Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 9

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 9

Tháng Tư 18, 2014

Kẻ cầm đầu chế độ

Hai ngày sau khi Phan Rang sụp đổ, tỉnh lỵ anh em với nó là Phan Thiết cũng bị Bắc Việt Nam chiếm nốt. Thế là cộng sản kiểm soát 20 tỉnh, trọn vẹn 2 quân khu, hai phần ba Nam Việt Nam rồi. Ở Sài Gòn, các thế lực đều đòi thủ cấp chính trị của Thiệu, kẻ cầm đầu chế độ.

Phe tự nhận là trung lập của Sài Gòn, không thích cộng sản và không thích chống cộng cũng muốn Thiệu ra đi. Phe cực hữu cũng muốn Thiệu ra đi, và éo le thay, chính họ lại công khai tấn công vào sự tham nhũng của tổng thống.

Từ tháng 9-1974, nhóm này đã phổ biến “bản cáo trạng số 1”. Các nhật báo Sài Gòn đăng cáo trạng này đều bị tịch thu nhưng vẫn còn rất nhiều bản được chuyền tay trong dân chúng khắp đất nước. Những lời tố cáo đó mang tính chất nghiêm trọng và có giá trị tài liệu.

Thiệu, với lợi tức chỉ vài trăm đôla hàng tháng mà có hai căn nhà ở Sài Gòn, trị giá hơn 150 nghìn đôla, một nhà thuỷ tạ ở sát phía Bắc Sài Gòn, một “vila tráng lệ” ở Thuỵ Sĩ, nhiều đất đai ở vô số tỉnh. Vợ Thiệu xây cái gọi là bệnh viện cho người nghèo, đã dùng hàng lậu thuế để trang trải việc xây dựng, bòn rút ngoại viện vào túi và kết cục thì dân nghèo không thể vào bệnh viện này. Anh vợ Thiệu thì đầu cơ nâng giá phân bón hóa học do Mỹ cung cấp, bán cho nông dân với giá cắt cổ. Cố vấn cho Thiệu là Đặng Văn Quang và Trần Thiện Khiêm tổ chức buôn thuốc phiện lậu. Một người cô của Thiệu tích trữ đầu cơ và nâng giá gạo, thâu tóm nhiều phương tiện vận tải để làm giàu. Thiệu còn “nhận quà” bằng đất đai, dùng công binh xây trang trại riêng…

Những lời tố cáo như bom nổ. Tuy bản cáo trạng thứ hai không gây náo động như bản cáo trạng thứ nhất, nhưng lại được dư luận rộng rãi tin. Thế là những người cánh hữu cương quyết đòi uống máu Thiệu về mặt chính trị. Còn ở mức độ rộng lớn, quân đội Sài Gòn muốn Thiệu ra đi vào tuần thứ nhì của tháng 4-1975. Đây là lá phiếu quan trọng nhất chống lại tổng thống.

Sau 10 năm ở chức vụ cao nhất tại Nam Việt Nam trong đó 8 năm làm tổng thống, năm 1975 Thiệu là người giàu nhất Nam Việt Nam nhờ tham nhũng. Trong chức vụ, Thiệu không hề được phép nhận hơn số lương 600 đôla mỗi tháng, và có lẽ từ 300 đến 400 đôla phụ cấp. Thế nhưng dù xét bất cứ tiêu chuẩn nào, thì Thiệu đã và vẫn còn giàu sụ.

Làm thế nào giàu được, đó là chuyện phức tạp và quanh co. Những gì sắp kể ra đây chắc chắn là không đủ. Cái biết được là với hai trường hợp ngoại lệ-một vila ở Thuỵ Sĩ và một ngân hàng Sài Gòn bị phá sản-còn tên thì cả Thiệu lẫn tên vợ Thiệu đều không tim thấy trong bất cứ hồ sơ nào. Thế mà họ đã trở nên giàu có. Theo các cuộc phỏng vấn và các nguồn điều tra khác thì gia đình Thiệu đã ăn cắp hàng trăm triệu đôla. Đó là tiền thuế của dân Mỹ và dân chúng đất nước họ.

Công cuộc làm tiền của Thiệu là dựa trên chiến tranh và môi trường cuộc chiến do viện trợ Mỹ nuôi dưỡng. Có lẽ Thiệu thành thật tin rằng không bao giờ thương lượng được với cộng sản. Thiệu tin như vậy nên cuộc chiến tiếp tục. Bởi vì cuộc chiến tiếp diễn nên Thiệu và gia đình Thiệu giàu thêm. Ở hạ tầng, sự tham nhũng đơn giản. Nhưng ở thượng tầng, nó là một mạng lưới phức tạp. Cũng như đảng maphia, nó lấy việc bảo vệ tay thủ lĩnh làm mục đích chính.

Ở hạ tầng, nó là sự mua bán thế lực vụn vặt, bảo vệ và tống tiền. Một tiệm thuốc đường Catinat bán công khai thuốc cần sa nha phiến cho lính Mỹ vì chủ tiệm được cảnh sát bảo vệ. Các chỉ huy Mỹ đưa lính đến đó thì thuốc ma tuý được chuyển qua tay gái bán bar. Những tay buôn gỗ ở Tây Nguyên hoạt động được vì các cấp chỉ huy quân đội được trả một số phần trăm lợi nhuận. Tiền lời ngừng trả thì đoàn xe chở gỗ bị phục kích bởi “du kích Việt Cộng”.

Khi tham nhũng trở nên quan trọng và số tiền dính líu nhiều hơn thì hệ thống trở thành một mạng lưới hình tháp. Ngồi trên đỉnh tháp tham nhũng tại Nam Việt Nam là Thiệu. Tháp chỉ là công cụ tổ chức, không nhất thiết là con đường chuyển tiền. Bằng cách cho phép những người xung quanh cái tháp ấy tự kiếm ăn, Thiệu tạo được ân nghĩa và những món nợ quyền lực. Từ năm 1965 đến năm 1975, y đã tạo hàng nghìn hoặc hàng vạn ơn nghĩa. Khi cần đền đáp thì lớn bé trong cái tháp ấy đều răm rắp tuân theo.

Phải hiểu rằng ở Nam Việt Nam, dù hiến pháp có được tuân theo triệt để thì tổng thống vẫn có quyền lực bao la. Thiệu có quyền nhiều hơn cả hiến pháp cho phép. Là chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh, một cơ quan nằm ngoài hiến pháp, Thiệu nắm trọn quyền hành trong hội đồng này. Là tổng tư lệnh quân đội, đứng đầu tổ chức hành chính công vụ, một tay Thiệu nắm hơn 3 triệu chỗ làm, một nửa chỗ công ăn việc làm của chế độ. Thiệu giữ toàn quyền bổ nhiệm thăng thưởng, giáng và cách chức 3 triệu người giữ các chỗ làm ấy không uỷ nhiệm cho ai.

Tiền bạc tuôn lọt từ cao xuống thấp và ngược lại. Mỗi cấp rút bớt phần ra để chia sẻ cho họ. Đó là hoạt động của đường dây tham nhũng, Nhưng hình như Thiệu không thèm làm. Tiền hậu tạ của chủ tiệm bar, kiều dân nhập cư bất hợp pháp… không đến tay Thiệu. Thiệu thu lượm ơn nghĩa và ơn nghĩa giúp tay tổng thống này làm giàu theo các kế hoạch riêng. Phương pháp thu lượm ơn nghĩa được G.Lansdale mô tả như sau: “… Guồng máy dân sự và quân sự hoạt động theo một chế độ chủ nhân ông xoay quanh mỗi tư lệnh quân đoàn. Mỗi người đã bổ nhiệm và cách chức mọi tỉnh trưởng, quận trưởng”. Năm 1975, Thiệu bổ nhiệm và cách chức thường xuyên 4 tư lệnh quân đoàn, nắm phần lớn việc bổ nhiệm tư lệnh sư đoàn, nhưng vậy là còn nắm quyền kiểm soát nhiều hơn cái chế độ mà Lansdale đã nói trong năm 1958.
 


Thiệu, Kỳ đi thăm binh lính.

Một thí dụ đặc biệt cho thấy cách thức hoạt động của Thiệu. Năm 1973 y thăng cấp lên tướng 3 sao cho Nguyễn Vĩnh Nghi và bổ nhiệm Nghi làm tư lệnh quân đoàn 4, tức là Nam Bộ. Nghi được tự do xoay sở để làm giàu. Vào giữa năm 1974, các nguồn tin sứ quán Hoa Kỳ nói rằng 8 nghìn điện đài và 25 nghìn khẩu súng M.16 và vũ khí nhỏ khác biến mất khỏi kho quân khu 4 trong thời gian Nghi làm tư lệnh. Bản cáo trạng số 1 buộc Thiệu có hành động tượng trưng để dẹp tham nhũng, tổng thổng phải cách chức Nghi. Hai tướng lĩnh khác thuộc quân khu 3 đã bị nhốt năm 1974 khi những người đi điều tra của quân đội Sài Gòn lẫn quân sự Hoa Kỳ nói là tụi này đã cố tình bán gạo cho Việt Cộng. Hai người đó là Trần Quốc Lịch của sư đoàn 25 ở Tây Bắc Sài Gòn và Lê Văn Tư của sư đoàn 5 ở hướng Bắc thủ đô. Việc bán lương thực và trang bị quân sự cũng như giấy hoãn quân dịch trong 2 sư đoàn đã làm hai đơn vị này về mặt tác chiến trở nên vô hiệu lực. Đến lúc chúng buộc phải ném vào trận đánh ở Sài Gòn tháng 4-1975 thì sư đoàn 25 đã không thể nào hành quân như lực lượng chiến đấu.

Những bổ nhiệm vào hàng tá chức vụ như thế là do Thiệu làm ra, với cách tính toán là tạo ơn nghĩa để dùng sau này. Một viên tướng được Thiệu bổ nhiệm có thể tự do xây dựng mạng lưới tham nhũng riêng của mình. Kiếm tiền bằng cách ghi vào sổ lương sư đoàn những lính ma. Bán những chỗ làm việc an toàn tránh xa chiến trường cho binh sĩ nào muốn và đủ sức trả cái giá đưa ra. Bán trang bị dành cho đơn vị ra chợ trời, thậm chí bán cả cho Việt Cộng. Họ cố tránh bán vũ khí sợ Mỹ biết thì phải mở cuộc điều tra, còn đồ dùng nhà ăn tập thể, quân phục, xe jeep, giày cao cổ thì mang lại nhiều tiền và các mặt hàng này tràn trề ở chợ trời chứng tỏ các sĩ quan cấp cao phải nhúng tay vào. Xăng trở thành mặt hàng đắt khách ở chợ trời sau năm 1974 khi khối Arập nâng giá. Một số tướng lãnh Sài Gòn rõ ràng đã điều khiển các đường dây bảo vệ đám con buôn chợ trời và buôn lậu.

Họ làm tiền thế nào, Thiệu không cần để ý. Chỉ có quy định ngầm là phải tránh các đường dây do tổng thống và gia đình điều khiển. Thiệu cốt tạo ân nghĩa và ta sẽ xem ân nghĩa được đền đáp như thế nào?

Tướng lĩnh được Thiệu bổ nhiệm có quyền bổ nhiệm cấp thuộc hạ của mình. Ở đây, tiền mặt được trao tay. Chỗ làm cao giá nhất là chỉ huy trưởng cảnh sát Chợ Lớn, khu người Hoa. Chức vụ đó giá khoảng 15 triệu, tức là 130 nghìn đôla. Chỗ này dễ kiếm tiền đến nội chỉ sau 2-3 tháng là đủ tiền trả giá. Các đại tá quân đội phải mua 80 nghìn đôla nếu muốn làm tỉnh trưởng Châu Đốc, giáp biên giới Campuchia. Nguồn thu lại chính là qua các tay buôn lậu trâu bò, tiền lời đếm theo đầu súc vật đi qua biên giới.

Đi dần lên trong các cấp chính quyền, hầu hết bộ trưởng đều xoay sở làm giàu bằng tham nhũng. Điển hình là Phạm Kim Ngọc, bộ trưởng kinh tế được Mỹ thích, đã xoay sở mở được một chương mục 8 triệu đôla ở Đài Loan bằng cách lấy “tiền hoa hồng” do việc bảo đảm những hợp đồng của các công ty làm ăn ở Việt Nam.

Nhưng so chuyện Thiệu và gia đình tay tổng thổng này làm, thì các chuyện trên không đáng kể. Hai người làm tấm che gió án ngữ sự tham nhũng hàng triệu đôla cho Thiệu là Nguyễn Thị Mai Anh, vợ Thiệu và Lý Long Thân, tên chồng người Hoa của cô em gái nuôi của Mai Anh. Những số tiền lớn từ đó đi vào các chương mục ngân hàng của Thiệu ở Singapore, Thuỵ Sĩ, chia lời thầm lặng ở Đài Loan, Guam, Hawaii, v.v…

Những dính líu của Mai Anh khó xác lập thành hồ sơ. Mụ ta là một tay mê say kim cương có tiếng. Trong các buổi chiêu đãi, mụ ta bàn bạc về kim cương một cách thông thạo với các mệnh phụ trong đoàn ngoại giao và khách mời. Mai Anh thường đeo một viên kim cương lớn khi đi ra ngoài và luân chuyển các nữ trang kim cương thành sưu tập lớn. Theo một số người thì mụ ta có một sưu tập về kim cương hạng nhất ở châu Á, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nguồn thu nhập quan trọng của Thiệu là buôn lậu, cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Kim loại vụn: đồng, sắt, đặc biệt đồng là một món hàng xuất khẩu béo bở nhất. Đồng là phần còn lại của những viên đạn và đại bác bắn đi. Sắt là tàn tích của xe tăng, xe vận tải và máy bay bị hư hại trong chiến tranh. Kim loại vụn lúc đó là mặt hàng được giá trên mọi thị trường, đặc biệt tại Nhật vì giá thép tăng cao. Một triệu lính bắn biết bao nhiêu đạn dược. Họ dùng hỏng bao nhiêu xe tăng, xe vận tải, xe jeep, máy bay, điện đài, máy chữ. Trong lúc rút đi, nó bị bỏ lại ở chiến trường, được thu gọn về các kho sắt vụn và bắt đầu cuộc đời mới là vật làm ra tiền cho Thiệu.

Bản thân việc buôn lậu thì đơn giản, cần ít người nhúng tay. Kẻ nào nhúng tay đều mang ơn nghĩa của Thiệu. Chính vào giai đoạn này của cuộc làm ăn, tay tổng thống này mới gọi đến những tướng tá vốn mắc nợ Thiệu về chức vụ mang ân nghĩa đến. Trả ơn thật đơn giản. Các anh hãy quay mặt đi đúng lúc và ra lệnh cho thuộc hạ cũng làm như thế.

Kim loại phế thải chờ bằng xe nhà binh, phủ bạt che kín để tránh các cặp mắt tò mò. Điểm chờ hàng đến thường là cảng Sài Gòn. Tổng thống cũng dễ dàng đòi các viên chức ở đây quay mặt đi chỗ khác. Tàu chở thuê đăng ký quốc tịch Panama, thuỷ thủ người Nam Triều Tiên. Ra đến biển khơi thì các tay tài phiệt Mỹ mới nhúng tay vào.

Mai Anh đích thân lo việc lấy tiền hàng. Lý Long Thân thì sắp xếp các chi tiết tẩy xoá sự tham nhũng ở ngân hàng Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Philippin, Guam. Mai Anh thỉnh thoảng dùng lý do che đậy là đi thăm con ở châu Âu để bỏ tiền vào một ngân hàng hay biến nó thành đồ nữ trang. Trong một chuyến đi như vậy vào năm 1972, Mai Anh đã mua một vila ở Thuỵ Sĩ.

Việc buôn lậu ra nước ngoài là đáng trách nhưng ít gây hậu quả cho cuộc chiến. Buôn lậu trong nước gây chết chóc, kéo dài cuộc chiến tranh và giúp sức trực tiếp cho Việt Cộng. Hàng không Việt Nam (Air Việt Nam) từ Sài Gòn bay đến 11 thành phố châu Á nằm dưới quyền điều khiển của Nguyễn Tấn Trung. Con trai chung là chồng con gái Thiệu. Các khoang chữa hàng của máy bay Air Việt Nam từ Tokyo, Hồng Kông, Singapore về đều chất đầy hàng: rượu, thuốc lá, son phấn, hàng điện tử, cúc áo, đồ dùng phòng ăn… Hầu hết những thứ nhét lọt qua khoang chở hàng đều có mặt trên các chuyến bay phản lực về Việt Nam, được biết là đềi theo chỉ thị của vợ Thiệu. Hàng về, binh sĩ Sài Gòn bao quanh máy bay đông nghẹt. Họ bốc xuống xe nhà binh những thùng rượu Pháp, hàng Nhật, Hồng Kông trước con mắt của khách nhìn qua cửa sổ.

Sự tham nhũng của Thiệu đặc biệt có hại cho Nam Việt Nam kể từ năm 1972 trở đi, khi Nam Việt Nam chệnh choạng trên bờ vực phá sản. Viện trợ của Mỹ giảm, giá hàng lại tăng. Thiệu, đám bạn bè và gia đình tổng thống mỗi ngày một giàu. Dân chúng thì mất niềm tin ở tổng thống của họ. Đến giữa tháng tư, khi Thiệu bước sang năm thứ 10 làm quốc trưởng Nam Việt Nam thì sức ép đã quá lớn rồi. Vấn đề không còn là Thiệu có ra đi hay không mà là phải ra đi khi nào và như thế nào.

Chỉ có Graham Martin là không muốn Thiệu ra đi. Theo lời một số người trong đám thân tín của viên đại sứ thì Martin cho rằng “Thiệu là tổng thống duy nhất mà chúng ta (Mỹ) kiếm được”. Cái mà Martin hy vọng là Thiệu chịu thương lượng với Hà Nội để tìm kiếm hoà bình, Martin đã mất không biết bao nhiêu thời gian để thuyết phục Thiệu. Như vậy thì buộc Thiệu phải quỳ xuống van xin thương lượng, là để Hà Nội và Việt Cộng nhổ nước bọt vào mặt mình. Thiệu không chịu và chiến tranh cứ kéo dài.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)