Trị – Thiên công phu, kỹ lưỡng, song do tình hình chiến trường diễn biến phức tạp, nên kế hoạch chiến dịch phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Thời gian chuẩn bị tuy dài nhưng càng về cuối càng gấp. Phần kế hoạch tiếp tục phát triển vào Thừa Thiên chỉ mới dự kiến một số vấn đề, sau khi giải phóng Quảng Trị được xác định thêm.

Cùng với sự chuẩn bị kế hoạch tác chiến là công tác chuẩn bị chiến trường, trong đó chủ yếu là làm các con đường từ phía Bắc xuống. Đến tháng 3-1972, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm mới và sửa chữa được 9 con đường dài 264km, bảo đảm triển khai được các loại binh khí kỹ thuật và vận chuyển hậu cần cho chiến dịch ở khu vực Quảng Trị. Hệ thống thông tin hữu tuyến điện đã được triển khai xuống các hướng. Trong khi đó việc chuẩn bị vật chất hậu cần cho chiến dịch tính đến ngày 30-2-1972, Cục Vận tải và Đoàn 559 đã vận chuyển được 12.490 tấn đạt 78% kế hoạch theo yêu cầu của Bộ tư lệnh chiến dịch.

Suốt thời gian các đơn vị chủ lực cơ động lực lượng chuẩn bị chiến dịch, chủ yếu dựa vào hệ thống thông tin hiện có của các đơn vị tại chỗ, đã làm hạn chế khả năng của địch thông qua phương tiện kỹ thuật hiện đại theo dõi hướng và lực lượng cơ động của chủ lực ta. Ta giữ được bí mật. Để nghi binh, Bộ Tổng Tư lệnh cho các tổ đài 15W và 30 cán bộ, chiến sĩ do trợ lý tác chiến Sư đoàn 304 Dương Văn Mùa chỉ huy được lệnh hành quân vào Tây Nguyên, thường xuyên báo cáo từng cung độ hành quân và nhận các mệnh lệnh giả. Chính vì thế càng làm cho Bộ Tổng tham mưu ngụy quân khẳng định chắc chắn hướng tiến công chủ yếu của ta là Tây Nguyên.

———————–

Kỳ 2: Giải phóng Quảng Trị

Thiếu tướng Lê Mã Lương

[1] Đầu năm 1969, Mỹ có 550.136 tên, năm 1970 còn 335.000 tên, cuối năm 1971 còn 157.000 tên, cuối năm 1972 còn 24.000 tên gồm 2 lữ đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn pháo, 2 đại đội xe tăng, 20 tàu chiến, 1.400 máy bay các loại.

[2] Sở Chỉ huy chiến dịch đặt tại bãi Hà, bắc sông Bến Hải, tây Quốc lộ 1 khoảng 10km.

[3] Sư đoàn 320b, Sư đoàn bộ và Trung đoàn 64 tham gia chiến dịch tháng 6 năm 1972.

Sư đoàn 325 tham gia chiến dịch từ tháng 6 năm 1972.

Sư đoàn 312 Trung đoàn 165 vào tháng 7 năm 1972, Trung đoàn 141 và 209 vào tháng 8 năm 1972. Sư đoàn Bộ vào tháng 11 năm 1972.

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)