Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 11

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 11

Tháng Tư 20, 2014

“Người Mỹ các ông…”

Ba năm rưỡi qua, kể từ ngày 20-12-1971, Sài Gòn là hòn đảo kỳ quặc trong chiến tranh, không bị bom đạn đụng đến. Nó có vẻ cách chiến trận 1 nghìn dặm nên không phải là chiến trường. Nhưng nó đang là chiến trường bỏi vì Sài Gòn là trung tâm của vùng chiến trận.

Khi Hà Nội bị B.52 tập kích thì Sài Gòn chan hoà ánh nắng. Khi lính chết la liệt ở các tỉnh quanh nó thì Sài Gòn bình yên. Đến tháng 4-1975, nó căng thẳng hơn đôi chút. Thế là biết cuộc chiến sắp kết thúc. Cộng sản sắp sửa nhảy lên chỗ ngồi của người lái để làm chủ chiếc xe. Chiến tranh đang đến gần Sài Gòn. Tiếng nổ kho đạn ở Biên Hoà có thể nghe thấy được.

Cản trở duy nhất cho sự dàn xếp hoà bình trước khi khói lửa chiến tranh bốc lên ở Sài Gòn được xem là Thiệu. Tiếng rít lên đòi thủ cấp chính trị của Thiệu vang động ngày chủ nhật tương đối yên tĩnh này. Ở mọi nơi, trừ văn phòng lầu ba ở toà đại sứ Hoa Kỳ (văn phòng Martin). Người ta đều chấp nhận là Thiệu phải ra đi. Thiệu hết thời rồi. Tay tổng thống này còn ngồi đấy thì chiến tranh sẽ đến với Sài Gòn.

Suốt ngày 20-4, Thiệu ngồi ở hầm trú bom dưới dinh Độc Lập. Xế trưa thứ bảy, một chiếc trực thăng đáp xuống sân cỏ của dinh. Từ trực thăng bước ra là tướng 4 sao Cao Văn Viên và tướng 3 sao Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân khu 3 bao quanh Sài Gòn. Gặp được Thiệu, Toàn đi ngay vào trọng tâm: “Thưa tổng thống, cuộc chiến kể như xong!”. Toàn nói vậy.

Toàn nắm cuộc họp ấy, Toàn muốn Viên đi theo chỉ vì tổng thống tin Viên hơn và Toàn muốn Viên làm một nhân chứng. Toàn bảo Thiệu là Phan Rang tiêu tan rồi, điều mà ba ngày qua được giữ kín với Thiệu. Vĩnh Nghi đã bị bắt. Căn cứ không quân rơi vào tay cộng sản. Phan Thiết sụp đổ nhanh chóng. Chắc chắn cộng sản sẽ quay sang quốc lộ 1 để tràn xuống, không cần theo đường bờ biển đi vào Sài Gòn.

Toàn nói cả chuyện gì đã xảy đến cho mồ mả gia đình Thiệu ở Ninh Chữ. Tổng thống tay chân vốn đã run rẩy, mặt mày trở nên trắng bệch khi nghe Toàn nói điều đó. Toàn định ém chuyện này đi nhưng quá nhiều người đã biết. Nghi cũng đã đánh điện về Biên Hoà trước khi rời Phan Rang. Chuyện ủi sập mồ mả tổ tiên Thiệu là đầu đề trò chuyện ở sở chỉ huy của Toàn. Toàn nghĩ tốt hơn hết là nên nói thẳng tin này cho Thiệu biết hơn là để ý nghe thiên hạ xầm xì.

Cả Viên và Toàn đều ngạc nhiên khi không thấy Thiệu nổi trận lôi đình. Viên nghĩ cách để nói rằng mọi chuyện xảy ra là do hậu quả hành động của Thiệu. Nhưng Thiệu đã quay đi bước vào phòng nghỉ, không buồn bảo Toàn và Viên về nghỉ. Hai viên tướng tự động bước ra ngoài. Đấy là chuyện của ngày thứ bảy. 


Thiệu nghĩ gì?!

Giờ đây là chủ nhật. Thiệu đang ngồi im như tượng. Thiệu không nói gì trong 24 giờ qua, ngoài câu dặn dò không tiếp ai cả. Nửa ngày thứ bảy, cả ngày chủ nhật và sáng thứ hai Thiệu rút vào cô độc, không ăn uống gì mặc dầu trong hầm chứa nhiều thức ăn. Phòng báo chí vẫn loan báo tổng thống sẽ dự lễ kỷ niệm Hùng Vương vào chiều thứ hai. 400 nhà báo nước ngoài vẫn chờ sẵn để quan sát tổng thống vào thời điểm khủng hoảng.

Cùng lúc ấy, Lê Minh Đảo, chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc biết rằng thành phố kể như tiêu rồi. Đêm chủ nhật, sáng thứ hai, cộng sản đã chuyển quân vào để dứt điểm. Lữ đoàn dù Sài Gòn đã sa lầy trong rừng cao su, trung đoàn dự bị của sư đoàn không hy vọng chọc thủng vòng vây nữa. Suốt đêm, tỉnh lỵ bị pháo kích. Hoả lực tấn công của cộng sản còn mạnh hơn bất kỳ đơn vị bộ binh Mỹ nào mà Đảo đã biết. Tiền đồn xung quanh Xuân Lộc lần lượt sụp đổ.

Sau rạng đông, Đảo nói chuyện bằng điện đài với sở chỉ huy Biên Hoà. Biết là Toàn không có mặt tại đó, nhưng đã dặn truyền lệnh giữ Xuân Lộc càng lâu càng tốt. Không còn kiểu ra lệnh của Thiệu là phải giữ bằng mọi giá. Đến nửa buổi sáng thì sư đoàn 18 rõ ràng là tuyệt vọng. Xuân Lộc, biểu tượng tử thủ của quân đội Sài Gòn sắp sụp đổ. Đảo ra lệnh rút bỏ vị trí và chạy.


Tướng Lê Minh Đảo – TL sư đoàn 18/VNCH.


Thiệu cũng bước ra khỏi hầm, tâm trạng âu sầu. Tổng thống đã quyết định rồi, sang phòng phía tây, lấy giấy bút soạn thảo diễn văn. Thiệu muốn họp với tả hữu tin cậy còn không đầy nửa tá và ra lệnh gọi Martin sau 1 giờ nữa có mặt ở dinh tổng thống.

Các nhân viên quanh Thiệu nhanh chóng loan truyền tin Thiệu sắp sửa từ chức. Một nhà báo Mỹ bèn gọi một cú điện thoại đến hỏi Martin. Thế nhưng đại sứ lại hiểu tổng thống hoàn toàn trái ngược. Theo lời Martin, Thiệu có ý định ở lại chức vụ và đang chống cự với mọi nỗ lực tìm cách phế truất y. Qua truyền hình, Thiệu có ý định đòi hỏi bỏ phiếu tín nhiệm và Martin tiên đoán là Thiệu sẽ thắng.

Bài diễn văn của Thiệu nói trước đám viên chức là những lời lẽ quyết liệt. Nó được đưa lên truyền hình lúc 8 giờ tối. Tổng thống nói “tình hình thật khẩn cấp”, gần như phải rút lui đến dinh Độc Lập. Nếu người Mỹ chỉ cần can thiệp như họ đã hứa thì Nam Việt Nam đâu đến nỗi nào đang phải đương đầu với nguy cơ sắp mất thủ đô. Thiệu cả gan nói láo rằng, cái gì đã xảy ra ở vùng cao nguyên là do quyết định của viên chỉ huy quân khu 2. Lệnh rút lui của cấp chỉ huy quân khu 2 tất yếu dẫn tới việc mất quân khu 1.

Khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, quân đội Sài Gòn đã mất 63% sức mạnh quân sự. Tổng thống ngừng nói, cắn môi, rõ ràng là để cầm nước mắt. Thiệu nói tiếp: “Người Mỹ các ông… không chịu cho chúng tôi viện trợ mà các ông đã hứa hẹn. Tức là không ủng hộ chúng tôi nữa. Thế thì được rồi, tôi sẽ ra đi. Nếu người Mỹ không giúp đỡ Nam Việt Nam nữa, hãy để họ ra đi, cút đi, hãy để họ nuốt hết những lời hứa của họ”. Thiệu thay đổi giọng điệu nhanh chóng và tuyên bố từ chức.

Dân chúng thở phào nhẹ nhõm trước sự từ chức của Thiệu. Con người bị khinh miệt nhất trong đất nước đã bước xuống, chấm dứt nhu cầu đảo chính, nhưng khả năng thương lượng vẫn mong manh. Chẳng có cách gì để lấy lại đất đã mất. Ít ai cảm thấy quân đội Sài Gòn có thể bảo vệ nổi phần còn lại của Nam Việt Nam. Vậy mà định thương lượng tức là sẵn sàng quỳ xuống để đối phương nhổ nước bọt vào mặt.

Bộ đội Bắc Việt Nam tiếp tục đổ xuống theo các quốc lộ hướng về Sài Gòn, sư đoàn nối tiếp sư đoàn, đặc biệt ở phía Bắc và Tây Bắc xuống. Trong phần lớn đoạn đường, họ ngồi trên xe tải và xe tăng. Một chố giao lưu quan trọng là Đồng Xoài, cách Sài Gòn 35 dặm về phía Bắc. Tại đây, điểm giao nhau giữa các cánh quân xuất phát từ đường mòn Hồ Chí Minh, từ vùng biên giới Campuchia, từ vùng Đông Bắc, nơi các sư đoàn chiến thắng ở cao nguyên, Đà Nẵng và Nha Trang đổ về Sài Gòn. Xe vận tải nối tiếp nhau đi ngang qua Đồng Xoài, nơi trước đây có một trại lính mũ nồi xanh của Mỹ, đã bị tràn ngập. Các loại xe chuyên môn cũng đã quá nhiều, không thể đếm được. Chúng chở cầu, kéo pháo, chở xăng cho xe tăng và các loại xe khác.


Đoàn xe “thần tốc” chở QĐ1 vào tham gia chiến dịch HCM.

Một công-voa kéo dài 3 ngày xuất phát từ các dãy núi. Nó được gọi là Trường Sơn, đặt theo tên vùng cao nguyên mà nó đi ngang qua. Công-voa hầu hết là xe vận tải mới của Bắc Việt Nam mà theo như những người lái chúng cho biết là mang đủ đạn cho trận đánh một tháng.

Cuộc vây hãm Sài Gòn đang được dựng lên. Từ Đồng Xoài, hàng trăm xe tải thẳng hướng Tây, tiến về Tây Ninh, Bình Dương. Những chiếc khác đi thẳng hướng Đông theo quốc lộ 1 đến Biên Hoà. Hàng trăm chiếc khác xuôi những con đường ít ai biết đến để ra Vũng Tàu và bờ biển. Vòng vây đặt quanh Sài Gòn không phải là một vòng tròn nhưng toàn vẹn và chặt chẽ. Thậm chí cả về phía Nam, nơi còn một chút kiểm soát của quân đội Sài Gòn, cộng sản vẫn đang đi vào vị trí để vây bọc và cắt đứt liên hệ giữa vùng châu thổ với Sài Gòn. Máy bay của không quân phần lớn chẳng có thể tìm ra các công-voa. Giả dụ dân chúng tìm ra thì cũng chẳng đủ máy bay, rồi dù có máy bay cũng chẳng có phi công nào liều chết bay đi khi đã nhan nhản tin đồn về loại tên lửa phòng không vác vai tuyệt diệu SA.7 xuất hiện trong đội hình các đoàn quân ấy.

Trong tầm pháo của Sài Gòn, bộ đội công binh cộng sản đặt một chiếc cầu trong vòng không đầy một ngày. Với nó, hàng tá xe tăng, đại bác hạng nặng và mấy chục xe vận tải vượt sông Đồng Nai để tấn công Sài Gòn từ hướng Tây. Khoảng chừng hơn 10 sư đoàn đã bao quanh Sài Gòn và nằm im chờ lệnh tấn công. Nửa tá các sư đoàn khác đang đứng sau lưng họ, sẵn sàng bổ sung cho tuyến xung phong. Về phía Bắc và Đông Bắc, cộng sản ở trong vòng 20 dặm đối với thủ đô. Về phía Đông, họ cách chừng 30 dặm. về phía Tây và Tây Nam, sau khi Thiệu từ chức, cộng sản đang thay đổi đội hình nhưng cũng chỉ cách Sài Gòn vào khoảng 30-35 dặm.

Đến ngày 26-4, Sài Gòn là mục tiêu nằm trong tình thế đợi phía bên kia bấm nút. “Người Mỹ các ông” lừng khừng không di tản sao được nữa.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)