Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 10

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 10

Tháng Tư 18, 2014

“Gút bai ông Mỹ!”

Đêm ấy, khi Sài Gòn đã đi ngủ, ở Washington Tổng thống Ford bắt tay hành động. Những lời chỉ trích đã lên đến tột cùng, tất cả nhằm tố cáo Martin kéo dài lê thê cuộc di tản người Mỹ. Martin lập luận rằng, việc di tản người Mỹ sẽ làm đất nước ấy hoảng loạn và làm cho sự đầu hàng trở thành không tránh khỏi, làm cho chiến thắng của cộng sản nhanh hơn. Điều tệ hại nhất là có thể gây ra hoảng loạn ở Sài Gòn, nếu đem so sánh thì ngay sự hoảng loạn ở Đà Nẵng cũng chẳng thấm tháp gì.

Giờ đây, nhiều người Mỹ đang ló mặt khỏi cái tủ Sài Gòn kín mít. Sứ quán tin rằng có lẽ khoảng 6 nghìn người Mỹ sẽ di tản nếu bắt đầu cuộc di tản vào giữa tháng tư. Nhưng khi cuộc tấn công thần tốc của Bắc Việt Nam được đẩy mạnh thì ngày càng có nhiều công dân Mỹ xuất hiện. Nhiều người là quân nhân về hưu. Họ chọn Sài Gòn để sống vì nhiều lý do khác nhau, thường là do chuyện giá rượu rẻ và số lượng thiếu nữ quá thừa thãi. Những người khác là người Việt Nam nhập tịch Mỹ. Rồi lại còn thành phần đào ngũ nữa.

Chẳng ai biết có bao nhiêu người Mỹ bỏ trốn khỏi quân đội ở Nam Việt Nam. Con số điều tra đi đến ước lượng khoảng 300 binh sĩ. Số này sống tại Sài Gòn, dùng mánh lới bỏ vợ bên Mỹ. Nhiều người dính líu đến chuyện buôn ma tuý và là tay buôn lẻ. Nhiều người khác đã xong được hộ chiếu và sống đàng hoàng. Giữa ngày 15 và ngày 28-4, 277 người đến trình diện tại các địa điểm nhận di tản và cho biết họ là công dân Mỹ. Chẳng ai có giấy tờ trong mình, đều là người Âu da trắng, da đen, nói tiếng Anh giọng Mỹ.


Di tản tại ĐSQ Mỹ.

Mệnh lệnh công khai của Ford là đem hết người Mỹ “không cần thiết” ra khỏi Sài Gòn. Chẳng ai giải thích tại sao viên chức Mỹ “không cần thiết” lại có mặt ngay từ đầu làm gì và nhiều đến thế. Nó được ban hành không phải vì sự động tâm muốn cứu vớt sinh mạng mà vì đừng trông mong quốc hội bỏ phiếu viện trợ Sài Gòn trừ phi hầu hết người Mỹ trong vùng chiến trận được mang đi nhanh chóng. Martin chẳng thích chuyện này, nhưng không ngăn cản được. Mọi viên chức cao cấp trong giới chức Mỹ ở Việt Nam sẽ làm việc để thực hiện kế hoạch.

Hai ngày sau khi Phan Rang sụp đổ, Martin vẫn chưa lấy lại được sức khỏe, vẫn còn bị hành hạ bởi bệnh sưng phổi đã mắc phải ở Hoa Kỳ. Trong điều kiện bình thường thì đại sứ đã phải nằm bệnh viện hoặc ít ra cũng nằm tại nhà. Nhưng bây giờ con bài đã ném ra, những quyết định quan trọng xảy ra hằng ngày, hằng giờ nên Martin khăng khăng đòi có mặt ở chỗ làm việc. Martin muốn nắm chặt sứ quán, đích thân ra mọi quyết định, thường là bí mật.

Viên đại sứ miễn cưỡng thi hành lá thư của Tổng thống Ford trong việc đẩy mạnh cuộc di tản người Mỹ ở Nam Việt Nam. Giống như một thuyền trưởng, ông ta ra lệnh cho đàn bà trẻ con đi trước rồi mới chấp nhận giảm bớt nhân viên sứ quán. Về quan hệ của Mỹ với Nam Việt Nam, Martin vẫn tin Thiệu là một tổng thống được dân bầu, mặc dầu không được dân ưa thích. Câu trả lời của Martin là dù thích hay không, Thiệu vẫn là tổng thống, đến tháng 10-1975 là hết hạn, khi ấy cử tri có thể đuổi Thiệu ra khỏi địa vị. Martin quả có nói chuyện với tổng thống này vài ba lần. Trong tuần lễ cuối cùng nắm giữ chức vụ, Thiệu ít kiếm được đồng bào nào của mình để dựa. Viên chức chính trị gia, tướng lĩnh đều đòi uống máu Thiệu. Chỉ Martin là chỗ dựa và lời đe dọa của Martin sẽ cắt toàn bộ viện trợ của Mỹ mới làm các tướng lĩnh Sài Gòn chùn tay đảo chính Thiệu.

Martin gặp Thiệu vào thời điểm Nghi bỏ Phan Rang vĩnh viễn, để tìm cách bơm hơi cho tay tổng thống trong khi xác ông ta chẳng khỏe gì. Viên đại sứ đã nói Hoa Kỳ đặt trọn niềm tin ở Thiệu, vì Thiệu là tổng thống dân cử của Nam Việt Nam. Martin khuyến khích Thiệu đừng từ chức. Martin nói trong hiện tại, Thiệu nên giữ cho vững, Mỹ vẫn cam kết với chính quyền Thiệu về sự tồn tại của “Việt Nam Cộng hoà”. Viện trợ Mỹ sẽ đến Sài Gòn.

Thiệu lại nghĩ khác. Sứ quán Nam Việt Nam ở Mỹ cho Thiệu biết là khó có thêm viện trợ. Trong cuộc nói chuyện với Martin, Thiệu đòi máy bay Mỹ nhảy vào cuộc chiến. Thiệu nói với viên đại sứ rằng không có sự giúp đỡ của Mỹ thì Thiệu từ chức, “gút bai ông Mỹ”.

Cuộc tấn công thăm dò đầu tiên trong trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn xảy ra ngày 18-4. Một toán đặc công cộng sản đã tấn công cứ điểm truyền tin Phú Lâm. Trên một khía cạnh, cộng sản đã mang chiến tranh đến gần Sài Gòn. Khía cạnh khác là các nhà quân sự đều cho rằng đó là cuộc thăm dò phòng thủ, thử phản ứng và di chuyển của quân đội Sài Gòn.

Trực thăng vũ trang ở Tân Sơn Nhất đã phản ứng nhưng Sài Gòn sẽ gặp khó khăn nếu trận đánh lớn xảy ra. Quân đội Sài Gòn chỉ còn 1 lữ đoàn dù, đôi ba tiểu đoàn quân biệt động ở nội thành. Không quân chẳng còn mấy nữa. Các bộ tham mưu cố tái lập một số đơn vị nhưng chẳng tiến triển gì. Các đơn vị khác còn ở tư thế đó để phòng thủ Sài Gòn là: Sư đoàn 5, đóng ngay phía Bắc Sài Gòn, bị xem là tác chiến không hữu hiệu, do nạn tham nhũng và bị làm suy yếu mà đơn vị không sửa chữa nổi. Sư đoàn 25 đóng ở Tây Bắc Sài Gòn còn tệ hơn cả sư đoàn 5. Sư đoàn 9 khá hơn, nằm cách xa Sài Gòn 25 dặm về phía Nam, Bộ tổng tham mưu phá các tiền lệ ranh giới bất khả xâm phạm giữa các quân khu, định cho sư đoàn 9 vượt lên quân khu 3. Một khu vực lớn ở phần phía Bắc đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ ngỏ cho cộng sản. Các đơn vị Việt Cộng đi vào các làng mạc và nắm quyền kiểm soát mà không gặp sự chống đối nào. Cái thòng lọng đặt lên cổ Sài Gòn đang siết chặt dần, chẳng có chỗ nào để Thiệu xoay xở nữa.

Martin trong khi không tuân lệnh đẩy mạnh cuộc di tản thì lại xoay trần ra làm cái mà ông ta coi là nhiệm vụ chính của mình. Đó là việc ngăn chặn sự hoảng loạn rõ ràng là đang lớn lên trong những mảng dân chúng Việt Nam. Quân đội Sài Gòn đã tháo chạy ở tất cả mọi nơi nó gặp thử thách, ngoại trừ Xuân Lộc, nhưng đây cũng đang bị sức ép nặng nề. Ít nhất cũng là 100 nghìn bộ đội cộng sản, 10 sư đoàn bộ binh và lực lượng yểm trợ đang ở trong khoảng cách Sài Gòn một hai ngày đường. Sài Gòn được phòng thủ bởi các đơn vị bộ binh tồi mà hầu hết những người am hiểu đều tin rằng chúng sẽ co rút nhanh chóng sau phút đầu chạm súng.

Thiệu sẽ không từ chức, tay tổng thống này nói thế nhưng trên thực tế thì Thiệu đang suy yếu. Thiệu nói rằng sẽ không có thương lượng. Martin muốn Thiệu ở lại để tìm cách mặc cả. Cộng sản đòi Thiệu cút đi và nói thẳng nếu còn Thiệu thì sẽ tàn phá Sài Gòn. Mỹ lo việc di tản. Phe Việt Nam thân Mỹ thì hoảng loạn, chẳng còn làm được gì. Mọi người Việt Nam đều có khả gây thương tích cho Thiệu và chán Mỹ, muốn “gút bai” người Mỹ. Sự căm ghét của họ đối với Thiệu quá sâu đậm rồi.

Nói cách khác,chiến tranh Việt Nam sắp đến hồi kết thúc.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)