Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Bài 2: Những tượng đài kỳ vĩ

Bài 2: Những tượng đài kỳ vĩ

Tháng Tư 30, 2013

Hùng ca đời đời vang vọng

Xin cảm ơn những người nghệ sĩ đã cho chúng tôi, những thanh niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình được cảm nhận những giây phút hào hùng cả nước ra trận, cả nước nhìn về một hướng.

Tôi như bị ám ảnh bởi những câu thơ Chân trời/ Vực thẳm/ Ba lô sấp mặt/ Gió lặng hành quân/ Xơ tước cánh rừng/ Dốc người dựng ngược” (Trường ca Ngày đang mở sáng-Trần Anh Thái). Quả tình, tôi đã bắt gặp khung cảnh đó trong những câu chuyện mà đêm đêm cha tôi – nghệ sĩ Lê Duy Ứng vẫn rì rầm kể về một thời chiến trận. Cảm nhận thật của ông về chiến tranh là đói, rét, mệt lả, sợ hãi, đêm tối mịt mùng, cái chết cận kề… Giữa đêm tôi giật mình đạp chân. Cha hỏi, tôi đáp rằng mơ bước hụt một nấc thang mây.

Nụ cười Thành cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính

Rồi cha tôi kể, ông đã vượt Trường Sơn bằng hình ảnh của những ánh sáng lung linh trong bài Đêm trên Cha Lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Sau chiến trận, cha tôi đã là thương binh, ánh sáng trong mắt đã mất. Một lần cha tôi được gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông kể với nhạc sĩ: “Ngoài những chớp lửa của đạn pháo trong mắt tôi vẫn còn ánh sáng lung linh trong đêm Cha Lo”. Nhạc sĩ xúc động tặng cha tôi tập sách in nhạc, trong đó có bài Đêm trên Cha Lo.

Tôi nhiều lần được nghe nhạc sĩ Phạm Tuyên kể về hoàn cảnh sáng tác bài Đêm trên Cha Lo. Tôi biết ông đã viết bài hát đó bằng tình cảm rất thật. Chỉ có những người dám đội bom, vượt dốc, băng qua đêm đen giá buốt giữa mịt mùng núi rừng Trường Sơn mới cảm nhận được hơi ấm từ một đốm lửa nhỏ, mới thấy rạng rỡ lung linh ánh sao đêm, ánh sáng từ nụ cười của những em bé Vân Kiều. Tôi bỗng thấy Cha Lo thật gần gũi.

Tôi gặp anh hùng Lê Mã Lương, hỏi vui: “Nhiều người vẫn bảo vì chú mà họ lên đường ra trận đấy”. Anh hùng cười giản dị: “Vẫn có người trách yêu như vậy. Họ nói vì mình mà họ gắn với cuộc đời binh nghiệp. Có người lên cấp tướng, có người thì trở thành thương binh. Nhưng họ đều công nhận rằng đã làm đúng”. Cũng không ít người đã ngã xuống, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ!

Hình tượng nghệ thuật lấy cảm hứng từ anh hùng Lê Mã Lương đã được các môn nghệ thuật như sân khấu, hội họa, văn chương, điện ảnh khai thác rất nhiều trong thời chiến. Câu nói bất hủ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” thời ấy đã thôi thúc hàng vạn thanh niên xếp bút nghiên lên đường ra trận. Mới đây thôi, ngài đại sứ Hy Lạp Ha-di-mi-cha-lít khi được nhận món quà là bức tranh cổ động có hình ảnh anh hùng Lê Mã Lương đã bày tỏ sự xúc động đặc biệt khi được gặp nguyên mẫu trong tranh. Ông nói đây là cuộc hội ngộ thật mà ngỡ trong mơ.

Họa sĩ Dương Ánh là người đã vẽ bức tranh cổ động có hình ảnh anh hùng Lê Mã Lương. Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1971. Lần đó anh hùng Lê Mã Lương cùng đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra báo cáo tại Hà Nội. Ông kể: “Lúc đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi rất hồi hộp. Rồi từ hồi hộp chuyển qua xúc động vì có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ nổi tiếng đã ngồi chờ sẵn. Ngày còn đi học mình chỉ biết các nhà văn, nhà thơ qua các bài học trên trong sách. Đâu biết rằng sẽ có ngày được ngồi gần họ đến vậy”. Trong lúc Lê Mã Lương kể lại chuyện chiến trường cho các nhà văn, nhà thơ… thì họa sĩ Dương Ánh đã ký họa rất nhiều.

Bẵng đi sau đó chừng hai tháng, anh hùng Lê Mã Lương lần đầu tiên được thấy hình ảnh của mình trên bức tranh cổ động “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” trong một hoàn cảnh rất bất ngờ. Đó là lần máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, khi khói bom tan hết, nhìn sang bên đường vẫn thấy bức tranh đứng vững mà không bị hơi bom hất đổ, ông lặng người đi xúc động, lòng muốn về ngay đơn vị để được chiến đấu với quân thù.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Sĩ Bình kể: “Năm 1971, Đoàn TNCS có phong trào học tập những tấm gương như Lê Mã Lương, Lê Thị Hồng Gấm… Chính họ đã cuốn chúng tôi ra mặt trận. Trên chiến trường, hình ảnh họ giúp chúng tôi có thêm nghị lực, giữ niềm tin chiến thắng”.

Tôi đã gặp những cựu chiến binh Thành cổ, và cả những con người chiến thắng trong ngày 30-4-1975, họ đã lạc quan tin tưởng ngày chiến thắng và rồi niềm tin đó đã thành hiện thực.

Tôi lại nhớ đến những nhân vật trữ tình trong văn học giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đã được học trong trường phổ thông, như: Núp (Đất nước đứng lên – Nguyên Ngọc), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng – Nguyễn Minh Châu), T’nú (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành)… Họ là hiện thân cho một lối sống đầy trách nhiệm với đất nước. Họ có chung một niềm tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tâm hồn họ trong lành, yêu ghét rõ ràng, thủy chung son sắt. Tôi và bao thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình được hòa mình trong lý tưởng sống cao đẹp.

Cảm ơn những nghệ sĩ – chiến sĩ đã lao động nghệ thuật hết mình, đã cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam một giai đoạn văn chương chói ngời, hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trở thành lý tưởng, là đích đến cho lớp lớp thanh niên, đó cũng là những tượng đài nghệ thuật kỳ vĩ của dân tộc ta trong thế kỷ hai mươi, muôn đời không khuất lấp.

LÊ ĐÔNG HÀ
qdnd.vn

Bài 1: Chiến trường vẫy gọi

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam