Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Tập Trọng Huân mở đường cho cải cách mở cửa ở Quảng Đông, Trung Quốc

Tập Trọng Huân mở đường cho cải cách mở cửa ở Quảng Đông, Trung Quốc

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Ông Tập Trọng Huân (15-10-1913/24-5-2002), cố Phó thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là phụ thân của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đầu mùa xuân năm 1979, Tập Trọng Huân và Dương Thượng Côn nhận được thông tri của Trung ương, yêu cầu tham dự Hội nghị công tác Trung ương.

Khi ấy, Tập Trọng Huân là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông; Dương Thượng Côn (5-7-1907/14-9-1998) là Chính ủy thứ nhất, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu Quảng Đông.

Tập Trọng Huân cảm thấy bị áp lực chưa từng có. Ông vừa đến được một năm, còn chưa am hiểu tình hình Quảng Đông, song tình thế thúc ép con người, không chỉ sự chuyển biến lớn sau Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba khóa 11 có ý nghĩa vạch thời đại khiến cho tinh thần ông phấn chấn. Hơn nữa tiếng kêu gọi cấp thiết yêu cầu đổi mới của cấp trên và cấp dưới trong toàn tỉnh Quảng Đông, càng khiến ông cảm thấy thời cơ lớn bội phần không thể để mất.

Tập Trọng Huân (1913-2002). Ảnh do Vũ Phong Tạo cung cấp.

Ngày 8-4-1979, lần phát biểu thứ nhất tại Tổ Trung Nam ở Hội nghị công tác Trung ương, Tập Trọng Huân đã chính thức đề xuất quan điểm và thỉnh cầu của Quảng Đông với Trung ương. Ông thay mặt tỉnh ủy nhiệt liệt yêu cầu Trung ương cho Quảng Đông được hưởng chính sách đặc thù trong cải cách mở cửa, xin Trung ương trao quyền hoặc nới quyền, để Quảng Đông đi trước một bước, phóng tay làm, tại khu vực lân cận Hồng Công và vùng ven biển, khoanh ra một số khu vực chuyên môn đối ngoại hợp tác trao đổi và thu hút vốn bên ngoài đầu tư, lợi dụng ưu thế gần với Hồng Công, Ma Cao, giao lưu quốc tế sôi động thuận tiện nhanh chóng, để phát triển nhanh hơn trong “bốn hiện đại hóa”.

Khi báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tập Trọng Huân phân tích ưu thế phát triển đặc biệt độc đáo của Quảng Đông, mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình: “Quyền lực hiện tại của Trung ương quá ư tập trung mà tại địa phương cảm thấy rất khó làm. Không có quyền, làm việc rất khó”.

Chủ trì hội nghị, Hoa Quốc Phong hỏi: “Đồng chí Trọng Huân, rốt cuộc Quảng Đông các anh muốn đòi quyền gì nào?”. Không khí hội nghị bèn căng thẳng lên.

Đến nước này, Tập Trọng Huân nói thẳng: “Tôi thay mặt tỉnh ủy, thỉnh cầu Trung ương cho phép tại Thâm Quyến, Chu Hải giáp ranh với Hồng Công, Ma Cao và thành phố Sán Đầu, khoanh ra một khu vực, xây dựng khu hợp tác mậu dịch”.

Cuối cùng, ông quyết định nói dứt khoát: “Nếu như Quảng Đông là một quốc gia độc lập, có thể chỉ mấy năm sẽ làm xong xuôi, nhưng với thể chế hiện tại, thì không dễ dàng làm được”.

Lời lẽ “kiểu vượt rào” thẳng thắn không biết sợ của ông, khiến cho một số người mà đầu óc khi ấy vẫn chưa chuyển biến, nghe thấy mà phát hoảng.

Tập Trọng Huân té nước theo mưa, tiếp tục nói: “Quảng Đông hy vọng Trung ương cho thể chế và chính sách mới, như vậy Quảng Đông mấy năm sẽ có thể làm được. Quảng Đông là một tỉnh lớn, nhưng quyền cơ động địa phương của tỉnh hiện tại quá nhỏ, quốc gia và các ngành Trung ương thống nhất quản lý chết cứng, không lợi cho kinh tế quốc dân phát triển. Chúng tôi hy vọng, Trung ương trao cho một chút quyền, để Quảng Đông đi trước một bước, phóng tay làm tới. Thực hiện như vậy, có lợi cho địa phương, cũng có lợi cho Trung ương đấy”.

Tập Trọng Huân biết, tuy Đặng Tiểu Bình chưa chủ trì hội nghị, song mọi người đều nhận định ông ấy là bộ óc chủ yếu, là bộ xương sống của cải cách mở cửa, nên ông bèn ra hiệu với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh muốn trưng cầu ý kiến Đặng Tiểu Bình nhân lúc hội nghị giải lao.

Đặng Tiểu Bình lặng lẽ nghe, liên tục hút thuốc, thỉnh thoảng lại nói xen một câu: “Cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đầu tiên phải làm từ khu vực ven biển đông nam. Cải cách mở cửa của vùng ven biển đông nam, phải bắt đầu từ Quảng Đông, Phúc Kiến; Cải cách mở cửa ở Quảng Đông cũng phải nắm chắc một đột phá khẩu, làm công trường thí nghiệm, phóng mạnh tay làm, vạn nhất thất bại, cũng không quan trọng, một địa phương nhỏ như vậy quan hệ không lớn”.

Trong lần nói chuyện ấy, Đặng Tiểu Bình còn nói với Tập Trọng Huân một số câu có ý mở đường: “Biên khu Thiểm Cam Ninh ngày xưa cũng gọi là đặc khu mà, anh chẳng phải là Quyền bí thư của Đặc khu ủy Thiểm Cam Ninh đó sao? Tại Quảng Đông các anh khoanh ra một địa phương, cũng xây dựng một đặc khu! Có thể không?”.

Tiếp theo, Đặng Tiểu Bình nói: “Trung ương không có tiền, các anh tự làm lấy, mở ra một con đường máu mà đi!”.

Từ tháng 1 đến tháng 5-1979, nạn vượt biển trốn ra bên ngoài phát sinh tại tỉnh Quảng Đông theo thống kê chính thức của chính quyền lên đến 119.000 người, vượt qua con số phát sinh trong toàn năm 1962 cao nhất trong lịch sử.

Sau khi nhận được báo cáo, Tập Trọng Huân khẩn trương đến Thâm Quyến, khi ấy cao trào lớn vượt biên đã lắng xuống, song vẫn gặp một số người trốn sang Hồng Công.

Tập Trọng Huân lập tức triệu tập bí thư một số Công xã tọa đàm. Bí thư Công xã nói giữ không nổi, bởi vì tuyến bờ biển dài, đời sống của nhân dân giữa Hồng Công và nội địa quá ư chênh lệch. Một ngày lao động của một nông dân phía Bảo An trên tuyến biên cảnh Thâm Quyến chỉ có khoảng 7 hào, mà thu nhập một ngày lao động của một nông dân Hồng Công là 60 – 70 đô-la Hồng Công, chênh lệch đôi bên đến gấp 100 lần!

Gia đình Tập Trọng Huân (ảnh chụp ngày 15-10-2000).

Ông đi quan sát tuyến biên phòng và cảm thấy: Lập nước đã 30 năm rồi, thực hiện bế quan tỏa cảng, cộng với sự ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, kinh tế ngày càng trì trệ, đời sống quần chúng khó khăn, lại không sửa đổi chủ trương chính sách, cải thiện đời sống nhân dân, vượt biên chạy trốn là không thể ngăn chặn.

Tập Trọng Huân nhận định: Đề phòng nạn trốn chạy vượt biên chỉ là một biện pháp điều trị phần ngọn, điều trị tận gốc vẫn phải dựa vào phát triển sản xuất. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân cải thiện, quần chúng nhìn thấy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, biên cảnh sẽ ổn định, người ta mới không còn chạy trốn ra ngoài.

Đối mặt với tình thế nghiêm trọng, Tập Trọng Huân đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Trốn chạy ra ngoài” cho huyện ủy, ông chỉ rõ: “Thâm Quyến là vùng tiền duyên của mặt trận chống người trốn ra ngoài, các anh nhất định phải đồng tâm hiệp lực, tăng cường phòng tuyến hơn nữa, đề phòng nhiều người trốn ra ngoài. Trốn ra ngoài tổn thương quốc thể, ảnh hưởng quốc tế không tốt, hơn nữa trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.

Sóng gió trốn ra ngoài cuối cùng đã được chặn đứng. Thông qua chiến dịch này, Tập Trọng Huân càng thêm kiên định quyết tâm đẩy nhanh tốc độ xây dựng đặc khu, phát triển toàn diện lực lượng sản xuất của Quảng Đông, cải thiện đời sống nhân dân, đây mới là chính sách điều trị tận gốc.

Ông lại tổ chức thêm một chuyến đặc biệt đến thăm Thâm Quyến, tìm hiểu thấy cán bộ địa phương vẫn còn lo ngại “đất bay theo” những người dân đã vượt biên sang canh tác ở phía Hồng Công. Ông bèn nói với cán bộ huyện Bảo An và thị trấn Sán Đầu về vấn đề cho các nhà tư bản Hồng Công vào đầu tư thiết bị khai thác cát xuất khẩu, thu nhập chia đôi; Vấn đề thu hút vốn bên ngoài làm công nghiệp gia công; Vấn đề khôi phục mậu dịch nhỏ vùng biên… “Tiến hành làm sẽ có lợi cho phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập của quần chúng, bảo đảm dân sinh, tại sao lại không dám làm chứ?”.

Ông ủng hộ và khuyến khích các đồng chí Bảo An: “Chỉ cần có thể phát triển sản xuất là làm, không nên trước tiên xem họ theo chủ nghĩa gì. Họ là chủ nghĩa tư bản, song có phương pháp tốt là chúng ta phải học tập”.

Nhằm đẩy nhanh tốc độ sáng lập đặc khu, Tập Trọng Huân đã “mở ra một con đường máu”, lao tâm khổ tứ, bạc trắng cả đầu, tạo dựng uy tín rất cao tại Quảng Đông và trong cả nước.

Một năm sau, ông lại tiến vào bộ máy lãnh đạo Trung ương, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Vũ Phong Tạo trích dịch (Theo sách “Vận mệnh quốc gia – Nam Phương ký sự”, của Lã Lôi và Triệu Hồng, NXB Văn học nhân dân Trung Quốc ấn hành).
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử