Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Tuổi tám mươi “giữ lửa” Điện Biên

Tuổi tám mươi “giữ lửa” Điện Biên

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có nhiều CCB đã từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là những ông lão tuổi cao nêu gương sáng, ngoài việc sống mẫu mực còn tích cực tuyên truyền cho con cháu hiểu thêm về trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Đồng hương chung một chiến hào

CCB Điện Biên ở Quảng Trạch hiện không còn nhiều. ở xã Quảng Thọ có hai chiến sĩ Điện Biên còn sống, đó là ông Nguyễn Văn Tuyên và ông Trần Tư Cách. Hai người thời đó ở cùng Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308). ông Nguyễn Văn Tuyên nhập ngũ vào Vệ Quốc đoàn lúc tròn 17 tuổi. Trong Chiến dịch Biên giới, ông Tuyên chiến đấu dũng cảm ở Cao Bằng, được đơn vị kết nạp Đảng ngay sau trận đánh thắng lợi, khi mới bước sang tuổi 20. Tại mặt trận Thượng Lào, là chiến sĩ của Đại đội 64, ông cùng đơn vị vượt suối, băng rừng, bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Sầm Nưa, Bản Na, Pắc Xường, Thượng Lào… tạo thế để quân ta tiến công làm nên chiến thắng Điện Biên.

Ông Tuyên kể chuyện Điện Biên với các em học sinh.

Mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng ông Tuyên vẫn còn nhớ như in trận đánh của hơn 60 năm về trước. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đoàn của ông do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm đồi Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Đồn bốt địch ở đồi Độc Lập kiên cố và có nhiều lớp hàng rào gài mìn chờ nổ. Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, đúng giờ tổng tấn công, các loại sơn pháo và súng cối giội lửa lên đầu giặc, ông Tuyên ôm quả bộc phá đánh hàng rào để bộ binh xông lên. Mặc dù súng pháo địch bắn ra như mưa nhưng hỏa lực của ta đã đánh sập lô cốt, bộ đội xông lên chiếm đồn. Cuộc chiến đấu thực sự ác liệt khi quân Pháp tổ chức lực lượng hòng tái chiếm đồi Độc Lập. Ta và địch giằng co từng mét giao thông hào, có lúc đánh giáp lá cà, nhưng địch vẫn không chiếm được đồn. Sau đó, đơn vị tiếp tục bao vây khống chế Bản Kéo, cắt đứt nguồn nước làm cho địch lao đao. Đến chiều 7-5-1954, cả đại đoàn tấn công vào Mường Thanh, giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ. Đôi bạn cùng quê Quảng Thọ, Tuyên và Cách, gặp nhau trên đồi A1, tuy cùng bị thương nhưng vui mừng khôn xiết.

Những người “giữ lửa”

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp kỷ niệm năm chẵn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhận lời mời của Huyện ủy Quảng Trạch và nhiều trường học, các CCB thường kể chuyện Điện Biên cho học sinh nghe. ông Nguyễn Văn Tuyên thường mời ông Đỗ Như Quán, CCB ở xã Cảnh Dương cùng tham gia làm “tuyên truyền viên”, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

Ông Đỗ Như Quán khi mới 13 tuổi đã vào làm việc ở Xưởng quân giới Quảng Bình. Năm 1949, ông được đi học Trường Thiếu sinh quân ở Thanh Hóa và nhập ngũ vào Trung đoàn 44. Trong Chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào, ông Quán thuộc Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Trở về từ sau cuộc chiến, dù bị nhiều vết thương, mắt mù nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. ông nhớ như in các ngày tháng, diễn biến trận đánh và những dấu mốc quan trọng trong đời cầm súng của mình. Trận Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 của ông ở hướng Đông, có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch ở đồi C1, C2 và A1. Sau nhiều lần tham gia chiến đấu, ông bị thương vào chân, vào sườn, vào đầu và cả ở mắt nhưng kiên quyết không rời trận địa. Chiều 7-5-1954, ông cùng đại đoàn tiến tới trận đánh cuối cùng, giải phóng Điện Biên với đôi chân khập khiễng, đầu quấn băng trắng nhưng ngập tràn niềm vui.

Hiện nay, mặc dù đôi mắt không còn nhìn thấy gì nhưng bầu nhiệt huyết trong ông luôn nóng hổi. Khi nhận được giấy mời của Huyện ủy, ông sốt sắng nhờ người chở đến gặp ông Tuyên thống nhất các nội dung tuyên truyền. Có lúc hai ông đi nói chuyện ở một địa điểm, nhưng cũng có khi mỗi người một hướng để “đảm bảo kế hoạch”. ông Quán có trí nhớ rất tốt nên lúc nào cũng kể chuyện mạch lạc và say sưa. Riêng ông Tuyên vốn tính cẩn thận nên soạn hẳn bài giảng. Lúc kể chuyện những trận đánh, các ông lồng vào nhiều chi tiết dí dỏm, như việc thu hồi chiến lợi phẩm do địch thả dù; chuyện lính Pháp bị bao vây quá khát nước nên bắn lẫn nhau… Cũng có lúc các ông sang sảng đọc bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nên bài kể chuyện luôn hấp dẫn các em học sinh.

Do có nhiều năm liền thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ nên ông Tuyên và ông Quán được Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch khen thưởng và trao cờ lưu niệm.

Không những tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, các CCB Điện Biên còn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. CCB Nguyễn Văn Tuyên là người phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội, ông về nghỉ hưu năm 1980 với quân hàm trung tá. Gia đình có 3 người con trai thì ông bà cho hai người nối nghiệp cha lên đường đi bộ đội. Một người tham gia Bộ đội Biên phòng ở biên giới, một người là lính hải quân ở đảo xa. Với niềm tự hào vì có bố là chiến sĩ Điện Biên, hai người con của ông luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Riêng Đại úy Nguyễn Quang Tuyến, người con trai cả sau một thời gian phấn đấu, được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đồn 593 (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình). Anh đã lăn lộn nhiều năm trên biên cương, đồng cam cộng khổ với bà con dân tộc thiểu số Ma Coong. Rất đáng tiếc, năm 1990 anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở biên giới Việt – Lào. Và thế là trong bài kể chuyện của ông Nguyễn Văn Tuyên với thế hệ trẻ hôm nay, có thêm một tấm gương sáng về người chiến sĩ biên phòng đã hy sinh vì sự bình yên nơi biên giới…

Bài và ảnh: Xuân Vui
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử