Trang chủ > Tội ác Mỹ ngụy > Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Bài 2)

Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Bài 2)

Tháng Tư 12, 2014

Bài 2: Khí phách tuổi 15

QĐND – Nhằm uy hiếp tinh thần và buộc tù nhân phải chấp hành các nội quy trong nhà tù, bọn cai ngục ra sức mua chuộc, dụ dỗ đồng thời sử dụng những cực hình tra tấn dã man. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt, bản lĩnh kiên cường và phương thức đấu tranh táo bạo của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.

Tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Trại giam thiếu nhi Đà Lạt gồm 3 dãy nhà liền kề, được xây theo kiểu chữ U, ở giữa là sân bê tông có trụ treo lá cờ 3 que. Theo quy định, buổi sáng Thứ hai, tất cả các tù nhân phải ra sân làm lễ chào cờ. Đây là thử thách khắc nghiệt đối với các tù nhân. Bởi chào cờ là thừa nhận chế độ tay sai Mỹ-ngụy, không chào cờ đồng nghĩa với chống đối địch. Chào cờ sẽ được cho ăn, cho mặc, không chào cờ sẽ bị tra tấn. Trụ cờ là ranh giới thể hiện rõ tinh thần đấu tranh giữa ta và địch, những giằng xé khốc liệt của nội tâm, nước mắt và máu.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đó trong các nhà tù miền Nam, phong trào chống chào cờ địch của các chiến sĩ cách mạng cũng đã diễn ra rất sôi nổi. Một số đồng chí từng có kinh nghiệm trong đấu tranh chống chào cờ ở nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa như Đặng Bảo Xi, Ngô Tùng Chinh, Trần Lịch, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Đăng Được, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Thành, Mai Thanh Minh, Thái Bá Tro… khi bị chuyển về Nhà lao Đà Lạt trở thành hạt nhân lãnh đạo. Do đó, chống chào cờ để giữ vững khí tiết của người cách mạng đã trở thành phong trào nổi bật của tù nhân thiếu nhi Đà Lạt.

Sau khi dụ dỗ, ép buộc thù nhân chào cờ không thành, ngày 20-11-1971, địch tuyên bố chuyển một số tù nhân mà chúng coi là “đầu sỏ” về lại nhà tù Chí Hòa, Côn Đảo. Trước tình hình ấy, các đồng chí lãnh đạo trong nhà lao đã đề ra phương án tuyệt thực và mổ bụng tập thể để phản đối và uy hiếp tinh thần địch. Anh Nguyễn Văn Thu, một trong những tù nhân tự mổ bụng trong sự kiện này cho biết:

– Khi phương án được đưa ra, rất nhiều người xung phong tự mổ bụng. Ban đầu danh sách mổ bụng gồm 9 người nhưng sau đó được gút lại còn 5 người gồm: Tôi và các anh Mai Bốn (Mai Thanh Minh), Thái Bá Tro, Bùi Văn Hiệp, Nguyễn Văn Út.

Từ trái sang, các anh Nguyễn Văn Thu, Thái Bá Tro, Mai Thanh Minh, những người đã tham gia mổ bụng phản đối kẻ thù.

Để chuẩn bị cho việc mổ bụng, trước đó mỗi người thủ sẵn một dao lam nhỏ (chuyển bí mật từ ngoài vào), được cho uống sữa để máu trong người loãng ra, tất cả tù nhân tham gia mổ bụng mặc áo trắng, mục đích để khi máu ra nhiều sẽ tạo hình ảnh ghê sợ, dễ áp đảo kẻ thù. Với phương châm “mổ cho lòi ruột ra nhưng không chết”, cách mổ cũng được hướng dẫn kỹ, các tù nhân sẽ mổ bên phải bụng. Những người được lựa chọn mổ bụng phải tìm cách đứng ghép vào nhau sao cho địch chỉ còng tay trái, còn tay phải để hành động.

15 giờ ngày 21-11, địch bắt đầu còng tay tù nhân thành từng cặp và đưa họ ra sân. Khi chúng đẩy một số tù nhân sang khu vực nhà giam nữ để đàn áp, anh Mai Bốn hô to:

– Đả đảo ngụy quyền Sài Gòn lưu đày thiếu nhi miền Nam ra Côn Đảo. Đả đảo nhà cầm quyền Sài Gòn đàn áp tù nhân. Nếu đàn áp chúng tôi sẽ mổ bụng.

Tiếng hô của anh Mai Bốn như một lời hiệu triệu, đồng loạt tiếng phản đối vang lên như đợt sóng lan khắp nhà tù. Bọn địch xông vào tấn công, bầu không khí trở nên đặc quánh bởi tiếng hô, tiếng đòn roi và tiếng phản đối, la hét. Anh Nguyễn Văn Thu mổ bụng trước, sau đó tới anh Mai Bốn và Thái Bá Tro. Địch quyết liệt ngăn cản. Các tù nhân đứng thành vòng tròn che chắn để các anh thực hiện mổ bụng. Máu chảy lênh láng, ruột đổ ra ngoài, anh Thu ngã xuống sân nhà lao bất tỉnh, sau anh Thu, anh Mai Bốn tiếp tục mổ bụng rồi tới anh Thái Bá Tro. Nhìn cảnh tượng đó tên Trưởng ban an ninh Nguyễn Văn Giàu hoảng sợ, bọn địch giãn ra, chúng nhanh chóng đưa các tù nhân trở lại xà lim và đưa những người mổ bụng đi cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, các anh tiếp tục tuyệt thực 3 ngày, yêu cầu địch phải đáp ứng các yêu sách: Không được đàn áp tù nhân; Không bắt buộc cưỡng ép tù nhân chiêu hồi; không được dùng tù cai trị tù; được tự do gặp gỡ với anh em bạn tù; phải trả tự do cho những người hết án và mãn hạn tù…

Một số yêu sách được địch chấp nhận, chúng bắt đầu nhượng bộ.

Diệt ác ôn

Trong số các cai ngục tại Nhà lao Đà Lạt, Nguyễn Cương là tên ác ôn khét tiếng, hắn trước vốn là du kích Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam, do không có lý tưởng, không chịu nổi gian khổ nên đã bỏ sang hàng ngũ của địch. Tại đây, với vai trò “Trưởng ban trật tự lưu động”, Nguyễn Cương thường xuyên tra tấn, đánh đập tù nhân bằng những hình thức rất man rợ như: Lột quần áo, dùng giày đinh đạp vào đầu, dùng roi da đính móc sắt nhỏ đánh vào người khiến từng mảng da thịt của họ bị xé rách; gí bóng điện sáng vào người cho cháy da thịt… Sự tàn ác, man rợ của Cương khiến các tù nhân rất căm phẫn. Tuy nhiên việc hắn tra tấn anh Võ Việt, một tù nhân tại phòng C được coi là giọt nước tràn ly, củng cố thêm quyết tâm của các anh chị tiêu diệt tên ác ôn này. Anh Nguyễn Quốc Tân (bí danh Nguyễn Mẹo), hiện ở số 319/36 Trưng Vương, TP Đà Nẵng, cựu tù thiếu nhi Đà Lạt, người từng tham gia tiêu diệt Nguyễn Cương nhớ lại:

– Một lần anh Võ Việt được gia đình gửi cho một ít tiền thăm nuôi, tên Cương đòi ăn chặn nhưng anh Việt không đồng ý. Việc này khiến hắn xấu hổ, tức giận và nung nấu ý định trả thù. Một hôm khi thấy anh mang một nắm vỏ cây nhuộm quần áo về phòng nấu, lấy cớ anh vi phạm nội quy nên Nguyễn Cương trói anh Việt lại sau đó dùng giầy đinh đá liên tiếp vào mặt, vào đầu khiến máu từ mũi và miệng anh trào ra, việc này diễn ra ngay trước mắt các tù nhân. Ngay đêm đó, anh em phòng C họp bàn tiêu diệt tên Nguyễn Cương. 6 người được phân công giết Nguyễn Cương gồm: Tôi, anh Mai Bốn, anh Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Quốc Toàn, Trần Cồ (tức anh Trần Việt Hùng), Lê Doãn Dũng. Trong đó, anh Hùng siết cổ, anh Huệ và anh Toàn sẽ nắm chân, tôi và anh Mai Bốn đâm, anh Lê Doãn Dũng cảnh giới, khi nào thanh toán xong tên Cương thì hô to để giám thị nhà lao biết.

Tên Cương rất to béo, khỏe mạnh, trong khi đó các anh chỉ là những thiếu niên mới 15, 16 tuổi. Cuộc sống trong tù quá lao khổ nên ai cũng cũng gầy gò, yếu ớt. Biết dùng tay không sẽ không thể giết được hắn nên phải tìm vũ khí. Quá trình tìm, họ phát hiện trên vành máng xối khu nhà ăn, mái nhà có cọng thép 5mm, các anh rút cọng thép, bí mật mài mỗi ngày một ít cho thật bén sau đó xé quần áo, quấn một đầu để cầm.

Đêm 23-1-1973, như thường lệ tên Cương bước vào phòng, 5 người xông tới, các anh Cồ, Huệ, Toàn nắm chân tay, giữ và đè hắn xuống, 2 người còn lại dùng que sắt đâm liên tiếp vào người nhưng vì hắn quá to khỏe nên chống trả rất dữ dội. Sau một hồi vật lộn, trời lại tối, anh Lê Doãn Dũng tưởng mọi việc đã xong bèn hô lớn: “Sếp ơi, phòng C có đánh nhau!”. Bọn giám thị ập vào khống chế các tù nhân và đưa tên Cương ra ngoài. Tên Cương không chết nhưng bị thương tật 60% sức khỏe.

Một trận đòn ác liệt dành cho các tù nhân diễn ngay tại phòng C. Sau đó, 5 người bị đưa đi hỏi cung. Để tránh liên lụy cho các đồng chí khác, 5 người đều thống nhất ở lời khai và tự nhận mình đã giết tên Cương. Một trận đòn nữa ác liệt hơn lại giáng xuống. Anh Nguyễn Quốc Tân kể:

– Sau khi dẫn 5 người ra giữa sân, bọn cai ngục bắt các phòng giam mở cửa để mọi tù nhân chứng kiến màn tra tấn của chúng. Tất cả chúng tôi đều bị lột trần, bị đánh bất tỉnh rồi ném vào xà lim. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy trong xà lim tôi thấy tên Lê Văn Dẹt, Phó quản đốc Nhà lao bước vào, trên tay hắn cầm cây gậy hướng đạo dài, ngó thấy cây gậy, tôi thầm nghĩ: Cây hướng đạo dài, xà lim chật nên hắn sẽ rất khó đánh, có đánh thì sức vụt cũng bị hạn chế, tôi sẽ không chết. Sau khi vụt vài nhát, cây hướng đạo trên tay Dẹt gãy đôi, một ý nghĩ khác ập đến: Có lẽ mình sẽ chết vì với cây gậy ngắn này, hắn sẽ dễ dàng đánh và sức vụt sẽ rất mạnh, mình sẽ không chịu nổi. Tuy nhiên, sau một hồi đánh, tên Lê Văn Dẹt mệt quá bỏ ra ngoài, còn tôi bất tỉnh đến tận hôm sau. Sau sự kiện này, chúng tôi đã bị chúng biệt giam tại nhà lao Tuyên Đức đến tận ngày được cách mạng giải thoát.

Kế hoạch tiêu diệt ác ôn dù chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào đấu tranh trong tù. Lần đầu tiên, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã dũng cảm đứng lên, tấn công tiêu diệt kẻ thù ngay trong sào huyệt của chúng. Qua vụ việc này bọn cai ngục cũng đã dè dặt hơn trong việc tra tấn tù nhân.

————-

Bài 1: Địa ngục trần gian

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
qdnd.vn