Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Huỳnh Thúc Kháng với Viện Dân biểu Trung Kỳ

Huỳnh Thúc Kháng với Viện Dân biểu Trung Kỳ

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp, bắt đầu từ Toàn quyền Đông Dương An-be Xa-rô (nhiệm kỳ hai), cho thực thi chính sách Pháp – Việt đề huề, Pháp-Nam hợp tác để tạo môi trường thuận lợi hút vốn khai thác Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng hết lời ca ngợi, quảng bá và cổ vũ cho chính sách này. Sinh hoạt chính trị và văn hóa trên đất nước, đặc biệt ở Trung Kỳ mà trước hết tại Huế có những thay đổi lớn. Ngoài hai cơ quan quyền lực có từ trước là Khâm sứ và Nam triều, thực dân Pháp cho lập thêm một cơ quan mới gọi là Viện Dân biểu Trung Kỳ như một thứ trang trí cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề của họ.

Dù không hy vọng nhiều vào cơ quan dân biểu này của thực dân Pháp, nhưng những người đã từng trăn trở với vận mệnh đất nước coi đó như là một diễn đàn công khai có thể bảo vệ lợi ích của nhân dân, chí ít, cũng vạch trần sự lừa bịp của chúng trước dư luận. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chính trị phạm bị giam tại Nhà tù Côn Đảo, được trả tự do năm 1921, ra ứng cử tại đơn vị bầu cử Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam, được cử tri quý mến, nên trúng cử với số phiếu rất cao (640/700 phiếu). Trong Diễn văn đọc tại buổi tiệc trà ở Tam Kỳ ngày 10-7-1926 sau khi trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã bày tỏ: “Năm 1920, đặt ra cuộc tư vấn, năm ngoái tuyên bố hiệp ước mới, năm nay lại đổi tư vấn ra làm nhân dân đại biểu, mới mẻ thay giữa đất Trung Kỳ mà nay có bốn chữ nhân dân đại biểu xuất hiện, nay chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy bốn chữ danh nghĩa đường đường quang minh chính đại, thì đã sinh lòng tin cậy” (viết đậm trong nguyên văn – PX). Ở một chỗ khác trong diễn văn đó, cụ Huỳnh xác định trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân Trung Kỳ: “Cái gánh nặng anh em giao cho tôi đã chất nặng lên vai tôi rồi, chưa biết có theo được như lòng tôi không? Nhà nước có chừa cho tôi chỗ cụ cựa, đặng khỏi mất cái lòng tín nhiệm của anh em không? Tôi chưa dám nói trước…”. Rồi cụ cảnh báo: “Họa may cái chính thể này nêu một bài thuốc hay, bắt đầu chữa bệnh cho nòi giống mình, đừng để thành ra bánh vẽ, mà làm cho nhà nước bảo hộ mang tiếng”.

Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (mặc áo đen, đeo kính) đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tháng 7-1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ngày 7-8 năm đó, Viện Dân biểu Trung Kỳ họp phiên đầu tiên. Trong bầu không khí chính trị buổi ban đầu đó, cụ Huỳnh và những nghị viên cùng chí hướng tạo thành một phái chủ đạo, sau thành phái đối lập, đã nêu ra những kiến nghị sửa đổi Chương trình và Thể lệ của viện, về sửa luật và thông dụng chữ quốc ngữ, về thuế muối, thuế rượu và tinh giảm gạch võ. Nhưng cũng từ phiên họp đầu tiên đó, cụ Huỳnh đã sớm nhận ra trò “bánh vẽ phỉnh trẻ con” của viện. Sau hơn một năm thành lập, Viện Dân biểu chỉ là một cái tên suông, không có nhà cho Ban Trị sự đặt Văn phòng làm việc. Những sự kiện trên được phản ánh trên báo chí xuất bản ở trong nước, sau đó gửi sang Pháp. Những tờ báo đó đến được Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đọc và bình luận trong một bài viết có tựa đề “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương”, đăng trên tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, trong đó có một đoạn như sau:

“Tất cả những “vị dân biểu” này chỉ có tiếng nói tư vấn thôi. Các vị dân biểu Trung Kỳ thì mỗi năm họp một lần và lúc nào họp là do Khâm sứ quyết định. Thậm chí họ không có lấy một phòng họp hay một phòng để làm việc. Mỗi một kỳ họp đều do một viên công chức người Pháp chủ tọa…”.

Rồi đi tới nhận định: “Viện “ Đuma” An Nam (không phải do đầu phiếu phổ thông, mà chỉ do những kỳ mục, địa chủ và thương gia bầu ra) không thể xoa dịu được người An Nam, mà còn đưa lại cho họ cơ hội để tỏ rõ tinh thần phản kháng của mình”(1).

Theo Thể lệ, nhiệm kỳ của Viện Dân biểu Trung Kỳ là 3 năm, mỗi năm họp một phiên thường kỳ và cũng có thể có những phiên bất thường do Khâm sứ và Viện trưởng triệu tập. Phiên họp đầu tiên năm 1926 đã xuất hiện những bất đồng. Đến phiên họp thường niên năm 1927, Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng đầu là Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục gửi thỉnh cầu lên Tòa Khâm nhắc lại những yêu cầu trong kỳ họp trước chưa được giải quyết và đề đạt những yêu cầu mới. Tất cả đều bị bác bởi những suy nghĩ thiển cận, thô bạo mang tính thực dân rằng, Nghị viện chưa chịu hợp tác với chính phủ và rằng, người Việt Nam chưa đủ trình độ tham dự vào các hội đồng… Những mâu thuẫn đó tích tụ lại theo năm tháng và bùng nổ tại phiên họp thường niên năm 1928, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ đầu. Báo Tiếng Dân đã dự phần vào sự bùng nổ đó. Chúng ta đều biết, Tiếng Dân ra số đầu vào ngày 10-8-1927, đúng vào dịp Viện Dân biểu Trung Kỳ họp phiên thường niên thứ hai và ngay lập tức định hướng dư luận trong sinh hoạt chính trị của nhân dân Huế và Trung Kỳ bằng những tin, bài phản ánh cuộc đấu tranh vì nền dân chủ đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong Viện Dân biểu.

Thời gian trôi dần về kỳ họp thường niên cuối cùng năm 1928 của nhiệm kỳ I. Nhân đó, Tiếng Dân đăng một loạt bài dạo đầu trước công luận, trong đó có ba bài đáng lưu ý: Cùng các ông đại biểu, ký tên: Trung ngôn – Một người dân Trung Kỳ, số ra ngày 15-8-1928; Gửi cho mấy ông đại biểu, thơ của Tha Sơn Thạch, bút danh của Đào Duy Anh, số ra ngày 18-8-1928 và Mấy lời ngỏ cùng chánh phủ bảo hộ, ký tên: Một bọn dân Trung Kỳ, số ra ngày 29-9-1928.

Trong bài thơ của mình, Tha Sơn Thạch đã gửi gắm:

Sân khấu đã ra tranh một ghế/ Vai tuồng cũng phải hát đôi câu/ Cơ quan hợp tác chừng ta thế! Chánh thể văn minh thực ra đâu? Biết chăng tấm lòng dân ước mỏi/ Đã qua năm trước ngóng năm sau”.

Hoặc trong bài đăng trên Tiếng Dân số 117, ngày 29-9-1928, trước khi khai mạc Hội nghị thường niên năm 1928 mấy ngày, tác giả đã bộc lộ sự phản ứng: “Đã bị thất vọng kỳ bầu cử 1926 thì không lẽ cứ nhắm mắt bịt tai để hy vọng cho cuộc bầu cử 1929 nữa. Nằm im không đành lòng mà bước tới thời đã hết nhiệt huyết, cái thảm tình chúng tôi thật nhiều nỗi bối rối. Đứng địa vị quốc dân trong thời hợp tác, không phải chỉ theo chánh phủ mà tán tụng, mà cũng nên xem chánh phủ như người bạn để thở ngắn than dài”.

Sóng gió bắt đầu nổi lên từ việc Khâm sứ Trung Kỳ tự ý thay đổi ba lần ngày họp và càng mạnh lên trong ngày khai mạc 1-10-1928, Khâm sứ thay đổi trình tự phát biểu. Nếu như các kỳ họp trước, Khâm sứ đọc diễn văn khai mạc như chỉ đạo cho hội nghị bàn thảo, thì lần này, Khâm sứ quyết định Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn trước, rồi mới đến Khâm sứ như là sự phủ định diễn văn của Viện trưởng.

Trong Diễn văn, cụ Huỳnh bày tỏ một tâm trạng: “Chúng tôi đã từng nghe những câu trong dân gian phê bình Viện chúng tôi: “Tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới”(in đậm trong nguyên văn – PX). Chúng tôi ở vào địa vị dở dang bỡ ngỡ này, đối với chính phủ đã không làm được gì và đối với nhân dân cũng không thể cầm hai chữ đại biểu suông mà đáp lại cái lòng mong mỏi của họ, đêm nằm tự nghĩ cứ thẹn lại buồn…”(2).

Tiếp đó, Quyền Khâm sứ Giabui đăng đàn công kích Huỳnh Thúc Kháng thuộc “đám người không toại chí”, “nóng nảy” và thái độ Viện “cũng tiêm nhiễm cái ảnh hưởng ấy nên chỉ đối với chính phủ Nam triều hay là chính phủ bảo hộ, Viện này ra mặt phản kháng, khi nào cũng công kích, khi nào cũng hoài nghi cái ý tưởng hay của bảo hộ cho đến nỗi quên hẳn cái phạm vi chức vụ theo thể lệ đã đặt cái Viện này ra…”(3).

Mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa ấy cuối cùng đã dẫn tới đỉnh điểm: Chiều ngày 2-10-1928, Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức nghị viện và nghị trưởng và 8 giờ sáng ngày hôm sau, cụ Lê Văn Huân, Hoàng Đức Trạch, Lương Quý Di cũng đưa đơn từ chức nghị viện.

Sự đối kháng dẫn tới sự tẩy chay và bất hợp tác của phái đối lập trong Viện Dân biểu Trung Kỳ đã chứng minh cho tính chất “vật trang trí” hay “cái bánh vẽ” của nó mà cụ Huỳnh đã mường tượng từ khi có chủ trương lập viện của thực dân Pháp. Dẫu vậy, điều thú vị là, qua Báo Tiếng Dân, cuộc đấu tranh của phái đối lập trong Viện Dân biểu Trung Kỳ được nhân dân Huế, Trung Kỳ và cả nước biết tới và dành nhiều thiện cảm và lòng quý mến cho cụ Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng, người đứng mũi chịu sào. Điều đó, ta có thể đi tới một kết luận không gượng ép rằng, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người khởi động tiến trình dân chủ hóa ở xứ bảo hộ gián tiếp Trung Kỳ và góp một phần lớn vào tiến trình lịch sử tư tưởng nước ta. Và cũng từ chính cụ Huỳnh khơi mào “văn hóa từ chức” và tiếp đó, một người đồng hương của cụ, ông Phan Thanh, tiếp nối ở Hà Nội, Bắc Kỳ khi cảm thấy không thể làm được những việc theo kỳ vọng và lòng tin cậy của nhân dân. Ở một nước thuộc địa như chúng ta không thể có kiểu “hợp tác giữa con trâu và người đi cày” như nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn An Ninh đã từng thốt lên.

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập. Xuất bản lần thứ ba, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011.

(2). Tiếng Dân, số 119, ngày 6-10-1928.

(3). Tiếng Dân, số 120, ngày 10-10-1928.

PGS.TS Phạm Xanh
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử