Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Nhà biên kịch…chân đất

Nhà biên kịch…chân đất

Tháng Tư 16, 2013

Khán giả truyền hình từng say mê với bộ phim nhiều tập “Làng ven đô”, hẳn không quên cái tên Bùi Văn Thành, tác giả kịch bản văn học của bộ phim. Nhưng ít ai biết rằng Bùi Văn Thành là một tác giả… nông dân đang cày ruộng ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Anh nguyên là một cựu chiến binh, cựu học viên Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự phục viên đã hơn 20 năm. Năm nay, Bùi Văn Thành xấp xỉ lục tuần…

Nhà biên kịch Bùi Văn Thành

Anh Thành kể: “Thực ra tôi không được học về viết kịch bản truyền hình mà mày mò tự học viết. Những sự kiện nóng hổi đang diễn ra hằng ngày tại quê mình, như chuyện nông dân bị mất đất, tôi thấy phải nghĩ cách để giúp đỡ người dân đòi lại. Tôi viết các câu chuyện tiêu cực ấy thành kịch bản truyền hình, gửi lên nhà đài để biên tập thành phim phát lên sóng cho mọi người xem, cùng đấu tranh. Kịch bản bị gửi trả lại với lí do đây chưa phải kịch bản phim truyền hình, nhưng họ lại khen cốt truyện phong phú và có nhiều tình tiết hấp dẫn. Họ bảo phải biết chia ra làm nhiều tập nhỏ, mỗi tập một câu chuyện liên tục nối tiếp nhau thành câu chuyện lớn. Trong đó phải dựng được những mắt xích liên hệ chặt chẽ với nhau, giữa từng nhân vật nối nhau, cùng với phong cảnh, địa điểm được thay đổi, không gian câu chuyện được mở rộng hơn, tạo dựng nhiều tình thế xung đột và kịch tính để làm hồi hộp và hấp dẫn người xem…”.

Thế là anh Thành lại cặm cụi viết “Làng ven đô” trong 6 tháng. Từ câu chuyện thực tế xảy ra ngay tại quê mình, thời đất nước mở cửa nông dân trong làng đua nhau bán đất, mong được đổi đời và ước mơ con em mình được làm viên chức, làm công nhân công ty liên doanh. Làng không còn ruộng cấy lúa nhưng đàn ông có xe máy đi làm xe ôm, kiếm ra đồng tiền và rủ nhau uống bia, đánh bạc. Phụ nữ trong làng nhàn rỗi thì túm ba tụm năm dựng chuyện, tán gẫu, chiều đến thi nhau đánh đề. Sau một thời gian, không thấy doanh nghiệp xây dựng nhà máy như đã hứa, chỉ thấy những mảnh ruộng của mình được chia dọc, chia ngang thành những miếng nhỏ. Nhà làm một thời gian thì cũng bắt đầu phải sửa chữa, xe máy đi mãi thì cũ và hỏng. Nhưng tệ nạn rượu chè, cờ bạc thì ngày càng phát triển… Kịch bản “Làng ven đô” được Đài Truyền hình Việt Nam dựng thành phim nhiều tập phát sóng, gây được tiếng vang trong xã hội, được nhiều khán giả viết thư khen ngợi bộ phim đã phản ánh được vấn đề nhạy cảm của nông thôn hiện nay.

Phấn khởi nhất là người dân trong làng đã tìm được chính mình trong phim, họ bất ngờ và sửng sốt khi câu chuyện nhà mình y hệt như phim. Họ đã đến tận nhà anh Thành để biểu lộ sự biết ơn và cảm phục. Ngay cả cán bộ xã, sau khi xem xong bộ phim cũng đến tận nhà anh khen ngợi và chỉ trách khéo: “Anh tả về cán bộ xã hơi nặng quá đấy!”.

Trên đà phấn khích, anh Thành sáng tác kịch bản truyền hình thứ hai “Những người đồng đội” dài 17 tập. Nội dung câu chuyện kể về một nhóm thanh niên 4 người, cùng lên đường nhập ngũ và cùng được ra quân trở về làng với hai bàn tay trắng, khi đất trong làng đã bán hết để xây khách sạn và sân golf. Nhóm thanh niên này đã phải gồng mình làm đủ các nghề xe ôm, bảo vệ, buôn bán… để mưu sinh. Kịch bản này đã được VTV3 kí hợp đồng. Mới đây anh Thành đã viết xong kịch bản “Trưởng thôn”. Câu chuyện về một ông trưởng thôn do dân bầu, sống trong môi trường có nhiều cán bộ xã lo làm giàu và thu vén cho gia đình, chèn ép cấp dưới… Được biết, kịch bản “Lấy chồng phố” của anh cũng sắp hoàn thành. Câu chuyện hấp dẫn xoay quanh gái quê lấy chồng ở phố để hưởng sự giàu có. Anh Thành mong muốn góp một tiếng nói nhỏ phê phán những tệ nạn trong xã hội, cùng mọi người đồng lòng hợp sức xây dựng quê hương thanh bình…

Bài và ảnh: ANH HOÀNG-HẢI THANH
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử