Lưu trữ

Archive for the ‘Tình báo – Phản gián’ Category

Những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam

Tháng Một 29, 2012 Bình luận đã bị tắt

Đập tan âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân non trẻ

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân (CAND), Báo Thanh Niên xin giới thiệu những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam vì nước quên thân, vì dân quên mình…

Tháng 6.1946, theo Hiệp ước Hoa – Pháp, quân Tưởng rút về nước, để quân Pháp vào miền Bắc thay thế. Bọn phản động tay sai của Tưởng một số thì chạy theo sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho Pháp. Chúng tập hợp lực lượng lập ra Quốc dân đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh làm đảng trưởng, Trương Tử Anh là thường vụ. Dựa vào Pháp, tổ chức phản động này ráo riết hoạt động nhằm chống phá chính quyền nhân dân còn non trẻ của ta.

Cuối tháng 6.1946, Nha Công an Trung ương đã phát hiện sự câu kết giữa Pháp và bọn phản động Quốc dân đảng Việt Nam. Nha Công an họp bàn kế hoạch quét tất cả trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam để khám phá âm mưu của chúng, nhưng Trung ương chỉ đạo việc trấn áp phải có chứng cứ cụ thể để khỏi mắc mưu khiêu khích của địch. Nhận được nguồn tin bọn Quốc dân đảng Việt Nam đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động trong trụ sở 132 Đuy- vi- nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), đêm 12.7.1946, Nha Công an quyết định bí mật đột nhập vào trụ sở để lấy chứng cứ. Tại đây, lực lượng công an đã bắt toàn bộ bọn phản động, tịch thu các loại tài liệu như truyền đơn, khẩu hiệu, thông cáo chúng vừa in xong; đặc biệt là bản tài liệu do Trương Tử Anh viết về “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh”. Theo kế hoạch, đến ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp (14.7.1946), chúng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho được diễu binh trên một số đường phố Hà Nội, bọn Quốc dân đảng Việt Nam sẽ ném lựu đạn vào quân lính da đen, gây đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại quân đồng minh và quân Pháp sẽ ập ngay vào Bắc bộ phủ bắt giữ các thành viên chính phủ, tuyên bố đảo chính, lập ngay một chính phủ của Quốc dân đảng Việt Nam.

Trước những bằng chứng rõ ràng, lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội. Tại trụ sở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), lực lượng công an bắt Phan Kích Nam và đồng bọn, giải thoát cho những người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, thu nhiều tài liệu phản động, dụng cụ tra tấn, dụng cụ làm bạc giả, thuốc mê và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn ngay trong vườn. Tại nhà số 80 phố Quán Thánh, trong khi lực lượng công an tiến hành khám xét, quân Pháp đưa xe tăng đến can thiệp, uy hiếp. Trước chứng cứ đầy đủ và sự đấu tranh của quần chúng nhân dân buộc Pháp phải rút lui. Lực lượng công an đã thu được nhiều tài liệu phản động và bắt 30 tên phản quốc. Trong cuộc truy quét bọn phản động cách mạng ở Hà Nội, lực lượng công an bắt gần 100 tên, trong đó có nhiều tên nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ…

Cuộc tiến công thắng lợi trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam ở phố Ôn Như Hầu đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động định lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc chiến đấu của các lực lượng công an đã góp phần giam chân địch trong thành phố. Đây là những chiến công đầu vẻ vang của CAND Việt Nam. Đánh giá việc khám phá vụ án trên, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết: “Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân. Các báo hoan nghênh Chính phủ và công chúng tán thưởng việc làm của Ty Công an, đã tỏ rằng đồng bào ta đã có ý thức về chính trị…”

Đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin

Cuối năm 1947, sau khi bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, sử dụng “con bài” Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn theo “lý tưởng quốc gia”, trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam.

Nắm được ý đồ đó của địch, Ty điệp báo Nha Công an trung ương đã khéo léo lần lượt đưa các điệp viên Hoàng Đạo, Kim Sơn vào hoạt động trong lòng địch. Mặc dù địch có nhiều thủ đoạn kiểm tra thử thách, nhưng các cán bộ công an đã vượt qua và gây được tín nhiệm cao trong hàng ngũ chỉ huy của cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và bọn cầm đầu các đảng phái phản động. Với vai trò, uy tín tạo được, các cán bộ, chiến sĩ công an đã bố trí một “chiến khu” giả, mở đại hội “đảng Phục Việt” để mời một số tên cầm đầu “Đại Việt Quốc dân đảng” ra thăm. Pháp và Bảo Đại đặt nhiều hy vọng vào “đảng Phục Việt”. Bảo Đại phong cho Hoàng Đạo chức “Quốc vụ khanh” và Kim Sơn là đại úy “Võ phòng ngự lâm quân”.

Thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh từ lâu, nay có “chiến khu quốc gia” của “đảng Phục Việt” liền chớp thời cơ để thực hiện mưu đồ đó. Trong cuộc “hội đàm”, Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và thủ lĩnh “đảng Phục Việt” là Hoàng Đạo bàn về “giải phóng khu IV”, Pháp đã thỏa thuận cung cấp vũ khí, tiền bạc cho “chiến khu quốc gia” để “đảng Phục Việt” đảm nhiệm cuộc “giải phóng” khu IV. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo : “Không nên gây cho Pháp một ảo tưởng ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến”. Thực hiện ý kiến của T.Ư Đảng, ngày 26.9.1950, Ty điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo tổ điệp báo điều được 3 tên cầm đầu là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng và Nguyễn Quang Minh ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác và trừng trị, đồng thời tổ chức đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của Pháp.

Lúc 3 giờ sáng ngày 27.9.1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi trong vai “vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo” và đồng chí Hải mang vali có chứa 30 kg thuốc nổ lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong vali thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay đồng chí Lợi ở lại. 30 phút sau, Thông báo hạm Amiôđanhvin bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh trong trận này.

Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin là một trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND, đã góp phần đập tan âm mưu của Pháp và tay sai hòng xây dựng “chiến khu quốc gia” đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, phá mưu đồ mua chuộc, lôi kéo những người “kháng chiến ly khai” Chính phủ Việt Minh trở về với chính phủ quốc gia bù nhìn.

“Hốt” trọn ổ gián điệp Mỹ

Tháng 3.1955, Công an Hải Phòng nắm được nguồn tin một gián điệp tên Đức được Pháp đưa đi nước ngoài, nay thấy xuất hiện ở TP. Hải Phòng. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an biết tên Đức trú tại số nhà 47 phố Ga có quan hệ với tên Lẫm và tên Tiền cùng đi nước ngoài với tên Đức trở về. Chúng thường liên hệ với nhau ở địa chỉ 14 phố Ga, 27 Bờ Sông Lấp và 120G ngõ Đông An. Tại các địa điểm đó, lực lượng công an đều phát hiện có vũ khí, máy thông tin liên lạc cất giấu.

Cùng thời gian trên, tại Hà Nội, lực lượng công an phát hiện tên Cao Xuân Trung (em Cao Xuân Tuyên, gián điệp của Pháp) và các đối tượng Cập (Trần Minh Châu), Riu, Đích thường lén lút đến hiệu cắt tóc của tên Lan ở số 9 Hàng Mành. Chúng đã họp bàn nhiều lần về việc đón đồng bọn từ nước ngoài về, từ Hải Phòng lên; phân công tên Riu và tên Đích về TP. Nam Định họat động.

Thấy rõ hoạt động nguy hiểm của các đối tượng, Bộ Công an đã lập chuyên án đấu tranh với toán gián điệp cài lại nhằm phát hiện âm mưu, tổ chức và họat động của chúng. Khi mạng lưới địch có sự mở rộng, lực lượng công an đã bắt một số tên và bí mật thu một số vũ khí, điện đài của địch; đồng thời cử cán bộ vào tận miền Nam để nắm tình hình về âm mưu và sự chỉ đạo của chúng. Qua nhiều nguồn tin, lực lượng công an biết tình báo Mỹ đã bắt đầu chỉ đạo bọn gián điệp cài lại thực hiện kế hoạch phá hoại. Chúng đã cho mìn vào một viên than dùng cho tàu hỏa ở ga Hải Phòng để phá hoại sự vận chuyển của ta.

Ngày 11.11.1958, Bộ Công an quyết định phá án. Tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, lực lượng công an đã đồng loạt bắt các tên cầm đầu và bọn tay sai của tổ chức gián điệp, thu toàn bộ điện đài, vũ khí và phương tiện hoạt động của chúng. Khai thác những tên gián điệp bị bắt, chúng khai ra từ tháng 9.1954, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tuyển chọn một số tên phản động trong “đảng Đại Việt” để đưa đi đào tạo tại đảo Guam rồi lợi dụng thời hạn tập kết 300 ngày đưa trở lại miền Bắc Việt Nam hoạt động. Nhiệm vụ của chúng là thu thập tin tức tình hình chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội báo về trung tâm của chúng ở miền Nam Việt Nam; sử dụng vũ khí được địch chôn giấu từ trước để phá hoại, ám sát cán bộ và nổi dậy lật đổ chính quyền khi có điều kiện. Chúng hoạt động thành 3 tổ ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Cầm đầu tổ chức gián điệp này là Trần Minh Châu (tức Cập). Ngày 4.4.1959, ta đã đưa bọn gián điệp bị bắt ra xét xử, trừng phạt thích đáng.

Phanh phui mạng lưới gián điệp

Phá chuyên án gián điệp biệt kích Mỹ

Nhằm gây rối an ninh trật tự ở miền Bắc Việt Nam, ngày 11.5.1961, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh triển khai “Chiến dịch chiến tranh bí mật”, thực hiện cái gọi là “đánh vào nguồn gốc xâm lược” từ Bắc Việt Nam.

Đêm 27.5.1961, Mỹ tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên mang tên “Caster” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỷ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Sơn La). Lực lượng công an và dân quân địa phương đã phát hiện và truy bắt toàn bộ toán gián điệp gồm 4 tên do Hà Văn Chấp, dân tộc Thái chỉ huy.

Để tìm hiểu âm mưu, hoạt động gián điệp biệt kích của Mỹ- Ngụy, lực lượng công an đã quyết định thành lập chuyên án (mang bí số PY27) để khống chế, kiểm soát đường liên lạc của toán “Caster” với trung tâm chỉ huy miền Nam. Sử dụng chiến thuật “câu nhử”, lúc 12 giờ ngày 9.6.1961, lực lượng công an đã chỉ đạo toán gián điệp “Caster” liên lạc với trung tâm chỉ huy. Mấy ngày sau, địch đã cho 1 máy bay tiếp tế cho “Caster” nhưng gặp tai nạn rơi xuống nông trường Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ta bắt sống 8 tên, 2 giặc lái bị chết.

Ngày 16.5.1962, địch tung tiếp toán gián điệp biệt kích “Tonbillow” xuống bãi thả ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Lực lượng công an bắt 8 tên và quyết định lập tiếp chuyên án (mang bí số KS16) đấu tranh với toán gián điệp này. Để gây lòng tin với địch, giữ bí mật cho chuyên án KS16, lực lượng công an đã cung cấp cho địch nhiều tin tức giả và cho toán “Caster” tiến hành phá hoại một số mục tiêu ít quan trọng. Xét thấy chuyên án PY27 đã phát huy kết quả tốt và địch nghi ngờ, ngày 23.12.1966, lực lượng công an quyết định kết thúc chuyên án này nhằm bảo vệ cho chuyên án KS16 tồn tại và phát triển, bảo vệ được địa bàn vùng Tây Bắc. Từ năm 1961 đến 1970, lực lượng công an đã lập 21 chuyên án đấu tranh, bắt 78 toán gián điệp biệt kích gồm 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện và lương thực, thực phẩm, thuốc men của địch.

* Kế hoạch CM12

Tháng 2.1976, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh- nguyên là sĩ quan ngụy, từng làm gián điệp cho Pháp và Mỹ đã di tản sang Pháp đứng ra lập tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Được sự nuôi dưỡng, yểm trợ của nhiều cơ quan tình báo gián điệp nước ngoài và bọn phản động quốc tế, chúng ráo riết tập hợp một số tên phản động người Việt lưu vong để phát triển lực lượng, tìm đường trở về Việt Nam âm mưu gây bạo loạn cục bộ, tiến hành nội chiến, kết hợp với các hoạt động gây sức ép với Việt Nam về chính trị và quân sự từ bên ngoài. Địa bàn hoạt động chính của chúng là các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé và vùng rừng Sác Nam bộ.

Phát hiện được âm mưu, ý đồ đó của chúng, Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án đấu tranh mang tên “Kế họach CM12”, vừa để tìm hiểu âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch, vừa đấu tranh đập tan các hoạt động của chúng, bóc gỡ những cơ sở phản động ở trong nước.

Gần 4 năm liên tục đấu tranh, lực lượng công an đã chủ động đón bắt 10 toán thâm nhập của địch gồm 146 tên, trong đó có 2 tên cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, thu 143 tấn vũ khí các loại, 16 điện đài, 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả và 2 tàu thâm nhập. Ở nội địa, lực lượng công an đã điều tra, phát hiện, phá nhiều tổ chức phản động và bóc gỡ hầu hết các cơ sở của chúng.

Tháng 12.1984, Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa công khai xét xử bọn phản động nói trên tại TP. Hồ Chí Minh, đập tan âm mưu phá hoại và lật đổ của bọn phản cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

Như Lịch (ghi từ nguồn tài liệu của Lực lượng CAND)

thanhnien.com.vn

Nhớ đồng đội: Bám trụ đất thép Củ Chi (Kỳ 3)

Tháng Bảy 26, 2011 Bình luận đã bị tắt

(Đất Việt) Năm 1971, Cụm tình báo H.63 được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, kèm theo lá cờ Đơn vị anh hùng còn có lá cờ Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi để ghi nhận những hy sinh, mất mát to lớn của cụm ở nơi mà địch coi là trọng điểm của khu “tam giác sắt”.

>> Nhớ đồng đội: Ngón tay và những phím đàn (kỳ 1)
>> Nhớ đồng đội: Sẵn sàng chết cho lưới an toàn (kỳ 2)

“Củ Chi còn thì Sài Gòn mất”, tướng lĩnh quân đội Sài Gòn nghĩ như vậy. Để đánh bật lực lượng ta, Mỹ dùng chất độc hoá học diệt cỏ, làm rụng lá cây, kết hợp xe ủi đất hạng nặng phá sạch địa hình, đại bác ngày đêm bắn như “giã gạo”… Ác liệt là vậy mà cán bộ, chiến sĩ Cụm H.63 vẫn kiên quyết bám trụ để duy trì liên lạc. Điều làm Mỹ căm tức, dù chà đi xát lại đến không còn một cọng cỏ, thế mà đêm nào tín hiệu vô tuyến điện của Việt Cộng vẫn dội vào máy thu của chúng.

“Nhắn với má, tôi không chết”

Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải chấp nhận hy sinh. Đó là điều không ai mong muốn, nhưng không tránh khỏi. Ai nấy đều xác định quyết tâm, kiên trì chịu đựng cuộc sống gian khổ, nguy hiểm, vui vẻ, lạc quan để làm nhiệm vụ. Chiến trường này không có trạm quân y cố định. Có lần có người bị thương không biết quân y đâu mà tìm. Mỗi chiều, chiến sĩ ta đột nhập vào ấp chiến lược Phú Hoà Đông công tác. Là người chỉ huy, tôi cứ đứng ngó theo cho tới nửa đêm, khi anh em trở về an toàn, mới yên tâm chui xuống địa đạo soạn chỗ nghỉ. Thỉnh thoảng anh em phải trở về trên cáng thương binh. Thật là đau lòng!

Các thành viên đội vũ trang H.63 trong phim tài liệu Cụm tình báo anh hùng của Điện ảnh Quân đội dựng năm 2001.

Mỗi trường hợp hy sinh đều khắc trong tôi kỷ niệm khó quên, nhưng tôi nhớ nhất và cảm động nhất là trường hợp của đồng chí Nguyễn Văn Ẩn, quê ở ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Năm 1968, Ẩn mới 21 tuổi, cấp bậc trung đội phó, chưa vợ con, nhà nghèo. Đêm ấy, chúng tôi vào ấp chiến lược Phú Hoà Đông công tác. Đến Ngã ba Ông Tới thì bị giặc phục kích bằng mìn định hướng Claymore. Sáu Ẩn, Năm Hải – những cán bộ đại đội của cụm, đi đầu đội hình, bị thương nặng. Từ phía sau, chúng tôi tràn lên nổ súng. Giặc bỏ chạy về đồn, anh em tháo võng ra khiêng hai thương binh ra bờ sông.

Đồng chí Năm Hải lớn tuổi hơn, vết thương nặng hơn, nên chỉ đến đó là trút hơi thở cuối cùng. Chiếc xuồng con đưa một liệt sĩ và một thương binh vội vã qua sông tìm trạm quân y, tinh thần còn nước còn tát. Theo rạch Mương Dâu, vào sâu trong cánh đồng xã An Tây. Ẩn quằn quại, có dấu hiệu hấp hối. Tôi bảo dừng lại và cùng với một chiến sĩ nữa khiêng Ẩn lên nằm trên một gò chòi. Dưới ánh trăng mờ cuối tháng, tôi nhìn người chiến sĩ thân yêu của mình lịm dần mà đành bất lực. Tôi chỉ biết thắt ga-rô, một lúc lại nới ra để tránh hoại tử, rồi thắt lại. Tôi lau mặt em, cúi sát xuống. Em thều thào khó khăn, đứt quãng: “Anh Tư ơi!… Một lát về gặp má tôi, anh đừng nói tôi chết… Nghe tôi chết má tôi buồn lắm… Nói tôi đi quân y vài bữa rồi…tôi…”.

Lực lượng giao thông viên góp phần quan trọng làm nên chiến công của cụm H.63 (Trong ảnh: Giao thông viên Lê Thị Ải ở nội đô).

Chiếc khăn rằn và khẩu AK còn lại

Đồng chí Khương, tiểu đội phó, quê xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, được phân công đưa một thư mật cho giao thông viên trong ấp chiến lược để chuyển cho điệp viên trong Sài Gòn. Thường anh em ra đi vào buổi chiều khi Mỹ rút quân, tối đột nhập ấp chiến lược đưa thư cho giao thông viên, xong quay về cứ trước khi trời sáng. Nhưng qua một ngày, rồi một ngày nữa vẫn chưa thấy Khương về. Phân công hai chiến sỹ vào ấp chiến lược tìm hiểu thì người ta nói Khương có vào ấp, có đưa thư rồi đi về ngay trong đêm.

Mất tích một chiến sỹ, là người chỉ huy, tôi rất băn khoăn. Suy nghĩ mãi, có thể nào Khương bị bom vùi, vì Khương ra đi chiều hôm trước thì mờ sáng hôm sau Mỹ đánh bom vào căn cứ trước khi đổ quân. Vậy là tôi cùng với đồng chí Út Hoa, Phó bí thư chi bộ đi tìm theo các hố bom. Đến một hố bom rộng hơn 10m, nhìn xuống thấy ruồi nhặng (thường gọi là con lằn xanh) bu một khoảng đất bên dưới. Tôi và Út Hoa bò lần xuống bới đất lên thì quả nhiên thấy một nòng súng tiểu liên AK, vài mảnh gỗ vụn báng súng và chiếc khăn rằn rách nát. Chiếc khăn này vợ quàng vội cho anh Khương trong một đêm đột nhập ấp chiến lược…

Vào giữa năm 1969, tổ giao thông võ trang đột vào ấp chiến lược Phú Hoà Đông nhận tài liệu. Tổ 4 người do Huỳnh Văn Thành, cán bộ trung đội làm tổ trưởng, 3 đồng chí nữa là Đạo, Re và Trai. Trai là chiến sỹ trẻ nhất, năm đó em mới 18 tuổi. Ra khỏi ấp chiến lược thì gần sáng, không về trên căn cứ Bến Đình kịp, tổ 4 người nằm lại trong hầm bí mật ấp Phú An. Chẳng may vừa hừng sáng, giặc Mỹ mở trận càn tại khu vực đó. Xe tăng của giặc cán bể nắp hầm. Hầm bị lộ. Bọn giặc bên trên kêu gọi đầu hàng. Bên dưới, một cuộc hội ý chớp nhoáng. Tổ trưởng Thành ra lệnh cho Trai: “Tao bung nắp ném lựu đạn, bọn giặc tất phải nằm xuống, sau đó tao ngồi tại miệng hầm dùng tiểu liên bắn áp đảo, mầy cầm tài liệu này chạy ra sông, bằng mọi giá về giao cho Cụm trưởng. Tụi tao sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”.

Nhất trí như vậy, Thành chồm lên ném lựu đạn rồi bắn áp đảo mở đường máu, Trai chạy nhanh ra sông Sài Gòn. Re, Đạo phóng lên. Ba cây tiểu liên chống lại một đại đội quân Mỹ. Cuối cùng, Re và Đạo hy sinh, Thành bị thương nặng, gãy chân, giặc bắt đem về bót Phú Hoà Đông tra tấn. Thành cương quyết chịu đựng, không khai báo. Cuối cùng giặc đày anh đi nhà lao Phú Quốc.

còn tiếp…

Nguyễn Văn Tàu (AHLLVT, thương binh loại A, hạng 2/4)

baodatviet.vn

Nhớ đồng đội: Sẵn sàng chết cho lưới an toàn (kỳ 2)

Tháng Bảy 26, 2011 Bình luận đã bị tắt

(Đất Việt)  Đêm chuẩn bị nổ súng chiến dịch Mậu Thân 1968, Tư Lâm được cử vào nội thành. Khi cùng giao thông viên Tám Kiên tới cửa ngõ Hóc Môn, Tư Lân bị quân cảnh địch bắt giữ do phát hiện ra dấu hiệu sốt rét. Đánh đập, tra khảo, không khai thác được gì, chúng đầy anh ra nhà lao Phú Quốc.

>> Ngón tay và những phím đàn

Mồng 3 Tết Mậu Thân, sau khi đi một vòng Sài Gòn quan sát tình hình, tôi trở về số 9 cư xá Việt Nam Thương Tín vùng Thị Nghè ngồi suy nghĩ để làm báo cáo đánh giá về cuộc tổng tiến công. Bỗng có tiếng gõ cửa, đúng tín hiệu đã quy ước với cô Tám Kiên, giao thông viên hoả tốc của Cụm H.63. Tiếng gõ cửa gấp gáp, báo hiệu sự bất thường.

Thân thương như ruột thịt

Cửa vừa mở, chưa kịp bỏ chiếc nón lá xuống, trên trán còn lấm tấm mồ hôi, Tám Kiên vội vã thông báo: Tư Lâm bị bắt tại Hóc Môn. Nghe tin Lâm bị bắt, tôi như đứt từng khúc ruột. Tư Lâm là trung đội trưởng đội bảo vệ của Cụm, hoạt động cùng tôi từ năm 1962. Lúc đó dù mới 21 tuổi, nhưng Lâm đã được giao làm cán bộ phụ trách giao thông mật của Cụm.

Đội vũ trang của Cụm tình báo H.63 anh hùng.

Tư Lâm tên thật là Phạm Văn Ria, người xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi. Lên 6 tuổi, mẹ bị bệnh chết, cha bị giặc Pháp bắn, Ria được chị dắt lên Sài Gòn. Khi học hết lớp 5 thì nổ ra phong trào Đồng Khởi phá ấp chiến lược. Đồng bào Sài Gòn đổ về Củ Chi để mừng ngày ra đời của Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam. Phạm Văn Ria, dù năm ấy còn rất trẻ đã xin chị nghỉ học trở về làng quê Phú Hoà Đông tham gia công tác cách mạng.

Năm 1961, Ria được tuyển mộ vào Cụm và được đổi tên thành Tư Lâm. Là một chàng trai rất dũng cảm, thông minh, làm việc rất tích cực và có tinh thần trách nhiệm, Tư Lâm thường tâm sự: “Mẹ tôi bị bệnh chết trong cảnh nghèo đói, cha tôi bị giặc bắn thả trôi sông. Tôi quyết đi theo cách mạng, đi theo các anh để trả thù cho cha, để không còn người bệnh chết vì thiếu thuốc, vì đói nghèo như mẹ tôi”. Suốt 6 năm trời cùng ăn ở, cùng chiến đấu chống càn, cùng nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm. Hai anh em thương nhau như ruột thịt.

Chiều 30 Tết, phòng Tình báo Miền chỉ thị Tư Lâm vào Sài Gòn để phụ với tôi trong tổng tiến công. Tôi có trách nhiệm phổ biến tỉ mỉ thời gian địa điểm cho Lâm. Tôi vẽ ra giấy và cho Lâm vẽ đi vẽ lại nhiều lần để thuộc lòng nơi ăn ở của tôi. Chiều mùng 1 Tết, chúng tôi chia tay, tôi về Sài Gòn, còn Lâm thì do cô Tám Kiên dẫn đi bộ cùng cánh quân thâm nhập nội đô. Đến Hóc Môn, Tư Lâm và Tám Kiên tách đoàn để vào nhà một cơ sở tại Bình Mỹ. Nơi đây, Tư Lâm thay đổi trang phục, đầu tóc cho giống với người thành phố. Sau khi nghỉ 1 ngày, trưa mùng 3 Tết, hai người ra lộ lớn đi vào thị trấn Hóc Môn.

Đường vào thị trấn đã bị địch kéo rào ngăn lại, chỉ chừa một cửa nhỏ cho từng người đi qua dưới sự kiểm soát gắt gao của chúng.

Hai người đi cách nhau 5, 7 bước. Tám Kiên đi trước, qua được. Đến lượt Tư Lâm, thấy nước da mai mái, chúng nghi ngờ sốt rét do ở rừng lâu. Lập tức lấy một dung dịch hoá chất thoa lên 2 bàn chân, đôi quai chéo của dép cao su nổi lên, chúng biết Tư Lâm là Việt cộng vào thành. Bọn quân cảnh đánh dằn rồi lôi anh lên xe chở đi. Thấy vậy, Tám Kiên len lỏi vào đám đông trong chợ và nhanh chóng chạy về báo tin.

Cụm trưởng H.63 Tư Cang trong chiến khu An Thành năm 1972. (Ảnh do Bảo tàng TCII cung cấp)

Thà chết, không dẫn giặc về!

Theo nguyên tắc công tác nội thành, nếu một người trong tổ bị địch bắt thì số còn lại phải di chuyển ngay. Tư Lâm là cán bộ trung đội trong, nên biết rất rõ địa điểm chúng tôi đang trú. Do vậy, Tám Kiên đề nghị tôi nhanh chóng di chuyển, tạm rời bỏ chỗ này, không thể chần chừ được. “Đúng như em nói, nguyên tắc là phải an toàn lực lượng khi trong tổ có người bị bắt. Vậy em hãy đi đi!”, tôi nói, “Anh sẽ trụ lại đây. Anh tin Tư Lâm sẽ không dẫn giặc về bắt anh”. Mặc dù vậy, tôi vẫn đề phòng, lấy 2 quả lựu đạn còn trong bọc nilon từ dưới cống nước thải lên, sẵn sàng đối phó nếu địch đến.

Tám Kiên đi rồi, còn lại một mình, tôi cầm sẵn lựu đạn. Bỗng tôi nghe có người đi tới và gõ cửa. Cảnh giác, tôi cho tay vào chốt an toàn, sẵn sàng rút chốt. Bên ngoài im lặng một lúc rồi lại có tiếng gỗ cửa: “Thày Tư ơi, cho tôi xin tý lửa”. Thì ra là bà cụ ở căn nhà sát bên. Tôi thở phào, giấu vội lưu đạn rồi lấy cái bật lửa cho cụ. Đúng như xét đoán của tôi, Tư Lâm đã cắn răng chịu đựng mọi kiểu tra tấn dã man của địch trong ngày hôm đó và suốt mấy tháng tiếp theo mà không khai báo gì. Cuối cùng giặc đày Lâm ra nhà lao Phú Quốc với tội danh: “tù binh Cộng sản loại ngoan cố”. Mấy năm sau được cho ra đi làm lao động khổ sau, Lâm tổ chức một số anh em tù chính trị tìm cách vượt ngục.

Trong một buổi đi làm, anh em dùng cuốc xẻng đánh gục những tên lính canh rồi chạy ra rừng mong bắt liên lạc với du kích địa phương. Bị trực thăng vũ trang của Mỹ truy đuổi, đường vào rừng hơn 300m, anh em tù lại sức yếu, nên số đông không chạy thoát, đã bị trực thăng Mỹ bắn chết. Trong số người hy sinh hôm đó có Tư Lâm. Hoà bình lập lại, Tư Lâm được công nhận liệt sĩ.

Năm 2005, trong một lần ra thăm đảo Phú Quốc, tôi đến nhà tưởng niệm nhà lao Cây Dừa thắp nén hương, tâm sự cùng Tư Lâm: “Lâm ơi! Cụm tình báo H.63 chúng ta lập nhiều thành tích. Đó là nhờ em, nhờ lòng trung thành vô hạn của số cán bộ chiến sĩ dũng cảm hy sinh như em”.

còn tiếp…

Nguyễn Văn Tàu (Anh hùng LLVT, thương binh loại A, hạng 2/4)

qdndvn

Nhớ đồng đội: Ngón tay và những phím đàn (kỳ 1)

Tháng Bảy 26, 2011 Bình luận đã bị tắt

(Đất Việt) Với người phụ nữ, bàn tay đẹp là một niềm kiêu hãnh. Vậy mà, để bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng đội, Minh Tâm – nữ giao thông viên tình báo 25 tuổi, đã sẵn sàng hy sinh đôi bàn tay. Kẻ địch dã man đóng đinh, tẩm dầu đốt cháy cả 10 đầu ngón tay cô.

>>

Để góp phần làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Cụm tình báo H.63 anh hùng, 27 người đã ngã xuống, 14 người mang trên mình thương tật. Chủ yếu làm nhiệm vụ giao liên và bảo vệ, họ đã kiên cường bám trụ nơi đất thép Củ Chi, TP HCM để duy trì mạch máu giao thông ngày đêm thông suốt từ cứ ra nội đô, và ngược lại. Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2011), Đất Việt giới thiệu những ký ức nhớ về đồng đội của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Cụm trưởng H.63.

Kỳ 1: Ngón tay và những phím đàn

Tháng 11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ sau một cuộc đảo chính. Bọn tướng tá tranh giành quyền lực. Nhân lúc tình hình Sài Gòn đang hỗn loạn, nhiều cán bộ của ta trước đây bị địch bắt được tổ chức giải thoát đưa ra khu giải phóng.

Đòn tra tấn tàn khốc

Trong số các đồng chí được đưa ra cụm H.63 do tôi phụ trách năm ấy, có một nữ giao thông viên tình báo tên là Minh Tâm. Trong khi chờ đến chuyến liên lạc đưa về tuyến trên, cô sinh hoạt chung với chúng tôi gần một tuần lễ. Đó chính là dịp để chúng tôi biết được những mất mát to lớn cô vừa trải qua. Năm 1955, Minh Tâm được tổ chức điều từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Cụm trưởng H.63 Tư Cang trên sông Thị Tính – Chiến khu Nam Bến Cát năm 1973.

Cô được phân công làm giao thông đảm bảo cho một lưới điệp báo quan trọng nằm trong cơ quan cao cấp của địch. Năm 1960, vừa tròn 25 tuổi, bị bọn đầu hàng chỉ điểm, cô lọt vào tay giặc. Biết cô là chiến sỹ tình báo, bọn mật vụ Dương Văn Hiếu, với sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ đã tra tấn bằng những đòn tàn khốc, cố moi thông tin từ cô.

Dáng người thon thả, nước da trắng trẻo, ăn nói dịu dàng, có văn hoá, cô chắc hẳn có đôi bàn tay đẹp lắm. Vậy mà, khi xoè hai bàn tay ra cho tôi xem, thật khủng khiếp! Các đầu ngón tay bị cháy đen xạm, không còn một móng nào. Tôi cầm đôi bàn tay nhỏ nhắn bị biến dạng mà lòng vô cùng thương xót. Nước mắt tuôn trào, Minh Tâm khóc: “Đối mặt với chúng nó, em không bao giờ khóc. Hôm nay, được ra khu giải phóng, gặp lại đồng chí, đồng đội như trở về với gia đình, cho em khóc một bữa cho hả cơn tức…”.

Vừa khóc, Minh Tâm vừa kể về đôi bàn tay của mình. Không còn tính người, bọn mật vụ đè hai bàn tay cô lên bàn, lấy kim đóng xuyên qua móng tay. Trên đầu những cây kim đặc biệt ấy được gắn với một tấm thiếc mỏng chắn gió. Tên điều tra viên cầm cây quạt giấy, vừa hỏi vừa quạt phe phẩy. Những cây kim lay động như xoáy vào tim. Cô cắn răng ráng chịu đựng, mồ hôi tuôn ra như tắm. “Thế này mãi chắc không chịu nổi”, Minh Tâm nghĩ ra một kế, thà chịu đau một lần. Cô lật ngửa hai bàn tay, đập mạnh xuống mặt bàn. Các mũi kim xuyên thấu các đầu ngón tay, máu nhỏ từng giọt. Minh Tâm hét thẳng vào mặt chúng: “Xem đây! Tưởng bây bày cái trò gì, chớ cái nầy ăn thua gì tao!”

Có lẽ quá bất ngờ, bọn mật vụ không lường nổi mức độ phản ứng mạnh bạo đến như thế. Tên chỉ huy tức tối ra lệnh, quấn vải vào đầu ngón tay cô, tẩm xăng đốt. Chúng lần lượt đốt từng đầu ngón tay của cô. “Tổ chức mầy gồm những ai? Mầy liên lạc với ai? Ở đâu?” – mỗi lần hỏi, thấy cô không trả lời, chúng đốt một ngón, rồi tiếp tục quấn vải sang ngón khác, tẩm xăng, rồi nhắc lại câu hỏi. Cô không trả lời, chúng lại đốt. Mùi thịt da cháy xông lên khét lẹt, tràn ngập phòng tra tấn, làm chúng phải bịt mũi.

“Từ nhỏ, em được bố mẹ cho học đàn dương cầm. Lên lớp 10, em đã chơi được những bản nhạc cổ điển khá phức tạp của Mozart, Bethoven. Vậy mà…!”. Nghe cô kể, tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhưng rồi buổi chia tay cũng đã đến, tổ liên lạc vũ trang đưa cô về căn cứ trên. Buổi chiều tiễn đưa bên bờ sông Sài Gòn thật cảm động.

Một giao thông viên trong nội đô của cụm H.63. (Ảnh do Bảo tàng TCII cung cấp)

“Không có gì phải luyến tiếc“

Năm 1992, tôi ra thủ đô Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Tình cờ, chiều hôm ấy, tại Hội trường Ba Đình, một phụ nữ thay mặt đoàn thương binh Hà Nội lên báo cáo điển hình. Minh Tâm – người nữ giao thông dũng cảm của ngành tình báo đấy sao? Tính từ buổi chia tay bên bờ sông Sài Gòn, đã gần 30 năm! Nghe người phụ nữ ấy kể về những đòn tra tấn dã man của quân thù, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là cô ấy!

Không giấu được niềm vui, giờ nghỉ, tôi đến đoàn Hà Nội tìm gặp người đồng đội năm xưa ấy. Tay bắt mặt mừng, cùng bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm trên dòng sông Sài Gòn năm xưa. Tôi cũng không quên hỏi về cuộc sống hiện tại của Minh Tâm. Cô cho biết, đầu năm 1973, cô đã kết duyên với một sĩ quan thuộc đơn vị pháo phòng không bảo vệ Thủ đô. Gương mặt cô đang vui bỗng thoáng buồn, giọng nói trầm hẳn lại khi tôi hỏi về chuyện con cái. “Hồi đó, em không tiện nói ra những đòn tra tấn vô cùng độc ác của địch. Đối với phụ nữ, những vết thương bên trong chúng gây ra thật khủng khiếp. Em được ra Hà Nội điều trị mấy tháng liền, sức khoẻ dần hồi phục, nhưng đường con cái thì…”. Minh Tâm bỏ lửng câu nói. Những giọt nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ nay đã luống tuổi, tóc có nhiều sợi bạc.

“Trước khi lấy nhau, em đã kể hết và anh ấy chấp nhận. Chúng em sống rất hạnh phúc. Con gái em năm nay là sinh viên đại học năm thứ hai. Mỗi chiều, cháu lại chơi đàn dương cầm cho vợ chồng em nghe, cũng trên cây đàn của em hồi trẻ”. Đoán được điều băn khoăn của tôi, Minh Tâm giải thích, cháu là con gái người bạn chiến đấu cùng đơn vị với chồng cô. Gia đình cháu ở Khâm Thiên. Sau một loạt bom B52, gia đình không còn ai sống sót. Rất may, hôm ấy cháu ở bên Chương Mỹ với ông bà ngoại. Vợ chồng cô đã nhận cháu về nuôi. Vẫn giọng dịu dàng ấy, cô se sẽ: “Tuổi xuân anh em mình đã cống hiến cho Tổ quốc. Em rất tự hào, không có gì phải luyến tiếc. Nhưng các ngón tay giờ không còn lướt trên phím đàn được nữa!”.

còn nữa…

Nguyễn Văn Tàu (AHLLVT, Thương binh loại A hạng 2/4)

baodatviet.vn

Bóc gỡ mạng lưới nội gián do địch cài lại

Tháng Tư 11, 2011 Bình luận đã bị tắt

(ANTĐ) -Sau những tổn thất nặng nề trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy phối hợp vạch ra và thực hiện “Kế hoạch hậu chiến” về hoạt động tình báo ở Việt Nam. Theo kế hoạch này, chúng sử dụng những cán bộ, bộ đội ta bị bắt hoặc những phần tử đầu hàng, phản bội, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, khống chế đưa trở lại hàng ngũ cách mạng để hoạt động nội gián.

Dập tắt “Kế hoạch Hải Triều”

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, ngành Công an đã có kế hoạch bóc gỡ mạng lưới nội gián của địch cài vào nội bộ ta hoạt động nhằm bảo vệ trong sạch nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Ngày 12-7-1975, qua đơn tố giác của người dân kết hợp với việc khai thác tài liệu do chế độ cũ để lại, Công an Bình Định phát hiện vụ nội gián trong “Kế hoạch Hải Triều” của Cảnh sát đặc biệt Ngụy đánh vào Thị ủy Quy Nhơn, do tên Võ Tám cầm đầu.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Võ Tám sinh năm 1921 tại Hoài Nhơn, Bình Định, từng tham gia du kích thôn và bị địch bắt. Sau khi ra tù, qua giới thiệu của người cháu (gọi Võ Tám bằng cậu ruột) là du kích thoát ly, Võ Tám được cán bộ Công đoàn giải phóng móc nối tuyển chọn làm cơ sở nội tuyến hoạt động tại thị xã Quy Nhơn. Võ Tám bị địch phát hiện và bí mật giám sát, theo dõi tính toán sử dụng vào kế hoạch tình báo của chúng.

Đầu năm 1970, sau khi dự lớp huấn luyện ngắn hạn của ta tổ chức từ chiến khu trở về, Võ Tám bị Cảnh sát Ngụy ở Bình Định bắt bí mật, đe dọa, mua chuộc, khống chế và y đã nhận làm việc cho chúng.

Cảnh sát quốc gia Bình Định thiết lập kế hoạch nội gián mang mật danh “Kế hoạch Hải Triều” đưa Võ Tám trở lại hàng ngũ cách mạng, thâm nhập vào Thị ủy Quy Nhơn để thu thập tin tức và giúp chúng đánh phá cơ sở cách mạng.

Đại sứ Cabốtlốt trước cảnh đổ nát trụ sở chiến tranh tâm lý chiến lược Mỹ tại Sài Gòn

“Kế hoạch Hải Triều” được thực hiện vào ngày 1-4-1970, Võ Tám được Cảnh sát quốc gia Bình Định cho mang bí số “X6”. Lợi dụng chủ trương của cách mạng phát triển cơ sở nội tuyến, Cảnh sát quốc gia Bình Định đã hướng cho Võ Tám xây dựng cơ sở vào số người do chúng giới thiệu, tạo thành nhóm nội gián hoạt động cho địch.

Chúng đã xây dựng các tên Nguyễn Đức Bé (bí số X11), Trần Mùi (bí số X7), Phạm Minh Nhậm (bí số X9) và 2 người con của Võ Tám là Võ Thị Quán (bí số X8) và Võ Ngọc Chánh (bí số X10). Được cơ quan tình báo Ngụy chỉ đạo chặt chẽ và sự giúp đỡ của CIA, Võ Tám đã gây được tín nhiệm với cách mạng, được kết nạp vào Đảng.

Trong quá trình hoạt động nội gián cho địch đến khi bị lực lượng Công an nhân dân Việt Nam phát hiện, bắt giữ, Võ Tám đã báo cho địch 200 tin tức quan trọng, chỉ điểm cho địch bắt nhiều cán bộ cách mạng hoạt động tại nội thị Quy Nhơn, trong đó có một Tỉnh ủy viên Bình Định, phá vỡ 4 tổ chức cách mạng. Hoạt động bán nước hại dân của Võ Tám được cố vấn CIA Đa-vít Mô-ra-lét đánh giá: “Đây là kế hoạch mạnh nhất vùng 2 chiến thuật”.

Phá tan “Kế hoạch Hải Yến”

Tháng 4-1977, Cơ quan an ninh miền Nam đã phát hiện Nguyễn Tấn Đức (bí số N001) do CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy tuyển lựa, hoạt động trong “Kế hoạch Hải Yến”, Ban công tác Nam vụ.

Đi sâu điều tra nghiên cứu về Đức, lực lượng an ninh đã dựng lại quá trình hoạt động của y. Nguyễn Tấn Đức sinh năm 1925 tại Ba Tri, Bến Tre. Đức tham gia cách mạng năm 1945, được kết nạp Đảng năm 1948, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Căn cứ của chính quyền cũ ở Chợ Lớn bị Quân giải phóng tiêu diệt

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa (năm 1966), Đức được cử vào B2 công tác, là ủy viên Ban dân y Phân khu II, khu Sài Gòn – Gia Định, sau đó làm Trưởng ban quân y Tân Bình. Năm 1969, Đức được đề bạt làm Viện trưởng Bệnh viện A10, Hiệu trưởng trường Y sỹ Phân khu II. Tháng 2-1970, trên đường đưa đoàn cán bộ và thương binh về địa điểm mới gần biên giới Việt Nam – Campuchia, thì bị địch phục kích và Đức ra lệnh cho anh em không được chống cự.

Sau đó, Đức và cả đoàn bị địch bắt. Đức tỏ ra hoang mang dao động, mất tinh thần, khai báo với địch để bảo toàn tính mạng. Sau khi thử thách, địch đưa Đức về Sài Gòn sử dụng làm nội gián mang bí số N001. Chúng đưa Đức về nằm vùng tại huyện Tân Bình để chờ cơ hội chui vào nội bộ ta.

Tháng 4-1973, Đức móc nối và trực tiếp gặp lãnh đạo Huyện ủy Tân Bình và được giao nhiệm vụ hoạt động công tác y tế ở huyện, bằng các hoạt động như mở rộng y tế trong nhân dân lao động; đào tạo các lớp y tế, hộ sinh do các cơ sở xã gửi đến để phục vụ sau này. Sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ do địch giao, Đức được quan thầy của hắn đánh giá: “Kế hoạch đang tiến triển tốt. Tình báo viên đã có cơ hội chui vào nội bộ cách mạng”.

Khi bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn, Đức được Huyện ủy Tân Bình sử dụng vào công tác y tế phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, hắn làm cán bộ Phòng Y tế huyện Tân Bình. Nhưng, trước con mắt cảnh giác của nhân dân và sự nhạy bén của lực lượng An ninh miền Nam, tên nội gián Nguyễn Tấn Đức mang bí số N001, nhân vật chính trong “Kế hoạch Hải Yến” do địch cài lại để hoạt động chống phá cách mạng đã sa lưới.

Đại tá Tăng Văn Sỹ
(Nguyên Trưởng ban 3, Viện Nghiên cứu lịch sử, Bộ Công an lược ghi)