Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Chuẩn bị nhanh, cơ động gấp, không để mất thời cơ

Chuẩn bị nhanh, cơ động gấp, không để mất thời cơ

Tháng Tư 30, 2013

Trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Ân ngay tại nhà ông trên phố Âu Cơ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) – người trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304 đánh trận đầu tiên mở cửa trên hướng Đông của Chiến dịch lịch sử mang tên Bác. Ông cũng là người cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn chỉ huy lực lượng thọc sâu gồm Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và Trung đoàn xe tăng H03, tiến thẳng vào sào huyệt của địch tại dinh Độc Lập, bắt sống Dương Văn Minh – Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn cùng toàn bộ nội các.

Ở tuổi 84, mái tóc của vị tướng già đã bạc trắng, nhưng trí nhớ vẫn minh mẫn lạ thường. Trong không khí thân tình, ấm cúng mà sôi nổi, mắt vị tướng già rực sáng khi gợi lại trận mở màn đầu tiên của chiến dịch năm xưa. Giọng ông quả quyết: Việc chọn đánh căn cứ Nước Trong và Trường Huấn luyện bộ binh trên hướng Đông của Chiến dịch khi đó đã thể hiện sự sáng suốt, tài thao lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Bởi đánh căn cứ Nước Trong và Trường Huấn luyện bộ binh trước 3 ngày (tức ngày 26-4-1975) là nhằm mục đích thu hút địch ra vòng ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng trên hướng chủ yếu của chiến dịch tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sáng 23-4-1975, Bộ tư lệnh Quân đoàn triệu tập các sư đoàn trưởng và chính ủy lên ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, tỉnh Long Khánh phổ biến nhiệm vụ tác chiến. Sư đoàn 304 của tôi có nhiệm vụ cùng các đơn vị cánh Đông nổ súng tiến công quân địch vào ngày 26-4-1975, trước Chiến dịch mang tên Bác 3 ngày (tức là ngày 26-4-1975). Thời gian chỉ có 3 ngày chuẩn bị trong khi đơn vị lại vừa từ Bắc vào, trong tay Sư đoàn trưởng chỉ có một  tấm bản đồ 1/1.000, không ai biết căn cứ Nước Trong nằm ở đâu trên thực địa. Chỉ biết căn cứ Nước Trong trên bản đồ, dọc trục đường 15, từ ngã ba tổng kho Long Bình đến ngã ba Long Thành. Trên trục đường từ Quân đoàn về đến đồn điền Ông Quế – nơi tập kết của sư đoàn, lòng tôi rối bời bởi chiến trường quá mới, thời gian nổ súng lại quá gấp, người dẫn đường cũng không có như trong hiệp đồng…. Nó không hề giống các chiến dịch trước đây, ít nhiều anh em cũng đã quen thuộc địa hình và thời gian làm công tác chuẩn bị không quá gấp gáp. Nhưng dù gấp cũng phải đánh, bởi nếu không đánh được thì sẽ mất thời cơ, không mở được cánh cửa phía Đông sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chiến dịch… Chính sự câu thúc về thời gian và những khó khăn về điều kiện tác chiến đã khiến cho công tác chỉ huy và chỉ đạo tiến công của lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 304 chúng tôi có nhiều bước sáng tạo.

Kể đến đây, mắt vị tướng già bỗng ánh lên sáng quắc. Ông cười, uống một hớp nước rồi tiếp tục: “Thực ra khi ấy chúng mình phải vận dụng kiến thức học trong trường và kinh nghiệm chiến đấu của cha ông. Trong nguyên tắc đã xác định: “Khi có điều kiện thì tổ chức chiến đấu làm thứ tự theo từng bước”. Nhưng khi điều kiện không cho phép thì phải “giắt quân thắt lưng” mang theo. Cùng một lúc phải làm nhiều việc, vừa đi trinh sát, vừa giao nhiệm vụ trực tiếp cho đơn vị luôn… Khi tôi và đồng chí Trần Bình, Chính ủy sư đoàn, đang triệu tập họp Đảng ủy vào hồi 20 giờ ngày 23-4-1975 để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn thì may mắn đã đến với đơn vị. Trong quá trình Quân đoàn 4 đánh vào Xuân Lộc, địch hoảng loạn rút chạy xuống Vũng Tàu qua đồn Ông Quế – nơi đơn vị chúng tôi đang tập kết. Các chiến sĩ trinh sát của đơn vị đã bắt được một tên tù binh. Qua khai thác tên này, chúng tôi đã có khá nhiều thông tin về căn cứ Nước Trong liền kết hợp với tổ chức trinh sát để có thể nổ súng đánh chiếm căn cứ Nước Trong kịp thời, theo đúng kế hoạch tác chiến của trên. Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 cùng với xe tăng sau hơn một giờ đồng hồ đã tiêu diệt, làm chủ căn cứ Nước Trong và Trường Huấn luyện bộ binh của địch (riêng Trung đoàn 66 và Trung đoàn xe tăng 203 làm nhiệm vụ đột kích thọc sâu đánh thẳng vào Dinh Độc Lập). Việc tiến đánh căn cứ Nước Trong trước 3 ngày đã khiến địch rơi vào đúng “bẫy” của ta. Chúng vội vàng điều ngay 2 thiết đoàn ra phản kích và đó là điều kiện để các lực lượng khác của ta đánh vào Sài Gòn và Dinh Độc Lập được thuận lợi…”.

Từ bài học về công tác chuẩn bị chiến đấu trong thời gian gấp gáp để không bị mất thời cơ, không ảnh hưởng đến kế hoạch chiến dịch đã vạch ra, Trung tướng Nguyễn Ân cho rằng: Phương pháp chuẩn bị chiến đấu theo kiểu “vừa cơ động vừa chuẩn bị”, “cùng một lúc làm nhiều việc”… cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của trận đánh. Trong chiến đấu có rất nhiều tình huống nảy sinh, đột biến không theo quy luật mà người chỉ huy phải xử trí. Nếu không nắm vững nguyên tắc, không tích lũy kinh nghiệm chiến đấu của cha ông, không biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể… thì sẽ khó mà đánh thắng được quân địch đông hơn ta, có trang bị vũ khí hiện đại hơn ta… Yếu tố linh hoạt, sáng tạo, vận dụng hiệu quả nguyên tắc, không để mất thời cơ tiến công địch vẫn rất ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, chỉ huy và người chiến sĩ trong chiến tranh công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để hội tụ được các yếu tố trên thì trong công tác huấn luyện thường ngày ở từng đơn vị phải thật sự được các cấp lãnh đạo, chỉ huy chú trọng. Nếu người lính trên chiến trường không giỏi bắn súng; không mưu trí diệt được nhiều địch, tiết kiệm được đạn dược; không biết làm công sự để hạn chế những ảnh hưởng của vũ khí đối phương thì sẽ khó có thể chiến thắng địch. Vì thế, theo Trung tướng Nguyễn Ân, người chiến sĩ hiện nay cần phải được huấn luyện thật sự bài bản, kỹ lưỡng để họ không chỉ giỏi về sử dụng vũ khí trang bị mà phải giỏi cả về chiến thuật đánh địch. Còn đối với người chỉ huy thì phải thật tinh thông binh pháp, giỏi không chỉ về kiến thức chuyên môn và còn phải giỏi về các kiến thức quân sự, biết lợi dụng yếu tố địa hình thời tiết; nắm vững nguyên tắc trong chiến đấu nhưng lại phải biết vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của cha ông. Trong binh pháp đã từng nói: “Bình rèn binh mã, loạn đọc binh thư”. Nếu làm được đúng theo nguyên tắc ấy, chắc chắn trong chiến đấu chúng ta sẽ chiến thắng.

Gia Minh – Thanh Tuấn
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam