Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Hậu phương vững chắc – một trong những yếu tố quyết định thắng lợi

Hậu phương vững chắc – một trong những yếu tố quyết định thắng lợi

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại

Cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra trong bối cảnh đất nước tạm thời chia làm hai miền, mỗi miền có một chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc cơ bản đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, miền Nam còn bị đặt dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, đòi hỏi Đảng phải có chủ trương đúng đắn đưa cách mạng từng bước phát triển. Từ thực tế đó, nhận thức sâu sắc và vận dụng trung thành, sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của hậu phương trong chiến tranh, cũng như mối quan hệ giữa hai giai đoạn cách mạng vô sản, Đảng ta quyết định tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương chiến lược, căn cứ địa cách mạng – chỗ dựa vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ là một trong những nhân tố quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đề cập đến mối quan hệ giữa cách mạng hai miền, đồng chí Lê Duẩn khái quát: “Nếu không xây dựng CNXH ở miền Bắc thì không thể đánh thắng Mỹ ở miềnNam. Ngược lại, nếu không đánh Mỹ ở miền Nam thì cũng không thể xây dựng được CNXH ở miền Bắc”. Trong suốt cuộc kháng chiến, nhân dân ta vừa đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh với Mỹ, ngụy ở miền Nam, vừa từng bước xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đảng đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng củng cố hậu phương căn cứ địa cách mạng, tạo chỗ dựa vững chắc, tạo nguồn sức mạnh to lớn, cung cấp kịp thời sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, nhận thức rõ vai trò của miền Bắc trong đấu tranh thống nhất đất nước, Đảng ta quyết định đưa miền Bắc đi lên xây dựng CNXH. Đây là chủ trương đúng đắn, là cơ sở quan trọng đầu tiên cho xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12 năm 1965) khẳng định thành tựu của hơn 10 năm khắc phục hậu quả của chiến tranh, cải tạo XHCN và xây dựng CNXH: “Miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, với một chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh”. Những thắng lợi trong xây dựng CNXH ở miền Bắc là cơ sở vững chắc cho Đảng củng cố, giữ vững quyết tâm chống Mỹ, cứu nước.

Nhận thấy vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ xác định đánh phá hậu phương miền Bắc là mục tiêu chiến lược có ý nghĩa quyết định nhằm phá hoại tận gốc tiềm lực mọi mặt của ta, làm cho ta không còn khả năng chiến đấu. Với âm mưu thâm độc đó, Mỹ đã buộc quân và dân miền Bắc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt chưa từng có của không quân, hải quân Mỹ. Đế quốc Mỹ sử dụng số lượng lớn máy bay và bom đạn hòng đánh hủy diệt miền Bắc, đẩy miền Bắc “trở lại thời kỳ đồ đá”. Tuy Mỹ không đạt được ý định chiến lược, nhưng miền Bắc nước ta đã bị tàn phá nặng nề. Mặc dù chiến tranh ác liệt, miền Bắc vẫn tiếp tục xây dựng CNXH, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam. Miền Bắc vừa là hậu phương của miền Nam, vừa là căn cứ địa cách mạng của cả nước… Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, đánh giá về vai trò của hậu phương miền Bắc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12 năm 1976) khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có miền Bắc XHCN, suốt 16 năm qua luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965 trở đi, miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước xứng đáng là pháo đài vô địch của CNXH”.

Ở miền Nam, Đảng ta chỉ đạo xây dựng chiến khu trong các vùng tự do và chủ trương mở rộng các vùng giải phóng mà hạt nhân là các căn cứ địa được xây dựng từ trong kháng chiến chống Pháp. Đến cuối cuộc kháng chiến, vùng giải phóng từng bước được mở rộng, nối liền các căn cứ địa từ Trị – Thiên đến Liên khu V, từ Tây Nguyên tới Đông Nam Bộ vây quanh Sài Gòn, nối liền với Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành hậu phương chiến lược tại chỗ vững chắc ở miền Nam, tiêu biểu là Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương tại chỗ ở miền Nam được Đảng chỉ đạo xây dựng phát triển rất phong phú. Hậu phương tại chỗ không chỉ là vùng giải phóng và các căn cứ vững chắc mà còn bao gồm cả các “căn cứ lõm”, các cơ sở nằm sâu trong vùng địch kiểm soát. Tuy nhiên, trong chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, thành công lớn nhất của Đảng ta là đã xây dựng được “thế trận trong lòng dân”, “căn cứ trong lòng dân”.

Ngoài những căn cứ được xây dựng ở trong nước, Đảng ta còn phối hợp với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia xây dựng căn cứ địa, mở rộng vùng giải phóng dựa lưng vào nhau tạo thành hậu phương chiến lược tại chỗ trên chiến trường miền Nam. Đây là một nhân tố quan trọng góp phần quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chỉ đạo xây dựng hậu phương căn cứ địa cách mạng vững chắc, tạo điều kiện để duy trì, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị đưa cuộc kháng chiến đến giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Đảng lãnh đạo xây dựng hậu phương căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc. Trong tình hình mới, để sẵn sàng ứng phó thắng lợi với các tình huống chiến lược, nhất là tình huống chiến tranh, ngay từ thời bình Đảng và nhân dân ta có nhiều việc phải làm. Đặc biệt Đảng cần có chủ trương, biện pháp đúng đắn chỉ đạo xây dựng các căn cứ hậu phương, nhất là “hậu phương lòng dân”, “thế trận lòng dân” tạo chỗ dựa vững chắc cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) giành thắng lợi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam